Phật Thuyết Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Phần Hai - Phần Chánh Tông - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Cảnh, Đời Tiêu Tề

PHẬT THUYẾT KINH

VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Cảnh, Đời Tiêu Tề  

PHẦN HAI

PHẦN CHÁNH TÔNG  

TẬP BA  

Phật Giáo lại bảo Đại Vương rằng: Ta còn nhớ thuở xưa, ta vừa mới phát tâm tu đạo bồ đề nhẫn đến pháp nhẫn vô sanh ở trong khoảng thời gian ấy ta thường cùng với Di Lặc, Xá Lợi Phất v.v… vì cầu pháp nên ta siêng năng tinh tấn không đoái đến thân mạng theo dõi Minh Sư, gần gũi hầu hạ.

Tinh nghiêm học vấn thành tựu được trí huệ, vì nhờ sức trí huệ, nên ở trong năm đường tùy sanh ra chỗ nào đều giáo hóa thành tựu vô lượng chúng sanh, khiến cho chúng sanh được khỏi khổ cho đến khi thành Phật, đều nhờ bát nhã trí huệ phương tiện mà đoạn trừ tất cả nhân duyên kiết tập.

Thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, rồi lại đem trí huệ ở trong cõi Ta Bà Quốc Độ này giáo hóa chúng sanh khiến khỏi cái khổ trong ba cõi. Thế cho nên ta nói bát nhã trí huệ có bốn danh nghĩa.

Khi bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc và cả quyến thuộc nghe Phật nói rồi thì tâm ý mở tỏ liền đứng dậy làm lễ vui mừng khấp khởi:

Đứng chắp tay bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn! Hôm nay con gặp Phật được nhiều thiện lợi, nghe Phật nói pháp không biết chán nản.

Sở dĩ vì sao?

Vì Đức Thế Tôn trước nói bốn pháp Chân Đế và pháp thập nhị nhân duyên là cái đạo xuất thế gian, nhưng vì căn tánh ám độn mê man không hiểu, do vì không hiểu cho nên thân thể mỏi mệt.

Nay nghe Phật nói cái pháp tu của Bồ Tát, tuy chưa hiểu hết song lòng con rất ham mộ khao khát muốn nghe tâm không nhàm đủ.

Đệ tử nay muốn phát tâm bồ đề, cầu đạo vô thượng. Cúi xin Đức Thế Tôn thương xót hứa cho và dạy bảo pháp tu theo Bồ Tát để cho chúng con y theo pháp tu hành.

Phật bảo Vua rằng: Này Đại Vương, pháp tu Bồ Tát như trên đã nói rõ.

Thân, khẩu, ý nghiệp làm theo mười điều lành và pháp Ba la mật tóm thâu tất cả pháp trợ Phật Đạo, Đại Vương có thể làm được không?

Vua đáp rằng: Như lời của Thế Tôn nói pháp tu thập thiện và ba giới của tâm thật rất khó giữ gìn, phải làm thế nào thọ rồi đừng cho quên mất?

Phật bảo Vua: Tâm người đời như con lộc lại cũng thí như con viên hầu, vì bị những ngọn gió phiền não thổi rung động, thế nên muốn tu pháp thập thiện không đặng chậm trễ vậy. Tu pháp thập thiện phải có hạn trong ba thời.

Sao gọi là ba thời?

Nghĩa là sáng sớm đến bữa ăn ngọ gọi là thượng thời, ăn xong một bữa gọi là trung thời, đi một bước là hạ thời. Thọ pháp thập thiện tùy theo chỗ lãnh được pháp nào, ở trong thời đây toan giữ tâm mình, ba giới cho bền vững đừng cho lọt mất, thế nên gọi là pháp tu thập thiện.

Vua nói rằng: Như Thế Tôn nói cái công đức tu thập thiện hạn trong ba thời rất ít, thì làm sao sanh được phước?

Phật bảo Vua rằng: Người tu pháp thập thiện, thời giờ ngắn mà công đức rất nhiều.

Vì sao?

Vì ba giới của tâm rất khó giữ gìn, tuy giữ gìn trong giây lát mà được quả báo vô lượng, thí như có người ở trong trăm năm chất đống củi rơm, dùng lửa đốt đó thì trong giây phút, thảy đều cháy hết.

Thế cho nên phải biết rằng: Tu pháp thập thiện thời giờ rất ít mà có thể diệt được vô lượng tội trọng ác nghiệp.

Như người dò lửa chuyên cần dụng lực trong giây phút được lửa, mà công lực của lửa ấy có thể đốt cỏ cây rừng bụi trong thiên hạ chỉ trong chốc lát đều cháy sạch. Đại Vương phải biết, người tu pháp thập thiện cũng lại như thế.

Vì tu trong giây phút mà có thể diệt hết vô lượng tội trọng ác nghiệp, và hay khiến cho người tu nứt mộng bồ đề. Mầm mộng bồ đề đã nứt nảy dần dần thêm lớn cho đến khi thành Phật Quả.

Vua nghe Phật nói lời ấy rồi liền đứng dậy làm lễ tất cả vui mừng đặng chưa từng có.

Bèn bạch với Đức Thế Tôn rằng: Thưa Thế Tôn! Đệ tử con nay được nhiều thiện lợi.

Sở dĩ vì sao?

Bởi nghe Đức Thế Tôn nói nhân duyên công đức tu pháp thập thiện hay khiến cho chúng sanh thành tựu mộng bồ đề. Đệ tử con nay, chí thích bồ đề sẽ siêng năng tu hành, tâm không lui sụt.

Khi Phật nói xong, những kẻ theo hầu Vua như quần thần, quan dân, hậu cung, thể nữ, phu nhân cùng bốn bộ đệ tử Thiên Long, Quỷ Thần, Nhân và Phi Nhân v.v… hơn năm nghìn người phát tâm cầu đạo Vô thượng bồ đề.

Khi ấy, Vua Ba Tư Nặc và bà Đại Phu Nhân hễ lúc ra vào đi đến, cũng thường sai bốn người sức lực rất mạnh tên là Phiến Đề La, sai bốn người này khiêng kiệu cho Hoàng Hậu.

Hoàng Hậu ngồi trên kiệu bằng thất bảo để ở ngoài Tinh Xá Kỳ Hoàn, bảo các người Huỳnh môn canh gác, các người Huỳnh môn giao lại cho bốn người Phiến Đề La còn mình thì đến chỗ Phật nghe pháp.

Bọn Phiến Đề La đều nằm dưới kệ ngủ mê không hay chi cả, lúc đó có kẻ hung nhân trộm lấy ngọc Ma Ni châu trên kiệu báu của Hoàng Hậu.

Khi ấy, các người Huỳnh môn tạm ra xem kiệu nhưng không thấy bảo châu, trong lòng kinh hãi sợ Hoàng Hậu quở trách, liền bảo bốn người Thạch nữ rằng: Ta sai các ngươi coi chừng kiệu cớ sao trộm lấy ngọc bảo châu.

Trong bốn người thưa rằng: Thật chúng tôi không thấy. Huỳnh môn nổi giận lấy roi đánh các người Thạch nữ đau nhức thấu xương, trong đó có một người Thạch nữ biết mình không có trộm mà chịu oan bèn bỏ tuôn chạy xen vào Tinh Xá La to kêu oan. Mọi người nghe nhưng không biết việc chi.

Phật bảo A Nan: Ngươi hãy đi đến chỗ các người Huỳnh môn kia, bảo đừng đánh oan cho người vô tội.

Vì sao thế?

Vì bốn người Thạch nữ ấy chính là thầy đời trước của Hoàng Hậu. Chúng đã là kẻ vô tội, vì sao bị đánh đập, đó là tự gây nhân duyên nghiệp ác cho đời sau.

Bấy giờ Hoàng Hậu nghe Phật nói lời ấy rồi, liền đứng dậy cung kính chắp tay bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Thế Tôn nói té ra bốn người Thạch nữ khiêng kiệu cho con đây, chính là thầy đời trước của con.

Nhưng vì con mê muội nên không rõ, cúi xin Thế Tôn giải bày những nhân duyên ấy, cho các người trong hội đây đều được nghe biết?

Phật bảo: Hoàng Hậu kêu các người Thạch nữ đến trước Thế Tôn để ta nghiệm xét chỗ hư thật.

Hoàng Hậu vâng mạng liền sai huỳnh môn bắt hết đem đến, khi ấy bốn người Thạch nữ vừa trông thấy Phật cúi đầu rơi lụy, quỳ gối chắp tay, Bạch Thế Tôn rằng: Thật con không có trộm lấy ngọc châu, nhưng không biết vì lẽ gì bắt oan tội ấy, đánh đập làm thân thể con tan nát.

Đức Thế Tôn đáp: Tội nghiệp nhân duyên tự thân mình gây tạo ra, chớ không phải cha mẹ làm tội.

Bấy giờ, cả chúng Bồ Tát vô lượng ức người, ở trên hư không trong tâm đều vui mừng, rải các hoa hương tươi đẹp vô cùng, để xông sạch các uế trược trần lao cho chúng sanh.

Thiên Vương ở Cõi Trời Tự Tại cũng rất vui mừng, ở trên không và ngàn ức chúng đều hết lòng cung kính rải các diệu y, các Trời Phạm Thiên lặng lẽ, lấy làm quý lạ, đồng nhất tâm tự quy.

Các vị Tiên Nữ tư dung tươi đẹp vô cùng, đánh các thứ kỹ nhạc, trăm ức triệu người cũng lại làm lễ. Cả thảy đều diễn ra những lời tuồng như quyến thuộc của Đức Thế Tôn ngồi khắp Cõi Phật.

Những hào quang tỏa đều chiếu các cõi, bao nhiêu triệu ức thân, bao nhiêu hào quang nhu nhuyến, bao nhiêu pháp giới không có chỗ nào mà không thông suốt cả, Đức Như Lai là bậc chí chơn, mỗi một chân lông phóng ra một tia hào quang.

Hào quang ấy sáng tỏ diệt hết những trần cấu của chúng sanh, những bụi trần ở các cõi nước, còn có thể đếm số được mà số người trong chúng hội đây không thể đếm được.

Có khi thấy thân Phật, các tướng nhiệm mầu mà cũng như thấy các vị Chuyển Luân đi lại các nước làm những việc cao thượng, rất tốt tuyệt vời, hoặc có người thấy các vị Thánh Nhân.

Hoặc thấy các vị Đại Thần lớn ở Cõi Trời Đâu Suất hiện xuống mẫu thai, rồi lại sanh ra, tuy ở trong thai cũng hiện ra vô số ức cõi nước, hễ Ngài sanh ra chỗ nào thì chỗ ấy hiện thành Cõi Phật.

Cái bổn nguyện của bậc Đại Sư là vì chúng sanh mà phải xuất gia tu thành Phật Đạo, thành bậc tối Chánh Giác, vận chuyển pháp luân, hiện ra các Cõi Phật, vô số ức cõi vì cũng như thầy huyễn Sư, học giỏi nghề chú thuật, tùy theo thọ mạng đến đâu hiện ra vô số pháp, chỗ trí tuệ tu học của Đức Thế Tôn cũng như vậy.

Là vì chúng sanh nên phải xuất gia, ở trong cảnh rỗng rang vắng lặng, vẫn là vô tướng, các pháp bình đẳng, cũng như hư không, giáo giới của Phật rất lợi ích. Vốn ở trong chỗ không mà hiện ra chỗ có, rất nhiệm mầu.

Phật đi đến chỗ nào thì chỗ ấy được yên ổn, đó đều là tự nhiên thương xót chúng sanh, nên nói ra Kinh Điển là tướng của tất cả pháp nhưng thấy cái tướng của tất cả pháp đều bình đẳng đệ nhất vô tướng, các nghĩa của Thế Tôn theo chỗ Thánh huệ của Ngài.

Đều bỏ các hình tướng hữu tướng và vô tưởng, rõ các hình tướng đều bình đẳng, mau được thành tựu ngồi ở trước mọi người diễn ra những tiếng tăm như vậy, triệu ức vô cùng lời nhân từ hòa nhã, ở đời thì hàng phục các loài ma Thiên Nữ.

Do Ngài biết trong chúng hội chí chơn vắng lặng, như Mặt Trăng sáng tỏ, chiếu diễn ra bao nhiêu phẩm, thời các hàng Phật Tử tu tập theo, sự nghiệp của bậc Đại Thừa thì cần nêu ra làm các công quân sự nghiệp cho mọi nhà, để ai nấy được thấy điềm lành đem đến.

Trong tâm rất vui mừng, Thánh Huệ của bậc Đại Nhân, ca tụng vang rền từ trên Trời rơi xuống, những người làm lành hay làm ác đến khi thọ báo cũng có khổ có vui, như vang dội tiếng, cũng như tham lợi hiện tiền tâm làm việc tà siểm, không biết có đời sau, nhiều kiếp chịu khổ.

Vả luận ác từ nơi tâm sanh ra, trở lại hại mình, cũng sắt sanh ra sét, sét tự tiêu mòn hình thể của sắt.

Bấy giờ, Vua lại vòng tay bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, từ trước đến nay, thuyết pháp đều có nhân duyên.

Nay bốn người Thạch nữ đây, bổn nguyện đời trước có nhân duyên gì?

Xin Phật vì con và đại chúng giải nói để khai ngộ cho kẻ mờ ám được hiểu, thêm nhiều lợi ích và mọi người được nhờ cậy.

Phật bảo Vua rằng: Muốn nghe rất hay, hãy để lòng lóng nghe ta vì ngươi chỉ vẻ nói cho.

Phật lại nghĩ rằng: Trong chánh pháp của ta có các thầy Tỳ Kheo, lời nói, việc làm, không giống nhau, ý nghĩ miệng nói trái nhau.

Song cũng xuất gia học đạo, hoặc vì lợi dưỡng, tiền tài ẩm thực, hoặc vì tiếng khen và muốn đông nhiều bà con, hoặc có người nhàm chán pháp vì Vua sai khiến mà đi xuất gia học đạo, chớ không có tâm cầu ba pháp môn giải thoát để khỏi cái khổ trong ba cõi.

Đem tâm bất tịnh thọ cúng dường, không biết rằng đời sau nhiều kiếp chịu khổ đền bù nợ trước, vì những lẽ ấy đâu không nói sao được.

Phật bảo Vua rằng: Ta nhớ hồi quá khứ từ vô số kiếp có một nước lớn tên là Bùi Phiến Xà, có một nữ nhân tên là Đề Vi cũng là giòng giống Bà La Môn, chồng chết ở góa, nhà rất giàu mà không con cái, lại không cha mẹ, côi cút quạnh hiu không ai nhờ cậy.

Theo phép Bà La Môn: Nếu việc chi không được như ý liền sanh ra sự thiêu thân.

Các thầy Bà La Môn thường thường rủ nhau đi đến nhà Đề Vi mà giáo hóa rằng: Các việc khổ đời nay đâu không bởi tội nghiệp đời trước của ngươi.

Sao gọi là tội?

Nghĩa là bởi không cung kính các thầy Bà La Môn, không hiếu thuận cha mẹ, chồng con, lại không có từ tâm nuôi dưỡng con cái, những tội như thế nên đời nay côi quạnh chịu khổ.

Ngươi nay nếu không tu phước cho hết tội thì đời sau chịu khổ đến nỗi đọa vào địa ngục, đương khi đó làm sao ăn năn cho kịp.

Bà Đề Vi hỏi rằng: Phải làm phước gì được hết tội cho ư?

Các thầy Bà La Môn nói rằng: Muốn hết tội có hai cách.

Một là: Người tội nhẹ thì tự tay gội đầu, lấy nước thơm tắm gội rồi vào trong Thiên Miếu sám hối từ tạ với Trời Na La Diên, thỉnh đủ một trăm thầy Bà La Môn thiết đãi ăn uống, ăn uống xong rồi lại dùng một trăm con bò cái mới đẻ con mà dâng cúng cho các thầy Bà La Môn vậy sau sẽ hết tội.

Sở dĩ vì sao?

Vì các thầy Bà La Môn là người tịnh tu phạm hạnh, không ăn tửu nhục, hành, tỏi… ngũ vị tân, chỉ dùng sữa bò để làm thức ăn, khiến nhà thí chủ đàn việt hết tội sanh phước, đời đời sanh ra sở nguyện tùng tâm.

Như người nay tội nặng phải lấy tất cả đồ quý báu chỗ có trong nhà mà cúng thí cho năm trăm thầy Bà La Môn. Các thầy Bà La Môn đặng của cúng thí rồi sẽ vì đó mà chú nguyện khiến cho đời sau thường đặng giàu to.

Hai là: Người nào muốn hết tội nặng thì nên đến bên Sông Hằng, chất củi tự thiêu, các thầy Bà La Môn sẽ lại chú nguyện, khiến cho đời trước người chỗ tạo tất cả tội nặng nhẹ, đồng thời tiêu hết, đời sau sanh ra không còn cái khổ sống lâu không lường, khoái lạc không cùng, cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái vui vậy sum họp.

Khi ấy bà Đề Vi liền ưng thuận, theo quyết định nhất tâm sẽ tự thiêu thân, bèn sai tôi tớ trong nhà đem mười cỗ xe vào trong núi đốn củi để làm phép thiêu thân.

Khi bấy giờ, trong nước có một vị Đạo Nhân tên là Bát Đề Bà tinh tấn trì giới, đa văn trí huệ thường đem từ tâm giáo hóa thiên hạ khiến ai ai cũng cải tà quy chánh, bỏ dữ làm lành.

Ngài nghe đồn bà Đề Vi muốn tự thiêu thân sanh lòng thương xót, đi đến chỗ kia hỏi bà Đề Vi rằng: Sắm sẵn củi lửa muốn làm việc gì?

Bà Đề Vi đáp rằng: Muốn tự thiêu thân để diệt hết tội khổ.

Biện Tài nói rằng: Tội nghiệp đời trước tùy theo tinh thần không theo với thân, thiêu thân chịu khổ mà nào được hết tội.

Luận như người họa phúc từ tâm mà có, hễ tâm niệm thiện, hưởng cái quả báo thiện, hễ tâm niệm ác, thì chịu cái quả báo ác, tâm niệm khổ vui, thì chịu cái quả báo khổ vui.

Ví như người chết đói thời làm quỷ đói, người chết khổ não thì chịu cái quả báo khổ não, người chết hoan hỷ thì chịu cái quả báo hoan hỷ, an ổn khoái lạc quả báo cũng như vậy. Ngươi nay làm sao ở trong vòng khổ não, mà muốn hết tội, mong được cái quả báo lành.

Rất là vô lý?

Thôi! Đừng làm tốt hơn! Lại này nữa Đề Vi, như người bệnh khổ trong khi bị khổ ép bức, nếu có người ác đi đến chỗ đó mắng nhiếc người bệnh, rồi lấy tay xách lỗ tai.

Vậy đối với ý ngươi nghĩ sao?

Người bệnh lúc ấy, dù có thiện tâm, nhưng khỏi buồn giận chăng?

Đề Vi đáp rằng: Người bệnh khổ kia lúc chưa thấy ai, còn ôm lòng buồn rầu, huống chi bị xách lỗ tai, mà hòng không giận.

Biện Tài đáp rằng: Người nay cũng như vậy.

Vì tội đời trước nên nay phải cùng khổ quạnh hiu thường ôm lòng lo buồn, lại muốn đốt thân, lìa khỏi sự buồn khổ, đâu có thể được ư?

Ví như người bệnh khổ, bị người mắng nhiếc thì càng thêm khổ não, trăm ngàn vạn bội.

Huống chi là khi thiêu thân, lửa dữ bốc cháy, thân thể cháy tiêu, trong khi hơi thở chưa dứt, tâm chưa hư hoại, đương khi thân tâm bị đốt đó, thần thức chưa lìa, cho nên chịu khổ não tâm buồn phiền muộn.

Từ đó mạng chung, sanh trong địa ngục, chịu cái khổ trong địa ngục, càng thêm thảm kịch, gấp trăm ngàn vạn phần cầu ra không khỏi, huống chi là muốn thiêu thân để cầu lìa hết khổ?!

Lại nữa này Đề Vi, thí như con trâu kéo xe nhàm chán sự mệt nhọc, muốn phá cho hư xe nhưng xe trước nếu hoại thì xe kết sau đó lại tròng ách vào cổ, vì tội trâu chưa hết. Ngươi nay cũng lại như vậy.

Dù cho thiêu hoại trăm ngàn muôn thân, song tội nghiệp nhân duyên tiếp nhau không dứt. Ví như những người ở trong địa ngục A tỳ bị thiêu đốt, trong một ngày tám muôn lần chết, tám muôn lần sống, trải qua một kiếp rồi, tội kia mới hết.

Huống chi ngươi nay mà đốt thân một lần, mà muốn cầu hết tội, đâu lý đặng ư?

Khi bấy giờ, Biện Tài mỗi món nhân duyên vì nói chánh pháp.

Đề Vi nữ nhân, tâm ý mở tỏ, liền đổi chí nguyện hết nghĩ thiêu thân, thưa với ông Biện Tài rằng: Vậy con phải làm phương pháp gì mới hết tội?

Ông Biện Tài đáp rằng: Tâm trước tạo ác ví như đám mây che phủ Mặt Trăng tâm sau khởi thiện, thì cũng như cây đuốc sáng, làm cho tiêu hết bóng tối.

Ngươi nay may có cái ý muốn hết tội, thì sẽ có phương tiện, nay có thể khiến cho ngươi, không tốn một đồng tiền, nhẫn đến không bị một chút khổ, diệt hết tội khổ, hiện đời được yên ổn, đời sau sanh ra chỗ nào, thì thiện nguyện tùng tâm.

Bà Đề Vi nghe rồi, tâm rất vui mừng, sự sợ hãi liền dứt, như người tù mắc tội nặng, mong được ân xá ra khỏi, bèn đứng dậy sửa sang cung kính lễ bái hỏi han, lại dạy những người trong nhà.

Sửa dọn một cái tòa cao, có đủ mền nệm khảm đệm gấm nhiễu, hàng lụa tôn nghiêm bậc nhất, rải hoa đốt hương, cầu thỉnh ông Biện Tài lên tòa cao.

Ông Biện Tài thọ thỉnh liền lên tòa. Lúc Đề Vi nữ nhân cùng cả quyến thuộc trong nhà có hơn năm trăm người, nhóm lại đi nhiễu xung quanh ông Biện Tài rồi cung kính cúi đầu chắp tay.

Đề Vi nữ nhân thưa với ông Biện Tài rằng: Vừa nghe lời thầy nói sự hết tội, tâm con rất vui mừng, nhưng tâm còn có chút nghi. Cúi xin thầy nói cái pháp trừ tội, để cho con y như pháp mà tu hành.

Ông Biện Tài nói rằng: Nguyên do tạo tội là ở nơi thân, khẩu, ý.

Thân có ba nghiệp không lành là: Sát, đạo, dâm.

Miệng có bốn nghiệp không lành là: Vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu.

Ý có ba nghiệp không lành là: Tật đố, sân nhuế, kiêu mạn, tà kiến, ấy là mười nghiệp ác, phải chịu cái quả báo ác. Nay ngươi phải nhất tâm thành thật sám hối, dù cho đời nay có những tội như vậy, nay đều sám hối tất cả thì được khỏi tội và hết tội.

Ngươi phải lập cái lời thệ, từ đây về sau không dám tái phạm và vì tiền nhân, cha mẹ, anh em với chồng của chúng con, chỗ có tội lỗi, con nay nhất tâm sám hối, bỏ dữ làm lành, chỗ có phước đức nhân duyên đều thí cho tất cả chúng sanh chịu khổ, khiến cho được yên vui, nếu chúng sanh có tội con xin chịu thay thế.

Lại lập lời thệ rằng: Ngày nay con nhờ cải tà về chánh, hối tội tu phước, do nhân duyên đây, bỏ thân này, thọ thân khác, cho đến khi thành Phật thường gặp Minh Sư, gặp Thiện tri thức thọ mạng không lường, thường cùng cha mẹ, chồng vợ, con cái sáu thân quyến thuộc, thường giúp đỡ nhau, không bị khổ hoạn như ngày hôm nay vậy.

Ông lại bảo Đề Vi nữa rằng: Những pháp như thế đều là cái pháp hối quá diệt tội.

Bấy giờ, Đề Vi và cả quyến thuộc, đối với ông Biện Tài, quỳ gối chắp tay thưa với ông Biện Tài rằng: Đệ tử thưa với ông Biện Tài rằng: Đệ tử chúng con vâng lời thầy dạy bảo, đã như pháp sám hối rồi, vậy cúi xin thầy dạy chúng con pháp lành khác, chúng con sẽ siêng năng vâng làm, để tăng thêm công đức.

Ông Biện Tài bảo rằng: Ngươi nay phải thành tâm quy Phật, quy Pháp, quy Tỳ Kheo Tăng, nói như vậy ba lần.

Nói nay con trọn dời vâng lãnh pháp thập thiện và nói như thế này: Đệ tử con pháp danh là… từ nay đến trọn đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm ấy là thiện nghiệp của thân.

Không vọng ngôn, không ỷ ngữ, không lưỡng thiệt, không ác khẩu ấy là thiện nghiệp của khẩu. Không tật đố, sân nhuế, kiêu mạn, tà kiến ấy là thiện nghiệp của ý. Thế nên gọi là thập thiện giới pháp.

Khi bấy giờ, ông Biện Tài truyền trao cho bà Đề Vi Pháp thập thiện rồi thì bà Đề Vi và cả quyến thuộc, vui mừng khấp khởi, hết lòng phụng hành, nữ nhân Đề Vi lại vì thiết đãi đủ trăm thức đồ ăn uống, và bao nhiêu của quý rồi, đối trước ông Biện Tài quỳ gối chắp tay thưa rằng: Cúi xin thầy gia tâm thương xót giáo hóa, nay con sẽ vì thầy dựng lập cung xá, tùy theo chỗ thích hợp trọn đời phụng sự thầy.

Ông Biện Tài đáp rằng: Ngươi nay dã có thể bỏ tà về chánh, tròn tu Pháp thập thiện, làm con vị Pháp Vương. Vậy thì ngươi nên đem Pháp thập thiện, giáo hóa trong thiên hạ cũng gọi là đền trả ơn nặng cho thầy rồi. Ngươi nay đã đắc độ rồi, ta không cần phải ở lại ta nay còn phải đi đến chỗ khác giáo hóa nữa.

Lúc bấy giờ, Đề Vi biết thầy không ở lại, liền đem xe chở những của báu trong kho, đem dâng cho thầy, mong thầy nhận lãnh. Song ông Biện Tài không thọ mà từ tạ lui đi.

Khi đó, Đề Vi tự tâm nghĩ rằng: Cái sự giúp sống cho ta ngày nay đâu không nhờ Tôn Sư Hòa Thượng khai ngộ mới đặng thành tựu, ơn nặng dạy bảo, nếu thỉnh không ở lại và cũng không thọ của báu thì phải làm sao?

Buồn cảm thương tâm, đôi hàng giọt lệ, cúi đầu từ tạ phân tách ra đi. Sau khi ông Biện Tài đi rồi, nữ nhân Đề Vi cùng cả quyến thuộc hơn năm trăm người thường đem pháp thập thiện lần lựa cùng nhau giáo hóa trải qua nhiều ngày.

Khi bấy giờ, trong nước bỗng gặp gạo mắc, nhân dân đói khát, khi đó có năm vị Tỳ Kheo, lười biếng giải đãi, không tham học hỏi giáo lý, Kinh luật, lại không chuyên tu, trì giới, tinh tấn, nên người đời khinh rẻ không cúng dường, nghèo cùng khốn khổ không có kế gì sống được.

Năm người bàn rằng: Vả luận người ta mưu sống, tùy thời thay đổi hình dạng, mạng người rất chí trọng, không lẽ chịu chết.

Mỗi người đều đi xin, sắm được tọa cụ, giường dây, tìm chỗ đồng trống quét dọn sạch sẽ, rải hoa, treo tràng phan rực rỡ y theo thứ lớp mà ngồi, ngoài thân giả bộ như thiên tướng, trong tâm thì tà trược.

Người đời trông thấy đó tưởng là Thánh Nhân, đem đến cúng dường trăm thứ đồ ăn uống, xúm lại cúng dường, thế là năm người no đủ có dư.

Khi bấy giờ, bà Đề Vi nghe việc ấy rồi liền sai người dọ hỏi.

Người đi dọ tin rồi về thưa rằng: Có năm vị Thánh Nhân ngồi riêng trong núi, người ta xúm lại hầu hạ như hầu hạ vị Thiên Thần.

Đề Vi nghe rồi, trong tâm rất hoan hỷ, mà tự mừng rằng: Nguyện ta đã mãn vậy. Đoạn sáng mai sai người sắm sửa bảo xa, hương hoa kỹ nhạc, trăm thứ thức ăn đi đến chỗ năm thầy Tỳ Kheo.

Đề Vi đến đó rồi làm lễ hỏi han, thiết đãi cúng dường, ăn uống xong.

Đề Vi và quyến thuộc cung kính chắp tay thưa với năm thầy Tỳ Kheo rằng: Đức thầy rất lớn, bậc vô thượng phước điền chúng sanh nhờ cậy, không dám tự khinh, theo ý ngu kẻ đệ tử này muốn thỉnh tôn linh, quang lâm đến bần xá, để tỏ chút lòng thành cúi xin thương xót, giúp kẻ quần sanh, đệ tử cũng có vườn cây thanh tịnh, suối trong ao tắm, đẹp đẽ tươi sáng.

Bà Đề Vi và cả quyến thuộc, cúi đầu đôi ba lần cầu thỉnh. Khi ấy năm thầy Tỳ Kheo biết bà chí thành mới hứa chịu đó.

Đề Vi hoan hỷ từ tạ trở về nhà, sai người chưng dọn xe báu, đến rước năm thầy Tỳ Kheo về nhà để cúng dường. Nữ nhân Đề Vi có vườn cây tốt đẹp, cách nhà không bao xa.

Miếng vườn kia vuông vức được mười mẫu, trong đó có suối trong, ao tắm hoa thơm quả lạ, lại có những thứ chim rất đẹp như là: Chim Giao Tịnh, chim Oan Ương, ở trong phòng kia dựng lập phòng nhà, xây đắp bằng bảy báu, trong phòng nhà kia sắm đủ giường nằm chiếu nệm và những tọa cụ tốt đẹp, thơm sạch bậc nhất, rồi mời thầy Tỳ Kheo về ở trong đó.

Nữ nhân Đề Vi trọn đời cung cấp phụng sự, mùa nào thức nấy đồ ăn uống, thuốc thang cúng dường hầu hạ không sái thời giờ.

Khi ấy, năm thầy Tỳ Kheo đã được chủ nhân ân hậu cúng dường, an ổn sung sướng mà tự nghĩ rằng: Có gì yên ổn cho bằng.

Luận như người sanh ra ở đời phải dùng đủ thứ phương thế tìm kiếm tiền của để giúp cơn nghèo ngặt, tuy đặng như ý nhưng cũng không bằng bọn chúng ta, đã chẳng nhọc thân mà lại được hưởng phước lộc, đâu không nhờ sức trí huệ đó hay sao?

Năm thầy Tỳ Kheo kia xét thấy chủ nhân hết lòng trọng đãi, mới cùng nhau bàn rằng: Tuy đặng chủ nhân tùy nghi cúng dường mỗi ngày giàu to nhưng tính đến năm nghèo như cái năm đói rét, thì không có thể giúp cho người được giàu vui, vậy bọn ta phải ra phương tiện để tìm kiếm tiền của, dành dụm thời sau mà hưởng cái sự vui ngũ dục.

Bàn như thế rồi, liền cùng nhau thay đổi, sai một người đi dạo trong các làng xóm, rao nói với các người, xướng cái lời như thế này: Bốn thầy Tỳ Kheo kia, yên ở một chỗ vắng lặng giữ gìn giới cấm dứt hẳn rượu thịt, không ăn hành tỏi đáng bậc phạm hạnh, tu thiền chỉ quán chứng nghiệp vô lậu, tu hành không bao lâu sẽ thành quả A La Hán, thật là bậc vô thượng phước điền trong thiên hạ.

Những người nghe lời ấy rồi, đua nhau xúm lại mang đến đủ thứ tiền tài ẩm thực, cung kính cúng dường, như thế nhiều năm.

Còn nữ nhân Đề Vi một lòng kính tin, cứ việc tùy nghi cúng dường hoan hỷ không chán. Mãn kiếp trọn đời được sanh lên cõi Trời Hóa Lạc.

Còn năm vị Tỳ Kheo kia, chuyên làm việc xảo ngụy, vì tâm tà trược, nên khi phước hết mạng chung, sanh vào đại ngục, tám nghìn ức kiếp chịu cái quả báo rất khổ.

Tội địa ngục hết rồi phải chịu thân ngạ quỷ, ly mỵ, vọng lượng, lần lựa như thế trải qua tám nghìn kiếp, tội ngạ quỷ hết rồi, lại chịu cái thân lục súc sanh, để đền trả của cúng dường đời trước cho chủ nhân.

Nhân duyên nghiệp báo, hoặc làm lạc đà, lừa, trâu, ngựa, tùy theo chủ nhân chỗ thọ phước gì thì thường đem sức mạnh để đền trả cho chủ nhân, lần lựa như thế cũng đến tám nghìn đời.

Tội Súc Sanh hết rồi tuy đặng thân người, nhưng các căn ám độn, nam cũng không phải nam, nữ cũng không phải nữ, gọi đó là Thạch nữ: Từ đây sắp về sau, trải qua trong tám nghìn năm, thường đem sức mạnh đền trả cho chủ nhân, đến nay chưa hết.

Phật bảo Vua rằng: Đề Vi khi đó là Hoàng Hậu đây vậy. Ông Biện Tài khi đó là Mục Liên đây vậy. Còn năm thầy Tỳ Kheo, tức là năm người bọn Phiến Đề La theo hầu hạ khiêng kiệu cho bà Hoàng Hậu hôm nay đây.

Vua bạch Phật rằng: Theo như lời của Đức Thế Tôn nói thì nhân có năm người, mà nay thì chỉ thấy có bốn người khiêng kiệu còn một người nữa ở chỗ nào.

Phật bảo Vua rằng: Còn một người nữa, người ấy thường ở trong cung quét dọn cầu xí, tức là người đổ phân đó vậy.

Hoàng Hậu nghe rồi rùng mỉnh rởn ốc, ôm lòng kinh sợ, liền đứng dậy làm lễ Phật, đứng hàu chắp tay mà bạch Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Như lời của Đức Thế Tôn nói, té ra bọn Phiến Đề la là nhân duyên thầy của con đời trước, lòng con thiệt rất lo sợ, sợ là sợ phạm tội nghịch.

Sở dĩ vì sao?

Vì luận người là bậc thầy, thì phải cung kính đầu đội lễ bái mới phải lẽ vậy. Mà nay trở lại sai khiêng kiệu không khác gì trâu ngựa. Vì nhân duyên đó nên lòng con rất lo sợ, cúi xin Phật thương xót dạy con sám hối.

Phật bảo Hoàng Hậu rằng: Bởi Hoàng Hậu có phước đức, vốn không có tội lỗi cớ sao nghi sợ. Chúng sanh tánh khác, hạnh nghiệp không giống nhau, làm lành thì hưởng phước, làm ác thọ tai ương.

Hoàng Hậu đời trước nhất tâm thanh tịnh tin ưa làm phước, nhân duyên phước đức như thế, bởi bao nhiêu đời trước sanh ra thường gặp Minh Sư, tin thọ lời giáo huấn, gặp lành làm lành gặp phước làm phước, cho đến ngày nay hưởng phước tự nhiên gặp Phật ra đời, là vì nhờ phước đức nhân duyên đời trước.

Lại nghe chánh pháp như thuyết tu hành, do nhân duyên đó nên không có tội lỗi chi.

Bởi nhân duyên năm người bọn Phiến Đề La, là do họ thuở trước gian dối nịnh hót không có từ tâm, mà hưởng của người cúng dường. Nhân duyên tội nghiệp đền trả nợ đời trước.

Hoàng Hậu bạch rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Nay con nghe Phật nói nhân duyên bổn nghiệp, đệ tử hết nghi không còn lo sợ nữa.

Nhưng không biết nhân duyên tội nghiệp của bọn Phiến Đề La này, chừng nào mới hết vậy?

Đệ tử con nay xin tha thứ bọn Phiến Đề La, không dám sai khiến nữa, tùy ý muốn đi đâu thì đi. Cúi xin Đức Thế Tôn thuyết pháp khai hóa, khiến cho tâm bọn ấy hiểu đạo, cải ác tu thiện, mau được khỏi khổ.

Phật bảo Hoàng Hậu rằng: Nếu nay muốn ta khai hóa bọn ấy, thì phải nên kêu người đổ phẩn trong cung kia lại đây luôn.

Hoàng Hậu tức thời, sau sứ đi kêu bọn Phiến Đề La lại. Sứ giả vâng mạng đi gọi bọn họ, trong giây phút họ đến. Bọn Phiến Đề La cả năm người nhóm lại đứng ở trước Phật.

Đức Thế Tôn đại từ, trước dùng lời lành an ủi sự mệt nhọc, nói rằng: Chúng ngươi các con, thân thể có được mạnh mẽ, an ổn vui sướng và không khổ não chăng?

Năm người nổi giận nói rằng: Phật không biết thời.

Sở dĩ vì sao?

Vì ngày đêm cần khổ, bị đánh đạp sai khiến không được nghỉ ngơi, có vui sướng gì đâu, Phật há không biết những sự như vậy hay sao.

Mà trở lại hỏi các ngươi có vui sướng gì chăng?

Phật bảo năm người rằng: Cái sự khổ ngày nay, đều là do đời trước gian dối, nịnh hót, đem tâm bất thiện, hưởng thọ người cúng dường, tội nghiệp nhân duyên lần lựa sanh ra, nhân duyên tội đền trả cho đến đồi nay, vẫn còn chưa hết.

Nếu muốn cầu khỏi quả báo ác thì phải hết lòng chí thành sám hối, cải dữ tu lành, do nhân duyên từ đây mới được khỏi tội.

Bọn Phiến Đề La nghe Phật nói rồi, nổi giận đùng đùng, liền quay lưng trước mặt Đức Thế Tôn, không muốn nghe nữa.

Phật bèn dùng thần lực hiện ra một hóa Phật, đứng ở trước mặt bọn ấy, phương tiện bày vẽ khuyên bảo sám hối: Bọn Phiến Đề La quay về hướng Đông, cũng có hóa Phật đứng ở trước mặt, lại xây về hướng Tây, cũng có hóa Phật, liền xây bốn phương Trên dưới cũng đều có Phật đứng ở trước mặt.

Bọn Phiến Đề La thấy Phật xung quanh, tức thời năm người kêu to la oan, mà dấy lời như vậy: Bọn chúng tôi là người tội tệ ác, Phật nay vì sao, thấy khổ mà còn dằn ép thêm nữa.

Bấy giờ, Thế Tôn liền thâu nhiếp hóa Phật lại thành một Phật.

Phật bảo trong đại chúng, Quốc Vương, Hoàng Hậu và các thầy Tỳ Kheo mà nói rằng: Các ngươi có thấy bọn Phiến Đề La ấy chăng?

Tức thời ai cũng đều thưa rằng: Dạ thấy.

Phật lại bảo rằng: Các ngươi phải biết chúng sanh tội nghiệp có hai món chướng.

Thế nào là hai món chướng?

Một là: Nghiệp chướng.

Hai là: phiền não chướng.

Người tội nhẹ thì có phiền não chướng, người tội nặng thì có nghiệp chướng, mà bọn Phiến Đề La đây có đủ cả hai chướng. Vì tội chướng nặng nên không được nghe lời giáo hóa của Phật, không biết làm sao được.

Khi bấy giờ, Hoàng Hậu thấy bọn Phiến Đề La không chịu nghe lời Phật Giáo hóa, buồn cảm thương tâm nói với năm người rằng: Từ nay về sau đã rõ nhân duyên thì tùy ý đi đâu cũng được, vui sướng đừng lo.

Bọn Phiến Đề La liền quỳ gối xuống khóc lóc thưa với Hoàng Hậu rằng: Muôn tâu lệnh bà, năm người chúng tôi phụng sự hầu hạ Nhà Vua không ngờ có cái lỗi gì mà ngày nay bị đuổi bỏ.

Nếu có sự chi không vừa ý, cúi xin bà rộng lòng tha thứ, để cho chúng con hầu hạ như trước. Khi ấy, Hoàng Hậu khiêm nhường từ tạ đôi ba lần, nhưng bọn Phiến Đề La không muốn đi đâu hết.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần