Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Tám - Phẩm Bất Thoái Chuyển Luân
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
VĂN THÙ SƯ LỢI PHỔ SIÊU TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM TÁM
PHẨM BẤT THOÁI CHUYỂN LUÂN
Vào cuối đêm, Bồ Tát Nhu Thủ lại vì các Bồ Tát Đại Sĩ tuyên giảng rộng rãi về bất thoái chuyển luân Kim Cang cú tích.
Sao gọi là Bất thoái chuyển luân?
Lại nữa, này các thiện nam! Sở dĩ gọi Bất thoái chuyển luân là như khi nghe Bồ Tát thuyết giảng Kinh Pháp nếu có người đến nghe thì đều hiểu được nghĩa lý rồi quay về luôn, chẳng quay trở lại, do thuyết giảng về Bất thoái chuyển luân khiến cho họ ưa thích, tin tưởng.
Hạnh Bất thoái chuyển luân của Bồ Tát là chẳng vì chúng sinh tạo ra một số hạnh, chẳng vì các pháp tu một số hạnh, chẳng ở trong đất nước sinh khởi một số hạnh, chẳng đối với Chư Phật khởi lên một số hạnh, chẳng ở các thừa tu hành một số hạnh, tất cả chỗ đến đều nhìn thấy khắp, chuyển bánh xe pháp mà chẳng hủy hoại pháp giới. Đó mới gọi là chuyển pháp luân.
Vậy nên, có tên là bất thoái chuyển luân, do đã chuyển bánh xe mà không đoạn dứt. Bánh xe ấy đúng lý thì không có hai. Như vậy, bánh xe ấy đúng là bánh xe Từ bi. Ý nghĩa nẻo về tự nhiên của bánh xe ấy là ở chỗ mình đã đến. Chỗ hướng về của bánh xe ấy là bánh xe Đạo Tràng pháp giới.
Lại nữa, này các thiện nam! Giả sử Bồ Tát tin tưởng, ưa thích hạnh Bất thoái chuyển luân ấy giải thoát được khổ đau của bản thân mình, tin tưởng, ưa thích tất cả những điều đã tin, tất cả tư tưởng mà Như Lai đã dấy khởi cũng đều tin cả. Do tin nên được giải thoát đối với Như Lai thì không có hai giải thoát, cũng chẳng nói có hai, như tướng tốt giải thoát của Như Lai ấy là tướng các pháp, là tất cả pháp tướng.
Tin Như Lai giải thoát thì không có tướng, đã lìa tướng giải thoát thì tự nhiên tế độ được bản thân mình. Hạnh như thế thì đâu có thể hơn được, cũng đâu có thể vượt qua tuệ ấy được. Vậy nên gọi là Bất thoái chuyển luân.
Lại nữa, này các thiện nam! Bất thoái chuyển luân chẳng quay trở lại sắc. Sắc là tự nhiên vậy. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Thức chẳng thoái chuyển, thức cũng tự nhiên.
Vì sao?
Vì thức chẳng thoái chuyển đối với tất cả các pháp, giống như bản thể vô vi chính là pháp luân. Vậy nên, gọi là Bất thoái chuyển luân. Pháp luân ấy không có bờ cõi, hạn định, không ràng buộc, không góc cạnh, không có đoạn dứt, không thường hằng vậy.
Pháp luân ấy không có pháp môn, không có hai nên chính là cửa pháp luân. Pháp luân ấy không thể chuyển, không chuyển được nên pháp luân ấy cũng không thể nói. Pháp luân ấy không thể nói nên pháp luân ấy cũng không có danh xưng, không chỗ hiển hiện chiếu sáng, pháp luân ấy không đạt được vậy.
Lại nữa, xét về Bất thoái chuyển luân này vào hư không thì không có tướng trụ vào cửa thanh tịnh thì không có tướng đến nhưng đến khắp nơi vì tướng rỗng không. Tất cả đều an trú ở cội gốc thanh tịnh vô tướng. Vậy nên gọi là Bất thoái chuyển luân.
Lại nữa, này các thiện nam! Bất thoái chuyển luân có chỗ đi mà có chỗ đến. Vậy nên gọi là Bất thoái chuyển luân. Có chỗ buông bỏ có chỗ đi đến cho nên gọi là Bất thoái chuyển luân.
Như thế, Bồ Tát Nhu Thủ nói với các vị Bồ Tát: Này các thiện nam! Sở dĩ gọi là Kim cương cú tích vì tất cả các pháp đều tịch diệt.
Sao gọi là tất cả các pháp đều tịch diệt?
Này các thiện nam! Đã thấu rõ lý không, chính là Kim cương cú tích. Tiêu trừ sáu mươi hai tà nghi nên vô tướng ấy là Kim cương cú tích.
Đoạn trừ tất cả các tưởng niệm nên vô nguyện ấy là Kim cương cú tích. Vượt hết tất cả năm đường hữu vi, khiến được tịch diệt nên pháp giới ấy là Kim cương cú tích.
Siêu việt bao nhiêu bờ cõi nên bản thể vô vi ấy là Kim cương cú tích. Đạt đến vô ngã tịch diệt nên lìa khỏi sắc dục ấy là Kim cương cú tích. Diệt trừ tham dục, sự chấp trước nên duyên khởi hành ấy là Kim cương cú tích. Chẳng hoại bản tánh, xét rõ vô vi ấy là Kim cương cú tích, thấy các pháp tự nhiên…
Bồ Tát Nhu Thủ vì các vị Bồ Tát phân biệt khắp các pháp trọn ba đêm liền, các vị Bồ Tát kia đều được thân cận với Tam Muội Quang Minh. Bồ Tát đạt đến định này thì mỗi một lỗ chân lông phóng ra trăm ngàn ánh hào quang, mỗi một ánh hào quang hóa hiện trăm ngàn các Đức Phật.
Nghi dung các Đức Phật ấy lại giống Đức Phật Thiên Trung Thiên của Cõi Phật hiện tại, đang làm Phật sự, khai đường dẫn lối cho chúng sinh. Các Đức Phật ấy được tất cả chúng sinh nghênh đón, nghe nhận giáo pháp.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Bốn - Phẩm Bốn Kệ
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Hai Mươi - Phẩm đao Trượng - Thí Dụ Bốn Mươi Mốt
Phật Thuyết Kinh Tu Chân Thiên Tử - Phẩm Năm - Phẩm Nói Về Vô úy
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Mười Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Hai - Phẩm Diệu Thân Sinh - Tập Ba