Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm Thanh Văn - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI TÁM

PHẨM THANH VĂN  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở thành La Duyệt, Vườn Trúc Ca Lan Đà cùng năm trăm đại chúng Tỳ Kheo.

Bấy giờ, có bốn vị Ðại Thanh Văn đang họp chung một nơi, bàn nhau: Chúng ta cùng xem thử trong thành La Duyệt này, có ai không tạo công đức, cúng dường Phật, Pháp và Chúng Tăng. Chúng ta hãy đến người không tin ấy khiến họ tin Như Lai, Pháp và Tăng. Ðó là các Tôn Giả Mục Kiền Liên, Tôn Giả Ca Diếp, Tôn Giả A Na Luật và Tôn Giả Tân Đầu Lô.

Bấy giờ có trưởng giả tên là Bạt Đề, nhiều tiền lắm của, không thể tính kể: Vàng, trân bảo, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách, voi, ngựa, xe cộ, nô tỳ, đầy tớ, đều đầy đủ, nhưng lại xan tham không chịu bố thí.

Không có một chút thiện cảm đối với Phật, Pháp, Tăng, không hề tin tưởng, nên ông ta đã hết phước lại chẳng tạo phước mới.

Ông hằng ôm tà kiến cho là không thí, không phước, cũng không có người thọ, cũng không quả báo thiện ác đời này, đời sau, cũng không có cha mẹ và người đắc A La Hán, cũng lại không có người thủ chứng.

Nhà trưởng giả ấy có bảy lớp cửa, mỗi cửa đều có người giữ, không để cho ăn mày đến cửa. Ông lại lấy lồng sắt vây chụp trong sân sợ chim bay đến trong sân.

Trưởng giả có người chị tên là Nan Đà cũng xan tham không chịu bố thí, không trồng cội công đức, đã hết phước cũ mà không tạo thêm phước mới.

Bà cũng ôm tà kiến cho là không thí, không phước cũng không người thọ, cũng không có quả báo thiện ác đời này, đời sau, cũng không cha mẹ, không người đắc A La Hán, cũng không có người thủ chứng.

Cửa nhà Nan Đà cũng có bảy lớp, cũng có người giữ cửa chẳng để người đến xin ăn. Bà cũng lại lấy lồng sắt chụp lên sân, không cho chim bay vào nhà.

Các Tôn Giả bàn với nhau: Chúng ta hôm nay có thể khiến cho Nan Đà dốc lòng tin Phật, Pháp, Tăng. Bấy giờ, sáng sớm trưởng giả Bạt Đề ngồi ăn bánh. Tôn Giả A Na Luật đến giờ, đắp y ôm bát từ dưới đất nhà trưởng giả đứng lên, đưa bát cho trưởng giả. Trưởng giả hết sức sầu lo, đưa một chút bánh cho A Na Luật. Ngài A Na Luật được bánh rồi liền trở về chỗ mình.

Trưởng giả nổi cơn giận dữ bảo các người gác cửa: Ta ra lệnh không cho người vào cửa.

Tại sao lại cho người vào?

Người gác cửa đáp: Cửa nẻo chắc chắn, không biết Đạo Sĩ này từ đâu đến. Trưởng giả im lặng không nói. Ăn bánh xong, trưởng giả lại ăn tiếp thịt, cá.

Tôn Giả Ðại Ca Diếp đắp y ôm bát đến nhà trưởng giả, từ dưới đất đứng lên, đưa bát về phía trưởng giả. trưởng giả hết sức buồn bực, đem một chút thịt cá cho Ngài. Ngài Ca Diếp được thịt liền biến mất, trở về chỗ mình. trưởng giả càng thêm sân giận, bảo người gác cửa. Trước ta đã ra lệnh không cho người vào nhà.

Cớ sao lại để hai Sa Môn vào nhà khất thực?

Người gác cửa đáp: Chúng tôi không thấy Sa Môn này vào từ đâu!

Trưởng giả nói: Sa Môn trọc đầu này khéo dùng huyễn thuật cuống hoặc người đời, chẳng có hạnh chân chánh. Bấy giờ vợ trưởng giả ngồi cách đó không xa. Người vợ này là em của trưởng giả Chất Đa, được cưới từ núi Ma Sư về.

Người vợ bảo trưởng giả: Nên giữ miệng mồm. Chớ nói rằng Sa Môn học huyễn thuật.

Vì sao?

Các Sa Môn này có đại oai thần. Sở dĩ họ đến nhà trưởng giả là có nhiều ích lợi cho ông.

Trưởng giả!

Ông có biết vị Tỳ Kheo đến trước chăng?

Trưởng giả đáp: Tôi không biết.

Người vợ nói: Trưởng giả có nghe con trai Vua Hộc Tịnh nước Ca Tỳ La Vệ tên A Na Luật, ngay khi sanh, mặt đất chấn động sáu lần.

Chung quanh nhà trong một do tuần, các kho tàng tự nhiên hiện ra chăng?

Trưởng giả đáp: Tôi nghe có A Na Luật nhưng không thấy.

Người vợ bảo trưởng giả: Vị hào tộc này đã bỏ nhà xuất gia học đạo, tu phạm hạnh, đắc đạo A La Hán, là vị Thiên nhãn đệ nhất không ai hơn được.

Và Như Lai cũng nói: Trong hàng đệ tử của ta, thiên nhãn bậc nhất là Tỳ Kheo A Na Luật.

Kế đó, ông có biết vị Tỳ Kheo thứ hai vào đây khất thực chăng?

Trưởng giả đáp: Tôi không biết.

Người vợ nói: Trưởng giả có nghe trong thành La Duyệt này có Đại Phạm Chí tên Ca Tỳ La, lắm tiền nhiều của không thể tính kể, có chín trăm chín mươi chín trâu cày ruộng không?

Trưởng giả đáp: Tôi có thấy Phạm Chí này.

Người vợ nói: Trưởng giả!

Ông có nghe con của Phạm Chí này tên là Tỷ Ba La Da Đàn Na, thân màu vàng, vợ tên là Bà Đà, là vị thù thắng trong hàng nữ lưu.

Nếu đem vàng tử ma đến trước cô ấy thì như đem đen mà so với trắng không?

Trưởng giả đáp: Tôi nghe Phạm Chí này có con tên là Tỷ Ba La Da Đàn Na, nhưng không thấy.

Người vợ nói: Chính là vị Tỳ Kheo đến sau vừa rồi đó. Ông ta đã bỏ báu ngọc nữ này, xuất gia học đạo, nay đắc A La Hán, hằng hành hạnh Đầu Đà. Người có đầy đủ các pháp theo hạnh Đầu Đà không ai hơn Tôn Giả Ca Diếp.

Thế Tôn cũng nói: Trong hàng đệ tử của ta, Tỳ Kheo hành Đầu Đà đệ nhất là Ðại Ca Diếp. Nay trưởng giả chóng được lợi lành, mới khiến các vị Hiền Thánh đến đây khất thực. Tôi đã quán nghĩa này nên nói ông khéo giữ miệng, chớ phỉ báng Bậc Hiền Thánh, bảo họ là tạo huyễn thuật.

Ðệ tử của Đức Thích Ca đều có thần đức, nên tôi nói lời này. 

Bấy giờ, Tôn Giả Mục Kiền Liên đắp y ôm bát bay lên hư không đến nhà trưởng giả phá lồng sắt sụp xuống, rồi ngồi kiết già trong hư không.

Trưởng giả Bạt Đề thấy Tôn Giả Mục Kiền Liên ngồi trong hư không liền sợ hãi nói: Ngài là Trời chăng?

Tôn Giả Mục Kiền Liên đáp: Tôi không phải là Trời.

Trưởng giả hỏi: Ngài là Càn Thát Bà chăng?

Tôn Giả Mục Kiền Liên đáp: Tôi không phải là Càn Thát Bà.

Trưởng giả hỏi: Ông là quỷ chăng?

Tôn Giả Mục Kiền Liên đáp.

Tôi không phải quỷ.

Trưởng giả hỏi: Ông là quỷ La Sát ăn thịt người chăng?

Tôn Giả Mục Kiền Liên nói: Tôi cũng chẳng phải quỷ La Sát ăn thịt người.

Trưởng giả Bạt Đề liền nói kệ:

 Là Trời, Càn Thát Bà

La Sát, quỷ thần chăng?

Lại nói không phải Trời,

Hay La Sát, quỷ thần,

Chẳng giống Càn Thát Bà,

Du hành trong khu vực,

Vậy ông tên là gì?

Nay tôi muốn được biết.

Bấy giờ Tôn Giả Mục Kiền Liên dùng kệ đáp:

Chẳng Trời, Càn Thát Bà,

Chẳng loài quỷ La Sát,

Ba đời được giải thoát,

Nay ta là thân người.

Có thể hàng phục ma,

Thành tựu đạo vô thượng,

Thầy ta tên Thích Ca,

Ta tên Mục Kiền Liên.

Trưởng giả Bạt Đề nói với Tôn Giả Mục Kiền Liên rằng: Tỳ Kheo có điều gì dạy bảo tôi?

Tôn Giả Mục Kiền Liên đáp: Nay ta muốn thuyết pháp cho ông, hãy khéo nghĩ nhớ!

Tôn Giả lại nghĩ: Các Đạo Sĩ này suốt đời để ý uống ăn. Nay muốn luận bàn, chính là luận bàn về ăn uống.

Nếu theo ta đòi ăn, ta sẽ nói không!

Rồi ông lại nghĩ: Nay ta hãy nghe người này nói ít nhiều.

Bấy giờ Tôn Giả Mục Kiền Liên biết tâm niệm của trưởng giả, liền nói kệ:

Như Lai thuyết hai thí,

Pháp thí và tài thí,

Nay sẽ thuyết pháp thí,

Chuyên tâm nhất ý nghe!

Trưởng giả nghe thuyết pháp thí, trong lòng hoan hỉ và thưa với Tôn Giả Mục Liên: Mong Ngài diễn thuyết cho, tôi nghe rồi sẽ biết.

Tôn Giả Mục Liên nói: Trưởng giả nên biết!

Như Lai thuyết năm đại thí, nên nhớ tu hành suốt đời.

Trưởng giả lại nghĩ: Vừa rồi Tôn Giả Mục Liên muốn thuyết pháp thí. Nay lại nói có năm đại thí.

Tôn Giả Mục Liên biết tâm trưởng giả, nên lại nói với trưởng giả: Như Lai nói có hai đại thí là pháp thí và tài thí. Nay tôi sẽ thuyết pháp thí, không thuyết tài thí.

Trưởng giả nói: Cái gì là năm đại thí?

Tôn Giả Mục Liên đáp: Không được sát sanh, đây gọi là đại thí, trưởng giả nên suốt đời tu hành. Không trộm cắp, đây gọi là đại thí, nên suốt đời tu hành. Không dâm, không nói dối, không uống rượu, nên suốt đời tu hành. Ðó là, này trưởng giả, năm đại thí, nên nhớ tu hành.

Trưởng giả Bạt Đề nghe lời này rồi, hết sức hoan hỉ, nghĩ: Phật Thích Ca Văn thuyết pháp rất vi diệu. Nay chỗ diễn thuyết chẳng cần đến bảo vật. Như ngày nay, ta chẳng kham sát sanh. Ðiều này ta có thể vâng làm được.

Hơn nữa, của cải nhà ta rất nhiều, ta trọn không trộm cắp. Ðây cũng là việc ta làm. Lại, đàn bà trong nhà ta rất đẹp, ta trọn chẳng dâm vợ người khác. Ðó là việc ta làm.

Lại, ta không ưa người nói láo, huống là chính mình nói láo. Ðây cũng là việc ta làm. Như ngày nay, ta chẳng nghĩ đến rượu, huống là nếm nó. Ðây cũng là việc ta làm.

Trưởng giả liền thưa với Tôn Giả Mục Liên: Năm thí này tôi có thể vâng làm.

Bấy giờ, trưởng giả thầm nghĩ: Nay ta nên mời Tôn Giả Mục Liên ăn cơm.

Trưởng giả liền ngẩng đầu lên và thưa với Tôn Giả Mục Liên: Ngài nên hạ cố xuống đây ngồi.

Tôn Giả Mục Liên theo lời, xuống ngồi. Trưởng giả Bạt Đề tự mình dọn các món ăn uống cho Tôn Giả Mục Liên, Tôn Giả Mục Liên ăn xong, uống nước.

Trưởng giả nghĩ: Ta nên đem một tấm dạ dâng ngài Mục Liên. Rồi ông vào kho chọn một tấm dạ trắng, muốn lựa cái xấu mà vớ nhằm tấm tốt.  Ông lại bỏ ra, lựa tấm khác, cũng tốt luôn, ông lại bỏ để chọn tấm khác.

Tôn Giả Mục Liên biết tâm niệm trưởng giả, liền nói kệ:

Thí cùng tâm đấu tranh,

Phước này Bậc Hiền bỏ,

Lúc cho, không đấu tranh,

Mới nên tùy tâm cho.

Bấy giờ, trưởng giả liền nghĩ: Nay Tôn Giả Mục Liên biết ý ta.

Ông liền cầm tấm dạ trắng dâng lên Tôn Giả Mục Liên.

Tôn Giả Mục Liên Chú Nguyện cho:

Quán sát thí đệ nhất,

Biết có người Hiền Thánh,

Trong thí là tối thượng

Ruộng lành sanh hoa trái.

Tôn Giả Mục Liên Chú Nguyện xong, nhận tấm dạ trắng cho trưởng giả được phước vô cùng. Trưởng giả liền ngồi một bên.

Tôn Giả Mục Liên dần dần thuyết pháp về các diệu luận cho ông. Luận nghĩa là thí luận, giới luận, luận sanh Thiên, dục là tưởng bất tịnh, xuất yếu là vui.

Chư Phật Thế Tôn thuyết pháp khổ, tập, tận, đạo. Tôn Giả Mục Liên bèn thuyết hết cho trưởng giả. Ông ở ngay trên tòa được pháp nhãn tịnh.

Như áo rất sạch dễ nhuộm màu, trưởng giả Bạt Đề này cũng lại như vậy: Ở ngay trên tòa được pháp nhãn thanh tịnh. Do đắc pháp, kiến pháp, không có hồ nghi mà thọ Ngũ Giới, ông tự quy y Phật, Pháp và Thánh Chúng.

Tôn Giả Mục Liên thấy trưởng giả đã được pháp nhãn thanh tịnh, liền nói kệ:

Như Lai chỗ thuyết Kinh,

Căn nguyên đều đầy đủ,

Nhãn tịnh, không uế bẩn,

Không nghi, không do dự.

Trưởng giả Bạt Đề thưa với Tôn Giả Mục Liên: Từ nay về sau, xin Ngài và bốn bộ chúng nhận lời thỉnh của con mãi mãi. Con sẽ cung cấp y phục, thức ăn uống, giường nệm, thuốc men trị bệnh, không có luyến tiếc. Tôn Giả Mục Liên thuyết pháp cho trưởng giả rồi, liền từ chỗ ngồi đứng lên đi.

Các Đại Thanh Văn khác như Tôn Giả Ca Diếp, Tôn Giả A Na Luật nói với Tôn Giả Tân Đầu Lô: Chúng tôi đã độ trưởng giả Bạt Đề rồi. Nay Hiền Giả hãy đến hàng phục Bà Già Nan Đà.

Tôn Giả Tân Đầu Lô đáp: Việc này rất hay. Bấy giờ Bà Già Nan Đà đang làm bánh sữa. Tôn Giả Tân Đầu Lô đến giờ, đắp y, ôm bát vào thành La Duyệt để khất thực, dần dần đến nhà Bà Già Nan Đà. Tôn Giả từ dưới đất vọt lên, đưa tay cầm bát cho Bà Già Nan Đà để khất thực.

Bà Già thấy Tôn Giả Tân Đầu Lô, hết sức giận dữ nói ác: Tỳ Kheo nên biết! Dù ông lọt mắt ra, ta trọn không cho ông thức ăn. Tôn Giả Tân Đầu Lô liền nhập tam muội cho hai mắt lọt ra ngoài.

Bà Già Nan Đà càng thêm sân giận, nói ác: Dù cho Sa Môn treo ngược trên không, ta trọn chẳng cho ông ăn. Tôn Giả Tân Đầu Lô lại dùng sức tam muội treo ngược trên không trung.

Bà Già Nan Đà càng tức giận bội phần liền nói ác: Dù cho Sa Môn toàn thân phun ra khói, ta trọn chẳng cho ông ăn. Tôn Giả Tân Đầu Lô lại dùng sức tam muội toàn thân phun khói.

Bà Già thấy rồi, sân nộ càng nhiều và nói: Dù cho Sa Môn toàn thân bốc cháy, ta trọn chẳng cho ông ăn. Tôn Giả Tân Đầu Lô liền dùng sức tam muội, khiến thân thể bốc cháy.

Bà Già thấy rồi lại nói: Dù cho Sa Môn toàn thân ra nước, ta trọn chẳng cho ông ăn. Tôn Giả Tân Đầu Lô liền lại dùng sức tam muội khiến toàn thân ra nước.

Bà Già thấy rồi lại nói: Dù cho Sa Môn chết ở trước mặt ta, ta trọn chẳng cho ông ăn. Tôn Giả Tân Đầu Lô liền nhập Diệt tận định, không còn hơi thở ra vào, chết trước mặt Bà Già.

Bà Già thấy Tôn Giả ngưng hơi thở thì sợ hãi, lông áo dựng ngược và nghĩ: Sa Môn này là con dòng họ Thích, được nhiều người biết, Quốc Vương cung kính. Nếu họ biết ông ta chết ở nhà mình, chắc chắn sợ ta không tránh khỏi gặp việc quan.

Bà bèn nói: Sa Môn sống lại đi!

Ta sẽ cho Sa Môn ăn. Tôn Giả Tân Đầu Lô liền từ tam muội dậy.

Bà Già bèn nghĩ: Bánh này lớn quá, hãy làm cái nhỏ cho ông ta. Bà lấy một chút bột làm bánh, bánh bèn phồng to.

Bà Già thấy xong lại nghĩ: Bánh này lớn quá nên làm cái nhỏ nữa. Nhưng bánh lại lớn. Hãy lấy cái bánh làm trước đem cho. Bà liền lấy cái trước. Nhưng các cái bánh lại dính vào nhau.

Bà Nan Đà bảo Tôn Giả Tân Đầu Lô: Tỳ Kheo! Ông cần ăn thì tự lấy mà ăn. Cớ sao làm phiền nhiễu nhau thế.

Tôn Giả Tân Đầu Lô đáp: Thí chủ nên biết, tôi chẳng cần ăn. Chỉ cần muốn nói với thí chủ.

Bà Già Nan Đà nói: Tỳ Kheo muốn răn dạy gì?

Ngài Tân Đầu Lô nói: Thí chủ nên biết! Nay ta đem bánh đến chỗ Thế Tôn. Nếu Thế Tôn có dạy bảo gì, chúng ta sẽ cùng vâng làm.

Bà Già Nan Đà đáp: Việc này rất phù hợp. Bà Già tự bưng bánh này theo sau Tôn Giả Tân Đầu Lô, đến chỗ Thế Tôn, đến rồi cúi lạy Phật và đứng một bên.

Bấy giờ, Tôn Giả Tân Đầu Lô Bạch Thế Tôn: Bà Nan Đà này là chị của trưởng giả Bạt Đề, tham lam, ăn một mình chẳng chịu bố thí cho người. Cúi mong Thế Tôn thuyết pháp cho bà dốc lòng tin và cởi mở.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Bà Già Nan Đà: Nay Bà hãy đưa bánh thí cho Như Lai và Tỳ Kheo Tăng. Bà Già Nan Đà lấy bánh dâng lên Thế Tôn và Tỳ Kheo Tăng khác. Bánh vẫn còn dư.

Bà Nan Đà bạch Thế Tôn: Bánh còn dư.

Thế Tôn bảo: Lại đem cho Phật và Tỳ Kheo Tăng. Bà Già Nan Đà nhận lời Phật dạy, lại đem bánh này cúng Phật và Tỳ Kheo Tăng. Sau đó lại còn dư bánh, Thế Tôn bảo Bà Già Nan Đà. Nay Bà đem bánh này cho chúng Tỳ Kheo Ni, chúng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di.

Nhưng vẫn còn dư bánh, Thế Tôn bảo: Nên đem bánh này thí cho người bần cùng. Nhưng vẫn còn dư bánh.

Thế Tôn bảo: Hãy đem bánh này bỏ nơi đất sạch hoặc để vào nước thật sạch.

Vì sao thế?

Ta trọn không thấy Sa Môn, Bà La Môn, Trời và người nào có thể tiêu được bánh này, trừ Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác.

Bà Già Nan Đà đáp: Xin vâng, Thế Tôn! Bà Nan Đà liền đem bánh này bỏ vào nước sạch, tức thời lửa bùng lên. Bà Già Nan Đà thấy xong, ôm lòng sợ hãi đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy Phật rồi ngồi một bên.

Thế Tôn dần dần thuyết pháp cho Bà. Các luận nghĩa là thí luận, giới luận, luận sanh Thiên, dục là tưởng bất tịnh, lậu là ô uế, xuất yếu là vui.

Ngài đã thấy Bà Già Nan Đà tâm khai ý mở. Chư Phật thường thuyết pháp khổ, tập, tận, ðạo. Thế Tôn đều thuyết hết cho Bà Già Nan Đà. Khi ấy, Bà Già Nan Đà ngay nơi chỗ ngồi được pháp nhãn thanh tịnh.

Ví như vải trắng dễ nhuộm màu, đây cũng như thế: Bà Già Nan Đà hết các trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Bà đã đắc pháp, thành tựu pháp, không có hồ nghi, đã hết do dự, được không chỗ sợ, phụng sự Tam Bảo, thọ trì Ngũ Giới. Bấy giờ Thế Tôn lại thuyết pháp thêm khiến bà phát tâm hoan hỉ.

Bà Già Nan Đà bạch Thế Tôn: Từ nay về sau, bốn bộ chúng hãy đến nhà con thọ thí. Từ nay trở đi, con hằng thường bố thí, tu các công đức phụng thờ các Bậc Hiền Thánh.

Thưa xong, bà đứng lên cúi lạy Phật và lui đi. Trưởng giả Bạt Đề và Bà Già Nan Đà có em tên là trưởng giả Ưu Bà Ca Ni là người mà vua A Xà Thế lúc trẻ rất yêu mến.

Bấy giờ, trưởng giả Ưu Bà Ca Ni kinh doanh ruộng nương, nghe anh là Bạt Đề và chị là Nan Đà được Như Lai giáo hóa. Nghe xong, ông vui mừng hớn hở không kềm được, trong suốt bảy ngày không ngủ nghỉ, cũng không ăn uống.

Trưởng giả làm ruộng xong trở về thành La Duyệt, giữa đường nghĩ: Nay ta hãy đến chỗ Thế Tôn trước, rồi về nhà sau. Trưởng giả đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi xuống một bên.

Trưởng giả bạch Thế Tôn: Anh Bạt Đề và chị Nan Đà của con đã được Như Lai thuyết pháp giáo hóa phải chăng?

Thế Tôn đáp: Ðúng thế, nay trưởng giả Bạt Đề và Nan Đà đã thấy Pháp Tứ Đế, tu các pháp lành.

Trưởng giả Ưu Bà Ca Ni bạch Thế Tôn: Gia đình chúng con được lợi rất lớn.

Thế Tôn bảo: Ðúng vậy, trưởng giả, như lời ông nói. Nay cha mẹ ông được lợi rất lớn, trồng phước đời sau. Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho trưởng giả. trưởng giả nghe pháp xong, đảnh lễ lui đi. Ông đến chỗ Vua A Xà Thế, ngồi xuống một bên.

Vua hỏi trưởng giả: Có phải anh chị của ông được Như Lai giáo hóa không?

Ðúng vậy, Ðại Vương!

Vua nghe lời này, vui mừng hớn hở không kềm được, liền đánh chuông trống ra lệnh trong thành: Từ nay về sau, nhà nào không thờ Phật sẽ bị nộp tiền, và phải đón rước và tiễn đưa những người thờ Phật.

Vì sao thế?

Vì đây đều là huynh đệ trong đạo pháp của ta. Bấy giờ vua A Xà Thế bày các thức ăn uống ban cho trưởng giả.

Trưởng giả nghĩ: Ta trọn không nghe Thế Tôn thuyết pháp Ưu Bà Tắc nên nhận thức ăn loại nào, nên uống nước loại nào. Nay ta nên đến chỗ Thế Tôn, trước hỏi nghĩa này, sau sẽ ăn.

Trưởng giả liền bảo một người thân cận: Ông đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy, đem lời ta bạch Thế Tôn:

Trưởng giả Ưu Bà Ca Ni bạch Thế Tôn: Phàm Pháp Hiền Giả nên trì mấy giới, lại phạm mấy giới thì chẳng phải là cư sĩ nam?

Nên ăn loại thức ăn nào?

Uống loại nước nào?

Người đó nhận lời dạy của trưởng giả, đến chỗ Thế Tôn cúi lạy Phật rồi đứng một bên.

Người đó đem tên trưởng giả bạch Thế Tôn:

Phàm Pháp cư sĩ nam nên giữ mấy giới?

Phạm mấy giới thì chẳng phải Ưu Bà Tắc?

Lại nên ăn loại thức ăn nào?

Uống loại nước nào?

Thế Tôn bảo: Nay ông nên biết!

Ăn có hai loại: Có thể thân cận và không thể thân cận.

Thế nào là hai?

Nếu thân cận lúc ăn, khởi pháp bất thiện, pháp lành bị tổn giam. Thức ăn này không thể thân cận. Nếu lúc được ăn, pháp lành tăng thêm, pháp bất thiện tôn giảm. Thức ăn này có thể thân cận.

Nước cũng có hai việc. Nếu lúc được uống, khởi pháp bất thiện, pháp lành bị tổn giảm. Ðây chẳng thể thân cận. Nếu lúc được uống, pháp bất thiện tổn giảm, pháp lành có tăng trưởng. Ðây có thể thân cận.

Phàm pháp cư sĩ, hạn chế có năm giới. Trong đó có thể giữ một giới, hai giới, ba giới, bốn giới cho đến năm giới, đều nên gìn giữ.

Phải hỏi hai ba phen, người có thể gìn giữ được mới cho gìn giữ. Nếu cư sĩ nam phạm một giới rồi thì thân hoại mạng chung, đọa trong địa ngục.

Nếu người cư sĩ lại vâng giữ một giới thì sanh vào cõi lành, lên trời, hà huống hai, ba, bốn năm. Người kia nhận lời Phật dạy rồi, đảnh lễ lui đi. Khi người ấy đi cách đó không xa.

Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Từ nay về sau, Tỳ Kheo được phép truyền ngũ giới và Tam Quy cho Ưu Bà Tắc. Nếu Tỳ Kheo lúc muốn truyền giới cho cư sĩ nữ, dạy họ để lộ cánh tay, vòng tay, chắp ngón tay, dạy xưng tên họ, quy y Phật, Pháp, Thánh Chúng ba phen.

Ðã dạy xưng tên họ quy y Phật, Pháp, Thánh Chúng, rồi lạy tự xưng: Nay con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ Kheo Tăng, Như Phật Thích Ca Văn đầu tiên có năm trăm khách buôn thọ Tam Tự Quy, suốt đời không giết, không trộm, không dâm, không dối, không uống rượu. Như trì một giới còn dư bốn giới.

Nếu thọ hai giới còn dư ba giới. Nếu thọ ba giới còn dư hai giới. Nếu thọ bốn giới còn dư một giới. Nếu thọ Năm giới sẽ là người trì đầy đủ.

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường