Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Bốn Mươi Năm - Phẩm Mã Vương - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM BỐN MƯƠI NĂM
PHẨM MÃ VƯƠNG
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở tại thành La Duyệt, Vườn Trúc Ca Lan Đà cùng Chúng Đại Tỳ Kheo năm trăm người câu hội. Bấy giờ, trong thành có Bà La Môn tên Ma Ê Đề Lợi, biết rành rẽ các kinh ngoại đạo, Thiên văn địa thuật thảy đều thông suốt, tất cả các pháp cư xử giao thiệp trên thế gian thảy đều rõ thấu. Con gái của Bà La Môn tên Ý Ái, rất thông minh, dung mạo đoan chánh, ít có trên đời.
Khi ấy, Bà La Môn bèn khởi nghĩ rằng: Kinh Điển Bà La Môn có nói, có hai hạng người ra đời rất khó gặp.
Thế nào là hai hạng người?
Ðó là bậc Như Lai Chí Chơn Ðẳng Chánh Giác và Chuyển Luân Thánh Vương. Nếu khi Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện, bèn có thất bảo tự nhiên hưởng ứng. Nay ta có con gái quý, nhan sắc tuyệt diệu, bậc nhất trong các ngọc nữ.
Như nay không có Chuyển Luân Thánh Vương, ta lại nghe có bậc Vương Tử Chân Tịnh tên là Tất Đạt, xuất gia học đạo, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp.
Người ấy nếu ở nhà sẽ là bậc Chuyển Luân Thánh Vương, nếu xuất gia học đạo liền thành Phật Đạo. Nay ta có thể đem con gái ta cho Sa Môn ấy.
Khi ấy, Bà La Môn bèn dẫn con gái đến trước chỗ Phật, thưa rằng: Cúi xin Sa Môn nhận ngọc nữ này.
Phật bảo Bà La Môn: Thôi, thôi, Phạm Chí! Ta không cần người đắm trước dục vọng này.
Bà La Môn ba phen bạch Phật: Sa Môn! Hãy nhận ngọc nữ này, so sánh trên đời, nàng này không bằng.
Phật bảo: Phạm Chí! Ta đã hiểu ý ông, nhưng ta đã xuất gia, không tập theo dục lạc.
Bấy giờ, có Tỳ Kheo Trưởng Lão đứng sau Như Lai, đang quạt hầu Phật, Tỳ Kheo ấy bạch Phật: Cúi xin Như Lai, nhận người nữ này, nếu Như Lai không cần thì để cho chúng con sai khiến.
Phật bảo Tỳ Kheo Trưởng Lão: Thầy thật ngu si mới ở trước Như Lai thổ lộ ý xấu này.
Vì sao thầy để tâm ý bị trói buộc nơi người nữ ấy?
Phàm là người nữ thì có chín điều xấu.
Thế nào là chín?
Một là người nữ hôi hám không sạch, hai là người nữ ác khẩu, ba là người nữ không biết đền ơn, bốn là người nữ tật đố, năm là người nữ bỏn xẻn, sáu là người nữ ưa thích rong chơi, bảy là người nữ nhiều sân nhuế, tám là người nữ nhiều vọng ngữ, chín là người nữ lời nói khinh suất. Như thế này Tỳ Kheo, người nữ có chín hạng tội ác như thế.
Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ:
Thường ưa cười, khóc la,
Như thân mà chẳng thân,
Hãy tìm phương tiện khác,
Chớ nên khởi ý loạn.
Khi ấy, Tỳ Kheo Trưởng Lão bạch Phật: Người nữ tuy có chín pháp tệ ác như thế. Nhưng hôm nay con quán sát cô gái này không có tỳ vết gì.
Phật bảo Tỳ Kheo: Nay Thầy thật là người ngu, không tin lời từ miệng của Như Lai ư?
Nay ta sẽ nói: Về thuở quá khứ rất xa, trong thành Ba La Nại có một nhà buôn tên Phổ Phú, dẫn năm trăm khách buôn vào biển tìm kho báu. Song biển ấy ắt có quỷ La Sát cư trú, thường ăn thịt dân chúng. Lúc ấy trong biển nổi gió, thổi tàu buôn kia trôi vào trong thành của quỷ La Sát.
La Sát xa thấy khách buôn tới vui mừng vô cùng, liền ẩn hình quỷ La Sát mà hiện hình người nữ, đoan chánh không ai bằng, nói với các khách buôn rằng: Chư Hiền khéo đến đây. Trên bãi cát quý này được xây Cung Điện Trời cho quý khách, có trăm ngàn thứ trân bảo, nấu các món ăn ngon, lại có các cô gái đẹp chưa chồng. Các vị có thể cùng chúng tôi vui thích.
Tỳ Kheo nên biết!
Trong số các nhà buôn ấy, những người ngu muội thấy cô gái ấy rồi, liền khởi tâm đắm trước.
Khi đó, Thương Chủ Phổ Phú liền khởi nghĩ rằng: Trong biển lớn này là chỗ ở của loài phi nhân, làm sao các cô này ở được, đây chắc là La Sát, không nghi ngờ gì.
Thương Chủ liền bảo các cô gái rằng: Thôi, thôi, các cô! Chúng tôi không tham nữ sắc.
Lúc ấy, vào những ngày mùng tám, mười bốn, rằm mỗi tháng, có ngựa chúa bay qua lại trên hư không kêu rằng: Ai muốn qua khỏi ách nạn của biển lớn, ta có thể cõng qua.
Tỳ Kheo nên biết! Lúc ấy vị Thương Chủ kia leo lên cây cao, xa thấy ngựa chúa và nghe tiếng kêu, vui mừng hớn hở không thể tự kềm, bèn đến chỗ ngựa chúa.
Ðến rồi nói với ngựa chúa rằng: Chúng tôi là năm trăm khách buôn bị gió thổi giạt, nay rơi vào chỗ cực kỳ nguy hiểm này, muốn được qua biển, xin đưa giúp chúng tôi qua.
Ngựa chúa bảo khách buôn rằng: Các ông đến hết đây, ta sẽ đưa sang bờ biển.
Thương Chủ Phổ Phú bèn bảo các khách buôn rằng: Nay ngựa chúa ở gần đây. Mọi người nên đến đó, cùng qua khỏi nạn biển.
Khi ấy, các khách buôn trả lời: Thôi, thôi!
Thưa Thương Chủ, chúng tôi ở lại chỗ này, tự vui thích với nhau. Vì ở Diêm Phù Đề khổ nhọc, muốn tìm nơi khoái lạc. Ở đây có đủ các vật quý báu trân kỳ và các cô gái đẹp. Có thể ở lại chỗ này vui chơi với ngũ dục, rồi sau dần dần gom góp của cải, sẽ cùng qua biển.
Thương chủ bảo các khách buôn: Thôi, thôi, các người ngu!
Ở đây không có người nữ, giữa biển lớn làm sao có chỗ người ở?
Các khách buôn đáp: Hãy thôi, thưa thương chủ! Chúng tôi không thể bỏ đây mà đi.
Khi ấy, thương chủ Phổ Phú bèn nói kệ:
Chúng ta gặp nạn này,
Ðừng tưởng có nam, nữ,
Ðây là loài La Sát,
Sẽ ăn dần chúng ta.
Nếu như các ông không cùng đi với tôi, mỗi người nên tự giữ gìn. Nếu thân, khẩu, ý tôi có phạm điều gì, thảy đều xin tha lỗi chớ để tâm.
Lúc ấy, các khách buôn cùng nói kệ từ biệt:
Thay chúng tôi thăm hỏi,
Bà con trong làng xóm,
Ở lại đây vui chơi,
Không đợi lúc trở về.
Khi ấy, thương chủ lại dùng kệ đáp:
Các ông thật gặp nguy,
Lầm lạc không chịu về,
Như thế chẳng bao lâu,
Thảy bị quỷ ăn hết.
Nói kệ ấy rồi, liền bỏ đi, thương chủ đến chỗ ngựa chúa, cúi đầu lễ dưới chân, liền cỡi ngựa mà đi. Khi ấy, những khách buôn xa thấy chủ của họ đã cỡi ngựa chúa, trong số đó có người kêu lên, hoặc có người rất sợ hãi.
Chúa quỷ La Sát hướng về phía các La Sát, nói kệ rằng:
Ðã vào miệng sư tử,
Thoát ra rất là khó,
Huống gì vào nước ta,
Muốn ra thật khó.
Chúa quỷ La Sát liền hoá thân hình người nữ, rất đoan chánh, lấy tay chỉ vào bụng, nói: Nếu ta không ăn thịt các ngươi, trọn không là La Sát. Khi ấy, ngựa chúa cõng thương chủ bay đến bờ biển, còn lại năm trăm khách buôn thảy đều chịu tai nạn.
Bấy giờ trong thành Ba La Nại có vị Vua tên Phạm Ma Đạt trị hoá nhân dân. Khi ấy, La Sát đuổi theo sau thương chủ kêu lên tôi mất chồng.
Thương chủ trở về nhà, La Sát hóa hiện bồng theo đứa con trai, đến trước chỗ Vua Phạm Ma Đạt tâu Nhà Vua rằng: Thế gian thật là tai quái, ắt sẽ diệt hoại.
Nhà Vua hỏi: Thế gian có việc gì tai quái mà diệt hoại?
La Sát tâu Vua: Tôi bị chồng bỏ, nhưng tôi không có lỗi gì đối với chồng.
Vua Phạm Ma Đạt thấy thiếu phụ này rất tuyệt đẹp, liền khởi ý đắm trước, bảo nàng rằng: Chồng nàng là kẻ không có nhân nghĩa mới bỏ nàng.
Khi ấy, Vua Phạm Ma Đạt sai người gọi thương chủ đến hỏi: Có thật ông bỏ cô vợ đẹp này chăng?
Thương Chủ tâu: Ðó là La Sát, không phải là nữ nhân.
La Sát nữ liền tâu Vua: Người này không có nghĩa vợ chồng. Nay đã bỏ tôi, còn mắng tôi là La Sát.
Nhà Vua hỏi: Ông thật không dùng, ta sẽ thâu dùng nàng ấy.
Thương Chủ tâu Vua: Ðây là La Sát, xin tùy Thánh ý. Khi ấy, Vua Phạm Ma Đạt vào trong cung cấm, tùy thời tiếp nàng không để cho phiền oán. Loài La Sát phi nhân ấy bèn ăn thịt nhà Vua, chỉ còn lại bộ xương, rồi bỏ đi.
Này Tỳ Kheo, đừng nghĩ ai khác! Thương chủ lúc ấy chính là Tỳ Kheo Xá Lợi Phất. La Sát lúc ấy nay là cô gái này. Vua Phạm Ma Đạt thuở ấy, nay là Tỳ Kheo Trưởng Lão. Ngựa chúa lúc ấy, nay là thân ta. Năm trăm khách buôn lúc ấy, nay là năm trăm Tỳ Kheo.
Do phương tiện này nên biết, ái dục là ý tưởng bất định, nay cố ý khởi tưởng đắm trước sao?
Bấy giờ, Tỳ Kheo kia đảnh lễ dưới chân Phật, bạch Phật rằng: Cúi xin nhận cho con sám hối lỗi nặng này. Từ nay về sau không dám tái phạm. Khi ấy, Tỳ Kheo kia nghe lời Phật dạy xong, liền ở chỗ vắng, tự khắc phục mình tu tập những gì mà dòng dõi hào tộc, siêng tu phạm hạnh, muốn được tu phạm hạnh vô thượng. Tỳ Kheo kia bèn thành A La Hán. Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở tại Thích Sí, vườn cây Am Bà Lợi, cùng với chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người câu hội. Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả Mục Kiền Liên sau khi nhập hạ xong, dẫn năm trăm Tỳ Kheo đi du hóa nhân gian, dần dần đi đến làng Thích Sí.
Bấy giờ Tỳ Kheo mới đến và Tỳ Kheo tại chỗ cùng nhau nói năng, hỏi han, âm thanh to ồn.
Thế Tôn nghe âm thanh to ồn của các Tỳ Kheo, bèn hỏi A Nan: Nay trong vườn này có tiếng gì to ồn thế đến thế?
Như là tiếng đập phá cây, đá?
A Nan bạch Phật: Hôm nay có Tôn Giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên dẫn năm trăm Tỳ Kheo đến đây. Các Tỳ Kheo mới đến và Tỳ Kheo tại chỗ cùng hỏi thăm nhau, nên có tiếng như thế.
Phật bảo A Nan: Thầy mau đuổi Tỳ Kheo Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, không cần ở đây.
A Nan vâng lời dạy, liền đến chỗ Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, thưa rằng: Thế Tôn có dạy, hãy mau rời khỏi đây, không nên ở lại.
Xá Lợi Phất đáp: Xin vâng lời dạy. Bấy giờ, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên ra khỏi vườn, dẫn năm trăm Tỳ Kheo theo đường mà đi.
Bấy giờ, các người họ Thích nghe tin Tỳ Kheo Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên bị Phật đuổi, liền đến chỗ Tỳ Kheo Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, cúi đầu lễ dưới chân, bạch với Xá Lợi Phất: Chư Hiền! Các Vị muốn đi đâu?
Xá Lợi Phất đáp: Chúng tôi bị Thế Tôn đuổi, nay tìm chỗ ở.
Những người họ Thích bạch với Xá Lợi Phất: Chư Hiền chớ lo, chúng tôi sẽ đến Như Lai sám hối.
Khi ấy, các người họ Thích bèn đến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên và bạch Phật rằng: Cúi xin Thế Tôn tha lỗi cho các Tỳ Kheo từ xa đến. Cúi xin Thế Tôn để thời giờ chỉ dạy, trong số những Tỳ Kheo từ xa đến, có người mới học đạo, vừa vào cửa pháp, chưa được gần tôn nhan Như Lai, e có tâm thay đổi.
Ví như mầm mạ không gặp mưa thấm ướt không thể thành tựu. Nay các Tỳ Kheo này cũng lại như thế, chưa gần Như Lai mà đi, e rằng có tâm thay đổi.
Khi ấy, Phạm Thiên Vương biết ý nghĩ trong tâm Như Lai, trong khoảng lực sĩ duỗi cánh tay, từ Cõi Phạm Thiên ẩn, đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, lui đứng một bên.
Phạm Thiên Vương bạch Phật: Cúi xin Thế Tôn tha lỗi cho các Tỳ Kheo từ xa đến, dùng thời giờ chỉ dạy. Trong đây, hoặc có Tỳ Kheo chưa rốt ráo, liền sanh tâm thay đổi, người ấy không thấy tôn nhan Như Lai, bèn đổi ý, trở về nghiệp cũ.
Cũng như bò con mới sanh bị lạc mẹ, lo buồn không ăn. Đây cũng như thế, nếu hàng Tỳ Kheo tân học không được thấy Như Lai, bèn sẽ xa lìa chánh pháp. Bấy giờ, Thế Tôn nhận lời can thiệp của những người họ Thích và thí dụ bò con của Phạm Thiên Vương.
Khi ấy, Thế Tôn quay lại nhìn, Tôn Giả A Nan bèn khởi ý nghĩ: Như Lai đã nhận lời xin của dân chúng và Chư Thiên.
A Nan đến chỗ Tỳ Kheo Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên bảo rằng: Như Lai muốn gặp Chúng Tăng. Trời và nhân dân cùng trình bày điều này.
Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất bảo các Tỳ Kheo: Các thầy chỉnh đốn y bát, cùng đến chỗ Thế Tôn. Như Lai đã nhận cho chúng ta sám hối. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên dẫn năm trăm Tỳ Kheo Ðến chỗ Phật, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên.
Lúc đó, Phật hỏi Xá Lợi Phất: Trước đây ta đuổi các Tỳ Kheo, ý thầy thế nào?
Xá Lợi Phất bạch Phật:
Trước đây, Như Lai đuổi Chúng Tăng, con bèn khởi nghĩ: Như Lai chỉ ưa ở một mình chỗ vắng, không thích nơi ồn náo, nên đuổi Chúng Tăng đi.
Phật bảo Xá Lợi Phất: Sau đó thầy lại khởi niệm gì?
Thánh Chúng khi ấy ai là giềng mối?
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn!
Lúc ấy con lại khởi ý nghĩ này: Ta cũng nên ở chỗ vắng, đi riêng, không ở chỗ ồn náo.
Phật bảo Xá Lợi Phất:
Chớ nói như vậy, cũng đừng khởi ý nghĩ như thế, rằng: Ta nên ở chỗ vắng.
Như nay, giềng mối của Thánh Chúng há chẳng phải nương vào hai Tỳ Kheo Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên ư?
Bấy giờ, Đức Phật hỏi Mục Kiền Liên: Ta đuổi Chúng Tăng, thầy có ý niệm gì?
Mục Kiền Liên bạch Phật:
Như Lai đuổi Chúng Tăng, con bèn khởi niệm này: Như Lai muốn ở riêng chỗ vô vi, nên đuổi Chúng Tăng vậy.
Phật hỏi Mục Kiền Liên: Sau đó Thầy lại khởi niệm gì?
Mục Kiền Liên bạch Phật: Nay Như Lai đuổi Chúng Tăng, chúng ta nên tập hợp chúng lại, khiến đừng phân tán.
Phật bảo Mục Kiền Liên: Lành thay!
Mục Kiền Liên, như lời thầy nói, giềng mối trong chúng chỉ có ta và hai thầy. Từ nay về sau, Mục Kiền Liên nên dạy dỗ các Tỳ Kheo hậu học, khiến hằng ở chỗ an ổn, dài lâu, đừng để thối tâm nửa chừng, rơi trong sanh tử. Nếu có Tỳ Kheo thành tựu chín pháp, ở trong hiện pháp không được lớn mạnh.
Thế nào là chín?
Cùng gần gũi thừa sự ác tri thức, không việc thường ưa đi dạo, thường bị tai họa. Ưa cất chứa tài vật, tham đắm y bát, thường nói nhiều lời dối gạt, trống rỗng, ý tán loạn không định, không có trí tuệ, không hiểu nghĩa thú, không tùy thời nghe chỉ dạy.
Thế nên, này Mục Kiền Liên! Nếu Tỳ Kheo thành tựu chín pháp này, ở trong hiện pháp không được lớn mạnh, có sự thấm nhuần. Nếu có Tỳ Kheo có thể thành tựu chín pháp thì sẽ được thành tựu xong việc.
Thế nào là chín?
Cùng theo thiện tri thức, tu hành chánh pháp không đắm trước nghiệp tà, thường ở chỗ yên vắng không thích nhân gian, ít bệnh không hoạn nạn, không chứa nhiều tài vật báu, không tham trước y bát, siêng năng tinh tấn, không có tâm tán loạn, nghe nghĩa liền hiểu, không cần lập lại, tùy thời nghe pháp không chán đủ.
Thế nên, này Mục Kiền Liên! Nếu có Tỳ Kheo thành tựu chín pháp này, ở trong hiện pháp được nhiều lợi ích. Cho nên, này Mục Kiền Liên, nên nhớ siêng năng dạy bảo các Tỳ Kheo, khiến đến chỗ vô vi lâu dài.
Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ:
Thường nhớ tự giác ngộ,
Chớ đắm nơi phi pháp,
Sự tu nên chánh hạnh,
Ðược khỏi nạn sanh tử.
Làm việc này được vậy,
Làm như thế được phước.
Chúng sanh trôi lăn lâu,
Dứt được già, bệnh, chết.
Việc xong, lại không tập,
Trở lại tạo phi hạnh,
Người phóng dật như thế,
Thành tựu hạnh hữu lậu.
Nếu có tâm siêng năng,
Thường để lại đầu tâm,
Lần lượt cùng dạy bảo,
Bèn thành người vô lậu.
Thế nên, Mục Kiền Liên! Nên vì các Tỳ Kheo mà dạy điều này, nên nhớ nghĩ học điều này!
Khi ấy, Thế Tôn vì các Tỳ Kheo nói pháp vi diệu, khiền chư vị phát tâm hoan hỉ. Khi các Tỳ Kheo nghe pháp xong, trong chúng có hơn sáu mươi Tỳ Kheo được lậu tận ý giải. Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Pháp Luân Không Thoái Chuyển - Phẩm Bảy - Phẩm Thọ Ký
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Tám - Phẩm Hằng Già đề Bà
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tỳ Bà Thi
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Ba - Phẩm Uruvelà - Phần Ba - Thế Giới
Phật Thuyết Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Phần Mười Năm
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Thấy Phật A Súc