Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Sáu - Sáu Pháp - Phẩm Năm - Phẩm dhammika - Phần Tám - Không Phóng Dật

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG CHI BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

CHƯƠNG SÁU

SÁU PHÁP  

PHẨM NĂM

PHẨM DHAMMIKA

CON VOI  

PHẦN TÁM

KHÔNG PHÓNG DẬT  

Rồi một Bà La Môn đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Bà La Môn ấy bạch Thế Tôn: Có một pháp nào, thưa Tôn Giả Gotama, được tu tập, được làm cho sung mãn, pháp ấy bao trùm và an trú hai lợi ích: Lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai?

Có một pháp, này Bà La Môn, được tu tập, được làm cho sung mãn bao trùm và an trú hai lợi ích: Lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai.

Một pháp ấy là gì, thưa Tôn Giả Gotama được tu tập, được làm cho sung mãn, pháp ấy bao trùm và an trú hai lợi ích: Lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai?

Không phóng dật, này Bà La Môn là một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, bao trùm và an trú hai lợi ích: Lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai. Ví như, này Bà La Môn, phàm có những dấu chân của các loại bộ hành nào, tất cả dấu chân ấy đều được thâu nhiếp trong dấu chân voi.

Dấu chân voi được gọi là tối thắng trong các dấu chân ấy, cũng vậy, này Bà La Môn, không phóng dật là một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, bao trùm và an trú hai lợi ích: Lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai. Ví như này Bà La Môn, trong một ngôi nhà có nóc nhọn, tất cả rui kèo đều hướng về nóc nhọn, thiên về nóc nhọn, quy tụ về nóc nhọn, nóc nhọn được gọi là tối thắng trong các vật ấy.

Cũng vậy, này Bà La Môn, không phóng dật ví như, này Bà La Môn, người cắt cỏ, trong khi cắt cỏ, sau khi túm lấy đầu các ngọn cỏ, liền lùa cỏ qua lại, vặt cỏ lên xuống và đập cỏ.

Cũng vậy, này Bà La Môn ví như, này Bà La Môn, nhánh cây có chùm xoài bị chặt đứt, tất cả trái xoài dính với nhánh ấy đều bị chung một số phận với nhánh kia.

Cũng vậy, này Bà La Môn ví như, này Bà La Môn, phàm có các tiểu vương nào, tất cả đều tùy thuộc Vua Chuyển Luân. Vua Chuyển Luân được gọi là tối thắng trong các vị Vua ấy.

Cũng vậy, này Bà La Môn ví như, này Bà La Môn, ánh sáng của các vì sao, tất cả ánh sáng các ngôi sao không bằng giá trị một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Ánh sáng của mặt trăng được gọi là tối thắng trong tất cả ánh sáng.

Cũng vậy, này Bà La Môn, không phóng dật là một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, bao trùm và an trú hai lợi ích: Lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai. Ðây là một pháp, này Bà La Môn, được tu tập, được làm cho sung mãn, bao trùm và an trú hai lợi ích: lợi ích hiện tại và lợi ích trong tương lai.

Thật vi diệu thay, thưa Tôn Giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn Giả Gotama!

Xin Tôn Giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.  

DHAMMIKA  

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha Vương Xá tại núi Gijihakùta Linh Thứu. Lúc bấy giờ, Tôn Giả Dhammika trú tại chỗ sanh trưởng của mình và có tất cả bảy trú xứ tại chỗ sanh trưởng ấy.

Tại đấy, Tôn Giả Dhammika đối với các khách Tỳ Kheo, mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, khiến họ tức giận với những lời nói.

Và các khách Tỳ Kheo ấy bị Tôn Giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, khiến họ tức giận, liền bỏ đi, không có an trú và từ bỏ trú xứ.

Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng, suy nghĩ như sau: Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỳ Kheo Tăng các vật dụng cần thiết như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhưng các khách Tỳ Kheo lại bỏ đi, không có an trú và từ bỏ trú xứ.

Do nhân gì, do duyên gì, các khách Tỳ Kheo lại bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ?

Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ: Có Tôn Giả Dhammika này mắng nhiếc các khách Tỳ Kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận với những lời nói. Các khách Tỳ Kheo ấy bị Tôn Giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với những lời nói, nên bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ.

Vậy chúng ta hãy mời Tôn Giả Dhammika đi chỗ khác. Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng đi đến Tôn Giả Dhammika.

Sau khi đến, thưa với Tôn Giả Dhammika: Thưa Tôn Giả, Tôn Giả Dhammika hãy từ bỏ trú xứ này. Tôn Giả trú ở đây đã vừa đủ rồi. Rồi Tôn Giả Dhammika từ bỏ trú xứ ấy, đi đến một trú xứ khác.

Tại đấy, Tôn Giả Dhammika mắng nhiếc các khách Tỳ Kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với các lời nói. Và các khách Tỳ Kheo ấy bị Tôn Giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với các lời nói, liền bỏ đi, không an trú, và từ bỏ trú xứ.

Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ như sau: Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỳ Kheo các vật dụng cần thiết, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhưng các khách Tỳ Kheo lại bỏ đi, không an trú, từ bỏ trú xứ.

Do nhân gì, do duyên gì, các khách Tỳ Kheo lại bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ?

Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ: Có Tôn Giả Dhammika này mắng nhiếc các khách Tỳ Kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận với những lời nói. Các khách Tỳ Kheo ấy bị Tôn Giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận, nên bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ.

Vậy chúng ta hãy mời Tôn Giả Dhammika đi đến chỗ khác. Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng đi đến Tôn Giả Dhammika.

Sau khi đến, thưa với Tôn Giả Dhammika: Thưa Tôn Giả, Tôn Giả Dhammika hãy từ bỏ trú xứ này. Tôn Giả trú ở đây đã vừa đủ rồi.

Rồi Tôn Giả Dhammika từ bỏ trú xứ ấy, đi đến một xứ khác. Tại đấy, Tôn Giả Dhammika mắng nhiếc các khách Tỳ Kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm tức giận với lời nói.

Và các khách Tỳ Kheo ấy bị Tôn Giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với lời nói, liền bỏ đi, không có an trú và từ bỏ trú xứ.

Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ như sau: Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỳ Kheo các vật dụng cần thiết như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhưng các khách Tỳ Kheo lại bỏ đi, không an trú, từ bỏ trú xứ.

Do nhân gì, do duyên gì, các khách Tỳ Kheo lại bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ?

Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ: Có Tôn Giả Dhammika này mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận với những lời nói. Các khách Tỳ Kheo ấy bị Tôn Giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm tức giận với những lời nói, nên bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ. Vậy chúng ta hãy mời Tôn Giả Dhammika rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ đất sanh trưởng.

Rồi các cư sĩ tại chỗ đất sanh trưởng đi đến Tôn Giả Dhammika.

Sau khi đến, nói với Tôn Giả Dhammika: Thưa Tôn Giả, Tôn Giả Dhammika hãy rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ đất sanh trưởng.

Rồi Tôn Giả Dhammika suy nghĩ: Ta đã bị các cư sĩ tại chỗ đất sanh trưởng mời rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ đất sanh trưởng.

Nay ta sẽ đi tại chỗ nào?

Ta hãy đi đến Thế Tôn.

Rồi Tôn Giả Dhammika cầm y bát, ra đi, hướng đến Ràjagaha Vương Xá, dần dần đi đến núi Gijihakùta Linh Thứu tại Ràjagaha. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Thế Tôn nói với Tôn Giả Dhammika đang ngồi xuống một bên: Này Bà La Môn Dhammika, Ông đi từ đâu đến?

Bạch Thế Tôn, con bị các cư sĩ tại chỗ đất sanh trưởng mời rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ đất sanh trưởng.

Thôi vừa rồi, này Bà La Môn Dhammika! Sự việc này, đối với Ông có hề hấn gì!

Dầu họ có mời ông từ bỏ tại chỗ nào, chỗ nào, sau khi đã từ bỏ chỗ ấy, chỗ ấy, ông đã đi đến gần Ta. Trong quá khứ, này Bà La Môn Dhammika, các nhà buôn đường biển đem theo một con chim để tìm bờ, khi họ đi tàu ra biển. Khi chiếc tàu ra xa, không thấy bờ, họ thả con chim đi tìm bờ.

Con chim bay về hướng Ðông, bay về hướng Tây, bay về hướng Bắc, bay về hướng Nam, bay về hướng Trên, bay về hướng Gió.

Nếu nó thấy bờ xung quanh, nó liền bay luôn. Nếu nó không thấy bờ xung quanh, nó bay trở lui về tàu. Cũng vậy, này Bà La Môn Dhammika, dầu họ có mời ông từ bỏ tại chỗ nào, chỗ nào, sau khi đã từ bỏ chỗ ấy, chỗ ấy, ông đã đi đến gần Ta.

Thuở xưa, này Bà La Môn Dhammika, Vua Koravya có một cây Bàng Chúa tên là Suppatittha, cây này có năm cành, có bóng mát dịu, rất là khả ý.

Này Bà La Môn Dhammika, cây Bàng Chúa Suppatittha tỏa rộng ra đến mười hai do tuần, các rễ mọc lan rộng đến năm do tuần.

Này Bà La Môn Dhammika, cây Bàng Chúa Suppatittha có những trái cây to lớn, lớn như những cái nồi con. Những trái cây ngọt lịm như vậy, trong sáng và ngọt như mật ong. Này Bà La Môn Dhammika, Vua với các Cung nữ hưởng thụ một cành cây của cây Bàng Chúa Suppatittha. Quân đội hưởng thụ một cành. Các Sa Môn, Bà La Môn hưởng thụ một cành.

Các loài thú, loài chim hưởng thụ một cành. Này Bà La Môn Dhammika, không có ai phòng hộ các trái của cây Bàng Chúa Suppatittha, và không có ai hại nhau vì trái cây.

Rồi này Bà La Môn Dhammika, một người sau khi đã ăn hết cho đến thỏa thích những trái của cây Bàng Chúa Suppatittha, liền bẻ gãy một cành rồi bỏ đi.

Rồi này Bà La Môn Dhammika, vị Thiên trú ở cây Bàng Chúa Suppatittha suy nghĩ như sau: Thật là vi diệu, thưa Tôn Giả! Thật là hy hữu, thưa Tôn Giả, con người lại ác cho đến như vậy!

Sau khi ăn cho đến thỏa thích các trái của cây Bàng Chúa Suppatittha, lại bẻ một cành rồi bỏ đi! Vậy cây Bàng Chúa Suppatittha hãy đừng sanh trái nữa trong tương lai!

Rồi này Bà La Môn Dhammika, cây Bàng Chúa Suppatittha không sanh trái nữa trong tương lai. Rồi này Bà La Môn Dhammika, Vua Koravya đi đến Thiên Chủ Sakka.

Sau khi đến, thưa với Thiên Chủ Sakka: Tôn Giả có biết không?

Cây Bàng Chúa Suppatittha không sanh trái nữa! Rồi này Bà La Môn Dhammika, Thiên Chủ Sakka thực hiện thần thông, khiến cho mưa to gió lớn khởi lên, làm cây Bàng Chúa Suppatittha ngã xuống và bật gốc rễ. Này Bà La Môn Dhammika, vị Thiên trú ở cây Bàng Chúa Suppatittha khổ đau, sầu muộn, nước mắt đầy mặt, khóc lóc, đứng một bên.

Này Bà La Môn Dhammika, rồi Thiên Chủ Suppatittha đi đến vị Thiên trú ở cây Bàng Chúa Suppatittha, sau khi đến, nói với vị Thiên trú ở cây Bàng Chúa Suppatittha như sau: Vì sao, này vị Thiên kia, ông lại khổ đau, sầu muộn, nước mắt đầy mặt, khóc lóc, đứng một bên?

Thưa Tôn Giả, có cơn mưa to gió lớn khởi lên, và làm cho chỗ trú xứ của con bị ngã xuống và bật gốc rễ lên.

Này vị Thiên kia, có phải ông đang gìn giữ cây pháp, nhưng cơn mưa to lớn ấy khởi lên, làm trú xứ của ông bị ngã xuống và bật gốc rễ lên?

Làm thế nào, thưa Tôn Giả, một cây được gìn giữ như một cây pháp?

Ở đây, này vị Thiên kia, những người cần rễ đến lấy rễ cây đi, những người cần vỏ đến lấy vỏ cây đi. Những người cần lá đến lấy lá đi.

Những người cần bông đến lấy bông đi. Những người cần trái đến lấy trái đi. Như vậy, không có gì để khiến cho một vị Thiên phải không hoan hỷ, không vui vẻ. Như vậy, là một cây được gìn giữ như một cây pháp.

Thưa Tôn Giả, con không gìn giữ một cây pháp, khi cơn mưa to lớn ấy khởi lên, làm chỗ trú xứ của con ngã xuống và bật gốc rễ lên!

Này vị Thiên kia, nếu ông gìn giữ cây pháp, thời trú xứ của ông sẽ trở lại như xưa.

Thưa Tôn Giả, con sẽ gìn giữ cây pháp, mong rằng trú xứ của con trở lại như xưa.

Rồi Thiên Chủ Sakka thực hiện thần thông khiến cho mưa to gió lớn đến dựng đứng lại cây Bàng Chúa và chữa lành những rễ cây.

Cũng vậy, này Bà La Môn Dhammika, ông có gìn giữ Sa Môn pháp, khi các người cư sĩ tại chỗ sanh trưởng mời ông đi khỏi bảy trú xứ tại chỗ sanh trưởng không?

Như thế nào, thưa Tôn Giả, là một Sa Môn gìn giữ Sa Môn pháp?

Như thế này, này Bà La Môn Dhammika, ở đây, một Sa Môn không có mắng nhiếc lại người đã mắng nhiếc mình, không có tức giận người đã tức giận mình, không có quở trách người đã quở trách mình. Như vậy, này Bà La Môn Dhammika, là vị Sa Môn gìn giữ Sa Môn pháp.

Thưa Tôn Giả, con không gìn giữ Sa Môn pháp khi những người cư sĩ ở tại chỗ sanh trưởng mời con đi khỏi hoàn toàn bảy trú xứ trong chỗ được sanh trưởng.

Thuở xưa, này Bà La Môn Dhammika, có một ngoại Đạo Sư tên là Sunettto Diệu Nhãn đã viễn ly các dục. Này Bà La Môn Dhammika, ngoại Đạo Sư Sunetto có hàng trăm đệ tử. Ngoại Đạo Sư Sunetto Thuyết pháp về cộng trú tại Phạm Thiên Giới cho các người đệ tử.

Những ai nghe ngoại Đạo Sư Sunetto thuyết giảng về cộng trú tại Phạm Thiên Giới, này Bà La Môn Dhammika, tâm không được hoan hỷ, các người ấy sau khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Còn những ai, này Bà La Môn Dhammika, nghe ngoại Đạo Sư Sunetto thuyết giảng về cọng trú tại Phạm Thiên Giới, tâm được hoan hỷ, các người ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên Giới, cõi đời này.

Thuở xưa, này Bà La Môn Dhammika, có ngoại Đạo Sư tên là Mugapakkha có ngoại Đạo Sư tên là Aranemi có ngoại Đạo Sư tên là Kuddàlaka có ngoại Đạo Sư tên là Hatthipàla có ngoại Đạo Sư tên là Jotipàla đã viễn ly các dục được sanh vào thiện thú, Thiên Giới, cõi đời này.

Ông nghĩ thế nào, này Bà La Môn Dhammika, đối với sáu ngoại Đạo Sư này đã viễn ly các dục, hay đối với chúng đệ tử hàng trăm hội chúng của những vị ấy, ai với tâm uế nhiễm, mắng nhiếc, quở trách, như vậy có sanh khởi ra nhiều vô phước không?

Thưa có, bạch Thế Tôn.

Thật vậy, này Bà La Môn Dhammika, đối với sáu ngoại Đạo Sư này đã viễn ly các dục, hay đối với chúng đệ tử hàng trăm hội chúng của những vị ấy, ai với tâm uế nhiễm, mắng nhiếc, quở trách, có sanh khởi ra nhiều vô phước.

Còn ai, đối với vị đầy đủ chánh kiến, với tâm uế nhiễm, mắng nhiếc, quở trách, như vậy sanh khởi ra nhiều vô phước hơn nữa.

Vì cớ sao?

Ta tuyên bố rằng, này Bà La Môn Dhammika, sự tổn hại đối với các ngoại Đạo Sư như vậy không bằng sự tổn hại nếu đối xử với các vị đồng phạm hạnh.

Do vậy, này các Bà La Môn Dhammika, cần phải học tập như sau: Chúng tôi sẽ không có tâm uế nhiễm đối với vị đồng phạm hạnh. Này Bà La Môn Dhammika, các ông cần phải học tập như vậy.

Các vị Bà La Môn,

Như Sư Sunetto,

Sư Mugapakkha,

Và Aranemi,

Sư Kuddalaka,

Và Hatthipàla,

Sư Jotipàla,

Và Sư Govinda,

Là Quốc Sư thứ bảy.

Sáu Sư bạn vị này,

Là những vị danh tiếng,

Quá khứ không hại ai,

Thoát hôi hám, từ bi,

Giải thoát dục kiết sử,

Thoát ly tham ái dục,

Ðạt được Phạm Thiên Giới.

Và các hàng đệ tử,

Con số lên hàng trăm,

Thoát hôi hám, từ bi,

Giải thoát dục kiết sử,

Thoát ly tham ái dục,

Ðạt được Phạm Thiên Giới.

Ẩn sĩ ngoại đạo ấy,

Ly tham, tâm thiền định,

Nếu với tâm uế nhiễm,

Có ai mắng nhiếc họ,

Người như vậy tạo ra,

Rất nhiều sự vô phước.

Ðối một đệ tử Phật,

Tỳ Kheo có chánh kiến,

Nếu với tâm uế nhiễm,

Có ai mắng vị ấy,

Người như vậy tạo ra,

Nhiều vô phước hơn nữa

Chớ Phật lòng bậc thiện,

Hãy từ bỏ kiến xứ,

Tối thượng trong Thánh Chúng,

Vị ấy được gọi vậy.

Ai chưa ly các dục,

Năm căn còn mềm dịu,

Tín, niệm và tinh tấn,

Với chỉ và với quán,

Nếu Phật ý vị ấy,

Trước hết tự hại mình,

Sau khi tự hại mình,

Lại hại đến người khác,

Ai tự bảo vệ mình,

Bề ngoài cũng bảo vệ,

Do vậy, bảo vệ mình,

Bậc trí không tổn hại.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần