Phật Thuyết Kinh Phật Lên Trời đao Lợi Thuyết Pháp Cho Thân Mẫu - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
PHẬT LÊN TRỜI ĐAO LỢI
THUYẾT PHÁP CHO THÂN MẪU
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN HAI
Đức Phật bảo Thiên Tử: Đó là pháp giới, pháp không có chỗ khởi, cũng không có chỗ diệt, mà cũng không trụ, nên không sở hữu được. Giả sử, có người nghĩ đến các pháp, là không trụ, không sinh, không khởi, không có nơi chốn, người quán như vậy, có đầy đủ trí tuệ chân đế, không có các pháp cùng với pháp giới, không thấy giải thoát. Tất cả pháp này đều gần gũi với Kinh Điển.
Đó là bốn pháp, Bồ Tát Đại Sĩ được hạnh Đại Thánh thông đặc biệt thù thắng, vượt qua bờ bên kia.
Sao gọi bốn pháp này là Thánh thông?
Nói là thông, vì đối với tất cả pháp, không tin trí tuệ của người khác, nên mới thưa hỏi.
Nói là tuệ, vì đối với tất cả pháp, không tạo hai việc. Có nghĩa là, nếu không có hai việc này, thì không có tên pháp, không thể biết được.
Này Thiên Tử! Giả sử nếu có đầy đủ trí tuệ này, thì Bồ Tát ấy, mau được Thánh thông, để thành tựu bản nguyện, tròn đầy sự hiểu biết. Bồ Tát hiểu rõ trí tuệ như vậy, sẽ được con mắt đạo trong sạch, vượt khỏi Trời, người.
Liền thấy mười phương, vô hạn lượng ức, trăm ngàn các cõi nước Phật, bao nhiêu Thánh Chúng của Phật, của Bậc Thiên Trung Thiên, đều nghe Chư Phật nói về Kinh pháp. Các loại chúng sinh ở trong cõi nước Phật ấy, trong tâm có nghĩ về điều thiện, điều ác, điều tốt, điều xấu, thảy đều biết rõ.
Vì nhân dân, bạn nhóm mà hành động như vậy, mới có như vậy, tự biết những nơi kiếp trước họ đã luân chuyển. Dùng trí tuệ sáng, chứng biết bản tế của mình. Với những chúng sinh khác, đâu có ngoại lệ, đã sống nơi nào đều chứng minh được hết, bởi do nhân duyên nên nói như vậy.
Phật bảo Thiên Tử: Bồ Tát Đại Sĩ tuy chưa đạt được tất cả thông tuệ, trí Thánh minh cao siêu như vậy nhưng vẫn vì các chúng sinh tạo dựng nên việc Phật, nhanh chóng được đầy đủ tất cả Phật Pháp, mau được đạo Vô Thượng Chánh Chân, là bậc Chánh Giác cao tột.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài tụng:
Dùng tuệ khéo léo, đạo sáng phương tiện
Sẽ được thành Đại Thánh thông đầy đủ
Mà thường tu hành cấm giới thâm diệu
Liền dùng một nghĩa hiểu tất cả pháp
Phân biệt chân đế, tất cả Kinh Điển
Những người mắt sáng, không chỗ chấp nương
Thường quán các pháp giống như hư vô
Vì có quán sát tuyên dương đều không.
Tập gần các pháp, pháp đó giả hiệu
Không thấy các pháp là bậc giải thoát
Vì họ không thấy, theo đó bất quán
Đã được Thánh thông, mới thấy như vậy
Giả sử, pháp quá khứ đã là không
Các pháp tương lai cũng không như vậy
Phân biệt hiện tại thì cũng như thế
Như vậy mới gọi cái thấy chân đế.
Tất cả pháp ba cõi luôn là không
Bậc trí sáng ấy không niệm, chẳng niệm
Đã không có ứng, ứng cái không ứng
Họ đã không sợ vì thấy chân đế.
Nếu tuệ như vậy, không chấp phương tiện
Giảng nói Kinh Pháp, không có pháp tưởng
Ý không chỗ nhớ nên không chỗ chấp
Nhờ không chỗ chấp nên không lay động.
Tất cả các pháp tự nhiên hưng khởi
Nhờ được tự nhiên, vốn sạch, không ngã
Hiểu rõ các pháp nên không ngô, ngã
Nên mới không khởi, không có pháp khác.
Nó đã không sinh, không có, không đến
Xem xét nơi đó, không chỗ ỷ lại
Mà lại giảng thuyết nơi chốn các pháp
Tuy giảng Phật Đạo, không nghĩ có ngã.
Tất cả ba cõi thảy đều do tâm
Tâm ấy cũng sẽ không thể thường thấy
Không sắc, không thọ, giống như huyễn hóa
Nên dùng pháp này, để cầu nơi tâm.
Họ dùng pháp này, cầu nơi tâm rồi
Sẽ biết không tâm, cũng không tâm pháp
Giả sử lấy tâm, cầu nơi chốn tâm
Thì sẽ không thấy, tâm ấy vốn sạch.
Người đối với pháp, đã không chỗ đắm
Ở tại dân thường, không theo các tưởng
Tất cả các pháp, không ý, không thành
Thường phân biệt, biết giống như hư không.
Như xem hư không, không sinh không có
Phân biệt các pháp, cũng lại như vậy
Giả gọi hư không, chớ không có thật
Nói về ngôn từ, pháp ấy hư không.
Con mắt chưa từng xem thấy lỗ tai
Lỗ tai cũng không xem thấy con mắt
Lưỡi không thuộc mũi, mũi không thuộc lưỡi
Chúng nó qua lại mà không thấy nhau.
Cái thân chưa từng xét thấy nơi ý
Ý cũng không xét, hình loại của thân
Chúng nó như vậy, không thể biết nhau
Bởi vì như thế nên thường sợ hãi.
Dính mắc các ác, dua nịnh, si mê
Giới của các pháp, vốn luôn bình đẳng
Việc ở trong ấy, không biết bên ngoài
Nên việc ngoài ấy, cũng không biết trong.
Vì lý do ấy, biết pháp về đâu
Thành tựu trí tuệ thường không giới hạn
Quán thấy mười phương ức các Đức Phật
Và các Thanh Văn không có tội báo.
Với các Kinh Điển Chư Phật đã nói
Vô lượng Bậc Thánh, đạt nghĩa thanh tịnh
Đều được đến nghe, Phật nói lời hay
Có thể thọ trì, rộng tu bình đẳng.
Liền hay biết rõ tâm niệm chúng sinh
Bay đến đủ cả ức vạn Cõi Phật
Nhớ biết vô số việc đời kiếp trước
Ức trăm ngàn kiếp như cát Sông Hằng.
Đạt thành năm Thánh thông đẹp như thế
Sẽ được thân cận, an trụ nơi tuệ
Họ nhờ Đức Phật nên mới hiển phát
Đạo không buông lung, hưng tạo nghĩa lợi.
Giả sử nghe được, pháp không như vậy
Sinh tâm mừng rỡ, niềm vui vi diệu
Nên ma không thể tìm lỗi người ấy
Có thể mau thành đạo vô thượng giác.
Đức Phật bảo Thiên Tử: Bồ Tát Đại Sĩ có bốn việc pháp, cho đến phương tiện quyền xảo không thể nghĩ bàn.
Những gì là bốn?
Bồ Tát hiểu rõ pháp qua lại để vượt qua dòng sông. Giống như thân mình có bao nhiêu tai họa, thống khổ, độc hại, thì liền thấy rõ được nguyên nhân.
Cũng muốn diệt trừ sự khổ của người khác, nên phải tu hành tinh tấn, khuyên các chúng sinh đi vào đường Thánh, khiến cho tất cả pháp lưu tồn tâm đạo, vì các chúng sinh mà chứa dày công đức, đối với ba đời cũng vậy, nên đã khuyến trợ tất cả Chư Phật, tập trung hạnh nguyện ba đời, khuyến trợ phẩm công đức, đem gốc lành đã làm mà ban phát cho chúng sinh, phóng, xả, rộng việc ban phát, với những điều đã khai hóa, cũng không sinh tâm.
Nếu không khuyến tấn Nhất thiết trí ấy, tâm không lìa thoát, cũng không thấy đạo, tâm không lìa đạo, đạo không lìa tâm. Như tướng của đạo, tướng thân cũng vậy.
Dùng tuệ bình đẳng đối với tâm với đạo, cũng không chỗ ỷ lại, thuận với quyền xảo phương tiện, thêm lợi ích gốc đức. Không thấy pháp giới có sự tăng ích. Đối với các pháp không chỗ nghĩ bàn. Chứa nhóm công đức, chưa từng mệt mỏi. Không lấy tâm nghiệp để cầu hiểu rõ tâm.
Nếu họ ban phát sẽ không vọng tưởng, tu hành cấm giới cũng không để mất, tuân hành nhẫn nhục cũng không chỗ trụ, thực hành tinh tấn cũng không sợ hãi, nhất tâm thiền định, không chỗ ỷ lại, phụng hành trí tuệ cũng không chỗ tu tập, khuyến hóa chúng sinh, cũng không chỗ chấp. Vì lòng xót thương nên nghiêm tịnh Cõi Phật, mong cầu Thánh quả, không khởi sự mến chuộng, giảng nói Kinh Pháp cũng không chỗ nhập vào.
Như vậy, này Thiên Tử! Bồ Tát đã làm, đã tạo gốc đức, tuy rất ít, nhưng phương tiện thiện xảo thật không hạn lượng, cho đến đạt được đạo lớn.
Sao gọi là Bồ Tát đã tạo gốc đức, tuy là rất ít, nhưng phương tiện quyền xảo đạt được vô lượng, cho đến chứng đắc được đạo lớn?
Bồ Tát Đại Sĩ! Đối với tất cả pháp, sự nhớ nghĩ phát vô lượng, quán sát các pháp, không có giới hạn, nên đạt được biên tế.
Vì sao như vậy?
Này Thiên Tử! Muốn biết tất cả các pháp, nó vốn là không, vô tướng, cũng vô nguyện. Vì nó là không, cho nên cũng vô lượng. Giả sử đạt được tâm vô lượng này, thì dù giảng pháp tuy ít, nhưng phương tiện quyền xảo thì rộng lớn, không có bờ mé.
Vì sao như vậy?
Vì Phật Đạo là vô lượng, khuyến tâm vô hạn, đến pháp không ngằn mé, nên được đạo của Chư Phật Thế Tôn.
Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát Đại Sĩ dùng phương tiện quyền xảo, khuyên bảo chúng sinh, khiến cho họ nhập vào chánh hạnh, muốn cho chúng sinh ưa thích với pháp, nên mới khuyến lập. Nếu ban phát những kẻ cần cứu tế, thì nên nói Kinh Pháp.
Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát Đại Sĩ không dùng sự ban cho mà lại xét kỹ, nói là ngã sở, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ, cũng lại như vậy. Không gọi là ngã sở mà có sở thí.
Nếu người trì giới, cũng không chỗ nhớ nghĩ, luôn thuận với cấm giới, đầy đủ nhẫn nhục, thấy người làm điều đúng, điều sai thảy đều nhẫn nhịn cả. Phụng hành tinh tấn, tu hạnh sáng trong, một lòng nghĩ về thiền định, hiểu rõ phương tiện, xem xét trí tuệ.
Lại nữa, này Thiên Tử! Bồ Tát Đại Sĩ phân biệt, hiểu rõ phương tiện thiện xảo, cùng với Thanh Văn mà khai hóa những chúng sinh có những việc làm không vui. Sự tu hành vững chắc, cùng với Duyên Giác, không hành động những điều không vui, ý chí vững bền.
Đó là bốn pháp Bồ Tát Đại Sĩ đạt được phương tiện quyền xảo, không thể nghĩ bàn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói bài tụng:
Hiểu rõ được hai việc
Thân mình và người khác
Sẽ trừ khổ họa mình
Diệt hết các phiền não.
Thương nhớ các chung sinh
Khuyên họ giữ đạo tâm
Suy nghĩ tất cả pháp
Để nhập vào một nghĩa.
Tất cả chúng sinh vui
Hội họp nơi ba đời
Phổ biến công Đức Phật
Đều khuyến trợ tất cả.
Để mọi người hiểu rõ
Mà đem cho chúng sinh
Thật lòng mà cho tuệ
Như trí tuệ của Phật.
Tất cả sự phát tâm
Khuyến trợ vào Phật Đạo
Không đánh mất đạo tâm
Thấy các pháp giải thoát.
Xét tâm đối với đạo
Không thấy có hai việc
Tướng ấy vẫn tồn tại
Rõ tâm tướng, đồng nhau.
Pháp đẳng nên bình đẳng
Không hai, không chỗ có
Biết rõ quyền phương tiện
Mãi lợi pháp thanh bạch.
Lợi ích giống vô vi
Pháp giới không thể bàn
Chí cầu nơi Phật Đạo
Thường không hề mệt mỏi.
Không lấy tâm niệm tâm
Ta được nghĩa thanh bạch
Không quên mất đạo tâm
Khuyến trợ việc đã làm.
Ban cho không cầu báo
Giữ giới không chỗ nghĩ
Thường tu hạnh nhẫn nhục
Không lập kế hữu nhân.
Mãi siêng năng hầu hạ
Thân, khẩu, tâm vắng lặng
Thiền định không chỗ dựa
Trí tuệ độ không cùng.
Khai hóa thoát chúng sinh
Không sống trong điên đảo
Nghiêm tịnh các Cõi Phật
Chí tánh không hung hăng.
Thường mong cầu Phật Đạo
Với pháp không chỗ xả
Thọ trì các Kinh Điển
Trí tuệ không thể bàn.
Thuyết pháp cho chúng sinh
Không chấp nơi văn tự
Nếu tu hành như vậy
Mau thành Phật, không khó.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba