Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Ba - Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi Bát Chánh - Phần Ba

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BỐN MƯƠI BA

PHẨM THIÊN TỬ MÃ HUYẾT

HỎI BÁT CHÁNH  

PHẦN BA  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ở nước Ma Kiệt, cùng với chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người câu hội, đi dần đến bờ sông. Bấy giờ, Thế Tôn thấy giữa dòng nước có một khúc gỗ lớn trôi trên mặt nước. Ngài bèn ngồi lại dưới một cội cây bên bờ sông.

Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các thầy có thấy khúc gỗ bị nước cuốn kia không?

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Thưa có thấy.

Phật bảo: Ví như khúc gỗ kia, không mắc kẹt bờ bên này hay bên kia, cũng không chìm giữa dòng hay trôi tấp trên bờ, không bị người vớt lên, lại chẳng bị phi nhân vớt lên, lại không bị nước cuốn xoáy, cũng không bị mục nát. Nó sẽ dần dần trôi đến biển cả.

Vì sao?

Biển là cội nguồn của các sông. Tỳ Kheo các thầy cũng lại như thế. Nếu như các hầy không mắc kẹt ở bờ bên này hay bờ bên kia, không chìm giữa dòng, lại không nằm trên bờ, không bị người hay phi nhân nắm giữ, cũng không bị nước cuốn xoáy, cũng không mục nát, các thầy sẽ dần dần đến Niết Bàn.

Vì sao?

Niết Bàn có chánh kiến, chánh chí tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, là nguồn cội của Niết Bàn. Bấy giờ, có người chăn bò tên Nan Đà đang chống gậy đứng xa nghe nói như thế, người ấy bèn đi dần dần đến chỗ Phật.

Bấy giờ, người chăn bò bạch Phật: Nay con cũng không mắc kẹt bờ bên này hay bờ bên kia, không chìm giữa dòng hay tấp vào bờ, không bị người nắm bắt, không bị phi nhân nắm bắt, không bị nước cuốn xoáy, cũng không mục nát, dần dần sẽ đến Niết Bàn. Cúi xin Thế Tôn cho phép con ngay tại con đường này, được làm Sa Môn.

Phật bảo: Ông đem bò về cho chủ rồi, sau mới được làm Sa Môn.

Người chăn bò Nan Đà thưa: Lũ bò này nhớ con của chúng, tự sẽ trở về nhà, cúi xin Thế Tôn cho phép tại đây.

Phật bảo: Những con bò này tuy tự trở về nhà, cũng cần ông đi theo để giao lại chủ.

Khi ấy, người chăn bò nghe lời dạy đem giao bò xong, trở lại chỗ Phật, bạch Phật: Nay con đã giao bò xong, cúi xin Thế Tôn cho phép con làm Sa Môn.

Khi ấy, Thế Tôn liền cho làm Sa Môn, thọ giới Cụ Túc.

Có một Tỳ Kheo khác bạch Phật:

Thế nào là bờ bên này?

Thế nào là bờ bên kia?

Thế nào là chìm giữa dòng?

Thế nào là kẹt trên bờ?

Thế nào là không bị người nắm bắt?

Thế nào là không bị nước cuốn xoáy?

Thế nào là không mục nát?

Phật dạy Tỳ Kheo: Bờ bên này là thân mình, bờ bên kia là thân diệt hoại. Chìm giữa dòng là dục ái. Tấp trên bờ là ngũ dục.

Bị người nắm bắt là:

Như có người hào tộc phát thệ nguyện rằng: Nguyện đem công đức phước báu này để được làm Vua, hay làm Đại Thần.

Bị phi nhân nắm bắt là:

Như có Tỳ Kheo thệ nguyện như vậy: Sanh trong Cõi Tứ Thiên Vương mà hành phạm hạnh. Nay ta đem công đức này để sanh Cõi Trời. Ðây gọi là bị phi nhân nắm bắt.

Bị nước cuốn xoáy là những điều tà nghi. Mục nát là tà kiến, tà chí tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định. Ðó là mục nát vậy.

Lúc ấy Tỳ Kheo Nan Đà ở chỗ vắng thanh tịnh, tự tu chuyên cần mà theo đó người dòng dõi, cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, tu phạm hạnh vô thượng, sanh tử đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không thọ thân trở lại.

Tỳ Kheo Nan Đà liền tại chỗ ngồi thành A La Hán. Bấy giờ, Tôn Giả Nan Đà nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở tại nước Ma Kiệt, vườn trúc Ca Lan Đà cùng với đại chúng năm trăm người câu hội. Bấy giờ, Ðề Bà Đạt Đa, do có thần túc, được Thái Tử A Xà Thế mỗi ngày đem năm trăm nồi cơm cúng dường.

Chúng Tỳ Kheo nghe chuyện Ðề Bà Đạt Đa do có thần túc mà được Vua A Xà Thế cúng dường, cùng nhau đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên.

Khi ấy, nhiều Tỳ Kheo bạch Phật: Ðề Bà Đạt Đa oai thần rất lớn, nay được Vua A Xà Thế cúng dường, mỗi ngày đem cho năm trăm nồi cơm.

Bấy giờ, Đức Phật nghe lời ấy rồi, bảo các Tỳ Kheo: Các thầy chớ khởi ý niệm ấy về sự tham lợi dưỡng của Tỳ Kheo Ðề Bà Đạt Đa. Kẻ ngu kia do lợi dưỡng này, sẽ tự diệt mất.

Vì sao?

Ở đây, Tỳ Kheo Ðề Bà Đạt Đa sở dĩ xuất gia, không đạt kết quả của sở nguyện.

Tỳ Kheo nên biết! Ví như có người ra khỏi làng xóm, tay cầm búa bén đến chỗ cây to, trước đó ý mong chặt được cây to. Kịp khi đến nơi, chỉ lấy cành lá trở về nhà.

Nay Tỳ Kheo này cũng vậy, tham trước lợi dưỡng. Do lợi dưỡng này, đối với người khác thì tự khen mình, chê bai việc làm của các Tỳ Kheo khác, ắt không đạt kết quả sở nguyện.

Thấy ấy do lợi dưỡng này nên không cần tìm cách khởi tâm dũng mãnh. Như người kia muốn tìm lõi cây không được, bị người trí ruồng bỏ.

Nếu như có Tỳ Kheo được lợi dưỡng rồi, không tự khoe khoang, cũng không chê bai người khác. Hoặc có khi lại đối với người khác tự xưng ta là người trì giới, kia là kẻ phạm giới, Tỳ Kheo ấy không đạt kết quả của sở nguyện.

Như người bỏ gốc đem cành lá về nhà, người trí thấy rồi, nói: Người này tuy đem cành cây về nhà, song không biết gốc. Trong đây Tỳ Kheo cũng như vậy. Do được lợi dưỡng, vâng giữ giới luật, và tu phạm hạnh, ưa tu chánh định.

Tỳ Kheo ấy do chánh định này, tâm đối với người khác tự khoe: Nay ta được định, người khác không định. Pháp đáng làm của Tỳ Kheo ấy cũng không được kết quả. Cũng như có người tìm lõi cây, đến bên cây to, xem xét thân cây, bỏ các nhánh lá, chỉ lấy gốc đem về.

Người trí thấy rồi liền nói thế này: Người này được riêng phần gốc. Nay Tỳ Kheo này cũng lại như thế, hưng khởi lợi dưỡng, vâng giữ giới luật, cũng không tự khoe khoang, lại chẳng chê bai người khác, tu hành chánh định, cũng lại như thế mà dần dần tu trí tuệ.

Trong pháp này, trí tuệ là bậc nhất. Tỳ Kheo Ðề Bà Đạt Đa ở trong pháp này đã chẳng được trí tuệ, lại cũng không đủ giới luật.

Có một Tỳ Kheo bạch Phật: Thầy Ðề Bà Đạt Đa ấy vì sao không hiểu pháp giới luật?

Thầy ấy có thần túc, thành tựu các hạnh, có trí tuệ này, vì sao không hiểu pháp giới luật?

Có trí tuệ ắt có chánh định, có chánh định ắt có giới luật.

Phật dạy: Pháp giới luật là chuyện thường của thế tục. Thành tựu chánh định cũng là chuyện thường thế tục. Thần túc phi hành cũng là chuyện thường thế tục. Thành tựu trí tuệ, đó mới là nghĩa đệ nhất.

Khi ấy, Thế Tôn bèn nói kệ:

Do thiền được thần túc,

Không rốt ráo tối thượng,

Không được mé vô vi,

Lại rơi trong ngũ dục.

Trí tuệ là tối thượng,

Không lo, không nghĩ ngợi.

Rốt ráo được đẳng kiến.

Ðoạn dứt chốn sanh tử.

Tỳ Kheo nên biết! Do phương tiện này mà biết Ðề Bà Đạt Đa không hiểu pháp giới luật, cũng không hiểu hạnh trí tuệ, chánh định. Tỳ Kheo các thầy chớ giống Ðề Bà Đạt Đa tham trước lợi dưỡng. Người tham lợi dưỡng là rơi vào chỗ ác, không đến đường lành. Nếu tham trước lợi dưỡng thì sẽ tập theo tà kiến, lìa chánh kiến, tập tà tư duy lìa chánh tư duy.

Tập tà ngữ lìa chánh ngữ, tập tà nghiệp lìa chánh nghiệp, tập tà mạng lìa chánh mạng, tập tà phương tiện lìa chánh phương tiện, tập tà niệm lìa chánh niệm, tập tà định lìa chánh định.

Thế nên Tỳ Kheo! Chớ khởi tâm lợi dưỡng, chế phục khiến đừng khởi. Ðã khởi tâm lợi dưỡng, nên tìm phương tiện diệt trừ.

Như thế, này các Tỳ Kheo nên học điều này!

Khi Phật nói pháp vi diệu này có sáu mươi Tỳ Kheo xả bỏ pháp phục, tập hạnh Cư Sĩ. Lại có sáu mươi Tỳ Kheo khác được lậu tận ý giải, sạch hết các trần cấu, được pháp nhãn tịnh.

Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường