Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Chín - Phẩm Chăn Trâu - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM BỐN MƯƠI CHÍN

PHẨM CHĂN TRÂU  

PHẦN MỘT

 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở tại nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nếu người chăn trâu thành tựu mười một pháp, thì bầy trâu không thể tăng trưởng, cũng không thể giữ được trâu của mình.

Thế nào là mười một?

Nếu người chăn trâu không phân biệt được hình sắc trâu. Không biết tướng mạo trâu. Trâu cần cọ xát, tắm rửa mà không biết cọ xát tắm rửa. Không biết chăm sóc vết thương trâu. Không biết tùy thời xông khói. Không biết chỗ ruộng tốt cỏ non cho trâu ăn. Không biết chỗ an ổn.

Cũng không biết chỗ lùa trâu qua sông, không biết thời thích hợp. Khi vắt sữa không chừa lại mà vắt lấy hết. Có những con trâu trâu lớn sử dụng được, không biết tùy thời giữ gìn.

Này các Tỳ Kheo! Ðó gọi là người chăn trâu thành tựu mười một pháp, rốt cuộc không thể nuôi lớn đàn trâu, không biết giữ gìn thân chúng. Nay trong chúng Tỳ Kheo cũng lại như thế, trọn không thể tăng trưởng lợi ích.

Thế nào là mười một?

Ở đây, Tỳ Kheo không phân biệt sắc kia. Không hiểu tướng của nó. Cần chăm sóc kỳ cọ mà không biết chăm sóc kỳ cọ. Không chăm sóc vết thương. Không biết tùy thời un khói. Không biết chỗ ruộng tốt cỏ non. Không biết bến qua sông.

Cũng không biết chỗ an ổn. Không biết ăn đúng thời. Không biết lưu lại những gì còn thừa. Không biết kính trọng các Tỳ Kheo Trưởng Lão.

Thế nào là Tỳ Kheo không biết về sắc?

Ở đây, Tỳ Kheo có sắc tứ đại và tứ đại sở tạo, thảy đều không biết. Như thế, Tỳ Kheo không phân biệt về sắc.

Thế nào là Tỳ Kheo không phân biệt về tướng?

Ở đây, Tỳ Kheo không biết hành động ngu, cũng không biết hành động trí, không biết như thật. Như thế, Tỳ Kheo không phân biệt tướng.

Thế nào là Tỳ Kheo đáng chăm sóc kỳ cọ mà không chăm sóc kỳ cọ?

Ở đây, Tỳ Kheo mắt thấy sắc lần khởi tướng sắc, có các niệm loạn động, lại không giữ gìn nhãn căn. Do không khéo nhiếp niệm nên gây ra các ương lụy, không giữ gìn nhãn căn.

Như thế, nếu Tỳ Kheo tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm trơn mịn, ý biết pháp khởi các loạn tưởng, cũng không giữ gìn ý căn, không sửa đổi hành động của mình. Như thế, Tỳ Kheo nên chăm sóc kỳ cọ mà không chăm sóc kỳ cọ.

Thế nào là Tỳ Kheo không trị lành vết thương?

Ở đây, Tỳ Kheo khởi dục tưởng mà không lìa bỏ, cũng không trừ ý niệm ấy. Nếu khởi tưởng sân hận, tưởng sát hại, khởi lên các tưởng ác, tưởng không lành thì trọn không rời bỏ. Như thế, Tỳ Kheo không trị lành vết thương.

Thế nào là Tỳ Kheo không tùy thời xông khói?

Ở đây, Tỳ Kheo đối với pháp đã tụng đọc, không tùy thời dạy lại cho người. Như thế, Tỳ Kheo không tùy thời xông khói.

Thế nào là Tỳ Kheo không biết ruộng tốt cỏ non?

Ở đây, Tỳ Kheo không biết ý chỉ tứ niệm xứ, không biết như thật. Như thế, Tỳ Kheo không biết chỗ ruộng tốt cỏ non.

Thế nào là Tỳ Kheo không biết bến qua sông?

Ở đây, Tỳ Kheo không phân biệt được tám đạo phẩm Hiền Thánh. Như thế, Tỳ Kheo không biết bến qua sông.

Thế nào là Tỳ Kheo không biết chỗ đáng yêu thích?

Ở đây, Tỳ Kheo với mười hai bộ: Khế Kinh, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Kệ, Nhân Duyên, Bổn Sự, Phương Đẳng, Thí Dụ, Bổn Sanh, Tự Thuyết, Luận Nghị, Vị Tằng Hữu. Như thế, Tỳ Kheo không biết chỗ đáng yêu thích.

Thế nào là Tỳ Kheo không biết thời thích hợp?

Ở đây, Tỳ Kheo đi đến nhà khinh tiện, nhà vui chơi. Như thế, Tỳ Kheo không biết thời thích hợp.

Thế nào là Tỳ Kheo không lưu lại vật thừa?

Ở đây, Tỳ Kheo có các Phạm Chí hay Ưu Bà Tắc tín tâm đến thỉnh thọ trai, song các Tỳ Kheo đắm trước vào ăn uống, không biết ngừng đủ. Như thế, Tỳ Kheo không lưu lại vật thừa.

Thế nào là Tỳ Kheo không kính trọng bậc Trưởng Lão, những Tỳ Kheo cao đức?

Ở đây, Tỳ Kheo không phát tâm cung kính đối với các bậc đức độ. Như thế, Tỳ Kheo có nhiều sai phạm. Ðó gọi là Tỳ Kheo không cung kính Trưởng Lão.

Nếu có Tỳ Kheo thành tựu mười một pháp này, trọn không thể ở trong pháp được nhiều lợi ích. Nếu người chăn trâu thành tựu mười một pháp, hay giữ gìn đàn trâu của mình thì trọn không mất thời, có các lợi ích.

Thế nào là mười một?

Ở đây, người chăn trâu biết sắc trâu, phân biệt tướng trâu, cần tắm rửa kỳ cọ thì tắm rửa kỳ cọ, chăm sóc các vết ghẻ lở, tùy thời xông khói, biết chỗ ruộng tốt cỏ ngon, biết bến qua sông cần yếu, thương trâu của mình.

Phân biệt thời thích hợp với trâu, cũng biết tánh tình trâu, nếu khi vắt sữa trâu thì biết chừa lại, cũng biết tùy thời chăm sóc giữ gìn những con trâu có thể sử dụng. Như thế, người chăn trâu biết giữ gìn trâu.

Như thế, này Tỳ Kheo!

Nếu người chăn trâu thành tựu mười một pháp không mất thời tiết, trọn không bị bại hoại. Như thế, Tỳ Kheo nếu thành tựu mười một pháp, nơi hiện pháp này được nhiều lợi ích.

Thế nào là mười một pháp?

Ở đây, Tỳ Kheo biết sắc, biết tướng, biết cọ rửa, biết chăm sóc vết thương, biết xông khói, biết chỗ ruộng tốt cỏ ngon, biết chỗ đáng yêu thích, biết chọn đường đi, biết chỗ qua sông, biết ăn vừa đủ, biết kính trọng Tỳ Kheo Trưởng Lão và tùy thời lễ bái.

Thế nào là Tỳ Kheo biết sắc?

Ở đây Tỳ Kheo biết sắc Tứ Đại, cũng biết Tứ Đại tạo sắc. Ðó gọi là Tỳ Kheo biết sắc.

Thế nào là Tỳ Kheo biết tướng?

Ở đây Tỳ Kheo biết tướng ngu, biết tướng trí, biết như thật. Như thế, Tỳ Kheo biết tướng.

Thế nào là Tỳ Kheo biết cọ rửa?

Ở đây, nếu Tỳ Kheo khởi tưởng dục liền biết xa lìa, cũng không tha thiết, vĩnh viễn không dục tưởng. Nếu tưởng sân, tưởng hại, và các tưởng ác bất thiện khơi lên thì đều biết xa lìa, cũng không tha thiết, vĩnh viễn không tưởng sân. Như thế, Tỳ Kheo biết cọ rửa.

Thế nào là Tỳ Kheo biết chăm sóc vết thương?

Ở đây, Tỳ Kheo nếu mắt thấy sắc không khởi tưởng sắc thì cũng không nhiễm trước, mà làm trong sạch nhãn căn, trừ bỏ lo buồn và pháp ác bất thiện, tâm không tham vui trong ấy, giữ gìn nhãn căn.

Như thế, Tỳ Kheo nếu tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp thì không khởi thức tưởng, cũng không nhiễm trước, mà thanh tịnh ý căn. Như thế, Tỳ Kheo biết chăm sóc vết thương.

Thế nào là Tỳ Kheo biết xông khói?

Ở đây, Tỳ Kheo từ pháp được nghe, vì người giảng nói rộng. Như thế là Tỳ Kheo biết xông khói.

Thế nào là Tỳ Kheo biết chỗ ruộng tốt, cỏ non?

Ở đây, Tỳ Kheo đối với Tám đạo phẩm Hiền Thánh như thật mà biết. Ðó là Tỳ Kheo biết chỗ ruộng tốt cỏ non.

Thế nào là Tỳ Kheo biết chỗ đáng yêu?

Ở đây, nếu Tỳ Kheo nghe Như Lai nói pháp báu thì tâm liền vui thích. Như thế, Tỳ Kheo biết chỗ đáng yêu.

Thế nào là Tỳ Kheo biết chọn đường đi?

Ở đây, Tỳ Kheo đối với mười hai Bộ Kinh, chọn mà hành trì. Ðó là Khế Kinh, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Kệ, Nhân Duyên, Bổn Sự, Phương Nẳng, Thí Dụ, Bổn Sanh, Tự Thuyết, Luận Nghị, Vị Tằng Hữu. Như thế là Tỳ Kheo biết chọn đường đi.

Thế nào là Tỳ Kheo biết chỗ qua sông?

Ở đây, Tỳ Kheo biết tứ ý chỉ, tứ niệm xứ, đó gọi là Tỳ Kheo biết chỗ qua sông.

Thế nào là Tỳ Kheo biết ăn vừa đủ?

Ở đây, Tỳ Kheo được Phạm Chí, Ưu Bà Tắc tín tâm đến thỉnh thọ trai, không tham ăn uống, có thể tự biết đủ. Như thế Tỳ Kheo biết vừa đủ.

Thế nào là Tỳ Kheo tùy thời kính vâng Tỳ Kheo Trưởng Lão?

Ở đây, Tỳ Kheo thường dùng thần niệm ý làm lành đối với các Tỳ Kheo Trưởng Lão. Như thế, Tỳ Kheo tùy thời cung kính Tỳ Kheo Trưởng Lão. Như thế, nếu thành tựu mười một pháp, ở trong hiện Pháp được nhiều lợi ích.

Thế Tôn bèn nói kệ:

Chăn trâu không lười biếng,

Người ấy được phước báo,

Sáu con trong sáu năm,

Dần dần thành sáu chục.

Tỳ Kheo thành tựu giới,

Với thiền, được tự tại,

Nếu sáu căn vắng lặng,

Sáu năm thành Lục Thông.

Như thế, Tỳ Kheo! Nếu có người lìa pháp ác này, thành tựu mười một pháp này thì ở trong hiện pháp được nhiều lợi ích.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở tại nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ Kheo: Nếu Tỳ Kheo thành tựu mười một pháp, ắt có thể có sự lớn mạnh.

Thế nào là mười một?

Ở đây, Tỳ Kheo thành tựu giới, thành tựu chánh định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, các căn vắng lặng, ăn uống biết vừa đủ, thường tu hành cọng pháp, biết phương tiện, phân biệt nghĩa thú, không đắm trước lợi dưỡng.

Như thế, Tỳ Kheo, có người thành tựu mười một pháp này, liền có chỗ đạt đến. Nay ta lại bảo các thầy, nếu có người trong mười một năm, học pháp này thì người ấy hiện đời thành A Na Hàm, chuyển thân liền thành A La Hán.

Các Tỳ Kheo, thôi không cần mười một năm, hoặc chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai, chỉ một năm học pháp này, liền chứng quả thứ hai, hoặc A Na Hàm, hoặc A La Hán.

Hoặc không cần mười hai tháng, chỉ trong một tháng tu hành này, Tỳ Kheo ấy chắc chắn thành hai quả, hoặc A Na Hàm, hoặc A La Hán.

Vì sao như vậy?

Mười hai nhân duyên đều phải xuất từ mười một pháp này. Ðó là sanh, lão, bệnh, tử, lo buồn khổ não … tuy ta dạy các Tỳ Kheo nên giống như Tỳ Kheo Ca Diếp.

Nếu như có người thực hành pháp khiêm tốn khổ hạnh thì khổ có gì sánh kịp hạnh này?

Vì sao?

Tỳ Kheo Ca Diếp thành tựu mười một pháp này. Nên biết Chư Phật đời quá khứ thành Ðẳng Chánh Giác cũng thành tựu mười một pháp khổ hạnh này.

Nay Tỳ Kheo Ca Diếp vì thương xót tất cả chúng sanh. Nếu cúng dường các Thanh Văn đời quá khứ thân sau sẽ được phước báu.

Nếu cúng dường Ca Diếp, thân hiện đời được phước báu. Nếu như Ta không thành Ðẳng Chánh Giác, sau sẽ do Ca Diếp thành Ðẳng Chánh Giác.

Do nhân duyên này nên Tỳ Kheo Ca Diếp hơn các Thanh Văn đời quá khứ. Ai có thể làm như Ca Diếp, đây ắt là hạnh trên hết.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!

Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở tại nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, Thế Tôn vì vô số chúng sanh vây quanh trước sau, mà nói pháp. Lúc ấy Tôn Giả Xá Lợi Phất dắt nhiều chúng Tỳ Kheo đi kinh hành.

Các Tỳ Kheo Ðại Mục Kiền Liên, Ðại Ca Diếp, A Na Luật, Ly Bà Da, Ca Chiên Diện, Mãn Tù Tử, Ưu Ba Ly, Tu Bồ Đề, La Vân, A Nan v.v... mỗi người đều dắt một số Tỳ Kheo tự vui cùng nhau.

Ðề Bà Đạt Đa cũng dắt nhiều chúng Tỳ Kheo tự đi kinh hành. Thế Tôn thấy các đệ tử thần túc mỗi người đều dẫn chúng của mình đi kinh hành.

Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Người đời, về thân căn và tánh tình mỗi mỗi tự thích hợp với nhau. Người hiền cùng làm bạn với người hiền, người ác cùng làm bạn với người ác. Cũng như sữa tương ưng với sữa, bơ tương ưng với bơ, phần uế cùng tương ưng với phần uế.

Ðây cũng như vật, căn tánh, hành động, pháp tắc của chúng sanh mỗi tự tương ưng. Người hiền tương ưng với người hiền, người ác tương ưng với người ác.

Các thầy có thấy Tỳ Kheo Xá Lợi Phất dắt các Tỳ Kheo đi kinh hành kia chăng?

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Thưa vâng, thấy.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Những người ấy đều là hàng có trí tuệ.

Phật lại hỏi các Tỳ Kheo: Các thầy có thấy Tỳ Kheo Mục Kiền Liên dắt các Tỳ Kheo đi kinh hành không?

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Thưa vâng, thấy.

Phật bảo: Những Tỳ Kheo ấy đều là hàng có thần túc.

Phật lại hỏi: Các thầy thấy Tỳ Kheo Ca Diếp dắt các Tỳ Kheo đi kinh hành chăng?

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa vâng, thấy.

Phật bảo: Các Thượng Sĩ ấy đều là những người thật hành mười một pháp Đầu Đà.

Phật lại hỏi: Các thầy thấy Tỳ Kheo A Nan luật chăng?

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa vâng, thấy.

Phật bảo: Những Hiền Sĩ ấy đều là hàng Thiên nhãn đệ nhất.

Phật lại hỏi: Có thấy Tỳ Kheo Ly Việt chăng?

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa vâng, thấy.

Phật bảo: Những người ấy đều là hành nhập định.

Phật lại hỏi: Các thầy có thấy Tỳ Kheo Ca Chiên Diên chăng?

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa vâng, thấy.

Phật bảo: Những Thượng Sĩ ấy đều là người phân biệt nghĩa lý.

Phật lại hỏi: Các thầy có thấy Tỳ Kheo Mãn Từ Tử chăng?

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa vâng, thấy.

Phật bảo: Những Hiền Sĩ ấy đều là người thuyết pháp.

Phật lại hỏi: Các thầy có thấy Ưu Ba Ly dẫn các Tỳ Kheo đi kinh hành chăng?

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa vâng, thấy.

Phật bảo: Những người ấy đều là người giữ gìn giới cấm.

Phật lại hỏi: Các thầy thấy Tỳ Kheo Tu Bồ Đề chăng?

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa vâng, thấy.

Phật bảo: Những Thượng Nhân ấy đều là bậc giải không đệ nhất.

Phật lại hỏi: Các thầy có thấy Tỳ Kheo La Vân chăng?

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa vâng, thấy.

Phật bảo: Những Hiền Sĩ ấy đều là người đầy đủ giới.

Phật lại hỏi: Các thầy có thấy Tỳ Kheo A Nan chăng?

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa vâng, thấy.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Những Hiền Sĩ ấy đều là người đa văn đệ nhất, nghe rồi không quên.

Phật lại hỏi: Các thầy có thấy Tỳ Kheo Ðề Bà Đạt Đa dắt các người đi kinh hành chăng?

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa vâng, thấy.

Phật bảo: Những người ấy lấy việc ác làm đầu, không có gốc lành.

Thế Tôn bèn nói kệ:

Chớ cùng ác tri thức,

Cùng người ngu làm việc,

Nên cùng thiện tri thức,

Giao thiệp với người trí,

Nếu người vốn không ác,

Gần gũi với người ác,

Sau ắt thành nhân ác,

Tiếng ác đồn khắp nơi.

Bấy giờ, hơn ba mươi đệ tử của Ðề Bà Đạt Đa nghe Thế Tôn nói bài kệ ấy rồi, bèn bỏ Ðề Bà Đạt Đa đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, xin sửa đổi tội nặng.

Các vị ấy lại bạch Thế Tôn: Chúng con ngu si mê lầm, không biết chân ngụy, bỏ thiện tri thức mà gần ác tri thức. Cúi xin Thế Tôn tha thứ, về sau không dám phạm.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Cho phép các thầy sám hối lỗi lầm, sửa điều đã làm, chỉnh đốn điều sắp làm, đừng phạm lại. Bấy giờ, đệ tử của Ðề Bà Đạt Đa, vâng lời Thế Tôn dạy, ở chỗ vắng suy nghĩ nghĩa lý vi diệu, tự khắc phục hành động của mình.

Vốn là hàng quý tộc, cạo bỏ râu tóc xuất gia học đạo, vì muốn tu phạm hạnh Vô Thượng, các Tỳ Kheo đều đắc quả A La Hán.

Tỳ Kheo nên biết! Cội nguồn của chúng sanh đều tự theo loại với nhau. Người ác đi theo người ác, người hiền đi theo người hiền. Cội nguồn của chúng sanh thời quá khứ và tương lai cũng lại như thế, cùng theo loại với nhau. Cũng như tịnh tương ưng với tịnh, bất tịnh tương ưng với bất tịnh. Cho nên, Tỳ Kheo nên học tương ưng với tịnh, xả bỏ bất tịnh.

Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này! 

Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng lời.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường