Phật Thuyết Kinh Tam Muội Ngồi Thiền - Phần Năm - Pháp Môn Trị ðẳng Phần - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TAM MUỘI NGỒI THIỀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẦN NĂM

PHÁP MÔN TRỊ ÐẲNG PHẦN  

TẬP BỐN  

Bấy giờ, Bồ Tát phát tâm đại bi: Ta sẽ làm Phật đem pháp chân chánh giáo hóa chúng sanh kia, làm cho họ thấy đạo chân chánh.

Hỏi: Như trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật của đại thừa nói: Các pháp không sanh không diệt, rỗng không, không sở hữu, một tướng không tướng, gọi là chánh kiến.

Thế nào nói là quán vô thường v.v… gọi là chánh kiến?

Ðáp: Nếu trong đại thừa nói các pháp không, vô tướng, thì vì sao nói vô thường, khổ, không v.v… là không thật?

Nếu nói không sanh, không diệt, rỗng không đó là thật tướng thì không nên nói vô tướng. Ông nói trước sau chẳng hợp nhau.

Lại nữa, Phật nói bốn điên đảo, ở trong vô thường thì thường điên đảo, cũng có đạo lý: Tất cả hữu vi vô thường.

Vì sao?

Vì nhân duyên sanh vậy.

Nhân vô thường, duyên vô thường sanh ra quả thì làm sao thường được?

Trước không mà nay có, có rồi liền không, tất cả chúng sanh đều thấy vô thường. 

Bên trong thì già bệnh chết, bên ngoài thấy vạn vật điêu tàn thì tại sao nói vô thường là không thật?

Hỏi: Tôi không nói hữu thường là thật, vô thường là không thật, mà tôi nói hữu thường vô thường đều không thật. Vì Phật nói trong không thì hữu thường, vô thường hai việc không thể nắm bắt được.

Nếu chấp trước hai việc này thì đều là điên đảo?

Ðáp: Ông nói không hợp với pháp.

Vì sao?

Vì nói không pháp thì tại sao nói cả hai đều điên đảo. Tất cả là không, không sở hữu, đó mới thật là không điên đảo. Nếu ta đã phá hữu thường thì chấp vô thường. Ngã và pháp cần phải phá vì không có thật ngã. Phá sự điên đảo của hữu thường thì nên quán vô thường.

Vì sao?

Vì sức của vô thường hay phá hữu thường. Như độc hay phá độc. Như thuốc trừ bệnh, bệnh hết, thuốc cũng bỏ. Nên biết, thuốc hay thì hay trừ bệnh. Nếu không bỏ thuốc thì thuốc là bệnh. Ðây cũng như vậy, nếu chấp trước pháp vô thường thì nên phá vì là không thật.

Ta không nhận pháp vô thường thì tại sao phải phá?

Phật nói: Khổ trong bốn chân đế này là khổ thật, ai có thể khiến cho vui được?

Nhân khổ là nhân thật, ai có thể làm cho chẳng phải nhân?

Tận khổ là tận thật, ai có thể làm cho không tận?

Ðạo tận là đạo thật, ai có thể khiến cho chẳng phải đạo?

Như mặt trời, hoặc có thể làm cho lạnh đi, mặt trăng có thể làm cho nóng lên, gió có thể làm cho bất động nhưng bốn chân đế này thì không bao giờ có thể lay chuyển được.

Ông đối với đại thừa không thể hiểu được mà chỉ chấp trước tiếng nói. Trong đại thừa, tướng thật của các pháp, tướng thật ấy không thể phá, không có tác giả. Nếu có thể phá, có thể tạo thì đây chẳng phải đại thừa.

Như trăng non một hai ngày đầu, khi nó mới xuất hiện thì rất là mờ vi tế. Người có mắt sáng mới có thể thấy, lấy tay chỉ cho người không thấy. Người không thấy này chỉ thấy ngón tay mà không thấy mặt trăng.

Người sáng mắt trách: Anh ngu, tại sao chỉ nhìn ngón tay của tôi?

Ngón tay là để chỉ mặt trăng, ngón tay đâu phải là mặt trăng. Ông cũng như vậy, lời nói chẳng phải là thật tướng mà là lời hư dối, chỉ để phô diễn thật lý, ông lại chấp trước lời nói, che ám thật tướng.

Hành giả nếu được chánh kiến như thế thì quán mười hai phần hòa hiệp là hai phần nhân quả:

Khi là quả thì mười hai phần là khổ đế.

Khi là nhân thì mười hai phần là tập đế.

Nhân diệt là tận đế.

Thấy nhân quả tận là đạo đế.

Bốn pháp quán quả: Vô thường, khổ, không, vô ngã.

Bốn pháp quán nhân: Tập, nhân, duyên, sanh.

Hỏi: Quả có bốn pháp mà chỉ gọi khổ là khổ đế, còn các pháp kia không có tên đế?

Ðáp: Nếu nói vô thường đế thì lại nghi, khổ đế cũng nghi, vô ngã đế cũng nghi, chẳng qua là một lối vấn nạn thôi. Lại nữa, nếu nói vô thường đế không lỗi, không va, phi ngã đế cũng không lỗi. Nếu gọi vô thường, khổ, không, vô ngã đế thì lời nói sẽ nặng nề nên trong bốn phép chỉ nói một.

Hỏi: Khổ có tướng gì khác mà đối với ba pháp kia riêng nó được nêu?

Ðáp: Khổ là điều chán ngán của tất cả chúng sanh, là cái sợ hãi của chúng sanh. Vô thường không như thế. Hoặc có người bị khổ bức ngặt, suy nghĩ muốn được vô thường chết chứ không ai muốn bị khổ.

Hỏi: Có người cầm dao tự sát, dùng mũi nhọn đâm, uống thuốc độc, vào chỗ giặc…, các việc như vậy chẳng phải là tìm khổ sao?

Ðáp: Chẳng phải họ muốn được khổ mà là muốn được vui, sợ cái khổ nên họ mới chọn cái chết. Khổ là họa đứng đầu, vui là cái lợi hạng nhất. Vì thế nên lìa cái thật khổ mà được khoái lạc. Cho nên, trong phần quả, Phật chỉ gọi khổ đế mà chẳng nói vô thường, không, vô ngã đế. Hiểu rõ trí tuệ chân thật ở trong bốn đế, không nghi, không hối thì gọi là chánh kiến.

Vì tư duy việc này, mỗi mỗi tăng ích nên gọi là Chánh Giác. Trừ tà mạng và nhiếp phục bốn thứ tà ngữ. Ngoài việc lìa bốn thứ tà ngữ, còn thâu nhiếp bốn thứ chánh ngữ, trừ tà mạng thu nhiếp ba nghiệp của thân, trừ ba loại tà nghiệp thì gọi là chánh nghiệp.

Lìa các thứ tà mạng gọi là chánh mạng. Khi quán như vậy thì tinh tấn là chánh phương tiện. Nhớ nghĩ việc này không tán loạn gọi là chánh niệm. Tư duy việc này không động gọi là chánh định.

Chánh kiến như Vua có bảy sự tùy tùng, gọi là đạo đế. Ðối với việc này mà nhất tâm tin thật, không lay động thì gọi là tín căn. Nhất tâm tinh cần cầu đạo, gọi là tinh tấn căn. Nhất tâm nhớ nghĩ không quên gọi là niệm căn.

Tâm trụ một chỗ không dong ruỗi lăng xăng gọi là định căn. Tư duy phân biệt, giác ngộ vô thường v.v... gọi là tuệ căn. Căn này được sức lớn mạnh thì gọi là Ngũ Lực.

Hỏi: Trong bát chánh đạo đều nói tuệ, niệm, định.

Trong căn lực tại sao còn lập lại?

Ðáp: Ban đầu nương vào sự hành trì mà được cái lợi nhỏ, lúc ấy gọi là căn. Khi năm việc ấy được sức lớn mạnh thì được gọi là lực. Mới vào trong vô lậu thấy đạo đế thì công đức này gọi là bát chánh đạo.

Khi vào tư duy đạo thì gọi là thất giác ý. Mới vào trong đạo, quán niệm thân, thống, tâm, pháp thì thường nhất tâm nhớ nghĩ, gọi là tứ niệm chỉ. Như thế thì được vị của thiện pháp, bốn món tinh cần gọi là tứ chánh cần. Như vậy là cửa đầu tiên vào dục, tinh tấn, định, tuệ, chuyên cần tinh tấn cầu tự tại như ý gọi là tứ thần túc.

Tuy gọi là tứ niệm chỉ, tứ chánh cần, tứ thần túc, ngũ căn… nhưng đều nhiếp lẫn nhau. Tùy theo khi thực hành trước sau, ít nhiều duyên theo địa, hạnh mà mỗi mỗi đều có tên.

Ví như bốn đại thì mỗi mỗi đều có bốn đại, chỉ cái nào nhiều thì đặt tên cái ấy. Nếu chỗ địa chủng nhiều, thủy hỏa phong ít thì gọi là địa đại. Thủy, hỏa, phong cũng như vậy.

Như vậy, trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo thì mỗi mỗi đều có các phẩm. Như trong tứ niệm chỉ thì có bốn chánh cần, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác, tám đạo… như thế, quán mười hai phần, bốn đế, hành bốn niệm chỉ, bốn chánh cần, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám chánh đạo thì tâm an lạc. Lại dùng pháp này độ thoát chúng sanh. Nhất tâm thệ nguyện tinh tấn cầu Phật Đạo.

Khi ấy, trong tâm tư duy quán niệm: Ta quán biết rõ ràng đạo này thì không nên thủ chứng.

Do sức của hai việc nên chưa nhập Niết Bàn: Một là sức đại bi không bỏ chúng sanh, hai là sức biết sâu xa thật tướng các pháp, các tâm và tâm sở pháp từ nhân duyên sanh.

Nay ta vì sao theo cái không thật này?

Nên tự tư duy muốn quán sâu vào mười hai nhân duyên để biết nhân duyên là pháp gì?

Lại tư duy bốn loại duyên này: Nhân duyên, thứ đệ duyên, duyên duyên, tăng thượng duyên, năm nhân là nhân duyên để trừ tâm cuối cùng ở hiện tại và quá khứ của A La Hán, còn tâm và tâm sở pháp của hiện tại và quá khứ là thứ đệ duyên, duyên duyên, tăng thượng duyên, duyên tất cả pháp.

Lại tự tư duy: Nếu nói pháp có trước nhân duyên thì không nên nói pháp ấy là nhân duyên sanh.

Nếu không có, cũng không nên nói từ trong nhân duyên sanh. Nửa có nửa không, cũng không nên nói nhân duyên sanh.

Tại sao có nhân duyên?

Nếu pháp chưa sanh, hoặc tâm và tâm sở pháp mất thì làm sao có thể tạo thành thứ đệ duyên.

Nếu diệu pháp trong Phật Pháp không duyên thì Niết Bàn tại sao là duyên duyên?

Nếu các pháp thật sự là không tánh thì có pháp không thể đắc.

 Nếu quả của nhân duyên sanh, nhân cái này mà có cái kia thì lời nói này tức không đúng. 

Nếu trong nhân duyên mỗi cái riêng biệt, hoặc hợp lại một chỗ thì quả ấy không thể nắm bắt được.

Tại sao bên cạnh nhân duyên sanh ra quả?

Vì trong nhân duyên không có quả. Nếu trong nhân duyên trước không có quả mà sanh quả thì đâu không phải phi nhân duyên sanh quả.

Vì cả hai đều không phải nên quả thuộc nhân duyên bên nhân duyên sanh. Nhân duyên này không tự tại mà còn thuộc các nhân duyên khác.

Quả này thuộc các nhân duyên, tại sao không tự tại?

Vì nhân duyên hay sanh quả cho nên quả không từ nhân duyên mà có, cũng không từ phi nhân duyên mà có, tức chẳng có quả. Vì quả không có nên duyên cùng phi duyên cũng không có.

Hỏi: Phật nói mười hai nhân duyên: Vô minh duyên các hành… tại sao ông nói vô nhân quả?

Ðáp: Trước đã nói đủ, không nên vấn nạn lại.

Nếu vấn nạn thì sẽ đáp: Như Phật đã dạy, nhãn do duyên sắc mà si sanh, nhớ nghĩ tà vạy. Si là vô minh.

Trong đó vô minh nương vào đâu để trụ?

Nương vào mắt chăng?

Nương vào sắc chăng?

Nương vào thức chăng?

Không thể nương vào mắt, vì nếu nương vào mắt thì phải thường si mê chứ không cần phải đợi gặp sắc mới si.

Còn nếu nương vào sắc thì không đợi có mắt, tức là si ở bên ngoài, đâu can dự đến ta?

Nếu nương nơi thức thì thức không hình sắc, không đối đãi, không xúc chạm, không có phần vị, không nơi chốn. Vô minh cũng vậy, thì làm sao có thể trụ. Cho nên vô minh chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, chẳng phải hai bên, chẳng phải ở giữa, không từ đời trước mà đến, cũng không đi đến đời sau.

Chẳng phải từ Ðông, Tây, Nam, Bắc, bốn bên, trên dưới mà đến, không có thật pháp. Tánh vô minh là vậy, hiểu rõ vô minh thì trở thành minh.

Suy tìm trong mỗi thứ si mê không thể có được thì sao có vô minh duyên hành?

Như hư không không sanh không diệt, không hiện hữu, không đoạn tận, tánh vốn thanh tịnh, vô minh cũng như thế, không sanh không diệt, không hiện hữu, không đoạn tận, tánh vốn thanh tịnh. Cho đến sanh duyên lão tử cũng thế.

Bồ Tát quán mười hai nhân duyên như vậy, biết chúng sanh hư dối bị ràng buộc trong họa khổ thì dễ có thể độ thoát. Các pháp nếu có thật tướng thì khó độ được, tư duy như thế tức phá ngu si.

Nếu tâm Bồ Tát nhiều suy tư thì thường niệm A Na Ban Na: Khi thở vào ra đếm từ một đến mười, nhất tâm không cho dong ruổi, tán loạn. Bồ Tát từ pháp này mà được nhất tâm thì trừ được ngũ cái và hạnh dục.

Bồ Tát thấy đạo nên hành ba loại nhẫn:

Pháp sanh nhẫn.

Nhu thuận pháp nhẫn.

Vô sanh pháp nhẫn.

Thế nào là sanh nhẫn?

Tất cả chúng sanh, hoặc mắng, hoặc đánh, hoặc giết, đối với các việc ấy không những tâm ta không lay động, không sân, không hận, nhẫn chịu mà còn khởi từ bi: Các chúng sanh này cầu các điều tốt đẹp thì nguyện cho họ đều được tất cả. Tâm không buông bỏ thì khi ấy lần lượt hiểu được thật tướng các pháp.

Như hơi xông ướp, như mẹ hiền thương con đỏ, cho bú mớm, nuôi dưỡng, với mọi thứ bất tịnh không nhờm gớm mà càng thương hơn, muốn làm cho được vui vẻ.

Hành giả cũng như vậy, tất cả chúng sanh gây các việc ác là tịnh hay bất tịnh, tâm không tăng chán ghét, không thối, không chuyển.

Lại nữa, vô lượng chúng sanh trong mười phương, một mình ta cần phải độ thoát, khiến họ đều được Phật Đạo. Tâm nhẫn không thối, không hối, không bỏ, không lười, không chán, không sợ, không thấy khó. Trong sanh nhẫn này nhất tâm buộc niệm, tư duy ba việc, không cho nghĩ khác, hễ nghĩ các duyên khác liền thu nhiếp trở về, gọi là sanh nhẫn.

Thế nào là nhu thuận pháp nhẫn?

Bồ Tát đã đắc sanh nhẫn thì công đức vô lượng, biết phước báo của công đức này vô thường. Khi ấy chán cái phước vô thường, tự cầu cái phước thường, cũng vì chúng sanh cầu pháp thường trụ.

Tất cả các pháp sắc hay vô sắc, pháp có thể thấy hay không thể thấy, pháp hữu đối hay vô đối, pháp hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, thượng trung hạ, tìm thật tướng của những pháp ấy.

Thế nào là thật tướng?

Chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải vui, chẳng phải không vui, chẳng phải không, chẳng phải không không, chẳng phải hữu thần, chẳng phải vô thần.

Vì sao vậy?

Vì chẳng phải thường nên do nhân duyên sanh, trước không nay có, đã có trở lại không, cho nên chẳng phải thường.

Tại sao chẳng phải vô thường?

Vì nghiệp báo không mất vậy. Vì nhận trần cảnh bên ngoài, vì sự lớn mạnh của nhân duyên nên chẳng phải vô thường.

Tại sao chẳng phải vui?

Vì trong đau khổ sanh ra cái tưởng vui. Vì tánh của tất cả là vô thường, vì nương dục sanh nên chẳng phải vui.

Tại sao chẳng phải không vui?

Vì có thọ vui, vì dục nhiễm sanh, vì tìm vui không tiếc thân, nên chẳng phải không vui.

Tại sao chẳng phải không?

Vì nội ngoại nhập đều nhận biết rõ, vì có quả báo tội phước, vì tất cả chúng sanh đều tin nên chẳng phải không.

Tại sao chẳng phải không không?

Vì hòa hợp… sanh, vì phân biệt tìm không thể được, vì sức tâm chuyển nên chẳng phải không không.

Tại sao chẳng phải hữu thần?

Vì không tự tại, vì bảy thứ giới không thể đắc, vì tướng thần không thể đắc, nên chẳng phải hữu thần.

Tại sao chẳng phải vô thần?

Vì có đời sau, vì có đắc giải thoát, vì mỗi tâm của ta sanh khởi không thể tính nơi chốn, nên chẳng phải vô thần. Như thế không sanh, không diệt, không phải không sanh, không phải không diệt, chẳng phải có, chẳng phải không, không thọ lãnh, không chấp trước, bặt đường ngôn ngữ, dứt chỗ tâm hành, như tánh Niết Bàn là thật tướng của pháp.

Ở trong pháp này, tín tâm thanh tịnh, không ngăn không ngại, hiểu nhuần nhuyễn, tin nhuần nhuyễn, tinh tấn nhuần nhuyễn thì gọi là nhu thuận pháp nhẫn.

Thế nào là vô sanh pháp nhẫn?

Như trong pháp thật tướng ở trên mà trí tuệ, tín và tấn tăng trưởng lợi căn thì gọi là vô sanh pháp nhẫn. Ví như trong pháp Thanh Văn, noãn pháp, đảnh pháp, trí tuệ, tín và tinh tấn lớn mạnh thì đắc nhẫn pháp. Nhẫn là nhẫn Niết Bàn, nhẫn pháp vô lậu nên gọi là nhẫn. Vì mới được mới thấy nên gọi là nhẫn.

Pháp nhẫn cũng như vậy, bậc A La Hán thời giải thoát thì không đắc được trí vô sanh, tăng tiến hơn nữa chuyển thành bất thời giải thoát thì mới đắc trí vô sanh.

Vô sanh pháp nhẫn cũng như vậy. Chưa đắc quả Bồ Tát thì đắc vô sanh pháp nhẫn, mà đắc đủ hạnh quả Bồ Tát thì gọi là đạo quả Bồ Tát. Khi ấy đắc Ban chu tam muội, đối với chúng sanh được đại bi, vào cửa trí tuệ độ.

Bấy giờ Chư Phật liền thọ ký, tùy ý sanh trong thế giới của Phật, được Chư Phật nghĩ tưởng, tất cả trọng tội đều mỏng dần và diệt hết, dứt ba nẻo ác, thường sanh trong Trời người, gọi là bất thối chuyển, đến chỗ bất động, chấm dứt nhục thân.

Sau cùng thì nhập vào trong pháp thân, hay tạo các thứ biến hóa, độ thoát tất cả chúng sanh, đầy đủ sáu độ, cúng dường Chư Phật, giáo hóa chúng sanh, làm tịnh Cõi Phật, đứng trong hàng Thập Địa công đức viên mãn, lần lượt đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Ðây là cửa đầu tiên trong pháp thiền của Bồ Tát.

Khi hành giả định tâm cầu đạo

Thường nên quán sát thời, phương tiện

Nếu không được thời, không phương tiện

Ấy là bị mất, không có lợi

Như trâu chưa con, không sanh sữa

Vì sữa không thể có phi thời

Nếu trâu đã sanh, tìm trên sừng

Không thể được sữa, vì vô trí

Như dùi cây ướt để tìm lửa

Chẳng đúng thời nên không được lửa

Nếu chặt cây khô để tìm lửa

Không thể được lửa vì vô trí

Gặp chỗ biết thời, lượng hạnh mình

Quán tâm phương tiện, sức nhiều ít

Ðáng nên tinh tấn và không nên

Tướng đạo hợp thời và không hợp

Tâm lay động chớ dụng công mạnh

Dụng công như thế không được định

Ví như củi nhiều, lửa cháy mạnh

Gió lớn thổi đến không thể tắt

Nếu hay dùng định tự điều tâm

Như thế động hết, tâm được định

Ví như lửa lớn gặp gió thổi

Nước lớn tưới xuống ắt phải tắt

Nếu người tâm yếu, lại lười biếng

Như thế lặn mất, không hiện hạnh

Như củi ít, lửa không có ngọn

Không gặp gió thổi liền tự tắt

Nếu có tinh tấn, tâm dõng mãnh

Như thế chuyển mạnh, mau được đạo

Ví như lửa nhỏ mà nhiều củi

Gặp gió thổi cháy mãi không tắt

Nếu hành phóng xả, dừng điều phục

Nếu lại xả bỏ mất pháp hộ

Như người bệnh nặng nên điều dưỡng

Nếu bỏ mặc thì không thể sống

Nếu có tưởng xả tâm chánh đẳng

Hợp thời chuyên cần mau đắc đạo

Ví như người nài cỡi lưng voi

Tùy ý đến đi không trở ngại

Nếu nhiều dâm dục tâm ái loạn

Khi ấy không nên hành pháp từ

Người dâm hành từ thêm mê muội

Như người bệnh lạnh uống thuốc mát

Người dâm tâm loạn quán bất tịnh

Quán kỹ bất tịnh, tâm được định

Hành pháp như thế mới thích hợp

Như người bệnh lạnh uống thuốc nóng

Nếu nhiều sân hận rối loạn tâm

Khi ấy không nên quán bất tịnh

Người sân quán ố, thêm tâm sân

Như người bệnh nóng uống thuốc nóng

Nếu người sân hận hành từ tâm

Hành từ không bỏ, sân tâm diệt

Hành pháp như vậy mới thích hợp

Như người bệnh nóng uống thuốc mát

Người nhiều ngu si, tâm mờ mịt

Không nên hành từ và bất tịnh

Hai pháp tăng si, không lợi ích

Như người bệnh phong uống thuốc bổ

Người tâm mờ mịt quán vô minh

Phân biệt quán rõ, tâm si diệt

Hành pháp như thế mới thích hợp

Như người bệnh phong dùng thuốc mỡ

Ví như thợ vàng quạt lò than

Dụng công phi thời, quạt sai pháp

Muốn quạt gấp gáp không biết thời

Hoặc khi nhúng nước, hoặc lấy ra

Vàng chảy, quạt mau thì chảy hết

Chưa chảy bèn dừng thì không chảy

Nhúng nước phi thời thì vàng sống

Phi thời dừng nghỉ vàng không chín

Tinh tấn nhiếp tâm và phóng xả

Phải nên xem xét pháp hành đạo

Phương tiện phi thời mất pháp lợi

Nếu không pháp lợi thì không lợi

Như thầy thuốc biết ba thứ bệnh

Bệnh lạnh, nóng, phong ắt diệt trừ

Hợp bệnh cho thuốc, Phật cũng vậy

Bệnh dâm nộ si tùy thuốc trừ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần