Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Chín - Phẩm Sa Môn - Phần Mười - Pankadhà
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG CHI BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
CHƯƠNG BA
BA PHÁP
PHẨM CHÍN
PHẨM SA MÔN
PHẦN MƯỜI
PANKADHÀ
Một thời Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỳ Kheo, đi đến một thị trấn của dân chúng Kosala, tên là Pankadhà. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Pankadhà. Pankadhà là một thị trấn của dân chúng Kosala.
Lúc bấy giờ, một Tỳ Kheo tên là Kassapogotta trú ở Pankadhà. Tại đấy, Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến học giới, giảng dạy cho các Tỳ Kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỉ.
Rồi Tỳ Kheo Kassapogotta, trong khi Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến học pháp, giảng cho các Tỳ Kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: Sa Môn này quá tăn măn tỉ mỉ!
Thế Tôn, sau khi trú ở Pankadhà cho đến khi thỏa mãn, rồi ra đi, du hành hướng đến Ràjagaha, tiếp tục du hành và đến tại Ràjagaha. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, núi Gitjjhakùta.
Rồi Tỳ Kheo Kassapogotta, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, cảm thấy hối hận, ăn năn, nghĩ rằng:
Thật không lợi ích cho ta, thật lợi ích không được tốt cho ta, thật không khéo lợi ích cho ta, khi Thế Tôn với pháp thoại liên hệ đến học pháp, giảng cho các Tỳ Kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, ta lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: Sa Môn này quá tăn măn, tỉ mỉ!
Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, trước mặt Thế Tôn, hãy tỏ lộ có phạm tội là có phạm tội. Rồi Tôn Giả Kassapogotta, sau khi dọn dẹp lại chỗ nằm, cầm y bát, rồi ra đi đến hướng Ràjagaha, tiếp tục đi đến Ràjagaha, núi Gijjhakùta, đến Thế Tôn, sau khi đến.
Ðảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Tỳ Kheo Kassapogotta bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, một thời Thế Tôn trú ở Pankadhà, Pankadhà là một thị trấn các dân tộc Kosala. Tại đấy, Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến pháp học, giảng dạy cho các Tỳ Kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ.
Bạch Thế Tôn, trong khi Thế Tôn, với một pháp thoại liên hệ đến pháp học, giảng dạy cho các Tỳ Kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, con lấy làm bất nhẫn, con cảm thấy bất mãn, nghĩ rằng: Vị Sa Môn này quá tăn măn tỉ mỉ. Rồi Thế Tôn sau khi trú ở Pankadhà cho đến khi thỏa mãn, liền ra đi, du hành đến Ràjagaha.
Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, con cảm thấy hối hận, ăn năn: Thật không lợi ích cho ta, thật lợi ích không được tốt cho ta, thật không khéo lợi ích cho ta, khi Thế Tôn với pháp thoại liên hệ đến học pháp, giảng cho các Tỳ Kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: Sa Môn này quá tăn măn, tỉ mỉ!
Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, trước mặt Thế Tôn, hãy tỏ lộ có phạm tội là có phạm tội. Phạm tội đã chinh phục con, bạch Thế Tôn, ngu si như con, đần độn như con, bất thiện như con.
Vì rằng trong khi Thế Tôn, với pháp thoại liên hệ đến pháp học, giảng dạy cho các Tỳ Kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, con lấy làm bất nhẫn, con cảm thấy bất mãn, nghĩ rằng: Vị Sa Môn này quá tăn măn tỉ mỉ.
Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận con có phạm tội là có phạm tội, để con ngăn chận trong tương lai. Thật vậy, này Kassapogotta, phạm tội đã chinh phục thầy, ngu si đần độn như thầy, bất thiện như thầy.
Vì rằng trong khi ta với pháp thoại liên hệ đến pháp học, giảng dạy cho các Tỳ Kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, thầy lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: Vị Sa Môn này quá tăn măn tỉ mỉ. Và này Kassapogotta, khi thầy thấy có phạm tội là có phạm tội, và như pháp phát lộ, thời ta chấp nhận cho thầy.
Ðây là sự tăng trưởng giới luật của bậc Thánh này, khi ai thấy có phạm tội là có phạm tội, và như pháp phát lộ, để ngăn chặn trong tương lai. Nếu một Trưởng Lão Tỳ Kheo, này Kassapa, không ưa thích học tập, không tán thán chấp hành học tập, và đối với các Tỳ Kheo không ưa thích học tập, vị này không khích lệ họ học tập.
Còn đối với các Tỳ Kheo ưa thích học tập, vị này không tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỳ Kheo Trưởng Lão như vậy, này Kassapa, ta không có tán thán.
Vì cớ sao?
Vì các Tỳ Kheo khác có thể thân cận với Trưởng Lão ấy, nghĩ rằng: Bậc Ðạo Sư tán thán vị ấy. Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, sẽ đem lại bất hạnh, đau khổ lâu dài cho họ.
Do vậy, này Kassapa, ta không tán thán Tỳ Kheo Trưởng Lão ấy. Nếu một trung niên Tỳ Kheo, này Kassapa, nếu một tân học Tỳ Kheo, này Kassapa, không ưa thích học tập, không tán thán chấp hành học tập, và có các Tỳ Kheo không ưa thích học tập, vị này không khích lệ họ học tập.
Còn đối với các Tỳ Kheo ưa thích học tập, vị này không tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỳ Kheo tân học như vậy, này Kassapa, ta không có tán thán.
Vì cớ sao?
Vì các Tỳ Kheo khác có thể thân cận với Tỳ Kheo tân học ấy, nghĩ rằng: Bậc Ðạo Sư tán thán vị ấy. Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, sẽ đem lại bất hạnh, đau khổ lâu dài cho họ. Do vậy, này Kassapa, ta không tán thán Tỳ Kheo tân học ấy.
Nếu một Trưởng Lão Tỳ Kheo, này Kassapa, ưa thích học tập, tán thán chấp hành học tập, và có các Tỳ Kheo không ưa thích học tập, vị này khích lệ họ học tập. Còn đối với các Tỳ Kheo ưa thích học tập, vị này tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỳ Kheo Trưởng Lão như vậy, này Kassapa, ta tán thán.
Vì cớ sao?
Vì các Tỳ Kheo khác có thể thân cận với Tỳ Kheo Trưởng Lão ấy, nghĩ rằng: Bậc Ðạo Sư tán thán vị ấy. Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, như vậy sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho họ.
Do vậy, này Kassapa, ta tán thán Tỳ Kheo Trưởng Lão ấy. Nếu một Tỳ Kheo trung niên, này Kassapa, nếu một Tỳ Kheo tân học, này Kassapa, ưa thích học tập, tán thán chấp hành học tập, và có các Tỳ Kheo không ưa thích học tập, vị này khích lệ họ học tập.
Còn đối với các Tỳ Kheo ưa thích học tập, vị này tán thán họ chơn thực và đúng thời. Tỳ Kheo tân học như vậy, này Kassapa, ta tán thán.
Vì cớ sao?
Vì các Tỳ Kheo khác có thể thân cận với Tỳ Kheo tân học ấy, nghĩ rằng: Bậc Ðạo Sư tán thán vị ấy. Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho họ. Do vậy, này Kassapa, ta tán thán Tỳ Kheo tân học ấy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh ương Quật Ma La - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo - Phần Sáu - Nhân Duyên Sanh
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Bánh Xe - Phần Năm - Vassakàr
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Quán Tự Tại Tùy Tâm Chú - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Niệm Tử Tướng
Phật Thuyết Kinh Bát đại Nhân Giác
Phật Thuyết Kinh Thương Chủ Thiên Tử Sở Vấn - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười - Phẩm Lâm - Kinh Chư Pháp Bổn