Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Bảy - Phẩm Lớn - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG CHI BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

CHƯƠNG BA

BA PHÁP  

PHẨM BẢY

PHẨM LỚN  

PHẦN MỘT  

Này các Tỳ Kheo, có ba y xứ này của ngoại đạo, dầu có bị các Bậc Hiền giả cật vấn, nạn vấn lý do, thảo luận, vẫn kiên trì trong quan điểm truyền thống về vô vi không hành động.

Thế nào là ba?

Này các Tỳ Kheo, có một số Sa Môn, Bà La Môn thuyết như sau, chấp kiến như sau: Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ.

Này các Tỳ Kheo, có một số Sa Môn, Bà La Môn, thuyết như sau, chấp kiến như sau: Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân một tạo hóa tạo ra.

Này các Tỳ Kheo, có một số Sa Môn, hay Bà La Môn, thuyết pháp như sau, chấp kiến như sau: Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do không nhân, không duyên.

Ở đây, này các Tỳ Kheo, đối với các vị Sa Môn, Bà La Môn, thuyết như sau, chấp kiến như sau: Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ.

Ðối với các vị ấy, ta đến và nói:

Chư Tôn Giả, có thật chăng, Chư Tôn Giả có thuyết như sau, chấp kiến như sau: Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ?

Ðược ta hỏi vậy, họ trả lời: Thưa phải, có như vậy.

Ta nói với họ như sau: Như vậy, thời theo các Tôn Giả, do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người sát sanh.

Do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người lấy của không cho.

Do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người không phạm hạnh.

Do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người nói láo.

Do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người nói hai lưỡi.

Do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người ác khẩu.

Do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người nói lời phù phiếm.

Do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người tham lam.

Do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người tâm sân.

Do nhân nghiệp quá khứ, sẽ trở thành người theo tà kiến.

Nhưng này các Tỳ Kheo, với những ai trở lại dựa vào nghiệp quá khứ là do kiên thực, với những người ấy sẽ không có ước muốn, không có tinh tấn, không có đây là việc phải làm, hay đây là việc không nên làm.

Như vậy, sự cần thiết cần phải làm hay không cần phải làm không được tìm thấy là chân thực, là đáng tin cậy, thời danh từ Sa Môn không thể áp dụng đúng pháp cho các ông được, vì các ông sống thất niệm và với các căn không hộ trì.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, đây là sự chỉ trích đúng pháp thứ nhất của ta đối với các vị Sa Môn, Bà La Môn có thuyết như vậy, có chấp kiến như vậy.

Ở đây, này các Tỳ Kheo, đối với các vị Sa Môn, Bà La Môn, thuyết như sau, chấp kiến như sau: Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân một tạo hóa tạo ra.

Ðối với các vị ấy, ta đến và nói: Chư Tôn Giả, có thật chăng, Chư Tôn Giả có thuyết như sau: Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân một tạo hóa tạo ra?

Ðược ta hỏi vậy, họ trả lời: Thưa phải, có như vậy.

Ta nói với họ như sau: Như vậy, thời theo các Tôn giả, do nhân một vị tạo hóa tạo ra, sẽ trở thành người sát sanh. Do nhân một vị tạo hóa tạo ra, sẽ trở thành người theo tà kiến.

Nhưng này các Tỳ Kheo, với những ai trở lại dựa vào vị tạo hóa tạo ra là lý do kiên thực, với những người ấy sẽ không có ước muốn, không có tinh tấn, không có đây là việc phải làm, hay đây là việc không nên làm.

Như vậy, sự cần thiết cần phải làm hay không cần phải làm không được tìm thấy là chân thực, là đáng tin cậy, thời danh từ Sa Môn không thể áp dụng đúng pháp cho các ông được, vì các ông sống thất niệm và với các căn không hộ trì.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, đây là sự chỉ trích đúng pháp thứ hai của ta đối với các vị Sa Môn, Bà La Môn có thuyết như vậy, có chấp kiến như vậy.

Ở đây, này các Tỳ Kheo, đối với các vị Sa Môn, Bà La Môn, thuyết như sau, chấp kiến như sau: Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do không nhân không duyên.

Ðối với các vị ấy, ta đến và nói: Chư Tôn Giả, có thật chăng, Chư Tôn Giả có thuyết như sau chấp kiến như sau: Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do không nhân không duyên?

Ðược ta hỏi vậy, họ trả lời: Thưa phải, có như vậy.

Ta nói với họ như sau: Như vậy, thời theo các Tôn Giả, do không nhân không duyên, sẽ trở thành người sát sanh. Do không nhân không duyên, sẽ trở thành người theo tà kiến. Nhưng này các Tỳ Kheo, với những ai trở lại dựa vào không nhân không duyên là lý do kiên thực, với những người ấy sẽ không có ước muốn, không có tinh tấn, không có đây là việc phải làm, hay đây là việc không nên làm.

Như vậy, sự cần thiết cần phải làm hay không cần phải làm không được tìm thấy là chân thực, là đáng tin cậy, thời danh từ Sa Môn không thể áp dụng đúng pháp cho các ông được, vì các ông sống thất niệm và với các căn không hộ trì.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, đây là sự chỉ trích đúng pháp thứ ba của ta đối với các vị Sa Môn, Bà La Môn có thuyết như vậy, có chấp kiến như vậy.

Này các Tỳ Kheo, đây là ba y xứ của ngoại đạo, dù có được các bậc Tôn Giả cật vấn, nạn vấn lý do thảo luận, vẫn kiên trì trong quan điểm truyền thống về vô vi không hành động.

Và này các Tỳ Kheo, đây là pháp ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa Môn, các Bà La Môn có trí quở trách.

Và này các Tỳ Kheo, thế nào là pháp ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa Môn, các Bà La Môn có trí quở trách?

Sáu giới này, này các Tỳ Kheo, là pháp ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa Môn, các Bà La Môn có trí quở trách.

Sáu xúc xứ này, này các Tỳ Kheo, là pháp ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi,  không bị các Sa Môn, các Bà La Môn có trí quở trách.

Mười tám ý cận hành này, này các Tỳ Kheo, là pháp ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi,  không bị các Sa Môn, các Bà La Môn có trí quở trách.

Bốn Thánh đế này, này các Tỳ Kheo, là pháp ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa Môn, các Bà La Môn có trí quở trách.

Sáu giới này, này các Tỳ Kheo, là pháp ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa Môn, các Bà La Môn có trí quở trách, được nói đến như vậy.

Do duyên gì được nói đến?

Này các Tỳ Kheo, có sáu giới này: địa giới, thủy giới, phong giới, hỏa giới, không giới, thức giới. Sáu giới này, này các Tỳ Kheo, là pháp ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa Môn, các Bà La Môn có trí quở trách.

Ðiều đã được nói đến, chính do duyên này đã được nói đến. Có sáu xúc xứ này, này các Tỳ Kheo, là pháp ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa Môn, các Bà La Môn có trí quở trách.

Ðiều đã được nói đến, chính do duyên nào đã được nói đến?

Này các Tỳ Kheo, có sáu xúc xứ này: nhãn xúc xứ, nhĩ xúc xứ, tỷ xúc xứ, thiệt xúc xứ, thân xúc xứ, ý xúc xứ. Có sáu xúc xứ này, này các Tỳ Kheo, là pháp ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa Môn, các Bà La Môn có trí quở trách. Ðiều đã được nói đến, chính do duyên này đã được nói đến.

Có mười tám ý cận hành này, này các Tỳ Kheo, là pháp ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa Môn, các Bà La Môn có trí quở trách.

Ðiều đã được nói đến, chính do duyên nào đã được nói đến?

Khi con mắt thấy sắc, tư tưởng hướng về và đến gần sắc, làm y xứ cho hỷ, hướng về và đến gần sắc, làm y xứ cho ưu, hướng về và đến gần sắc, làm y xứ cho xả. Khi tai nghe tiếng, tư tưởng hướng về và đến gần tiếng, làm y xứ cho hỷ, hướng về và đến gần tiếng, làm y xứ cho ưu, hướng về và đến gần tiếng, làm y xứ cho xả.

Khi mũi ngửi hương  khi lưỡi nếm vị khi thân cảm xúc  khi ý nhận thức pháp, tư tưởng hướng về và đến gần pháp, làm y xứ cho hỷ, hướng về và đến gần pháp, làm y xứ cho ưu, hướng về và đến gần pháp, làm y xứ cho xả. Có mười tám ý cận hành này, này các Tỳ Kheo, là pháp ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa Môn, các Bà La Môn có trí quở trách.

Ðiều đã được nói đến, chính do duyên này đã được nói đến. Bốn Thánh đế này, này các Tỳ Kheo, là pháp ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa Môn, các Bà La Môn có trí quở trách.

Ðiều đã được nói đến, chính do duyên nào đã được nói đến?

Do chấp thủ sáu giới, này các Tỳ Kheo, nên có nhập thai. Do có nhập thai, nên có danh sắc. Do duyên danh sắc, nên có sáu xứ. Do duyên sáu xứ, nên có xúc. Do duyên xúc, nên có thọ.

Với người có cảm thọ, này các Tỳ Kheo, ta nêu rõ:

Ðây là Khổ, ta nêu rõ: Ðây là khổ tập.

Ta nêu rõ: Ðây là khổ diệt.

Ta nêu rõ: Ðây là con đường đưa đến khổ diệt.

Và này các Tỳ Kheo, thế nào là khổ Thánh đế?

Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi, khổ, ưu, não là khổ. Ðiều mong cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ. Này các Tỳ Kheo, đây là khổ Thánh đế.

Và này các Tỳ Kheo, thế nào là Thánh đế về khổ tập?

Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỳ Kheo, đây gọi là Thánh đế về khổ tập.

Và này các Tỳ Kheo, thế nào là Thánh đế về khổ diệt?

Do vô minh diệt không có tàn dư, nên các hành diệt. Do hành diệt, nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt.

Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não đều diệt. Như vậy là sự đoạn diệt toàn bộ của khổ uẩn này.

Này các Tỳ Kheo, Ðây gọi là Thánh đế về khổ diệt.

Và này các Tỳ Kheo, thế nào là Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt?

Ðây là Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỳ Kheo, đây gọi là Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt.

Bốn Thánh đế này, này các Tỳ Kheo, là pháp ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không có uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa Môn, các Bà La Môn có trí quở trách. Ðiều đã được nói đến, chính do duyên này được nói đến.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần