Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Lực - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BA MƯƠI TÁM

PHẨM LỰC  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có sáu sức mạnh ở đời.

Thế nào là sáu?

Con nít lấy kêu khóc làm sức mạnh, muốn đòi gì, trước hết khóc. Đàn bà lấy sân giận làm sức mạnh, nương vào sân giận rồi sau mới nói.

Sa Môn, Bà La Môn dùng nhẫn làm sức mạnh, thường nghĩ thấp mình, đối với người, rồi sau bày tỏ. Quốc vương dùng kiêu ngạo làm sức mạnh, lấy hào thế này để tự biểu lộ.

Nhưng A La Hán lấy tinh chuyên là sức mạnh để tự trình bày. Chư Phật Thế Tôn thành tựu đại từ bi, lấy đại bi làm sức mạnh để lợi ích rộng rãi cho chúng sanh.

Ðó là, này Tỳ Kheo! Có sáu sức mạnh ở đời.

Thế nên, các Tỳ Kheo! Nên nhớ tu hành sức đại từ bi này. Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các Thầy nên tư duy tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường. Ðã tư duy, quảng bá tưởng vô thường rồi, các thầy sẽ đoạn dứt dục ái, sắc ái, vô sắc ái, cũng đoạn vô minh, kiêu mạn. Ví như lấy lửa thiêu đốt cây cỏ, không sót gì cả, cũng không còn dấu vết.

Ðây cũng như thế, nếu tu tưởng vô thường, đoạn hết dục ái, sắc ái, vô sắc ái, vô minh, kiêu mạn, không còn sót gì.

Vì sao thế?

Tỳ Kheo ngay khi tu tưởng vô thường, người ấy không có tâm dục, đã không có tâm dục, thì có thể phân biệt pháp, tư duy về ý nghĩa của nó, không có sầu lo, khổ não. Người ấy đã tư duy pháp nghĩa thì không ngu hoặc, tu hành lầm lẫn.

Nếu thấy có ai tranh tụng, người ấy liền nghĩ: Các Hiền Sĩ này không tu tưởng vô thường, không quảng bá tưởng vô thường, nên mới đi đến sự tranh tụng này. Họ đã tranh tụng thì không quán được nghĩa này. Đã không quán nghĩa này thì có tâm mê hoặc.

Họ đã chấp sự ngu mê này thì mạng chung sẽ vào ba đường ác: Ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Thế nên, các Tỳ Kheo, nên tư tưởng vô thường, quảng bá tưởng vô thường, thì sẽ không có tưởng sân giận, ngu hoặc, cũng có thể quán pháp, cũng quán được nghĩa này.

Nếu sau khi mạng chung, sẽ sanh vào ba đường lành: Lên Trời, trong loài người, và đạt Niết Bàn. Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở nước Ma Kiệt, bên bờ sông Ưu Ca Chi. Bấy giờ Thế Tôn đến dưới một gốc cây trải tòa ngồi, chính thân, chính ý, buộc niệm ở trước.

Có một Phạm Chí đi đến chỗ đó, Phạm Chí này thấy dấu chân của Đức Thế Tôn rất là kỳ diệu, liền nghĩ: Dấu chân này của người nào?

Là của Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Nhân, Phi Nhân.

Phạm Thiên, Tổ Tiên ta chăng?

Khi đó, Phạm Chí noi theo dấu tiến đến trước, xa thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây, chính thân, chính ý buộc niệm ở trước.

Thấy rồi liền nói: Ngài là Trời chăng?

Thế Tôn bảo: Ta chẳng phải là Trời.

Là Càn Thát Bà chăng?

Ta chẳng phải Càn Thát Bà.

Là Rồng chăng?

Ta chẳng phải rồng.

Là Dạ Xoa chăng?

Ta chẳng phải là Dạ Xoa.

Là Tổ Phụ chăng?

Ta chẳng phải Tổ Phụ.

Lúc đó, Phạm Chí hỏi Thế Tôn: Thế ông là ai?

Thế Tôn bảo: Có ái thì có thọ, có thọ thì có ái, nhân duyên hội họp rồi sau mỗi mỗi tương sinh. Như thế, năm thạnh ấm không có lúc đoạn dứt. Ðã biết ái thì biết ngũ dục, cũng biết sáu trần bên ngoài, sáu nhập bên trong, tức biết gốc ngọn của thạnh ấm này.

Lúc ấy Thế Tôn liền nói kệ:

Thế gian có ngũ dục, 

Ý là Vua thứ sáu,

Biết sáu thứ trong ngoài,

Hãy nhớ dứt mé khổ.

Thế nên, hãy cầu phương tiện diệt sáu việc trong ngoài. Như thế, Phạm Chí, nên học điều này. Bấy giờ, Phạm Chí kia nghe Phật dạy như thế, tư duy luyện tập không rời tâm, liền ngay chỗ ngồi, các trần cấu dứt, được pháp nhãn thanh tịnh. Bấy giờ Phạm Chí ấy nghe Phật dạy xong, hoan hỷ vâng làm.

Ghi chú: Bài Kinh tương đương trong Tăng Chi Bộ là Kinh Tùy thuộc Thế Giới, trong đó, Đức Phật trả lời Bà La Môn Phạm Chí rằng: Này Bà La Môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, ta có thể là Chư Thiên, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta La, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.

Này Bà La Môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, ta có thể là Càn Thát Bà, ta có thể là Dạ Xoa, ta có thể là người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt dứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta La, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.

Ví như, này Bà La Môn, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này Bà La Môn sanh ta trong đời, lớn lên trong đời, ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt.

Này Bà La Môn, ta là Phật, hãy như vậy thọ trì.

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo:

Xưa, lúc ta còn là Bồ Tát chưa thành Phật Đạo, có nghĩ thế này: Thế gia này rất là khổ, có sanh, già, bệnh, chết, mà năm thạnh ấy này chẳng dứt được nguồn gốc.

Lúc ấy ta lại nghĩ: Do nhân duyên nào có sanh, già, bệnh, chết, lại do nhân duyên nào đưa đến tai họa này?

Lúc đang tư duy điều này.

Ta lại nghĩ: Có sanh thì có già, bệnh, chết.

Lúc đang tư duy điều này, ta lại nghĩ thêm: Do nhân duyên nào có sanh?

Ðây do hữu mà sanh, lại nghĩ: Hữu do đâu mà có?

Ðang lúc ta tư duy liền sanh niệm này:

Hữu do thủ mà có, lại nghĩ: Thủ này do đâu mà có?

Bấy giờ ta dùng trí quán: Do ái mà có thủ.

Lại suy nghĩ thêm: Ái này do đâu mà sanh?

Ta quán sát lần nữa: Do thọ mà có ái.

Lại suy nghĩ thêm: Thọ này do đâu mà sanh?

Lúc ấy ta quán sát như vậy: Do xúc mà có thọ.

Lại tư duy nữa: Xúc này do đâu mà có?

Ta liền sanh niệm này: Do lục nhập mà có xúc này.

Rồi ta lại suy nghĩ nữa: Lục nhập này do đâu có?

Quán sát lúc ấy, ta biết: Do danh sắc mà có lục nhập.

Rồi ta lại nghĩ rằng: Danh sắc do đâu mà có?

Ta quán sát thì biết: Do thức mà có danh sắc.

Thức này do đâu có?

Ta quán sát thì biết: Do hành sanh thức.

Rồi ta lại nghĩ: Hành do đâu mà sanh?

Ta quán sát thì biết: Hành do đâu mà sanh?

Ta quán sát thì biết: Hành do si sanh.

Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên tử, tử duyên sầu lo khổ não chẳng thể tính kể. Như thế gọi là nguyên nhân của khổ thạnh ấm.

Lúc đó ta lại nghĩ: Do nhân duyên nào mà diệt được sanh, già, bệnh, chết?

Khi ấy ta quán sát: Sanh diệt thì già, bệnh, chết diệt.

Rồi ta lại sanh niệm này: Do đâu mà không có sanh?

Ta quán sát thì thấy: Do hữu diệt thì sanh sẽ diệt.

Lại nghĩ: Do đâu mà không có hữu?

Ta quán sát thì thấy: Do thủ diệt thì hữu sẽ diệt.

Rồi ta sanh niệm này: Do đâu mà thủ diệt?

Ta quán sát thì thấy: Do ái diệt mà thủ diệt.

Lại sanh niệm này: Do đâu mà ái diệt?

Ta quán sát thêm nữa: Thọ diệt thì ái diệt.

Lại tư duy: Do đâu mà thọ diệt?

Quán sát thì thấy: Xúc diệt thì thọ diệt?

Lại tư duy: Xúc do đâu mà diệt?

Quán sát thì thấy: Lục nhập diệt thì xúc diệt.

Lại xem: Do đâu mà lục nhập này diệt?

Lúc ấy ta quán sát thấy: Danh sắc diệt thì lục nhập diệt. 

Lại quán danh sắc do đâu mà diệt?

Quán sát thì biết: Thức diệt thì danh sắc diệt.

Lại quán sát: Thức này do đâu mà diệt?

Quán sát thì biết: Hành diệt thì thức diệt.

Lại quán: Hành này do đâu mà diệt?

Quán sát thì biết: Vô minh diệt thì hành diệt. Hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão bệnh diệt, lão bệnh diệt thì tử diệt. Ðó gọi là năm thạnh ấm diệt.

Rồi ta lại sanh niệm này: Thức này là nguồn gốc đầu đưa đến sanh, già, bệnh, chết. Nhưng ta chẳng thể biết nguồn gốc của sanh, già, bệnh, chết này.

Ví như có người ở trong núi rừng đi theo con đường mòn nhỏ, đi đến phía trước một lát, thấy con đường lớn cũ, ngày xưa mọi người đi qua đây.

Khi ấy, người nọ bèn đi lại con đường này, tiến đến một chút lại thấy thành quách, vườn cảnh, ao tắm cũ đều rất tươi tốt. Nhưng trong thành kia không có dân cư.

Người này thấy rồi lại trở về nước mình, tâu với Vua rằng: Vừa rồi tôi dạo núi rừng thấy thành quách, cây cối um tùm. Nhưng trong thành đó không có nhân dân.

Tâu Ðại Vương! Nên cho nhân dân vào thành đó cư trú. Bấy giờ quốc vương nghe người này nói, liền cho nhân dân đến ở, và thành quách này trở nên đông đúc dân cư như cũ, vui thích vô cùng.

Các Tỳ Kheo nên biết! Xưa, lúc ta chưa thành Phật, ở trong núi học đạo, thấy chỗ du hành của Chư Phật thời xưa, liền theo đường ấy mà biết chỗ khởi nguyên của sanh, già, bệnh, chết. Có sanh, có diệt thảy đều phân biệt. Biết sanh khổ, sanh tập, sanh diệt, sanh đạo, đều liễu tri cả.

Hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập, danh sắc, thức, hành, vô minh cũng lại như thế. Vô minh khởi thì hành khởi, hành tạo điều gì lại là do thức. Nay ta đã biết rõ về thức, nên cùng bốn bộ chúng mà nói điều căn bản này để cho tất cả đều biết nguồn gốc chỗ khởi này.

Biết khổ, biết tập, biết diệt, biết ðạo, khiến nhớ rõ ràng. Ðã biết lục nhập thì biết sanh, lão, bệnh, tử, lục nhập diệt thì sanh, lão, bệnh, tử diệt.

Thế nên, Tỳ Kheo, nên cầu phương tiện diệt lục nhập. Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này. 

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường