Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Lực - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM BA MƯƠI TÁM
PHẨM LỰC
PHẦN BỐN
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở thành La Duyệt, trong núi Kỳ Xà Quật, cùng chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các thầy có thấy núi Linh Thứu này chăng?
Các Tỳ Kheo đáp: Dạ thấy, bạch Thế Tôn! Các thầy nên biết, thời quá khứ lâu xa, núi này có tên khác, chẳng như bây giờ.
Các thầy lại thấy núi Quảng Phổ chăng?
Các Tỳ Kheo đáp: Dạ thấy, bạch Thế Tôn! Các thầy nên biết, thời quá khứ lâu xa, núi này lại có tên khác, chẳng giống bây giờ.
Các thầy thấy núi Bạch Thiện chăng?
Các Tỳ Kheo đáp: Dạ thấy, bạch Thế Tôn! Quá khứ lâu xa, núi này lại có tên khác, chẳng như bây giờ.
Các thầy có thấy núi Phụ Trọng này không?
Các Tỳ Kheo đáp: Dạ thấy, bạch Thế Tôn!
Các thầy có thấy núi Tiên Nhân Quật này chăng?
Các Tỳ Kheo đáp: Dạ thấy, bạch Thế Tôn! Núi này từ quá khứ lâu xa vẫn chỉ tên này không có tên khác.
Vì sao vậy?
Núi Tiên Nhân này thường có Bồ Tát thần thông, La Hán đắc đạo, là chỗ của chư tiên ở, các Bích Chi Phật cũng dạo nơi đây. Nay ta sẽ nói về Danh Hiệu Bích Chi Phật. Các thầy hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ.
Có Chư Phật Bích Chi tên là A Lợi Tra, Bà Lợi Tra, Thẩm Ðế Trùng, Thiện Quán, Cứu Cánh, Thông Minh, Vô Cấu, Ðế Xà Niệm Quán, Vô Diệt Vô Hình, Thắng Tối Thắng, Cực Ðại, Cực Lôi, Ðiện Quang Minh.
Này Tỳ Kheo! Khi Như Lai chưa xuất hiện, trong núi này có năm trăm Bích Chi Phật ở. Như Lai ở trên Trời Ðâu Suất, lúc muốn Hạ Sanh, Thiên Tử Tịnh Cư sẽ tự đến đây thông báo, ra lệnh khắp thế gian hãy làm sạch Cõi Phật. Sau hai năm Như Lai sẽ xuất hiện ở đời.
Các Bích Chi Phật nghe Thiên Nhân nói xong, bay lên không trung nói kệ:
Lúc Chư Phật chưa ra,
Xứ này Hiền Thánh ở,
Bích Chi Phật tự ngộ,
Hằng ở trong núi này.
Ðây gọi núi Tiên Nhân,
Nơi Bích Chi Phật ở,
Tiên Nhân và La Hán,
Trọn không có lúc trống.
Khi ấy, các Bích Chi Phật ở trong không, thiêu thân nhập Niết Bàn.
Vì sao thế?
Ðời không có hai danh hiệu Phật nên các Ngài diệt độ. Trong một đoàn khách buôn, không có hai người dẫn đường. Trong một nước, không hai Vua. Một cảnh giới Phật, không có hai tên hiệu.
Vì sao thế?
Quá khứ lâu xa, trong thành La Duyệt này có Vua Hỷ Ích hằng nghĩ đến sự đau khổ của địa ngục, cũng nhớ sự khổ đau của ngạ quỷ, súc sanh.
Lúc ấy Vua nghĩ rằng: Nay ta hằng nhớ sự khổ đau của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chẳng nên vào lại ba đường ác này, hãy bỏ hết ngôi vị Quốc Vương, vợ con, tôi tớ, đem lòng tin kiên cố xuất gia học đạo.
Khi ấy, Ðại Vương Hỷ Ích chán sự khổ đau, liền bỏ ngôi Vua, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, ở chỗ vắng vẻ, tự khép mình, quán năm thạnh ấm, quán vô thường. Nghĩa đây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt.
Thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế, thảy đều vô thường. Ngay lúc quán ngũ thạnh ấm, các pháp có thể tập, đều là pháp diệt. Quán pháp này xong, sau thành Bích Chi Phật.
Khi ấy, Bích Chi Phật Hỷ Ích đã thành Phật Quả liền nói kệ:
Ta nhớ khổ địa ngục,
Súc sanh trong năm đường,
Xả bỏ, nay học đạo,
Riêng đi mà chẳng lo.
Khi ấy vị Bích Chi Phật này ở trong núi Tiên Nhân.
Tỳ Kheo nên biết!
Do phương tiện này mà biết, trong núi này thường có Bồ Tát, thần thông tự tại chân nhân đắc đạo và người học đạo tiên ở. Thế nên gọi là núi Tiên Nhân, không có tên khác. Lúc Như Lai chưa xuất hiện ở đời, trong núi Tiên Nhân này, Chư Thiên thường đến cung kính.
Vì sao thế?
Trong núi toàn là bậc chân nhân, không có lẫn lộn người khác. Lúc Phật Di Lặc giáng trần, tên các núi đều thay đổi, chỉ núi Tiên Nhân này không có tên khác.
Trong hiền kiếp này, tên núi này cũng chẳng khác. Tỳ Kheo các thầy nên gần gũi núi này, phụng sự cung kính thì sẽ được tăng thêm các công đức. Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ vâng làm.
Tôi nghe như vậy: Một thời, Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các thầy hãy chuyên niệm mà tự tu chính mình.
Thế nào là nên chuyên niệm?
Ở đây, này Tỳ Kheo!
Khi đi biết mình đi, các phép tắc cử động, tiến dừng, co duỗi, cúi ngước, mặc áo, ngủ nghỉ, thức tỉnh, nói hoặc im, thảy đều phải biết lúc.
Nếu Tỳ Kheo tâm ý chuyên chính, Tỳ Kheo ấy dục lậu chưa sanh liền chẳng sanh, đã sanh liền diệt, hữu lậu chưa sanh khiến chẳng sanh, đã sanh liền diệt, vô minh lậu chưa sanh khiến chẳng sanh, đã sanh khiến diệt. Nếu chuyên niệm phân biệt lục nhập, trọn sẽ không rơi vào ác đạo.
Thế nào là lục nhập ác đạo?
Mắt quán sắc này hoặc đẹp hoặc xấu, thấy đẹp thì vui, thấy xấu chẳng vui. Tai nghe tiếng hoặc hay hoặc dở, nghe hay thì vui, nghe dở thì chẳng vui. Mũi, miệng, thân, ý cũng lại như thế.
Ví như có sáu loại thú chó, dã hồ, khỉ, cá, rắn, chim, mỗi loại tính nết chẳng đồng, nếu có người lấy dây cột chúng lại, cột chung một chỗ rồi buông ra thì bấy giờ sáu con, mỗi con một tính hạnh, con chó thì muốn chạy đến xóm làng, dã hồ thì muốn chạy ra gò mả, cá thì muốn xuống nước, khỉ thì muốn vào rừng núi, rắn muốn bò vào hang, chim thì muốn bay lên trời.
Sáu loại thú, mỗi con có tính hạnh chẳng giống nhau. Nếu có người đem sáu con vật này cột vào một nơi, khiến không cho chạy Ðông, Tây, Nam, Bắc gì được thì khi ấy sáu con tuy cũng chuyển động mà chẳng lìa chỗ cũ. Lục tình cũng lại như thế, mỗi thứ chỉ mỗi việc chẳng đồng. Sự quán khác biệt hoặc tốt, hoặc xấu.
Bấy giờ các Tỳ Kheo cột sáu tình này để vào một chỗ. Thế nên, các Tỳ Kheo, hãy nhớ tinh chuyên, ý chớ lầm lẫn, thì Tệ Ma Ba Tuần trọn sẽ không được tiện lợi, các công đức sẽ được thành tựu. Thế nên, các Tỳ Kheo, hãy nhớ đầy đủ các căn, đắc Nhị Quả. Ở trong hiện pháp được quả A Na Hàm, hoặc đắc quả A La Hán.
Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Lộc Dã, nước Ba La Nại, cùng chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nên tư duy, tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường. Ðã tư duy tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường thì sẽ đoạn dục ái, sắc ái, vô sắc ái, đoạn kết kiêu mạn, vô minh.
Vì cớ sao?
Ngày xưa, trong thời quá khứ lâu xa, có Bích Chi Phật tên là Thiện Mục, nhan mạo đoan chánh, mặt như màu hoa đào, ngắm mãi không chán, miệng thơm hương hoa sen, thân có mùi Chiên Đàn.
Khi ấy, Bích Chi Phật Thiện Mục, đến giờ đắp y ôm báo vào thành Ba la nại khất thực, dần dần đến nhà đại Trưởng Giả, yên lặng đứng ngoài cửa.
Cô con gái Trưởng Giả thấy có đạo sĩ đứng ngoài cửa, đoan chánh vô song, nhan mạo kỳ đặc hiếm có ở đời, miệng tỏa hương sen, thân thơm Chiên Đàn, liền động lòng dục nói với Tỳ Kheo ấy rằng:
Này Thầy đoan chánh, mặt như màu hoa đào, hiếm có ở đời. Nay tôi tuy là phận đàn bà, nhưng cũng đoan chánh, nên cùng nhau sum vậy. Trong nhà tôi dồi dào châu báu, tài sản vô lượng, còn làm Sa Môn thật chẳng dễ.
Bích Chi Phật bèn hỏi: Này Cô! Nay Cô bị đắm nhiễm chỗ nào?
Cô gái Trưởng Giả đáp: Nay tôi chính là để ý con mắt thầy, miệng lại thơm mùi sen, thân có mùi Chiên Đàn.
Bích Chi Phật liền duỗi tay trái, dùng tay phải móc mắt đặt vào bàn tay, bảo: Con mắt đáng yêu đây! Này Cô, bây giờ đắm nhiễm chỗ nào?
Ví như mụn nhọt, chẳng có chút nào đáng ưa. Mà con mắt này cũng rỉ chảy chẳng sạch.
Cô nên biết!
Mặt như bọt nổi chẳng kiên cố gì, huyễn ngụy không thật, dối gạt người đời.
Mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, đều không kiên cố, lừa dối chẳng chân thật.
Miệng là chỗ khạc đờm dãi bất tịnh, toàn là xương trắng. Thân là vật khổ, là pháp hoại diệt, hằng chứa đồ hôi thúi, các trùng quấy nhiễu. Cũng như trong cái bình vẽ, chứa đầy bất tịnh.
Này cô! Hôm nay cô bị dính mắc chỗ nào?
Thế nên, cô nên chuyên tâm suy nghĩ, pháp này huyễn ngụy không chân. Nếu Cô suy nghĩ nhãn sắc vô thường, thì dục tưởng đắm trước sẽ tự tiêu diệt.
Tai, mũi, miệng, thân ý thảy đều vô thường, suy nghĩ như thế rồi, dục ý sẽ tự tiêu trừ, tư duy lục nhập sẽ không dục tưởng.
Khi ấy, cô gái Trưởng Giả khiếp sợ, liền đến trước lạy Bích Chi Phật, bạch rằng: Từ nay trở đi, con xin sửa lỗi làm lành, không khởi dục tưởng nữa. Cúi mong Ngài cho con hối lỗi. Như thế hai ba phen.
Bích Chi Phật bảo: Thôi! Thôi! Này cô! Ðây chẳng phải là lỗi của cô mà là do tội cũ của ta khiến thọ thân hình này, làm cho người khởi tình ý tham muốn. Hãy nhìn kỹ con mắt này.
Mắt này chẳng phải ta, ta cũng chẳng phải do kia có, cũng chẳng phải ta tạo, cũng chẳng phải kia làm, do từ trong chỗ không có mà sanh, đã có sẽ bị bại hoại, cũng chẳng phải đời trước, đời này, đời sau, mà đều do nhân duyên hội họp.
Nhân duyên hội họp là: Duyên cái này có cái này, đây khởi thì kia khởi, đây không thì kia không, đây diệt thì kia diệt. Mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý cũng lại như thế, thảy đều không tịch. Thế nên, cô chớ dính mắc nhãn sắc. Vì không dính sắc thì sẽ đến chỗ an ổn, không có tình dục nữa. Như thế, cô nên học điều này.
Khi ấy Bích Chi Phật Thuyết bốn pháp vô thường cho cô gái rồi, bay lên hư không, hiện mười tám pháp thần biến rồi về chỗ mình. Cô gái kia quán mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý trọn không có gì, liền ở chỗ vắng vẻ, suy tư Pháp này.
Cô lại tư duy sáu tình không có chủ tể, được bốn bình đẳng tâm từ, bi, hỷ, xả. Khi thân hoại mạng chung, cô sanh lên Trời Phạm Thiên.
Tỳ Kheo nên biết! Nếu tư duy tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường, sẽ đoạn hết dục ái, sắc ái, vô sắc ái, kiêu mạn, vô minh thảy đều trừ sạch. Thế nên, Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc bảo người đánh xe rằng: Nay ngươi sửa soạn xe Vũ Bảo. ta muốn ra ngoài dạo xem.
Người kia vâng lệnh Vua sửa soạn xe xong đến trước tâu Vua: Ðã sửa soạn xe Vũ Bảo xong. Vua nên biết đúng thời. Vua Ba Tư Nặc bảo người này đánh xe ra khỏi thành Xá Vệ.
Ðến vườn cảnh xem thấy cây cối không một tiếng động, không một bóng người, lặng lẽ vắng không. Vua thấy rồi chợt nhớ Như Lai nói về gốc của các pháp. Khi đó người hầu cầm quạt, quạt Vua.
Vua nói: Vườn trái cây cối này không có tiếng động, không có bóng người, lặng lẽ, vắng vẻ. ta muốn thỉnh Đức Thế Tôn Chí Chân Ðẳng Chánh Giác đến du hóa ở đây. Nhưng chẳng biết Như Lai nay ở đâu, ta muốn đến thăm hỏi.
Người hầu tâu: Họ Thích có làng tên Lộc Ðường.
Như Lai đang du hóa ở đó.
Vua Ba Tư Nặc bảo: Lộc Ðường cách đây bao xa?
Người hầu tâu: Trụ xứ của Như Lai cách đây không xa.
Ði đường chừng ba do tuần.
Vua Ba Tư Nặc bảo: Mau lấy xe Vũ Bảo, ta muốn gặp Như Lai.
Người hầu vâng lệnh Vua, liền chuẩn bị xe, đến trước Vua tâu: Nay xe đã sẵn sàng, Vua nên biết đúng thời. Vua liền lên xe đến làng kia. Khi ấy, chúng Tỳ Kheo đang kinh hành ngoài Trời. Vua liền xuống xe đến chỗ các Tỳ Kheo cúi lạy, rồi đứng một bên.
Vua thưa các Tỳ Kheo: Như Lai ở đâu? Tôi muốn gặp.
Các Tỳ Kheo đáp: Thế Tôn đang ở trong giảng đường, hãy đến gặp, chẳng khó khăn gì. Vua chầm chậm nhấc chân, không để có tiếng động.
Vua quay lại nhìn người hầu, người này liền nghĩ: Nay Vua đi một mình đến gặp Thế Tôn. Ta nên đứng đây. Và Vua đi một mình đến chỗ Thế Tôn. Bấy giờ Thế Tôn dùng Thiên Nhãn xem thấy Vua Ba Tư Nặc đứng ngoài cửa, Ngài liền đứng lên mở cửa cho Vua. Vua thấy Thế Tôn, cúi lạy và xưng tên họ ba lần. Con là Vua Ba Tư Nặc.
Thế Tôn bảo: Nay Ngài là Vua, còn ta họ Thích, xuất gia học đạo.
Vua thưa: Cúi mong Thế Tôn sống lâu vô cùng, để cho Trời người được an ổn.
Thế Tôn bảo: Chúc Ðại Vương được thọ vô cùng, đem chánh pháp trị dân, chẳng dùng phi pháp. Những vị dùng pháp cai trị đều sanh lên Trời, cõi lành.
Sau khi chết, tên tuổi bất hủ, người đời sẽ truyền nhau rằng: Xưa có quốc vương dùng pháp trị dân chưa từng ép uổng. Nhân dân trong nước đều ca ngợi công đức của Vua. Nhớ mãi chẳng quên. Thân Vua ở trên Trời tăng thêm sáu việc công đức.
Thế nào là sáu?
Thiên thọ.
Thiên sắc.
Thiên lạc.
Thiên thần túc.
Thiên hao.
Thiên quang.
Thế nên, Ðại Vương, hãy dùng pháp trị chớ dùng phi pháp. Ngày nay chính ta có công đức này nên được người cung kính lễ bái.
Vua bạch Phật: Công đức Như Lai đáng nhận người lễ bái.
Thế Tôn bảo: Vì sao nay Vua nói rằng Như Lai đáng nhận người lễ bái?
Vua bạch Phật: Như Lai có sáu công đức, đáng được người lễ bái.
Thế nào là sáu?
Chính Pháp Như Lai rất hòa nhã, được người trí tu hành. Ðó là công đức đầu tiên của Như Lai. Lại nữa, Thánh Chúng của Như Lai rất hòa thuận, pháp pháp đều thành tựu, giới thành tựu, trí tuệ thành tựu, giải thoát thành tựu, giải thoát tri kiến thành tựu. Thánh Chúng là bốn đôi, tám bậc. Ðây là Thánh Chúng của Như Lai, đáng kính, đáng quý, là đại phước điền của thế gian. Ðó là công đức thứ hai của Như Lai.
Lại nữa, bốn bộ chúng của Như Lai đều học tập thực hành các pháp nên thi hành, không xúc nhiễu Như Lai nữa. Ðó là công đức thứ ba của Như Lai.
Lại nữa, Thế Tôn!
Con thấy dòng Sát Lợi, Bà La Môn, Cư Sĩ, Sa Môn cao tài cái thế đều đến tụ tập luận nghị: Chúng ta hãy đem luận này đến hỏi Như Lai. Nếu Sa Môn Cù Đàm không đáp luận này tức là ông ta có khuyết điểm. Nếu trả lời được chúng ta sẽ khen hay.
Bấy giờ, bốn dòng họ đều đến chỗ Thế Tôn để hỏi luận, cũng có người làm thinh. Thế Tôn thuyết pháp cho họ. Nghe pháp xong, không ai hỏi gì nữa, huống là muốn luận. Họ đều thờ Như Lai làm thầy. Ðó là công đức thứ tư.
Lại nữa, những người có sáu mươi hai kiến chấp dối gạt thế gian, chẳng hiểu chánh pháp. Do đó đến chỗ ngu si. Nhưng Thế Tôn có thể trừ các nghiệp tà kiến này, khiến họ tu chánh kiến. Ðó là công đức thứ năm của Như Lai.
Lại nữa, chúng sanh thân, miệng, ý hành ác, nếu khi mạng chung nhớ công đức của Như Lai liền lìa ba đường ác, được sanh lên Trời, cho dù người cực ác cũng được sinh Thiên. Ðó là công đức thứ sáu của Như Lai. Chúng sanh nào thấy Như Lai cũng đều khởi tâm cung kính, cúng dường.
Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay!
Ðại Vương có thể ở trước Như Lai làm Sư Tử rống diễn nói các công đức của Như Lai. Thế nên, Ðại Vương, nên thường nghĩ đến Như Lai. Như thế, Ðại Vương, nên học điều này.
Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho Vua Ba Tư Nặc, khiến cho Vua hoan hỷ. Ðại Vương nghe Phật thuyết xong, từ chỗ ngồi đứng lên cúi lạy rồi lui đi.
Chưa bao lâu, Phật bảo các Tỳ Kheo: Các thầy nên trì pháp này cúng dường, khéo tụng niệm.
Vì sao thế?
Ðây là lời của Vua Ba Tư Nặc. Các thầy cũng nên giảng rộng nghĩa cho bốn bộ chúng. Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một