Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Mười - Mười Pháp - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Thân Do Nghiệp Sanh - Phần Bảy - Ngọc Mani

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG CHI BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

CHƯƠNG MƯỜI

MƯỜI PHÁP  

PHẨM HAI MỐT

PHẨM THÂN DO NGHIỆP SANH  

PHẦN BẢY

NGỌC MANI  

Ta tuyên bố rằng, này các Tỳ Kheo, các nghiệp đã tư niệm, đã làm, đã tích tập, nếu không cảm thọ kết quả thời không có chấm dứt, dầu kết quả ấy sanh khởi ngay trong đời hiện tại hay trong đời sau.

Ta tuyên bố rằng, này các Tỳ Kheo, các nghiệp đã tư niệm, đã làm, đã tích tập, nếu không cảm thọ kết quả, thời khổ không có thể chấm dứt được.

Ở đây, này các Tỳ Kheo, ba phần là lầm lỗi, phạm tội của thân nghiệp đã bất thiện tư niệm, dẫn đến khổ, đưa đến khổ dị thục.

Bốn phần là lầm lỗi, phạm tội của ngữ nghiệp, đã bất thiện tư niệm, dẫn đến khổ, đưa đến khổ dị thục. Ba phần là lầm lỗi, phạm tội của ý nghiệp, đã bất thiện tư niệm, dẫn đến khổ, đưa đến khổ dị thục.

Và này các Tỳ Kheo, thế nào là ba phần lầm lỗi, phạm tội của thân nghiệp, đã bất thiện tư niệm, dẫn đến khổ, đưa đến khổ dị thục?

Ở đây, này các này các Tỳ Kheo, có người sát sanh hung bạo, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với tất cả các loài hữu tình, các sinh vật.

Lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng, hoặc tại rừng núi, không cho người ấy, người ấy lấy trộm tài vật ấy.

Sống tà hạnh trong các dục vọng, tà hạnh với hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh em che chở, có chị che chở, có bà con che chở, có pháp che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa đám cưới.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, ba phần là lầm lỗi phạm tội của thân nghiệp, đã bất thiện tư niệm, dẫn đến khổ, đưa đến khổ dị thục.

Như thế nào, này các Tỳ Kheo, bốn phần là lầm lỗi, phạm tội của ngữ nghiệp, đã bất thiện tư niệm, dẫn đến khổ, đưa đến khổ dị thục?

Người ấy nói láo, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa các Vương tộc, khi bị dẫn xuất làm chứng và được hỏi: Này người kia, hãy nói những gì người biết.

Dầu cho vị ấy không biết, vị ấy nói: Tôi biết.

Dầu cho vị ấy biết, vị ấy nói: Tôi không biết.

Hay dầu cho vị ấy không thấy, vị ấy nói: Tôi có thấy.

Hay dầu cho vị ấy thấy, vị ấy nói: Tôi không thấy.

Như vậy lời nói của người ấy trở thành cố ý nói láo, hoặc nguyên nhân vì mình, hoặc nguyên nhân vì người, hoặc nguyên nhân vì một vài quyền lợi. Người ấy là người nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, đến chỗ kia nói, để sanh chia rẽ ở những người này.

Nghe điều gì ở chỗ kia, đi nói với những người này, để sanh chia rẽ ở những người kia.

Như vậy, vị ấy ly gián những kẻ hòa hợp, hay xúi giục những kẻ ly gián, ưa thích chia rẽ, vui thích chia rẽ, thích thú chia rẽ, nói những lời đưa đến chia rẽ.

Và người ấy nói lời thô ác, bất cứ lời gì thô bạo, thô tục, khiến người đau khổ, khiến người tức giận, liên hệ đến phẫn nộ, không đưa đến thiền định. Người ấy nói những lời như vậy.

Và người ấy nói những lời phù phiếm, nói phi thời, nói những lời phi chơn, nói những lời không lợi ích, nói những lời phi pháp, nói những lời phi luật, nói những lời không đáng gìn giữ.

Vì nói phi thời, nên lời nói không có thuận lý, không có mạch lạc, hệ thống, không có lợi ích. Như vậy, này các Tỳ Kheo, bốn phần là lầm lỗi, phạm tội của ngữ nghiệp, đã bất thiện tư niệm, dẫn đến khổ, đưa đến khổ dị thục.

Như thế nào, này các Tỳ Kheo, ba phần là lầm lỗi, và phạm tội của ý nghiệp, đã bất thiện tư niệm, dẫn đến khổ, đưa đến khổ dị thục.

Ở đây, này các Tỳ Kheo, có người ấy có tham ái, tham lam tài vật kẻ khác, nghĩ rằng: Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!

Có sân tâm, khởi lên hại ý, hại niệm như sau: Mong rằng những loài hữu tình này bị giết, hay bị tàn sát, hay bị tiêu diệt, hay bị tàn hại, hay mong chúng không còn tồn tại!

Người ấy có tà kiến, có tưởng điên đảo, như: Không có bố thí, không có cúng thí, không có tế tự, các hành vi thiện ác không có kết quả dị thục, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trong đời không có các Sa Môn, Bà La Môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự mình với thắng trí, giác ngộ đời này và đời sau, và tuyên bố.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, ba phần là lầm lỗi, phạm tội của ý nghiệp, đã bất thiện tư niệm, dẫn đến khổ, đưa đến khổ dị thục.

Này các này các Tỳ Kheo, do nhân bất thiện tư niệm, sự lầm lỗi và phạm tội của thân nghiệp có ba phần, các chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Hay là này các Tỳ Kheo, do nhân bất thiện tư niệm, lầm lỗi phạm tội của ngữ nghiệp có bốn phần, các chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Hay là này các Tỳ Kheo, do nhân bất thiện tư niệm, lầm lỗi phạm tội của ý nghiệp có ba phần, các chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Ví như, này các Tỳ Kheo, một hòn ngọc ma ni viên mãn, được quăng lên và rơi xuống chỗ nào, tại chỗ ấy nó khéo an lập.

Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, do nhân bất thiện tư niệm, lầm lỗi phạm tội của thân nghiệp có ba phần, các chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Hay là này các Tỳ Kheo, do nhân bất thiện tư niệm, lầm lỗi phạm tội của ngữ nghiệp có bốn phần, các chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Hay là này các Tỳ Kheo, do nhân bất thiện tư niệm, lầm lỗi phạm tội của ý nghiệp có ba phần, các chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Ta tuyên bố rằng, này các Tỳ Kheo, các nghiệp được tư niệm, được làm, được tích tập, nếu không cảm thọ kết quả thời không có chấm dứt, dầu quả ấy thuộc trong đời hiện tại, hay trong đời sau.

Ta tuyên bố rằng, này các Tỳ Kheo, các nghiệp được tư niệm, được làm, được tích tập, nếu không cảm thọ kết quả thời khổ không có chấm dứt.

Ở đây, này các Tỳ Kheo, ba phần là thành đạt của thân nghiệp đã thiện tư niệm, dẫn đến lạc, đưa đến lạc dị thục, bốn phần là thành đạt của ngữ nghiệp đã thiện tư niệm, dẫn đến lạc, đưa đến lạc dị thục, ba phần là thành đạt của ý nghiệp đã thiện tư niệm, dẫn đến lạc, đưa đến lạc dị thục.

Và như thế nào, này các Tỳ Kheo, ba phần là thành đạt của thân nghiệp đã thiện tư niệm, dẫn đến lạc, đưa đến lạc dị thục?

Ở đây, này các Tỳ Kheo, có người đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và các loài hữu tình.

Ðoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, bất cứ vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng, hoặc tại rừng núi, không cho người ấy, người ấy không lấy trộm tài vật ấy.

Ðoạn tận sống tà hạnh trong các dục , không hành tà hạnh với hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh em che chở, có chị che chở, có bà con che chở, có pháp che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa đám cưới.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, ba phần là thành đạt của thân nghiệp, dẫn đến lạc, đưa đến lạc dị thục.

Và này các Tỳ Kheo, thế nào là bốn phần là thành đạt của ngữ nghiệp, dẫn đến lạc, đưa đến lạc dị thục?

Ở đây, này các Tỳ Kheo có người đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo, đến chỗ tập hội hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa các vương tộc, khi bị dẫn xuất làm chứng và được hỏi:

Này người kia, hãy nói những gì người biết, nếu biết, người ấy nói:

Tôi biết, nếu không biết, người ấy nói: Tôi không biết.

Hay nếu không thấy, người ấy nói: Tôi không thấy.

Nếu thấy, người ấy nói: Tôi thấy.

Như vậy lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc nguyên nhân vì mình, hoặc nguyên nhân vì người, hoặc nguyên nhân vì một vài quyền lợi gì.

Ðoạn tận lời nói hai lưỡi, từ bỏ nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đi đến chỗ kia nói, để sanh chia rẽ ở những người này. Nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này, để sanh chia rẽ ở những người kia.

Như vậy, người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.

Ðoạn tận lời nói thô ác, từ bỏ lời nói thô ác, những lời nói nhu hòa, êm tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui ý nhiều người, người ấy nói những lời như vậy.

Ðoạn tận lời nói phù phiếm, từ bỏ lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về chánh pháp, nói những lời về luật, nói những lời đáng được gìn giữ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có lợi ích.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, bốn phần là sự thành đạt của ngữ nghiệp đã thiện tư niệm, dẫn đến lạc, đưa đến lạc dị thục.

Và này các Tỳ Kheo, thế nào là ba phần là thành đạt của ý nghiệp đã thiện tư niệm, dẫn đến lạc, đưa đến lạc dị thục?

Ở đây, này các Tỳ Kheo, có người không tham ái, không tham lam tài vật của kẻ khác, không có nghĩ rằng: Ôi! Mong rằng món tài vật của người khác trở thành của mình!

Lại có người không có sân tâm, không khởi lên hại ý, hại niệm, nhưng nghĩ rằng: Mong rằng những loài hữu tình này sống không thù hận, không oán thù, không nhiễu loạn, được an lạc, lo nghĩ tự thân!

Có chánh kiến, không có tư tưởng điên đảo, nghĩ rằng: Có bố thí, có cúng thí, có tế tự, các hành vi thiện ác có kết quả dị thục, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trong đời có các Sa Môn, Bà La Môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự mình chứng ngộ với thắng trí đời này và đời sau, rồi tuyên bố.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, ba phần là thành đạt của ý nghiệp đã thiện tư niệm, dẫn đến lạc, đưa đến lạc dị thục.

Này các Tỳ Kheo, do nhân ba phần là thành đạt của thân nghiệp, đã thiện tư niệm, dẫn đến lạc, đưa đến lạc dị thục, các chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, Thiên Giới, cõi đời này.

Này các Tỳ Kheo, do nhân bốn phần là thành đạt của ngữ nghiệp, đã thiện tư niệm, dẫn đến lạc, đưa đến lạc dị thục, các chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, Thiên Giới, cõi đời này.

Này các Tỳ Kheo, do nhân ba phần là thành đạt của ý nghiệp, đã thiện tư niệm, dẫn đến lạc, đưa đến lạc dị thục, các chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, Thiên Giới, cõi đời này.

Ví như, này các Tỳ Kheo, hòn ngọc mani viên mãn, được quăng lên và rơi xuống chỗ nào, tại chỗ ấy nó khéo an lập.

Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, do nhân thiện tư niệm, thành đạt của thân nghiệp có ba phần, các chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, Thiên Giới, cõi đời này.

Hay là do nhân thiện tư niệm, thành đạt của ngữ nghiệp có bốn phần, các chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, Thiên Giới, cõi đời này.

Hay là do nhân thiện tư niệm, thành đạt của ý nghiệp có ba phần, các chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, Thiên Giới, cõi đời này.

Này các Tỳ Kheo, ta tuyên bố rằng các nghiệp đã tư niệm, đã làm, đã tích tập, nếu chưa lãnh thọ kết quả thời không chấm dứt, dầu cho quả ấy thuộc đời hiện tại, hay trong đời sau, và này các Tỳ Kheo, ta tuyên bố rằng các nghiệp đã tư niệm, đã được làm, đã được tích tập, nếu chưa lãnh thọ kết quả thời khổ không được chấm dứt.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần