Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Chín - Phẩm đẳng Pháp - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM BA MƯƠI CHÍN
PHẨM ĐẲNG PHÁP
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nếu có Tỳ Kheo thành tựu bảy pháp thì sẽ ở trong pháp hiện tại được sự an vui vô cùng, muốn được hết lậu hoặc liền sẽ được hết.
Thế nào là bảy pháp?
Ở đây, vị Tỳ Kheo biết pháp, biết nghĩa, biết thời, có thể biết mình, lại có thể biết đủ, và cũng biết vào trong chúng, quan sát mọi người. Ðó là bảy pháp.
Thế nào là Tỳ Kheo biết pháp?
Tỳ Kheo biết pháp là biết Khế Kinh, Kỳ Dạ, Kệ, Nhân Duyên, Thí Dụ, Bổn Mạt, Quảng Diễn, Phương Đẳng, Vị Tằng Hữu, Quảng Phổ, Thọ Quyết, Sanh Kinh.
Nếu có Tỳ Kheo không biết pháp là không biết mười hai Bộ Kinh. Ðây chẳng phải là Tỳ Kheo. Vì Tỳ Kheo thì phải hay hiểu rõ pháp. Ðó gọi là biết pháp. Như thế là Tỳ Kheo hiểu rõ pháp.
Thế nào là Tỳ Kheo hiểu rõ nghĩa?
Ở đây, Tỳ Kheo biết cơ thú chỗ nhắm đến của Như Lai, hiểu rõ nghĩa sâu không có nghi nan, nếu Tỳ Kheo không hiểu rõ nghĩa thì không phải Tỳ Kheo. Vì Tỳ Kheo có thể biết thầm nghĩa, nên gọi là hiểu nghĩa. Như thế là Tỳ Kheo có thể phân biệt được nghĩa.
Thế nào là Tỳ Kheo biết thời nghi?
Ở đây, Tỳ Kheo biết thời tiết, lúc nên tu quán thì tu quán, lúc nên tu chỉ thì tu chỉ, lúc nên im lặng biết im lặng, nên đi thì biết đi, nên tụng thì biết tụng, nên giáo thọ cho người ở trước mặt thì giáo thọ cho người ở trước mặt, nên nói thì biết nói.
Nếu Tỳ Kheo chẳng biết những điều này, chẳng biết nên chỉ, quán, tiến, dừng thì chẳng phải là Tỳ Kheo. Nếu Tỳ Kheo biết thời tiết, không mất thời nghi, đó gọi là tùy thời nghi. Như thế là Tỳ Kheo biết thời nghi.
Thế nào là Tỳ Kheo tự biết mình?
Ở đây, Tỳ Kheo tự biết mình: Nay ta có kiến, văn, giác niệm, hiểu biết này, có trí tuệ như thế, đi bước, tiến, dừng, hằng theo chánh pháp. Nếu Tỳ Kheo không tự biết trí tuệ mình, nên ra, vào, đi đến, thì đây không phải Tỳ Kheo. Vì Tỳ Kheo có thể tự tu thích nghi với sự tiến, dừng của mình. Ðây gọi là tự tu hạnh mình. Ðây là Tỳ Kheo tự biết mình.
Thế nào là Tỳ Kheo tự biết đủ?
Ở đây, Tỳ Kheo có thể tự điều hòa ngủ nghỉ, tỉnh thức, ngồi, nằm, kinh hành, các cách thức tiến, dừng. Ðều có thể biết dừng đủ.
Nếu Tỳ Kheo không thể biết như thế thì chẳng phải Tỳ Kheo. Vì Tỳ Kheo có thể hiểu rõ điều này, nên gọi là biết đủ. Như thế là Tỳ Kheo biết đủ.
Thế nào là Tỳ Kheo biết vào đại chúng?
Ở đây, Tỳ Kheo phân biệt đại chúng: Ðây là dòng Sát Lợi, đây là chúng Bà La Môn, đây là chúng Trưởng Giả, đây là chúng Sa Môn. Ta sẽ dùng phép tắc này để thích ứng ở trong chúng kia. Nên nói hay nên im lặng đều biết tất cả.
Nếu Tỳ Kheo chẳng biết cách nhập chúng này thì chẳng phải là Tỳ Kheo. Vì Tỳ Kheo biết vào đại chúng nên gọi là biết nhập chúng. Ðó là, Tỳ Kheo biết nhập chúng.
Thế nào là Tỳ Kheo biết căn nguyên của mọi người?
Tỳ Kheo nên biết! Có hai hạng người.
Thế nào là hai?
Có hạng người muốn đến vườn quán để gần gũi Tỳ Kheo. Còn hạng thứ hai không ưa đến gặp Tỳ Kheo. Trong hai hạng người này, hạng người muốn gần gũi Tỳ Kheo là hơn.
Này Tỳ Kheo! Lại có hai hạng người.
Thế nào là hai?
Hạng người thứ nhất tuy đến chỗ Tỳ Kheo mà chẳng hỏi nghi thức, hạng người thứ hai cũng chẳng vào Chùa gặp Tỳ Kheo. Trong hai hạng này thì hạng người đến Chùa kia là hơn cả.
Này Tỳ Kheo! Lại có hai hạng người.
Thế nào là hai?
Hạng người thứ nhất đến chỗ Tỳ Kheo thăm hỏi thời nghi. Hạng người thứ hai không đến chỗ Tỳ Kheo thăm hỏi thời nghi. Trong hai hạng người này thì hạng người đến Chùa kia là hơn cả.
Này Tỳ Kheo! Lại có hai hạng người.
Thế nào là hai?
Hạng người thứ nhất hay quan sát, thọ trì, đọc tụng. Hạng người thứ hai chẳng thể thọ trì, đọc tụng. Trong hai hạng này thì hạng người thọ trì đọc tụng kia là hơn cả.
Này Tỳ Kheo! Lại có hai hạng người.
Thế nào là hai?
Hạng người thứ nhất nghe pháp rồi hiểu nghĩa. Hạng người thứ hai nghe pháp mà không hiểu nghĩa. Hạng người nghe pháp hiểu nghĩa kia là hơn.
Này Tỳ Kheo! Lại có hai hạng người.
Thế nào là hai?
Hạng người thứ nhất nghe pháp, mọi pháp đều thành tựu. hạng người thứ hai chẳng nghe pháp, chẳng thành tựu pháp. Hạng người nghe pháp, thành tựu pháp kia là hơn.
Này Tỳ Kheo! Lại có hai hạng người.
Thế nào là hai?
Hạng người thứ nhất nghe pháp có thể kham nhẫn tu hành, phân biệt hộ trì chánh pháp. Hạng người thứ hai chẳng thể kham nhẫn tu hành. Vậy hạng người tu hành pháp kia là hơn. Ví như, bò có lạc, do lạc có tô, do tô có đề hồ, đề hồ là hơn cả, không gì bì kịp.
Ðây cũng như thế, nếu ai có thể tu hành, người này là hơn cả, không ai sánh kịp. Ðó là Tỳ Kheo quán sát căn nguyên của người. Người nào không rõ điều này thì chẳng phải Tỳ Kheo.
Vị Tỳ Kheo nghe pháp, phân biệt nghĩa này. Ðây là đệ nhất. Như thế là Tỳ Kheo quán sát căn nguyên của người. Nếu Tỳ Kheo nào thành tựu bảy pháp này thì ở trong hiện pháp được vui thích vô vi, ý muốn dứt hết lậu, cũng chẳng có gì nghi ngờ.
Thế nên, Tỳ Kheo! Hãy cầu phương tiện thành tựu bảy pháp này. Như thế, Tỳ Kheo, hãy học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Cây trú độ ở Cõi Trời Ba Mươi Ba, gốc của nó to năm mươi do tuần, cao một trăm do tuần, bóng che bốn phía năm mươi do tuần. Các Trời Ba Mươi Ba vui chơi ở đó bốn tháng.
Tỳ Kheo nên biết! Có lúc hoa lá của cây trú độ héo vàng rơi rụng trên đất.
Lúc ấy, Chư Thiên thấy điểm ứng này, tất cả đều hoan hỷ, vui vẻ: Cây này chẳng bao lâu sẽ sanh hoa trái.
Tỳ Kheo nên biết! Có lúc hoa trái của cây rơi rụng đầy đất.
Bấy giờ, Trời Ba Mươi Ba lại càng thêm hoan hỷ bảo nhau: Cây này không bao lâu sẽ có màu tro.
Tỳ Kheo nên biết! Trải qua khoảng thời gian, cây kia ngã màu tro. Bấy giờ Chư Thiên Trời Ba Mươi Ba lại rất vui mừng bảo nhau. Cây này đã có màu tro, chẳng bao lâu sẽ nẩy chồi. Chư Thiên Trời Ba Mươi Ba thấy cây trú độ đã nẩy chồi, chẳng bao lâu sẽ sanh nụ hoa.
Thấy rồi, chư vị ấy sanh lòng hoan hỷ: Hôm nay, cây này đã sanh nụ hoa bạc tiết, chẳng bao lâu sẽ nở tròn.
Tỳ Kheo nên biết! Chư Thiên Trời Ba Mươi Ba thấy cây này dần dần nở tròn liền vui mừng: Cây này đã dần dần nở tròn, chẳng bao lâu sẽ đều đầy hoa.
Tỳ Kheo nên biết! Lúc cây này nở tròn, mọi người đều hoan hỷ: Hôm nay, tất cả cây này đều đơm hoa. Bấy giờ hương thơm bay ngược gió, trong vòng một trăm do tuần, ai cũng ngửi được mùi thơm.
Lúc ấy, Chư Thiên ở đó vui chơi suốt trong bốn tháng, thích thú không thể kể.
Ðây cũng như thế! Nếu bậc đệ tử Hiền Thánh ý muốn xuất gia học đạo thì cũng giống như cây kia lúc muốn rụng lá.
Lại nữa, bậc đệ tử Hiền Thánh, bỏ vợ con tài sản, đem lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc giống như cây kia rụng lá đầy đất.
Tỳ Kheo nên biết!
Nếu bậc đệ tử Hiền Thánh, không có tưởng tham dục, trừ bỏ pháp bất thiện, niệm giữ hoan hỷ, để chí ở Sơ Thiền, như cây trú độ có màu tro.
Lại nữa, bậc đệ tử Hiền Thánh, có giác, có quán, dừng bên trong sanh hoan hỷ, chuyên chú nhất tâm, không giác, không quán, dạo tâm ở Nhị Thiền, ví như cây kia sanh chồi.
Lại nữa, bậc đệ tử Hiền Thánh, không niệm mà có hộ xả, tự biết thân có lạc, là điều Chư Hiền Thánh cầu, xả niệm đầy đủ, dạo ở Tam Thiền, giống như cây kia sanh nụ hoa.
Lại nữa, bậc đệ tử Hiền Thánh, khổ lạc đã dứt hết, không có sầu lo, không khổ không vui, xả niệm thanh tịnh, dạo ở Tứ Thiền, giống như cây kia dần dần nở tròn.
Lại nữa, bậc đệ tử Hiền Thánh, dứt hết hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí huệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự vui thích, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sanh, như thật mà biết, giống như cây kia trổ hoa đầy đủ.
Bấy giờ, hương giới đức của bậc đệ tử Hiền Thánh bay khắp bốn phương, ai cũng khen ngợi. Trong bốn tháng vui chơi là dạo tâm ở Tứ Thiền, đầy đủ hạnh bổn.
Thế nên, các Tỳ Kheo! Hãy tìm phương tiện thành tựu hương giới đức. Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một