Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Chín - Phẩm Chăn Trâu - Phần Hai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BỐN MƯƠI CHÍN

PHẨM CHĂN TRÂU  

PHẦN HAI  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở tại thành Câu Lưu Sa Pháp Hành, cùng với chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người câu hội. Bấy giờ, Tôn Giả Tượng Xá Lợi Phất xả bỏ pháp y, tập theo hạnh Cư Sĩ. Khi ấy, Tôn Giả A Nan đắp y mang bát vào thành khất thực, đi dần dần đến nhà Tượng Xá Lợi Phất.

Tượng Xá Lợi Phất đang kề vai hai thiếu nữ. A Nan thấy như vậy, bèn khởi ý lo buồn không vui. Tượng Xá Lợi Phất thấy A Nan rồi, rất hổ thẹn, bèn ngồi riêng một mình. Bấy giờ, A Nan khất thực xong, ra khỏi thành, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên.

A Nan bạch Phật: Vừa rồi con vào thành khất thực, đi dần đến nhà Tượng Xá Lợi Phất, thấy đang kề vai hai cô vợ. Con thấy rất lo buồn.

Phật hỏi: Thầy thấy rồi khởi ý niệm gì?

A Nan bạch Phật: Con nhớ Tượng Xá Lợi Phất là người tinh tấn đa văn, tánh hạnh nhu hòa, vì các người phạm hạnh nói pháp không chán.

Vì sao hôm nay lại xả bỏ pháp phục, tập hạnh Cư Sĩ?

Con thấy rồi rất lo buồn. Bởi vì Tượng Xá Lợi Phất, có sức oai thần lớn, oai đức vô lượng.

Tự nghĩ xưa con từng thấy vị ấy bàn luận với Thích Đề Hoàn Nhân, tại sao ngày nay lại tập theo dục lạc làm ác?

Phật bảo: Như thế, A Nan! Như lời thầy nói. Chỉ vì vị ấy không phải là A La Hán. Phàm là A La Hán mới không bỏ pháp phục, tập hạnh Cư Sĩ.

Nhưng này A Nan, chớ lo buồn! Sau bảy ngày, Tượng Xá Lợi Phất sẽ đến đây, chấm dứt hữu lậu thành vô lậu. Chỉ vì Tượng Xá Lợi Phất do nghiệp cũ lôi kéo nên như thế. Hạnh nghiệp đời này đầy đủ sẽ dứt hữu lậu.

Bấy giờ, Tượng Xá Lợi Phất sau bảy ngày đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên, giây lát đứng dậy bạch Phật: Cúi xin Thế Tôn cho phép con lần cuối tu hạnh Sa Môn. Bấy giờ, Tỳ Kheo Tượng Xá Lợi Phất liền được làm Sa Môn ngay tại chỗ ngồi đắc A La Hán.

Tượng Xá Lợi Phất đắp y mang bát vào thành khất thực, lúc ấy có một Phạm Chí sanh ý niệm rằng: Các Sa Môn dòng Thích này, chỗ nào cũng có, hiện diện khắp nơi, lại dứt tuyệt cả việc thi hành Chú thuật của chúng ta. Nay ta sẽ nói với người trong thành vết xấu của Sa Môn này.

Bấy giờ Phạm Chí ấy nói mọi người trong thành rằng: Các Người có thấy Tượng Xá Lợi Phất chăng?

Ngày trước tự xưng là A La Hán, nửa chừng bỏ pháp phục, tập hạnh thế gian, vui chơi trong ngũ dục. Nay lại làm Sa Môn, đi khất thực từng nhà ra vẻ trong sạch, thấy phụ nữ khởi lên dục tính, trở về Tinh Xá nhớ nghĩ nữ sắc không quên.

Như con lừa mệt mỏi không kham chở đồ, nằm mẹp không nhúc nhích. Đệ tử dòng Thích này cũng như vậy, ngoài hiện vẻ khất thực mà thấy người nữ thì suy nghĩ toan tính.

Tượng Xá Lợi Phất nghe Phạm Chí ấy gieo rắc tiếng tăm ác, bèn khởi nghĩ: Người này rất ngu si, sanh tâm tật đố, thấy người khác được lợi dưỡng sanh lòng bỏn sẻn, ganh ghét. Nếu mình được lợi dưỡng thì bèn vui mừng, đến nhà Cư Sĩ phỉ báng. Nay ta phải chế ngự không cho làm ác, không khiến cho người này chịu tội vô lượng.

Tượng Xá Lợi Phất bay lên hư không, bảo Phạm Chí rằng:

Không mắt, không cách khéo,

Khởi tâm chê phạm hạnh,

Tự làm việc vô ích,

Chịu khổ địa ngục lâu.

Tượng Xá Lợi Phất nói kệ ấy rồi, bèn trở về chỗ của mình.

Khi ấy, dân chúng trong thành nghe Phạm Chí phỉ báng, lại nghe Tượng Xá Lợi Phất nói kệ, đều khởi nghĩ rằng: Nếu đúng như lời Phạm Chí, sao lại hiện thần túc khó bì, chúng ta lại thấy Sa Môn ấy xả bỏ pháp phục, tập hạnh Cư Sĩ. Khi ấy, phần đông dân chúng, mỗi mỗi đến chỗ Tượng Xá Lợi Phất, cúi đầu lễ dưới chân, lui ngồi một bên.

Mọi người hỏi Tượng Xá Lợi Phất rằng: Có vị A La Hán nào xả bỏ pháp phục, tập hạnh thế gian chăng?

Tượng Xá Lợi Phất đáp: Không có A La Hán xả bỏ pháp phục, tập hạnh Cư Sĩ.

Mọi người bạch Tượng Xá Lợi Phất: A La Hán có vì duyên cũ mà phạm giới chăng?

Tượng Xá Lợi Phất đáp: Ðã đắc quả A La Hán, trọn không phạm giới.

Dân chúng lại hỏi: Người ở địa vị học đạo có vì duyên cũ mà phạm giới chăng?

Tượng Xá Lợi Phất đáp: Có, nếu người còn ở vị học đạo, do duyên xưa nên phạm giới.

Mọi người lại hỏi: Tôn Giả trước đây là A La Hán, lại bỏ pháp phục, tập theo hạnh thế gian, vui chơi trong ngũ dục, nay lại xuất gia học đạo. Trước vốn có thần túc, nay vì sao như thế.

Tượng Xá Lợi Phất bèn nói kệ:

Ðược thiền định thế gian,

Rốt ráo không giải thoát,

Chưa được vết diệt tận,

Lại tập theo ngũ dục.

Không củi, lửa không cháy,

Không gốc, cành không sanh,

Gái đá không mang thai,

La Hán không bị rơi.

Bấy giờ dân chúng lại hỏi Tượng Xá Lợi Phất: Tôn Giả trước đây không phải A La Hán chăng?

Tượng Xá Lợi Phất đáp: Trước đây tôi không phải là A La Hán. Các Cư Sĩ nên biết, ngũ thông và lục thông mỗi thứ sai khác nhau. Nay tôi sẽ nói về mười một thông ấy.

Phàm hạng Tiên Nhân được ngũ thông đã dứt sạch dục ái, nếu sanh về cõi trên lại rơi xuống Dục Giới. Hàng A La Hán Lục Thông đệ tử của Phật, được Lậu Tận thông tức ngay nơi cảnh giới Niết Bàn Vô Dư, mà vào Niết Bàn.

Dân chúng lại thưa rằng: Chúng tôi quán sát lời nói của Tôn Giả, thời ở thế gian không có A La Hán xả bỏ pháp phục, tập theo hạnh Cư Sĩ.

Tượng Xá Lợi Phất đáp: Như thế, như lời các ông nói, không có A La Hán nào xả bỏ pháp phục, tập hạnh Cư Sĩ. Có mười một pháp, A La Hán không tập theo.

Thế nào là mười một?

A La Hán lậu tận trọn không xả bỏ pháp phục, tập theo hạnh Cư Sĩ.

A La Hán lậu tận trọn không tập hạnh bất tịnh.

A La Hán lậu tận trọn không sát sanh.

A La Hán lậu tận trọn không trộm cắp.

A La Hán lậu tận không lưu lại vật thừa.

A La Hán lậu tận trọn không nói dối.

A La Hán lậu tận trọn không khiến đôi bên gây gổ.

A La Hán lậu tận trọn không còn hồ nghi.

A La Hán lậu tận trọn không sợ sệt.

A La Hán lậu tận trọn không theo học thầy khác, lại cũng không thọ bào thai.

Ðó gọi là các Hiền Sĩ A La Hán lậu tận trọn không làm theo mười một hạnh.

Bấy giờ, dân chúng bạch với Tượng Xá Lợi Phất: Chúng con nghe Tôn Giả nói, thấy hàng ngoại đạo dị học như bình rỗng không có gì.

Nay thấy nội pháp như bình đựng mật ngọt. Chánh pháp Như Lai cũng lại như thế. Nay Phạm Chí ấy chịu tội vô lượng.

Tượng Xá Lợi Phất bay lên hư không, ngồi kiết già nói kệ:

Không hiểu việc đây, kia,

Tập theo thuật ngoại đạo,

Gây đấu tranh đôi bên,

Người trí không làm thế.

Dân chúng thành Câu Lưu Sa thưa Tượng Xá Lợi Phất rằng: Lời nói của Tôn Giả hơn nhiều, thật khó sánh kịp, cũng như người mù được sáng mắt, người điếc được nghe. Nay lời nói của Tôn Giả cũng thế, dùng vô số phương tiện nói giáo pháp. Ngày nay chúng con tự quy y Phật, Pháp, Tỳ Kheo Tăng.

Cúi xin Tôn Giả nhận chúng con làm Ưu Bà Tắc, trọn đời giữ năm giới, không sát sanh…

Bấy giờ, Tôn Giả Tượng Xá Lợi Phất vì dân chúng nói pháp vi diệu, khiến họ phát tâm hoan hỷ, họ đều từ chỗ đứng dậy, làm lễ mà lui.

Bấy giờ Tôn Giả A Nan nghe Phạm Chí phỉ báng Tượng Xá Lợi Phất song không đến đâu, còn không dám nhìn Tượng Xá Lợi Phất, huống gì cùng bàn luận, liền đến chỗ Phật, đem tất cả nhân duyên ấy thưa với Phật.

Phật bảo A Nan rằng: Phàm luận về A La Hán bình đẳng, nên nói chính là Tượng Xá Lợi Phất.

Vì sao?

Nay Tượng Xá Lợi Phất đã thành A La Hán. Xưa kia nghe đồn về danh tiếng A La Hán, nay mới đạt được. Hàng thế tục được ngũ thông, không phải là hạnh chân thật, sau ắt bị mất. Hàng Lục Thông là hạnh chân thật.

Vì sao?

Tượng Xá Lợi Phất trước có ngũ thông, sau được Lục Thông. Thầy cũng nên học như Tượng Xá Lợi Phất. Ðây là nghĩa ấy nên ghi nhớ vâng làm. Bấy giờ, A Nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở tại nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nay ta sẽ nói về pháp nhân duyên, nên khéo suy nghĩ ghi nhớ, tu tập hạnh ấy.

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỳ Kheo nghe lời Phật dạy, Thế Tôn bảo: Thế nào là pháp nhân duyên?

Nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên Lão Tử, ưu bi khổ não không thể tính kể. Như thế thành thân năm ấm này.

Thế nào gọi là vô minh?

Nghĩa là không biết khổ, không biết tập, không biết diệt, không biết đạo. Ðây là vô minh.

Thế nào gọi là hành?

Hành có ba loại, thế nào là ba?

Là thân hành, khẩu hành, ý hành. Ðó là hành.

Thế nào gọi là thức?

Ðó là sáu thức thân.

Thế nào là sáu?

Là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Ðó là thức.

Thế nào gọi là danh?

Là thọ, tưởng, hành, thức. Ðó là danh.

Thế nào gọi là sắc?

Là thân tứ đại và sắc thân do tứ đại tạo nên. Ðó là sắc. Sắc khác danh khác, nên gọi là danh sắc.

Thế nào gọi là lục nhập?

Là nhãn nhập, nhĩ nhập, tỷ nhập, thiệt nhập, thân nhập, ý nhập. Ðó là lục nhập.

Thế nào gọi là xúc?

Là sáu xúc thân.

Thế nào là sáu?

Là nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Ðó là xúc.

Thế nào gọi là thọ?

Là ba thọ.

Thế nào là ba?

Là thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ không vui. Ðó gọi là thọ.

Thế nào gọi là ái?

Là ba ái: Dục ái, hữu ái, vô hữu ái.

Thế nào gọi là thủ?

Là bốn thủ.

Thế nào là bốn?

Là dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ. Ðó gọi là thủ.

Thế nào gọi là hữu?

Là ba hữu.

Thế nào là ba?

Là dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Ðó gọi là hữu.

Thế nào gọi là sanh?

Là khi đầy đủ ngày tháng, ra khỏi bụng mẹ, nhận sự hiện hữu, được thân năm ấm, thọ lãnh các nhập. Ðó gọi là sanh.

Thế nào gọi là lão?

Là chúng sanh kia, nơi thân phần này răng rụng, tóc bạc, khí lực yếu mòn, các căn rã rời, thọ mạng ngày càng suy, không còn tình thức như xưa. Ðó gọi là lão.

Thế nào gọi là tử?

Là khi chúng sanh kia, lần lượt thân thể không còn ấm, vô thường biến đổi, các căn phân tán, bỏ thân năm ấm, mạng sống chấm dứt. Ðó gọi là tử.

Tỳ Kheo nên biết!

Như thế gọi là lão, bệnh, tử. Ðây gọi là nhân duyên. Ta đã phân biệt rộng nghĩa ấy. Ðiều cần làm của các Đức Phật Như Lai, khởi lòng thương xót lớn, nay ta đã làm xong.

Các thầy nên ghi nhớ, khi ngồi dưới gốc cây, nơi đất trống, hoặc ở gò mả, nên suy nghĩ Tọa Thiền, chớ sợ hãi. Ngày nay không siêng năng, sau ân hận vô ích.

Bấy giờ, A Nan bạch Phật: Thế Tôn vì các Tỳ Kheo nói pháp nhân duyên sâu xa. Nhưng con thấy không có nghĩa sâu xa gì cả.

Ðức Phật bảo: Thôi, thôi, A Nan! Chớ khởi ý nghĩ ấy.

Vì sao?

Pháp mười hai nhân duyên rất sâu xa, không phải là chỗ hiểu của người thường. Xưa, khi ta chưa giác ngộ pháp nhân duyên này, bị trôi lăn trong sanh tử không có ngày ra khỏi.

Lại, này A Nan! Không phải ngày nay, thầy mới nói pháp nhân duyên không sâu xa, từ trước đến nay đã nói không sâu xa.

Vì sao?

Thời quá khứ, có vị Vua A tu la tên Tu Diệm, khởi ý nghĩ này: Muốn nắm chặt Mặt Trời, Mặt Trăng ra khỏi biển lớn. Bèn hóa thân to lớn, nước biển chỉ tới ngang lưng.

Bấy giờ, Vua A tu la ấy có con trai tên Câu Na La, tự nói với cha rằng: Nay con muốn tắm trong biển.

Tu Diệm bảo: Con đừng thích tắm trong biển.

Vì sao?

Nước biển rất sâu và rộng, con không thể tắm trong đó.

Câu Na La tự nói: Con thấy nước biển chỉ đến ngang lưng cha, vì sao lại nói là sâu rộng?

Khi đó, Vua A tu la nắm lấy con dìm vào trong biển lớn, con trai A tu la chân không chấm đáy bể rất là sợ hãi.

Vua Tu Diệm bảo con rằng: Ta đã nói trước với con rằng biển rất sâu, con nói không khổ chỉ có ta mới có thể tắm trong biển lớn, không phải con có thể tắm được.

A tu la Tu Diệm lúc ấy há phải người nào lạ?

Chớ nghĩ như thế, vì sao?

Tu Diệm tức là thân Ta, con trai của A tu la lúc ấy chính là thân thầy. Khi ấy nước biển rất sâu, thầy nói không khổ. Nay ta nói pháp mười hai nhân duyên rất sâu xa, thầy lại nói không sâu xa.

Chúng sanh không hiểu pháp mười hai nhân duyên, lưu chuyển trong sanh tử không có ngày ra khỏi, thảy đều mê lầm không biết khổ hạnh. Từ đời này đến đời sau, từ đời sau đến đời này, vĩnh viễn ở trong năm thứ phiền não, muốn ra rất khó.

Ta ban đầu mới thành đạo, suy nghĩ về mười hai nhân duyên, hàng phục ma quân, quyến thuộc của ma. Do trừ vô minh mà được tuệ minh, vĩnh viễn trừ diệt các tối tăm, không còn trần cấu.

A Nan! Khi ta ba phen chuyển, mười hai lần nói pháp nhân duyên này, liền được thành đạo. Do phương tiện này nên biết, pháp mười hai nhân duyên rất sâu xa, không phải người thường có thể tuyên nói.

Như thế, này A Nan, nên ghi nhớ phụng trì pháp mười hai nhân duyên sâu xa này, nên học điều này!

Bấy giờ, A Nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường