Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi - Phẩm Thất Nhật - Phần Hai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BỐN MƯƠI

PHẨM THẤT NHẬT  

PHẦN HAI  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở thành La Duyệt trong vườn trúc Ca Lan Đà, cùng với chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người.

Bấy giờ, Vua A Xà Thế nước Ma Kiệt nói với quần thần rằng: Nước Bạt Kỳ rất thịnh vượng, dân cư đông đúc. ta sẽ chinh phạt chiếm đất nước đó.

Lúc ấy, Vua A Xà Thế lại bảo Bà La Môn Bà Lợi Ca rằng: Nay Ông đến chỗ Thế Tôn, đem tên họ ta thăm hỏi Thế Tôn, lễ kính, thừa sự rồi thưa rằng: Vua A Xà Thế bạch Đức Thế Tôn, Vua có ý muốn chinh phạt nước Bạt Kỳ có được hay không?

Nếu Như Lai có nói gì, ông hãy khéo suy nghĩ rồi về nói cho ta.

Vì sao thế?

Như Lai nói không hai lời. Bấy giờ Bà La Môn vâng lời Vua dạy, đến chỗ Thế Tôn, thưa hỏi rồi ngồi một bên.

Khi đó, Bà La Môn bạch Phật: Vua A Xà Thế lễ kính Thế Tôn, thừa sự, thăm hỏi.

Và Bà La Môn ấy bạch thêm rằng: Ý Vua muốn chinh phạt nước Bạt Kỳ, trước đến hỏi Phật xem có được không?

Khi ấy Thế Tôn thấy Bà La Môn kia lấy y che đầu, chân mang giày ngà voi, lưng đeo kiếm bén, chẳng nên thuyết pháp cho ông ta.

Thế Tôn mới bảo A Nan: Nếu dân chúng Bạt Kỳ tu bảy pháp thì trọn không bị ngoại xâm tiêu diệt.

Thế nào là bảy?

Nếu nhân dân Bạt Kỳ tụ tập một nơi không phân tán thì không bị nước khác phá hoại. Ðó là pháp đầu tiên không bị giặc ngoài phá hoại. Lại nữa A Nan, người nước Bạt Kỳ trên dưới hòa thuận, thì nhân dân Bạt Kỳ không bị người ngoài cầm giữ.

A Nan! Ðó là pháp thứ hai không bị giặc ngoài phá hoại. Lại nữa A Nan, nếu người nước Bạt Kỳ không dâm dục với đàn bà của người khác.

Ðó là pháp thứ ba không bị giặc ngoài phá hoại.

Lại nữa A Nan, nếu người nước Bạt Kỳ không đem việc ở đây truyền đến chỗ kia, cũng lại không đem việc đàng kia truyền lại đàng này… đó là pháp thứ tư không bị giặc ngoài phá hoại.

Lại nữa A Nan, nếu người nước Bạt Kỳ cúng dường Sa Môn, Bà La Môn, thừa sự, lễ kính người phạm hạnh… đó là pháp thứ năm không bị giặc ngoài phá hoại.

Lại nữa A Nan, nếu người nước Bạt Kỳ không tham lam tài sản của người khác… đó là pháp thứ sáu không bị giặc ngoài phá hoại.

Lại nữa A Nan, nếu người nước Bạt Kỳ đều đồng một lòng không theo thần tự, chuyên tinh ý mình, liền chẳng bị giặc ngoài phá hoại. Ðó là pháp thứ bảy không bị giặc ngoài phá hoại. A Nan, đó là người Bạt Kỳ tu bảy pháp này, trọn không bị giặc ngoài phá hoại.

Khi ấy Phạm Chí bạch Phật: Dù cho người nước Bạt Kỳ chỉ thành tựu một pháp thôi, cũng không thể phá hoại được, huống là đến bảy pháp thì làm sao phá hoại được.

Thôi, thôi!

Bạch Thế Tôn, việc nước bề bộn tôi muốn trở về chỗ mình. Bấy giờ Phạm Chí liền từ tòa đứng lên mà đi.

Ông ta đi chưa xa, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nay ta sẽ nói bảy pháp bất thối chuyển, các thầy nên lắng nghe, khéo suy nghĩ.

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Bấy giờ, các Tỳ Kheo vâng lời Phật dạy.

Thế Tôn bảo: Thế nào là bảy pháp bất thối chuyển?

Tỳ Kheo nên biết, Tỳ Kheo tụ họp chung một chỗ, hòa thuận với nhau, trên dưới kính nhường, càng lúc càng tiến lên, tu các pháp lành không thối chuyển, không để ma được lợi thế. Ðó là pháp bất thối chuyển đầu tiên.

Lại nữa, Chúng Tăng hòa hợp, thuận theo lời dạy càng tiến lên, không thối chuyển, chẳng bị Ma Vương phá hoại. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ hai.

Lại nữa, Tỳ Kheo không đắm công việc, không tập tành việc đời, cứ tiến tới, không để Thiên Ma được tiện lợi. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ ba.

Lại nữa, Tỳ Kheo, không tụng đọc sách tạp, suốt ngày thúc liễm tình ý càng tiến lên, không để Ma Vương được tiện lợi. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ tư.

Lại nữa, Tỳ Kheo chuyên cần tu pháp trừ khử thùy miên, hằng tự răn nhắc tỉnh táo, càng tiến lên trên, không để Ma được tiện lợi. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ năm.

Lại nữa, Tỳ Kheo, không học toán thuật, cũng không khiến người tập thành nó, ưa chỗ vắng vẻ, tu tập pháp này, ngày càng tiến lên, không để ma được tiện lợi. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ sáu.

Lại nữa, Tỳ Kheo, khởi lên ý tưởng: Tất cả thế gian không có gì đáng ưa thích, tu tập thiền hạnh, kham nhẫn theo các pháp được dạy, càng tiến lên, không để ma được tiện lợi. Ðó là pháp bất thối chuyển thứ bảy.

Nếu có Tỳ Kheo thành tựu bảy pháp này, hòa thuận với nhau, thì ma sẽ không được tiện lợi.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ:

Trừ bỏ các sự nghiệp,

Không suy nghĩ loạn bậy,

Nếu không hành điều này,

Cũng chẳng được tam muội.

Người hay vui với pháp,

Phân biệt nghĩa pháp này,

Tỳ Kheo ưa hạnh này,

Sẽ đến tam muội định.

Thế nên, Tỳ Kheo, hãy cầu phương tiện thành tựu bảy pháp này.

Như thế, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nay ta sẽ nói về bảy sử. Các thầy hãy khéo nghĩ nhớ.

Các Tỳ Kheo đáp: Xin vâng, bạch Thế Tôn.

Khi ấy, các Tỳ Kheo vâng lời Phật dạy.

Thế Tôn bảo: Thế nào là bảy?

Tham dục sử, sân nhuế sử, kiêu mạn sử, si sử, nghi sử, kiến sử, dục thế gian sử.

Này Tỳ Kheo, đó là bảy sử khiến cho chúng sanh thường ở trong u tối, bị trói buộc thân mình, lưu chuyển trong thế gian không hề ngừng nghỉ, cũng không thể biết cội rễ sanh tử. Ví như hai con trâu một đen, một trắng, mang chung một ách cùng kéo dẫn nhau, không cách xa được.

Chúng sanh cũng như thế, bị tham dục sử, vô minh sử, trói buộc không lìa nhu được. Năm sử kia cũng lại đuổi theo. Năm sử vừa theo, bảy sử cũng thế.

Người phàm phu bị bảy sử này trói buộc, lưu chuyển trong sanh tử không giải thoát được, không thể biết nguồn gốc của khổ.

Tỳ Kheo nên biết, do bảy sử này bèn có ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Do bảy sử này không thể qua khỏi cảnh giới tệ ma. Nhưng bảy sử này lại có bảy phương thuốc.

Thế nào là bảy?

Tham dục sử thì có niệm giác ý trị. Sân nhuế sử có trạch pháp giác ý trị. Tà kiến sử có tinh tấn giác ý trị. Dục thế gian sử có hỷ giác ý trị. Kiêu mạn sử có khinh an giác ý trị. Nghi sử có định giác ý trị. Vô minh sử có hộ xả giác ý trị.

Này Tỳ Kheo! Ðó là bảy sử dùng bảy giác ý trị.

Tỳ Kheo nên biết! Lúc ta chưa thành Phật, đang hành hạnh Bồ Tát, ngồi dưới cây Bồ Đề, khởi niệm này: Chúng sanh Cõi Dục bị những gì trói buộc?

Rồi lại nghĩ: Chúng sanh bị bảy sử trói buộc lưu chuyển trong sanh tử, mãi mãi không giải thoát được. Nay ta cũng bị bảy sử này trói buộc không được giải thoát.

Lúc ấy ta lại nghĩ: Bảy sử này dùng gì để trị?

Ta lại suy nghĩ nữa: Bảy sử này sẽ dùng bảy giác ý trị. Ta nên tư duy bảy giác ý. Lúc ta tư duy bảy giác ý, tâm hữu lậu được dứt, liền được giải thoát. Sau thành đạo vô thượng chánh chân. Trong bảy ngày ngồi kiết già, tư duy bảy giác ý này một lần nữa.

Thế nên các Tỳ Kheo! Nếu muốn bỏ bảy sử, nên nhớ tu hành pháp bảy giác ý. Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, họ là phước điền vô thượng của thế gian.

Thế nào là bảy hạng người?

Ðó là: Hành từ, hành bi, hành hỷ, hành hộ xả, hành không, hành vô tướng, hành vô nguyện. Ðó là bảy hạng người đáng thờ, đáng kính, là phước điền vô thượng của thế gian.

Vì sao thế?

Nếu có chúng sanh hành bảy pháp này thì ở trong hiện pháp thu hoạch được quả báo.

Bấy giờ A Nan bạch Thế Tôn: Vì cớ sao Thế Tôn không nói Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật và Phật mà lại nói bảy pháp này?

Thế Tôn bảo: Người hành từ cho đến bảy pháp hành cùng với Tu Đà Hoàn cho đến Phật, việc này không đồng. Dù cúng dường Tu Đà Hoàn cho đến Phật cũng không được quả báo hiện tại. Nhưng cúng dường bảy người này, ở hiện đời được quả báo. Thế nên, A Nan, nên chuyên cần dũng mãnh thêm để hoàn thành bảy pháp.

Như thế, A Nan, nên học điều này!

Bấy giờ, A Nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở Tỳ Xá Ly, bên ao Di Hầu, cùng với năm trăm chúng đại Tỳ Kheo. Khi ấy Thế Tôn đến giờ đắp y, ôm bát, cùng A Nan vào Tỳ Xá Ly khất thực.

Bấy giờ trong thành Tỳ Xá Ly có đại trưởng giả tên Tỳ La Tiên, giàu có, nhiều tài sản chẳng thể tính kể, nhưng lại keo kiệt tham lam không có lòng bố thí, chỉ hưởng phước cũ, không tạo thêm phước mới. Lúc đó trưởng giả ấy đang cùng các dâm nữ ở hậu cung đàn hát, ca xướng vui chơi.

Thế Tôn đi đến hướng ấy, Ngài biết mà vẫn hỏi Tôn Giả A Nan: Nay ta nghe tiếng hát xướng, kỹ nhạc là ở nhà nào?

A Nan bạch Phật: Ðó là ở nhà trưởng giả Tỳ La Tiên.

Phật bảo A Nan: Trưởng giả này sau bảy ngày sẽ chết và sanh trong địa ngục thế khốc.

Vì sao thế?

Ðó là lẽ thường. Nếu người đoạn căn lành thì lúc mạng chung đều sanh trong địa ngục thế khốc. Nay trưởng giả này phước cũ đã hết, lại không chịu tạo phước mới.

A Nan bạch Phật: Có nhân duyên nào khiến trưởng giả này sau bảy ngày không chết chăng?

Phật bảo A Nan: Chẳng có nhân duyên nào mà làm ông ta không chết được. Những hạnh ông ta gieo trồng ngày xưa, hôm nay đã hết. Ðiều này không thể tránh khỏi.

A Nan bạch Phật: Có cách nào khiến trưởng giả này không sanh vào địa ngục thế khốc chăng?

Phật bảo: A Nan! Có cách này có thể khiến trưởng giả không vào địa ngục.

A Nan bạch Phật: Những nhân duyên nào khiến trưởng giả không vào địa ngục?

Phật bảo A Nan: Nếu trưởng giả này chịu cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thì có thể khỏi tội này được.

A Nan bạch Phật: Nay con có thể khiến cho trưởng giả này xuất gia học đạo. Bấy giờ Tôn Giả A Nan từ giã Thế Tôn, đi đến đứng ngoài cửa nhà ông trưởng giả. Lúc ấy, trưởng giả từ xa trông thấy A Nan đến liền ra cửa tiếp đón thỉnh Ngài vào ngồi.

Rồi A Nan bảo trưởng giả: Nay tôi ở bên bậc Nhất Thiết trí được nghe Như Lai thọ ký ông sau bảy ngày sẽ chết và sanh vào địa ngục thế khốc.

Trưởng giả nghe xong lông tóc dựng ngược, kinh hãi bạch Tôn Giả A Nan: Có nhân duyên gì làm tôi trong bảy ngày không chết chăng?

A Nan bảo: Không có nhân duyên nào khiến ông trong bảy ngày khỏi chết.

Trưởng giả lại bạch: Có nhân duyên nào khiến tôi chết không sanh vào địa ngục thế khốc chăng?

A Nan bảo: Thế Tôn cũng có dạy rằng nếu trưởng giả cạo tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo sẽ không phải vào địa ngục thế khốc. Ông phải nên xuất gia học đạo, đến được bờ kia.

Trưởng giả bạch: Ngài A Nan hãy đi trước đi, tôi sẽ đến ngay. Khi ấy, Tôn Giả A Nan liền bỏ đi.

Trưởng giả liền nghĩ: Nói bảy ngày cũng còn xa, nay ta nên vui chơi ngũ dục, rồi sau hãy xuất gia học đạo.

Tôn Giả A Nan ngày hôm sau đến nhà trưởng giả, bảo ông ta: Một ngày đã qua, còn có sáu ngày, phải xuất gia đi!

Trưởng giả bạch: Ngài A Nan hãy đi trước, tôi sẽ theo sau ngay. Nhưng trưởng giả ấy vẫn không đi.

Ngài A Nan, hai ngày, ba ngày cho đến sáu ngày đến nhà trưởng giả, bảo ông ta: Bây giờ hãy xuất gia, nếu không sau hối không kịp. Nếu không xuất gia hôm nay sẽ chết, rồi sanh trong địa ngục thế khốc.

Trưởng giả bạch A Nan: Tôn Giả hãy đi trước, tôi sẽ theo sau.

A Nan bảo: Trưởng giả! Hôm nay ông dùng thần túc nào đến kia được mà bảo ta đi trước?

Ta muốn đi một lượt với ông.

Khi ấy A Nan dẫn trưởng giả này đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy và bạch Phật: Nay trưởng giả này muốn được xuất gia học đạo, cúi mong Như Lai hãy cạo bỏ râu tóc cho ông ta, để ông ta được học đạo.

Phật bảo A Nan: Nay chính thầy có thể độ trưởng giả này. A Nan vâng lời Phật dạy tức thời cạo tóc cho trưởng giả, dạy đắp ba pháp y và học chánh pháp.

Lúc ấy A Nan dạy Tỳ Kheo đó rằng: Ông nên nhớ tu hành, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ Kheo Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm thôi dứt, niệm hơi thở, niệm thân, niệm tử. Nên tu hành pháp như thế.

Tỳ Kheo hành mười niệm này sẽ được quả báo lớn, được pháp vị Cam Lồ. Khi ấy Tỳ La Tiên tu hành pháp như thế rồi. Ngay ngày ấy mạng chung sanh trong Tứ Thiên Vương.

A Nan liền trà tỳ thân ông ta, trở về chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên.

Bấy giờ A Nan bạch Thế Tôn: Vừa rồi Tỳ Kheo Tỳ La Tiên đã mạng chung, sẽ sanh về đâu?

Thế Tôn bảo: Nay Tỳ Kheo này mạng chung sanh lên Cõi Trời Tứ Thiên Vương.

A Nan bạch Phật: Ông ta ở đó mạng chung sẽ sanh về đâu?

Thế Tôn bảo: Ông ta ở đó mạng chung sẽ sanh Trời Ba Mươi Ba, lần lượt sanh Diệm Thiên, Ðâu Suất Thiên, Hóa Tự Tại Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên.

Từ đó ông ta mạng chung lại sanh trở lại cho đến Trời Tứ Thiên Vương.

A Nan! Tỳ Kheo Tỳ La Tiên, bảy phen xoay vần trong Trời, người.

Cuối cùng ông ta được thân người xuất gia, học đạo, sẽ dứt mé khổ.

Vì sao thế?

Vì ông ta có tín tâm đối với Như Lai.

A Nan nên biết! Cõi Diêm Phù Đề này, Nam Bắc hai vạn một ngàn do tuần. Ðông Tây bảy ngàn do tuần.

Nếu có người cúng dường người khắp cõi Diêm Phù Đề, phước đó có nhiều không?

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Rất nhiều, rất nhiều, bạch Thế Tôn.

Phật bảo A Nan: Nếu có chúng sanh chỉ trong một khoảng khắc, không dứt tín tâm tu hành mười niệm này, phước chẳng thể lường, không thể lường được.

Như thế, A Nan! Hãy cầu phương tiện tu hành mười niệm.

Như thế A Nan, hãy học điều này!

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường