Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Bảy - Pháp Hội Bảo Kế Bồ Tát - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ BỐN MƯƠI BẢY
PHÁP HỘI BẢO KẾ BỒ TÁT
PHẦN NĂM
Này Tộc Tánh Tử! Thế Giới ấy an ổn khoái lạc công đức cao vọi, Chư Thiên và nhân dân ngắm xem chẳng nhàm nên gọi là Thiên Quán. Cõi ấy vi diệu rất mực trang nghiêm, nhiều thứ hương thơm làm đất, hơi hương bay khắp mười phương vô lượng vô số Quốc Độ. Ðất thơm tự nhiên mọc lên vô lượng hoa sen chói sáng. Ánh sáng hoa sen thường Chiếu sáng Thế Giới Thiên Quán ấy.
Nhân dân lớn nhỏ đều có thần túc đều có túc đức, hương thơm làm lâu đài giảng đường Tinh Xá, hiên lớn, cửa nẻo, giường ghế nệm mền đều vi diệu mịn láng. Thế Giới của Đức Phật Phổ Hoại Thế ấy không phân chia nước ấp quận huyện thôn lạc. Nhân dân ấy đều dùng thần thông đi đứng nơi hư không. Nhân dân ngồi nơi lâu đài giảng đường ấy chuyên ròng niệm đạo, đọc tụng giảng luận.
Cõi ấy không có người nữ, không có bào thai, mọi người đều hóa sanh. Không nghe nói đến người nữ, cũng không có tên Tam Đồ ác thú, cũng không có các sự phiền não tai họa khổ nhọc.
Mọi người dùng Thiền định hoan hỉ làm ẩm thực, dốc lòng tin pháp vi diệu chí cầu Ðại Thừa, không có Thanh Văn, Duyên Giác hay thừa nào khác. Nhân dân cõi ấy đội mão, y phục nhan sắc như Chư Thiên. Giả sử có người xuất thế học đạo thì đều rời bỏ trần lao ái dục không hề có lo khổ.
Ðức Phổ Hoại Thế Như Lai ấy cũng chẳng truyền bảo Chư Bồ Tát phải mặc pháp phục.
Tại sao?
Vì người cõi ấy chẳng sanh lòng uế trược. Hình thể của Đức Như Lai ấy như Phạm Thiên. Chư Bồ Tát cõi ấy đều đủ oai nghi lễ tiết, ngồi đứng an tường, giảng thuyết Kinh Pháp.
Giả sử ở Quốc Độ của Chư Phật mười phương có hàng Bồ Tát thần thông quảng đại bi suốt các Thế Giới đến cõi Thiên Quán khể thủ quy mạng nghe đức Phổ Hoại Thế Như Lai giảng thuyết Kinh Điển, thấy cõi ấy công đức siêu việt cao vọi vô lượng không đâu sánh kịp, đều cất tiếng khen ngợi chưa từng có rồi mới bỏ đi.
Này Tộc Tánh Tử! Nếu lúc đức Phổ Hoại Thế Như Lai vì Chư Bồ Tát mà ban tuyên đạo hóa thì Ngài thăng lên hư không cách đất sáu mươi sáu trượng ngồi trên Tòa Sư Tử vi diệu thanh tịnh trang nghiêm mà luận giáo pháp vô thượng, chỉ nêu phần chủ yếu mà chẳng phân biệt rộng, còn ta ở đây thì ân cần nói nhiều.
Tại sao?
Vì chư Chánh Sĩ ấy đều nhập Thánh huệ, do một chương một câu liền có thể ngộ nhập trăm ngàn diệu nghĩa nên Đức Như Lai ấy tuyên gọn Kinh Giáo mà chẳng nói nhiều.
Ðức Phật ấy nói về bốn hạnh thanh tịnh: Ba la mật thanh tịnh, đạo phẩm pháp thanh tịnh, thần thông hạnh thanh tịnh và hóa độ chúng sanh thanh tịnh.
Này Bảo Kế!
Thuở ấy nơi Quốc Độ Thiên Quán có Bồ Tát hiệu Trân Bảo bạch hỏi Đức Phổ Hoại Thế Như Lai: Thế nào là Bồ Tát nên ở tại sanh tử làm nhiều lợi ích cho các chúng sanh?
Ðức Phật bèn vì Bồ Tát mà rộng phân biệt nói nghĩa hai câu này: Nơi đại trí huệ đạo không gì bằng, sở hành của Bồ Tát hằng ở sanh tử chứng được trí huệ làm nhiều lợi ích.
Ðức Phổ Hoại Thế vừa nói xong lời ấy liền có sáu vạn Bồ Tát được nhu thuận nhẫn.
Này Tộc Tánh Tử! Lúc ấy Trân Bảo Bồ Tát lại hỏi: Thế nào là Bồ Tát nghiêm tịnh Đạo Tràng ngồi nơi Bồ Đề thọ?
Phổ Hoại Thế Như Lai bảo: Dùng không phóng dật nghiêm tịnh Đạo Tràng ngồi nơi Bồ Đề thọ.
Hỏi: Thế nào gọi là không phóng dật?
Ðáp: Phụng hành Kinh Điển.
Hỏi: Sao gọi là phụng hành Kinh Điển?
Ðáp: Ngôn hành tương ưng là không phóng dật. Lại không phóng dật chẳng tự buông lung mà tu vô lượng công đức lớn, chẳng hiệp với ngũ ấm vì vuợt khỏi ngũ ấm, bố thí vô lượng vì của cải vô tận, trì giới vô lượng vì hàng chưa học, nhẫn nhục vô lượng vì kham chịu các sự khổ nhọc, tinh tiến vô lượng vì công nghiệp của Chánh Sĩ, Thiền định vô lượng vì không lui sụt.
trí huệ vô lượng vì không chướng ngại, từ tâm vô lượng vì khai hóa chúng sanh không hạn cuộc, bi tâm vô lượng vì thương xót chúng sanh cứu giúp thiếu ngặt, hành vi vô lượng vì dùng pháp khuyên vui chúng sanh, hành xả vô lượng vì cứu tế dìu dắt quần sanh, sanh tử vô lượng vì nuôi lớn tất cả pháp Phật đạo, hóa độ vô lượng vì an ổn người và mình.
Chánh pháp vô lượng vì thuận lợi tùy thời kiên trì tinh tiến, đức huệ vô lượng vì nắm quyền phương tiện đồng đúng thời tiết, phụng sự vô lượng Phật vì đầy đủ trí huệ, cầu vô lượng văn huệ vì trí lớn siêu việt, tâm nhập vô lượng vì nhìn thấy chí hướng tánh hạnh của chúng sanh, tiết độ vô lượng vì chí gìn nhàn tĩnh tri túc, nhàn cư vô lượng vì điều thuận tâm, tịch mặc vô lượng vì chỗ quan sát rộng khắp mau lẹ đầy đủ các thông huệ vậy.
Này Trân Bảo! Ðây là những pháp mả không phóng dật phải tuân theo. Bồ Tát tu hành không phóng dật đây thì nghiêm tịnh Đạo Tràng ngồi Bồ Đề thọ.
Ðức Phổ Hoại Thế Như Lai lại bảo Trân Bảo Bồ Tát: Này Tộc Tánh Tử! Không phóng dật ấy là căn bổn lập nên các phẩm đạo pháp, là nguồn của Thánh huệ chứng pháp kiên yếu. Dùng không phóng dật tích lũy đức bổn. Hay chưa phóng dật thì chưa hề quên sót pháp được nghe từ xa xưa, có thể nhớ lấy khắp tất cả Kinh Điển, tiêu hóa tất cả trần lao ấm cái, với đạo nghĩa không bị chướng ngại.
Người không phóng dật có thể đốt hết tối ngu si, có thể giữ gìn tất cả Kinh Pháp, diệt trừ các tướng chấp, ức chế các căn.
Người không phóng dật rời bỏ đường tà, phụng hành các điều thiện, thế lực siêu việt, có đủ mười trí lực, như hư không không gì sánh bằng.
Người không phóng dật được vô sở úy thành tựu đủ tất cả Phật Pháp về đến nguyên đảnh.
Người không phóng dật thì có thể chứng được trí huệ Phật.
Lúc đức Phổ Hoại Thế Như Lai ấy nói xong về không phóng dật, có vạn hai ngàn Bồ Tát chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Ðức Phật bảo Bảo Kế Bồ Tát: Này Tộc Tánh Tử! Ý của ông nghĩ sao?
Trân Bảo Bồ Tát thuở xa xưa ấy nay không phải ngưởi nào khác mà chính là thân ông là Bảo Kế Bồ Tát vậy.
Nếu Bồ Tát không phóng dật thì có thể nghiêm tịnh Đạo Tràng ngồi Bồ Đề thọ chứng nhập Phật Đạo vô thượng.
Lại này Bảo Kế! Thế nào là Bồ Tát khai hóa chúng sanh?
Nếu người Bồ Tát hạnh thanh tịnh thấy chúng sanh tâm hành thiện ác thì có thể khai hóa vô lượng vô hạn bất khả tư nghị các loài chúng sanh khiến họ phụng hành pháp vô thượng. Bồ Tát này chí tánh điều nhu xét rõ tận tường tự tại khai hóa: bao nhiêu chúng sanh căn cơ chẳng đồng sở kiến đều sai khác. Do đây nên Bồ Tát tùy thời nghi thị hiện để dạy bảo họ.
Hoặc có kẻ hay kiên trì cấm giới mới khai hóa được. Hoặc có kẻ từ nơi phá giới do đó mà thọ lãnh giáo pháp.
Hoặc có kẻ dùng y phục vật dụng giao tiếp qua lại làm duyên mà chịu đạo hóa.
Hoặc dùng mềm dịu, hoặc dùng cứng thô, hoặc dùng tâm độc, hoặc khủng bố, hoặc dùng sự khổ não, hoặc dùng sự an ổn mà họ chịu khai hóa.
Hoặc có những kẻ ở nơi ngôn ngữ, nơi sự đắc thắng, từ nhân sanh, từ chí tánh, nơi sự bức não, nơi thuận ý, hoặc từ nơi sở hữu, nơi vô sở hữu, từ sự hưng thạnh, từ nơi sở thọ, nơi vô sở thọ, hoặc từ nơi của cải sự nghiệp sanh nhai, hoặc từ nơi yên tĩnh không đổi lấy, hoặc từ nơi ham mộ cầu dung nhan đẹp.
Hoặc từ nhan sắc xấu, hoặc từ sắc, thanh, hương, vị, xúc mà được khai hóa, hoặc có kẻ từ nơi giận mắng mùi hôi vị đắng nhám cứng xấu xa mà được khai giải, hoặc từ nơi sự cùng ở chung mà thọ hóa, hoặc từ nơi qua lại thường thường gặp nhau.
Hoặc nghe Phật, pháp, Tăng, hoặc từ sự vui mừng, hoặc từ sự lo buồn, hoặc từ vô ngã, hoặc từ tịch âm, hoặc từ âm thanh thí, giới, nhẫn, tiến, nhất tâm, trí huệ mà chịu khai hóa, hoặc từ sự khổ não của thế gian hữu vi.
Hoặc nghe trên trời trong người hưởng sự an ổn mà chịu khai hóa, hoặc nghe giáo pháp Thanh Văn thừa, hoặc nghe giáo pháp duyên giác thừa, hoặc nghe giáo pháp đại thừa mà chịu khai hóa, hoặc có kẻ từ nơi sự thường vui mừng, hoặc từ sự lo khổ, hoặc từ sự buồn rầu chẳng được mừng vui, hoặc từ tài lợi.
Hoặc từ hớn hở, hoặc từ nơi sự chẳng được yêu kính, hoặc do được lợi, hoặc do suy hao, hoặc từ nơi bổn ân mà được khai hóa, hoặc có kẻ từ nơi nội nghiệp, hoặc từ ngoại nghiệp, hoặc từ nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân thể tay chân mà chịu khai hóa, hoặc do vui chơi ca kịch, hoặc do hoa hương mà chịu khai hóa, hoặc từ thân mình luôn bị khổ não hoạn nạn.
Hoặc từ nơi thường được an vui mà chịu khai hóa, hoặc có kẻ từ nơi tâm mình được phương tiện tịch tĩnh, hoặc từ nơi biến hóa làm tượng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, tượng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di mà chịu khai hóa, hoặc hiện hình tượng dung mạo Phật mà khai hóa chúng sanh, hoặc hiện tượng mạo Ðế Thích, Phạm Thiên, Chuyển Luân Vương mà khai hóa họ.
Ðức Phật bảo Ngài Bảo Kế Bồ Tát: Này Tộc Tánh Tử! Giả sử Bồ Tát chẳng thị hiện bao nhiêu sự biến hóa như vậy, chẳng quan sát tánh hạnh và tâm niệm của chúng sanh thì không thể hóa độ họ được.
Bồ Tát phải hiểu rõ biết rõ tánh hạnh tâm niệm của chúng sanh rồi theo đúng bịnh mà cho thuốc thì chỗ hóa độ mới rộng lớn được.
Nếu Bồ Tát thật hành Ba la mật thì có thể phụng thọ pháp phẩm Phật Đạo, cũng hay sáng tỏ trí huệ thần thông, sau đó yên lặng khai hóa chúng sanh.
Bồ Tát có bốn pháp khai hóa chúng sanh:
Một là chẳng chán nhàm hoạn nạn khó nhọc mà chung thỉ dìu dắt, chỉ dạy người chưa bằng mình.
Hai là chẳng ham an ổn riêng mình mà nguyện an tất cả.
Ba là thường theo đúng thời nghi mà tuyên dạy Đạo Giáo.
Bốn là biết rõ tâm tánh sở hành của các loài.
Còn có bốn pháp:
Một là nói năng nhu hòa lời lẽ đáng kính.
Hai là phụng giới thanh tịnh như mặt nhật sáng.
Ba là nhan sắc thường vui vẻ chưa hề hờn giận.
Bốn là thường có từ tâm.
Còn có bốn pháp:
Một là lòng chẳng hề nghĩ đến sự làm tổn hại người.
Hai là sẵn lòng đại bi.
Ba là nhiều thương xót chúng sanh.
Bốn là thường điều phục tâm mình.
Còn có bốn pháp:
Một là tánh hạnh thanh tịnh.
Hai là không dua siểm
Ba là tinh tiến kiên cường.
Bốn là nhẫn sự khổ lạc thiện ác.
Trên đây là bốn pháp của Bồ Tát khai hóa chúng sanh. Quan sát như vậy mới có thể kham cứu tế tất cả.
Này Tộc Tánh Tử! Quá khứ xa xưa vô ương số kiếp, có Phật Hiệu Ly Cấu Quang Như Lai Ứng Cúng Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, Thế Giới tên Tịch Nhiên, kiếp tên Ái Kính.
Thế Giới Tịch Nhiên ấy giàu vui an ổn khoái lạc vô lượng, trời người đông đúc. Chúng Thanh Văn có chín mươi sáu ức, Bồ Tát có tám vạn bốn ngàn. Phật Ly Cấu Quang thọ ba mươi ba vạn sáu ngàn năm.
Bấy giờ có Phạm Chí làm đại Quốc Vương, Thái Tử tên Nghiệp Thủ xinh đẹp đoan trang nhìn không chán mắt. Thái Tử ấy vừa mười sáu tuổi say vì nhan mạo, mê nơi quyền quý, tự cao tự đại hoang loạn không chịu đến chỗ Phật Ly Cấu Quang để cung kính đảnh lễ.
Phật Ly Cấu Quang nghĩ rằng: Thái Tử Nghiệp Thủ tại sao bỗng nhiên quên mất tâm Bồ Đề vô thượng cội gốc công đức, chẳng biết bổn nguyện mà đi chấp ngô ngã hoang mê dung sắc giàu có quyền quý, lại tự cao đại chẳng chịu đến chỗ Phật để kính lễ. Nếu có ai ân cần vì gã mà tuyên nói bổn hạnh, gã tất biết đời trước và sẽ thường đến chỗ Phật lễ lạy thọ giáo.
Bấy giờ Phật Ly Cấu Quang hội tám vạn bốn ngàn Bồ Tát bảo bỏ thăm coi ai có khả năng đến chỗ Thái Tử Nghiệp Thủ trong tám vạn bốn ngàn năm giáo hóa thuyết pháp chẳng mỏi nhàm chẳng sợ tất cả khổ não bức bách, dầu có đến đó thuyết dạy cũng chẳng được tiếp đãi mời ngồi chuyện vãn, chỉ có mắng nhiếc hủy nhục chê bai thôi. Lúc ấy dầu có bỏ thăm mà trong hàng tám vạn bốn ngàn Bồ Tát không một ai chịu nhận sứ mạng.
Sau đó trong Pháp Hội có Bồ Tát hiệu là Cực Diệu Tinh Tiến đứng dậy trịch y vai hữu quỳ gối chắp tay bạch Phật Ly Cấu Quang rằng: Tôi có thể kham trong tám vạn bốn ngàn năm thường qua chỗ Thái Tử Nghiệp Thủ, tôi cam bỏ tất cả an ổn mà nhận các sự khổ nhọc, dầu bị những ách nạn cũng chẳng sờn lòng.
Lúc Cực Diệu Tinh Tiến Bồ Tát bạch vừa xong thì cả đại thiên Thế Giới chấn động sáu lần, trăm ngàn Chư Thiên ở hư không cất tiếng khen rằng: Lành thay lành thay! Bồ Tát Cực Diệu Tinh Tiến hay mặc giáp hoằng thệ.
Bấy giờ Bồ Tát Cực Diệu Tinh Tiến đến đứng trước cửa ngõ cung của Thái Tử Nghiệp Thủ. Thái Tử vừa thấy liền cả tiếng mắng nhiếc hủy nhục, giận dữ hủy báng, hốt đất ném đó, ngói đá liệng đó, dao gậy chém đánh đó.
Bồ Tát bị mắng nhục đánh đập như vậy mà chẳng giận chẳng hờn cũng chẳng hối hận lui về, càng thêm bền lòng chắc ý, trí lực càng tăng sanh lòng đại bi thương xót Thái Tử.
Như vậy quá một ngàn năm mới vào được cửa thứ nhất, trải qua biết bao khổ nhục hoạn nạn mà chẳng sợ chẳng nhàm. Quá một vạn năm lại vào đến sân thứ nhất trong vương cung, hai vạn năm vào đến sân thứ hai, quá tám vạn bốn ngàn năm mới vào được sân thứ bảy đứng đó bảy ngày bảy đêm.
Thái Tử Nghiệp Thủ thấy vậy bèn gạn hỏi Tỳ Kheo sao đến đây muốn cầu sự gì?
Bồ Tát đáp: Tôi cố ý đến đây để ca ngợi danh đức của Thái Tử.
Nghe vậy, Thái Tử thầm nghĩ: Lạ lùng chưa từng có, nay Tỳ Kheo này giới đức khó lường không ai theo kịp, bị biết bao hủy nhục mà chưa hề hờn giận.
Thấy Thái Tử vui vẻ, Cực Diệu Tinh Tiến Bồ Tát liền nói kệ rằng: Thái Tử!
Nay tôi không cầu gì
Chẳng cần uống ăn và y phục
Phải nên hiển bày lòng vô úy
Tôi mang pháp đến nên tới đây
Ðấng Thế Tôn hiệu Ly Cấu Quang
Ðại Thánh ra đời nhiều lợi ích
Giảng nói Kinh Pháp trừ khổ hoạn
Nếu có người nghe được cam lồ
Chư Phật ra đời thật khó gặp
Vô số ngàn kiếp khó gặp được
Ðiều phục mọi người khiến thọ pháp
Phật là đuốc sáng của thế gian
Người vì dục lạc mà phóng dật
Tham của ham sắc tự vui chơi
Mê hoang quyền quý và ngôi vua
Chẳng chịu đến gặp Đấng Pháp Vương
Của cải vô thường mạng khó gìn
Phật dạy đời sống như sương mai
Thái Tử xét mình cũng như vậy
Sao nghe có Phật lại phóng dật?
Ngài cũng đã từng phát đạo tâm
Mời thỉnh chúng sanh muốn độ họ
Ðời nay sao bị dục lạc sai?
Phóng dật đâu độ được chúng sanh
Ngài nên phát tâm thương mọi loài
Ðể khỏi hối hận chuốc sầu não
Nay tôi muốn về chỗ Đức Phật
Hàng phục tâm ý diệt trần dục.
Thái Tử Nghiệp Thủ nghe lời kệ ấy liền tự trách và cung kính lễ chân Bồ Tát Cực Diệu Tinh Tiến mà thưa rằng:
Khể thủ đại bi Cực Tinh Tiến
Nay tôi sám hối tội nhục Ngài
Tôi sẽ rời bỏ tất cả việc
Chẳng mộ quyền quý chẳng tham ngôi
Tôi sẽ qua đến chỗ an trụ
Vứt bỏ nhơ nhớp tìm lợi ích.
Thái Tử liền cùng một ức tám vạn người đều cầm hoa hương đến chỗ Phật cúng dường đảnh lễ rồi lui qua một bên.
Bấy giờ Thái Tử Nghiệp Thủ bạch Phật rằng:
Cực Diệu Tinh Tiến là thầy tôi
Lòng chẳng chán nhàm vui vẻ khuyên
Ân đức dường ấy không gì hơn
Cúng dường thế này chẳng đủ đền
Hối lỗi quy y Đấng Cứu Thế
Nay tôi chí thành về sám hối
Nguyện Phật nạp thọ lòng thú tội
Nay tôi phát tâm cầu Phật đạo
Vì tất cả loài khởi lòng thương
Chẳng còn tạo tà và phóng dật
Nay tôi lập đức thành Phật đạo.
Thái Tử Nghiệp Thủ bỏ ngôi cùng một ức tám vạn bốn ngàn người ở nơi chỗ Phật Ly Cấu Quang làm Sa Môn phát tâm cầu Phật đạo.
Phật Ly Cấu Quang biết chí nguyện ấy nên giảng nói Phật đạo tối thượng. Nhiều người nghe pháp thanh tịnh được nhu thuận nhẫn, hàng Bồ Tát an trụ vô sanh pháp nhẫn.
Ðức Phật bảo Bảo Kế Bồ Tát: Cực Diệu Tinh Tiến thuở ấy nay là thân ta, là Thích Ca Mâu Ni Phật đây. Còn Thái Tử Nghiệp Thủ ấy nay là Di Lặc Bồ Tát vậy.
Này Tộc Tánh Tử! Thuở quá khứ, Bồ Tát khai hóa chúng sanh chẳng hề mỏi chán, oai đức cao vọi vô lượng dường ấy, sở học ngày thêm sâu tinh tiến vô song. Vì thế nên Bồ Tát muốn độ chúng sanh thì phải nhớ tu học công đức của Cực Diệu Tinh Tiến Bồ Tát quá khứ ấy.
Này Tộc Tánh Tử! Bồ Tát có bốn hạnh mà được tự tại, do bốn hạnh này mà nhiếp lấy Phật Đạo pháp:
Một là siêu việt các ma không ai chẳng quy phục.
Hai là niệm tịnh Phật Độ khiến tu tịnh pháp.
Ba là nghiêm thân khẩu ý thuận với căn bổn của bực khai sĩ.
Bốn là nhóm họp tất cả các Phật đạo phẩm.
Còn có bốn sự là Bồ Tát hạnh:
Một là trí huệ hiểu rõ chí tánh được nhập.
Hai là thấy khắp căn nguyên sở quy của chúng sanh.
Ba là phân biệt sở do của các loài rồi cho thuốc đúng bịnh.
Bốn là biết rõ tất cả đường tắt được đi khiến được tịch mịch chẳng có lòng hờn giận.
Ðây là những bốn hạnh sở hành của Bồ Tát được tự tại đạo nghiệp.
Bấy giờ Bảo Kế Bồ Tát lấy viên Minh Nguyệt châu trong búi tóc Ngài, châu ấy do từ trăm ngàn công đức cần khổ tu tập trong vô số kiếp cảm thành, giá trị bằng cả đại thiên Thế Giới đem dâng lên Đức Phật mà tuyên rằng:
Nay tôi đem báu trên đỉnh đầu cống hiến Đức Như Lai. Do công đức này sẽ gây nên tướng đỉnh đầu không ai thấy được, mãi đến thành đỉnh Thánh huệ bất khả tư nghì của Chư Phật.
Liền đó Đức Phật mỉm cười, có ánh sáng năm màu từ miệng Phật Chiếu ra soi thấu vô ương số Quốc Độ Chư Phật rồi trở về nhiễu quanh Phật ba vòng bỗng ẩn mất vào trên đỉnh Phật.
Lúc bấy giờ trong Pháp Hội có Bồ Tát tên là Kiện Biện đứng dậy trịch y vai hữu quỳ gối chắp tay tán thán Đức Phật và bạch hỏi rằng:
Ðấng Tối Tôn Vô Thượng
Ðấng siêu việt thế gian
Vô cấu do ly uế
Tam Giới khen Phật đức
Lòng từ không gì sánh
Cao vọi hơn Tu Di
Cớ chi nay Phật cười?
Nguyện thương gì tôi nói
Chân Đế giới nghiêm tịnh
Ðấng thanh tịnh khả kính
Khiến lòng tôi an ổn
Khéo tu sớm tịch tĩnh
Thiên Nhân Sư ở đây
Chí Phật rất kiên diệu
Vì cảm ứng những gì
Xót thương mà nay cười
Thế mạnh khắp mười phương
Quang minh phước soi sáng
Phá tối Sư Tử mạnh
Vào chúng vô sở úy
Ba cõi không ai bằng
Có ai hơn được Phật
Pháp Vương xin thương nói
Cớ chi mà vui cười?
Ly cấu tánh thường an
Nhan sắc thường hòa vui
Danh đức khắp hư không
Vang lừng không hạn cuộc
Tiêu trừ những tối tăm
Quang minh chiếu khắp chỗ
An trụ chỉ vì hiểu
Cớ chi Phật vui cười
Tu đức lòng thanh tịnh
Chí như núi vàng báu
Thường dạy bảo hậu học
Người đời đều cúng dường
Phật là ruộng tốt nhất
Thánh siêu thế độ đời
Thích Sư Tử thuyết pháp
Diễn pháp như hư không
Trên trời cùng trong người
Không có ai bằng Phật
Tâm bình đẳng rất vững
Tàm quý lành đầy thạnh
Trăm ngàn đức cao vọi
Tướng hảo như hoa nở
Tối Thắng Năng Nhân cười
Xin được giải thích rõ
Phật huệ không chướng ngại
Trải rộng suốt ba đời
Nơi bao nhiêu tâm ý
Lòng Phật vô sở trước
Ðồng thời đều hiểu rõ
Giáo hóa đúng căn cơ
Ðấng Sư Tử mỉm cười
Nghĩa ấy là nghĩa gì?
Chư Thiên dừng trên không
Trong tâm nhiều vui đẹp
Nhân dân tại đất liền
Vòng tay quy y Phật
Năng Nhân Tối Thắng nói
Pháp vị cam lồ lạ
Chư Thiên Thần người nghe
Dứt sạch tối trần lao.
Ðức Phật bảo Kiện Biện Bồ Tát: Ông có thấy Bảo Kế đây chăng?
Ông ấy đem Bảo châu trong búi tóc dâng lên Như Lai chí cầu đạo chánh chân vô thượng, đó là cúng dường Phật trí.
Kiện Biện Bồ Tát bạch Phật: Vâng tôi đã thấy, bạch Đức Thế Tôn!
Ðức Phật bảo Kiện Biện Bồ Tát: Này Tộc Tánh Tử! Bảo Kế đây từ hằng sa số kiếp cúng dường hằng hà sa số Phật, ông ấy thường tu phạm hạnh khai hóa vô số loài chúng sanh lập nên tam thừa.
Ðương lai quá mười A tăng kỳ kiếp sẽ làm Phật Hiệu Bảo Thành Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, Thế Giới tên Ly Cấu Quang, kiếp tên Vô Cấu. Thế Giới Ly Cấu Quang ấy bằng bảy báu hiệp thành thường phát ra ánh sáng chiếu khắp vô lượng Phật Độ mười phương, ánh sáng ấy màu tử kim.
Nếu chúng sanh nào gặp được ánh sáng ấy thì tất cả trần lao tất nhờ đó mà tiêu diệt. Thế Giới ấy giàu vui, đều là bậc Bồ Tát vô sở trước, không có tướng dị học khác phát khởi, đồng tu đạo Bảo, do cớ này mà Đức Phật Hiệu là Bảo Thành.
Chư Bồ Tát ấy đều được thần thông, đều có biện tài. Chư Thiên, nhân dân đều thuần thục tuân hành theo đấng Ðẳng Chánh Giác, không có danh từ vô trí bất cập. Nước ấy cũng không có Vua chúa, chỉ do Phật làm Pháp Vương Vô Thượng.
Chư Thiên và nhân dân đều tự nhiên hóa sanh, không có người nữ, không có danh từ ái dục. Nhân dân cõi ấy đều trồng cội công đức không có người vô phước, đầy đủ các căn, đều dùng các tướng hảo trang nghiêm thân thể.
Chúng Bồ Tát của Đức Như Lai thuở ấy đông không thể kể đếm. Ðức Phật Bảo Thành thọ mười bốn kiếp. Ngài không hề đàm luận gì khác, lời Phật chỉ tuyên bày trí huệ Bồ Tát, các Ba la mật, biện tài, đại bi, thuần một giáo phẩm, Chư Bồ Tát đã được dạy bảo, các căn sáng suốt có thể do một câu mà khắp vào tất cả Đạo Pháp của Chư Phật. Bảo Thành Như Lai vì Chư Bồ Tát ấy mà nói ngôn giáo tổng trì, từ tâm như đất.
Sao gọi là ngôn giáo tổng trì?
Ðó là do một tuyệt cú mà vào khắp các chương.
Sao gọi là một tuyệt cú?
Ðó là câu diệu Thánh, pháp đạo phẩm chẳng thể cùng tận.
Sao gọi là câu vô tận?
Ðó là ở nơi Phật đạo thì chẳng thể cùng tận.
Sao gọi là vô tận?
Phàm luận nơi vô thì gọi là vô tận cú. Ðã nhập nơi vô rồi thì vào khắp văn tự, đây là nhất cú mà tất cả văn tự chẳng thể cùng tận được.
Lại còn có nhị tự, trước chưa bao giờ nghe cũng chưa bao giờ làm, mà tuyên lời nói phát xuất từ nơi nhất tự. Nhất tự ấy chẳng đồng thế lực với nhị tự vậy. Ðây là dùng nhất tự mà tuyên lời dạy.
Nếu tuyên bố lời dạy này thì không có niệm không chẳng niệm, không có ứng không chẳng ứng.
Câu này không có niệm cũng không chẳng niệm. Do câu vô niệm mà hoàn thành sự khai hóa.
Vì nhập tổng trì giáo nên Phật Bảo Thành vì Chư Bồ Tát ấy tuyên nói ngôn cú tổng trì. Do một câu ấy mà các học nhân kia được vào khắp tất cả ý của Phật.
Hoặc một kiếp hay quá một kiếp, ta khen ngợi công đức của Ly Cấu Quang Thế Giới cũng không cùng tận được. Trí huệ giảng thuyết Kinh Đạo của Bảo Thành Như Lai chẳng thể nghĩ bàn, cao vọi siêu tuyệt vô thượng.
Lúc ấy Bảo Kế Bồ Tát nghe Đức Phật thọ ký vui mừng hớn hở nói kệ khen Phật:
Biết khắp thấy được hết
Viên mãn Ba la mật
Như Lai đều vượt khỏi
Tất cả mọi sai lầm
Trí huệ chưa từng có
Biết hết đời trước tôi
Số cúng dường Chư Phật
Phật đều nói đủ cả
Quá khứ vị lai này
Gốc ngọn là như vậy
Phật còn biết mạt thế
Cùng tất cả mọi người
Tôi được Phật thọ ký
Chẳng còn có nghi ngờ
Khai hóa độ thế gian
Căn tánh bổn và mạt
Giả sử tất cả nơi
Nhật nguyệt đều sa xuống
Lời từ miệng Phật tuyên
Trọn không cải biến được
Phật nói lời chí thành
Chân thật không hư luống
Thọ ký đời vị lai
Thành Phật Nhân Trung Tôn
Như chí tôi đã nguyện
Nghiêm tịnh Phật Quốc Độ
Lời Phật cũng như vậy
Biết rõ tâm niệm tôi
Nghe lời Phật dạy rồi
Vui vẻ không nghi ngờ
Hạnh được tu đệ nhất
Vì muốn độ chúng sanh
Như hạnh tôi đã tu
Sẽ còn tăng vô lượng
Nghiêm trị nơi bổn tế
Thân tôi phụng tịnh hạnh
Tu hành được làm Phật
Chẳng do giải đãi gây
Gắng sức không khiếp nhược
Do từ tinh tiến nên
Phật nhận tôi cúng dường
Chứng đạo tâm của tôi
Chưa hề bỏ tinh tiến
Ðến thành Phật đại bi
Do vì các chúng sanh
Bổn mạt là như vậy
Tôi sẽ khai hóa cả
Thành Phật Độ dị học.
Lúc Bảo Kế Bồ Tát nói kệ, có bảy vạn hai ngàn người phát tâm vô thượng bồ đề nguyện sẽ sanh nơi Thế Giới Ly Cấu Quang đồng thời phát thanh nói lời này: Lúc Đức Bảo Thành Như Lai thành Phật khiến chúng tôi đều sanh tại Phật Độ ấy. Ðức Phật đều thọ ký sẽ được sanh tại cõi ấy.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Ngài A Nan thọ Kinh Điển này trì tụng đọc thuyết rộng truyền ý nghĩa này cho mọi ngưòi, ân cần hộ trợ Kinh Điển này cốt yếu sao cho trên trời trong người đều quy y mà cúng dường.
Tại sao vậy?
Vì ai nghe Kinh này thì Phật sẽ thọ ký. Người không tin là do phước đức kém mỏng, người thọ trì Kinh này thì phước đức phi phàm. Người tạm nghe Kinh này thì đời đời được gặp Phật, huống là nghe rồi thọ trì phụng hành giảng thuyết công đức vô hạn vô lượng.
Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân đem Thất Bảo đầy đại thiên Thế Giới theo thời mà bố thí trọn trăm ngàn năm, người nghe Kinh này mà vui mừng tín thọ thì công đức hơn trên.
Ngài A Nan bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Kinh này tên gì và phụng trì thế nào?
Ðức Phật dạy: Kinh này tên là Kinh Bồ Tát Tịnh Hạnh Bảo Kế Sở Vấn. Phải phụng trì như vậy.
Ðức Phật nói Kinh này rồi, Bảo Kế Bồ Tát và Thập Phương Chư Bồ Tát dự hội, Hiền Giả A Nan, Thiên, Long, Quỷ, Thần, Kiền Thát Bà, A Tu La, Nhân, Phi Nhân nghe lời Phật dạy đều vui mừng tín thọ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðại ðiển Tôn - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Khen Ngợi Công đức Của Chư Phật - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Một - Phẩm đại - Kinh Thích Vấn
Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Quang Minh đồng Tử - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bổn Hạnh - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bốn Mươi - Phẩm Chiếu Minh
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Hội Tông