Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Năm - Năm Pháp - Phẩm Ba - Phẩm Năm Phần - Phần Mười - Tôn Giả Nàgita

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG CHI BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

CHƯƠNG NĂM

NĂM PHÁP  

PHẨM BA

PHẨM NĂM PHẦN  

PHẦN MƯỜI

TÔN GIẢ NÀGITA  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Thế Tôn bộ hành giữa các người Kosala, cùng với đại chúng Tỳ Kheo đi đến một làng Bà La Môn tên là Icchànangalam. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Icchànangalam, trong khóm rừng Icchànangalam.

Các Bà La Môn gia chủ ở Icchànangalam được nghe: Sa Môn Tôn Giả Gotama là Thích tử xuất gia từ gia đình họ Thích, đã đến Icchànangalam, trú ở Icchànanagalam trong khóm rừng Icchànangalam.

Về Tôn Giả Gotama ấy, tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi: Ðây là Đức Thế Tôn, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ Thế Giới này cùng với Thiên Giới, Phạm Thiên Giới, với chúng Sa Môn, Bà La Môn các loài Trời và người.

Sau khi đã chứng ngộ, Ngài tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ngài truyền dạy phạm hạnh  hoàn toàn đầy đủ trong sạch.

Tốt đẹp thay, sự chiêm ngưỡng một vị A La Hán như vậy!

Rồi các Bà La Môn gia chủ ở Icchànangalam, sau khi đêm ấy đã mãn, cầm theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm, đi đến khóm rừng Icchànangalam, sau khi đến, đứng ở ngoài cổng vào, và lớn tiếng làm huyên náo. Lúc bấy giờ, Tôn Giả Nàgita là thị giả của Thế Tôn.

Rồi Thế Tôn bảo Tôn Giả Nàgita: Này Nàgita, những ai đã đến, và làm ồn ào như những hàng cá với đống cá lớn?

Các người ấy, bạch Thế Tôn, là các Bà La Môn gia chủ ở Icchànangalam, đang đứng ở ngoài cổng vào, đem theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm cho Thế Tôn và Chúng Tăng.

Này Nàgita, ta không có liên hệ gì với danh vọng và danh vọng không có liên hệ gì với ta. Này Nàgita, những ai tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không có phí sức, tìm được an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, Chánh Giác lạc, mà ta đã tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không có phí sức.

Hãy để họ thọ hưởng lạc như phân ấy, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc.

Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy chấp nhận! Thiện Thệ hãy chấp nhận!

Nay Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy các Bà La Môn gia chủ ở thị trấn và ở Quốc Độ cũng sẽ đi đến với tâm hướng về cúng dường.

Ví như Trời mưa nặng hạt, và nước mưa được chảy tùy theo chiều dốc. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy các Bà La Môn gia chủ ở thị trấn và ở Quốc Độ họ cũng sẽ đi đến, với tâm hướng về cúng đường.

Vì cớ sao?

Bạch Thế Tôn, do vì giới hạnh và trí tuệ của Thế Tôn. Này Nàgita, ta không có liên hệ gì với danh vọng, và danh vọng không có liên hệ gì với ta.

Này Nàgita, những ai tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không có phí sức, tìm được an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, Chánh Giác lạc, mà ta đã tìm được không có khó khăn, tìm được không phí sức. Hãy để họ thọ hưởng lạc như phân ấy, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc.

Này Nàgita, với ai ăn, uống, nhai, nếm, thời đại tiện, tiểu tiện, là kết quả tất nhiên cho người ấy. Với những ai nặng nề về ái lạc, này Nàgita, sự biến hoại, đổi khác, sầu bi khổ ưu não khởi lên. Ðấy là kết quả tất nhiên cho người ấy.

Những ai chuyên chú tâm về tướng bất tịnh, này Nàgita, thời sự nhàm chán đối với tịnh tướng được an trú. Ðấy là kết quả tất nhiên cho người ấy. Ai sống tùy quán vô thường trong sáu xúc xứ, này Nàgita, thời sự nhàm chán đối với xúc được an trú. Ðấy là kết quả tất nhiên cho người ấy.

Ai sống tùy quán sanh diệt đối với năm thủ uẩn, này Nàgita, thời sự nhàm chán đối với chấp thủ được an trú. Ðấy là kết quả tất nhiên cho người ấy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần