Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Năm Mươi - Phẩm Lễ Tam Bảo - Phần Hai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn  

PHẨM NĂM MƯƠI

PHẨM LỄ TAM BẢO  

PHẦN HAI  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Ma Kiệt, thành Mật Đề La cư ngụ phía Ðông vườn Ðại Thiên, cùng với chúng đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi người câu hội. Khi ấy, Thế Tôn sau khi thọ thực cùng với Tôn Giả A Nan đi kinh hành trong vườn.

Phật mỉm cười, A Nan nghĩ thầm: Như Lai Vô Sở Trước Ðẳng Chánh Giác không cười suông.

Nay cớ gì cười?

Ắt phải có ý, ta sẽ hỏi điều này.

A Nan chỉnh đốn y phục, quỳ gối mặt chấm đất, chắp tay hỏi Phật: Như Lai Vô sở Trước Ðẳng Chánh Giác không cười suông.

Nay cớ gì cười?

Ắt phải có ý, xin được nghe ý đó.

Phật bảo A Nan: Ta sẽ vì thầy nói. Về hiền kiếp đã qua, ban đầu ở đây có một vị Chuyển Luân Thánh Vương làm chủ bốn châu thiên hạ tên là Ðại Thiên, sống lâu không bệnh, đoan chánh dũng mãnh, dùng chánh pháp cai trị, không ép uổng nhân dân, có bảy báu tự nhiên xuất hiện.

Những gì là bảy?

Một là xe báu, hai là voi báu, ba là ngựa báu, bốn là châu báu, năm là ngọc nữ báu, sáu là chủ tạng báu, bảy là điển binh báu.

Phật bảo A Nan: Khi Vua Ðại Thiên còn thơ ấu, thời gian ấy tám vạn bốn ngàn năm, làm Thái Tử tám vạn bốn ngàn năm, lên ngôi Thánh Vương tám vạn bốn ngàn năm, lên ngôi Thánh Vương tám vạn bốn ngàn năm.

A Nan bạch Phật: Thế nào là xe báu?

Phật bảo A Nan: Vào ngày rằm Trăng tròn, Vua tắm gội sạch sẽ, cùng thể nữ lên lầu phía Ðông, nhìn hướng Ðông. Có xe nghìn căm vàng, xe cao bảy đa la, bảy nhẫn là một đa la. Ða La là cây độc diên, dùng cây này làm hạn lượng, toàn bằng vàng tử ma.

Vua thấy xe rồi, nghĩ rằng: Xe này là xe quý, xin nguyện bắt được. Nghĩ xong, xe liền đến bên tay trái Vua, rồi chuyển qua tay mặt.

Vua bảo xe ấy: Những nước chưa từng hành phục, hãy vì ta hành phục, chẳng phải đất của ta, hãy vì ta thâu nhận, hãy đúng pháp không nên phi pháp. Nói xong, xe trở lên hư không, trục xe xoay về hướng Ðông. Nhà Vua sai tả hữu chuẩn bị đủ bốn binh chúng, binh đã đủ liền đưa binh chúng theo xe trên không. Xe dẫn sang phương Ðông, qua hết các cõi nước phía Ðông. Ban đêm, Vua và binh chúng ngủ dưới xe báu.

Các Tiểu Vương nước phía Ðông đều đến triều kiến, dùng bát vàng đựng thóc bạc tiến dâng Vua, thưa rằng: Kính chào Ðại Vương! Bờ cõi Ðông này, tất cả đất đai, trân bảo, nhân dân đều là của Ðại Vương. Xin dừng xa giá tại đây, chúng tôi sẽ vâng theo Ðại Vương dạy.

Vua Ðại Thiên bảo các Tiểu Vương: Các ông muốn theo lời dạy của ta thì mỗi người nên trở về nước mình dùng thập thiện dạy dân, chớ làm ngang bướng. Vua khuyên dạy xong, xe báu liền ở trên biển, quay lại nương hư không mà đi. Trong biển tự nhiên mở đường rộng một do diên, Vua và bốn bộ binh chủng theo xe báu như trước, đi qua cõi phương Nam.

Các Tiểu Vương phương Nam cũng đến triều kiến, đều dùng bát vàng đựng thóc bạc, bát bạc đựng thóc vàng, dâng lên Nhà Vua, thưa rằng: Kính chào Ðại Vương! Cõi nước phương Nam này cùng trân bảo, nhân dân đều là của Ðại Vương. Xin dừng xa giá ở đây, chúng tôi sẽ vâng theo lệnh Ðại Vương.

Vua Ðại Thiên bảo các Tiểu Vương: Các ông muốn theo lệnh ta thì mỗi người nên trở về nước mình, đem thập thiện dạy dân, chớ làm việc phi pháp. Vua khuyên dạy xong, xe báu quay sang hướng Tây, dẫn đi về cõi phía Tây. Các Vua nước phía Tây cống hiến, thỉnh mời như ở phương Nam.

Xong, xe báu quay sang hướng Bắc, dẫn đi qua bờ cõi phía Bắc. Các Vua phía Bắc cũng đến triều kiến, nạp cống và cầu thỉnh như các pháp trước.

Ði bốn ngày hết bốn biển Diêm Phù Đề, trở về thành Mật Để La, xe dừng trước cửa cung, ở trên hư không cao bảy cây Đa La, vành xe hướng về phía Ðông, Vua liền vào Cung.

Phật bảo A Nan: Vua Ðại Thiên được xe báu như thế.

A Nan lại hỏi Đức Phật: Vua Ðại Thiên được voi báu như thế nào?

Phật đáp: Sau đó, Vua Ðại Thiên lại đến ngày rằm Trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên lầu phía Ðông, nhìn về hướng Ðông, thấy trong hư không có một voi chúa màu trắng tên Mãn Hô, từ hư không đến, thân hình đều đặn, miệng có sáu ngà, mũ vàng đội đầu, dây vàng, anh lạc, chân châu kết vòng quanh thân, hai bên hông đeo chuông vàng. Voi có sức thần, biến hình tự tại.

Vua Ðại Thiên thấy rồi, tự nghĩ rằng: Ta có thể được voi báu này chăng?

Ta sẽ khiến voi làm việc. Nghĩ xong, voi liền đứng trên hư không trước Vua.

Vua bèn sai làm năm việc, lại nghĩ: Nên thử xem voi này có thể làm được chăng?

Ngày mai, Mặt Trời lên, Vua cưỡi voi dạo khắp bốn biển, trong khoảnh khắc về lại chỗ cũ, đứng trước cửa cung, hướng về phía Ðông.

A Nan!

Vua Ðại Thiên được voi báu như thế.

A Nan hỏi Phật: Vua Ðại Thiên được ngựa báu như thế nào?

Phật bảo: Sau đó, đến ngày rằm Trăng tròn, Vua Ðại Thiên tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên lầu Tây, nhìn về phía Tây, thấy có một ngựa chúa màu xanh tên là Bà La Xá từ hư không bay đến, đi không động thân, đầu đội mão vàng, các báu anh lạc, chân châu kết quanh thân, hai bên hông đeo chuông vàng. Ngựa chúa có sức thần, biến hình tự tại.

Vua Ðại Thiên thấy rồi, tự nghĩ: Ta có thể được ngựa này cưỡi rất tốt. Vua nghĩ xong, ngựa đến trước Nhà Vua, Vua liền cưỡi ngựa muốn thử tài đó. Ngày mai, mặt Trời lên, Vua cưỡi ngựa đi về phía Ðông, trong khoảnh khắc dạo khắp bốn bể, rồi trở về nước. Ngựa đứng ở cửa cung phía Tây, hướng về Tây.

A Nan! Vua Ðại Thiên được ngựa báu như thế.

A Nan hỏi Phật: Vua Ðại Thiên được châu báu như thế nào?

Phật đáp: Sau đó, đến ngày rằm Trăng tròn, Vua Ðại Thiên tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên lầu phía Ðông, nhìn về phương Ðông, thấy có hạt thần châu. Thần châu to tròn một thước sáu tấc, có tám mặt, màu xanh lưu ly, từ hư không bay đến, cao bảy cây Đa La.

Vua thấy rồi, tự nghĩ: Ðược thần châu này để ngắm. Vua như ý nghĩ mà được thần châu. Vua muốn thử, vào nửa đêm tập hợp bốn binh chủng, đem thần châu treo ở đầu cột phướn, ra khỏi thành dạo đi.

Hạt thần châu chiếu sáng các nơi mười hai do diên, binh chủng thấy nhau như ban ngày, ánh sáng của thần châu chiếu đến đâu, nhân dân kinh ngạc thức dậy, đều nói Trời sáng. Nhà Vua về cung, dựng cây phướn trong cung, trong ngoài đều sáng như ban ngày.

A Nan! Vua Ðại Thiên được châu báu như thế.

A Nan bạch Phật: Vua Ðại Thiên được ngọc nữ báu như thế nào?

Phật bảo A Nan: Nhà Vua đến ngày rằm Trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên lầu Ðông, nhìn về hướng Ðông, thấy bảo nữ không ai bì, nghiêm trang thù diệu, không cao không thấp, không mập không ốm.

Không trắng không đen, mùa đông thân ấm, mùa hạ thân mát, từ lỗ chân lông tiết ra mùi hương chiên đàn, miệng có mùi thơm hoa sen xanh, cũng không có các trạng thái xấu ác của người nữ, tánh tình ôn hòa, ý tùy thuận trước, từ hư không đến chỗ Vua.

A Nan! Vua Ðại Thiên được ngọc nữ báu như thế.

A Nan bạch Phật: Vua Ðại Thiên được chủ tạng báu như thế nào?

Phật đáp: Vua Ðại Thiên Đến ngày rằm Trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên lầu phía Bắc, nhìn về hướng Bắc, thấy Đại Thần chủ tạng tên A La Tra Chi, tướng đoan chánh thù diệu, không cao không thấp, không mập không gầy, thân sắc vàng, tóc màu xanh, mắt đen trắng phân minh.

Chủ tạng lại có thể thấy được các kho bảy báu nằm dưới đất, có chủ thì giữ gìn, không chủ trì đem dâng Vua sử dụng, thông minh trí tuệ, giỏi các mưu lược.

Đại Thần từ hư không bay đến trước Vua, tâu rằng: Từ này về sau, Nhà Vua có thể tự vui thích chớ lo buồn. Tôi sẽ cung cấp tài bảo cho Ðại Vương không để thiếu. Vua muốn thử Đại Thần chủ tạng, bèn cùng dong thuyền ra biển.

Vua bảo: Ta muốn được vàng bạc châu báu.

Tạng thần tâu: Xin trở lại bờ, hạ thần sẽ dâng tài bảo.

Vua nói: Ta muốn được chân báu dưới nước, không cần trên bờ. Thần chủ tạng bèn đứng dậy sửa y phục, quỳ gối hữu, chắp tay làm lễ nước, trong nước liền tự nhiên xuất hiện vàng khối to như bánh xe, chốc lát đầy thuyền.

Vua bảo: Hãy dừng! Chớ chất thêm vàng, thuyền sắp đắm.

A Nan! Vua Ðại Thiên được Đại Thần chủ tạng như thế.

A Nan bạch Phật: Vua Ðại Thiên được điển binh báu như thế nào?

Phật bảo: Nhà Vua đến ngày rằm Trăng tròn, lại tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên lầu phía Nam, thấy có Ðại Tướng quân tên Tỷ Tỳ Na, đoan chánh tướng hảo, tóc màu trân châu, thân thể màu lục, không cao không thấp, không mập không gầy, mắt có thể nhìn thấu tâm niệm người khác, biết việc quân binh, quyền biến, mưu chước, tiến lui đúng thời.

Ðại Tướng nương hư không bay đến trước Vua, tâu rằng: Cúi xin Ðại Vương tự ý vui thích, chớ lo thiên hạ, việc chinh phạt bốn phương thần tự điều khiển. Nhà Vua muốn thử tài, vào giữa đêm suy nghĩ muốn tập họp bốn bộ binh chủng, nghĩ vừa dứt bốn binh đã tập họp. Nhà Vua lại nghĩ tiến binh về phía Ðông, quân liền tiến về Ðông.

Nhà Vua ở giữa, Ðại Tướng đi đầu, bốn binh vây quanh. Vua nghĩ muốn tiến thì quân tiến, muốn lùi thì quân lùi.

A Nan! Vua Ðại Thiên được điển binh báu như thế.

Phật bảo A Nan: Vua Ðại Thiên được bảy báu như thế.

Phật lại bảo A Nan: Vua Ðại Thiên cai trị rất lâu, bèn bảo thợ hớt tóc tên Kiếp Tỷ rằng: Nếu ta có tóc bạc, nên nhổ và báo cho ta biết. Kiếp Tỷ chăm sóc tóc cho Vua.

Lâu sau, thấy có một sợi tóc bạc, bèn tâu: Trước Ðại Vương có lệnh, nay thấy tóc bạc!

Vua bảo: Nhổ đưa ta xem. Kiếp Tỷ dùng nhíp vàng nhổ tóc bạc, để vào tay Vua.

Vua cầm tóc bạc, bèn nói kệ:

Trên đầu của ta,

Sinh tóc bạc này,

Sứ thần đến gọi,

Ðến thời vào đạo.

Vua suy nghĩ: Ta đã hưởng ngũ dục tột độ trong loài người, nay nên xuất gia, cạo bộ râu tóc, mặc pháp phục.

Bèn gọi Thái Tử Trường Sanh đến, bảo: Này con! Ðầu ta đã sanh tóc bạc. ta đã chán ngủ dục thế gian, muốn tìm vui Cõi Trời. Nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục xuất gia học đạo.

Con nên lãnh việc nước, lập con lớn làm Thái Tử. Nên cấp dưỡng cho Kiếp Tỷ coi việc tóc bạc, khi tóc bạc xuất hiện, trao nước cho Thái Tử rồi như ta cạo râu tóc xuất gia, mặc pháp phục.

Nhà Vua bảo Thái Tử: Nay ta đem ngôi Vua ân cần trao cho con, nên làm cho Thánh vị tiếp nối đời đời chớ để dứt mất. Nếu dứt đoạn sẽ bị làm người ở biên địa. Nếu đoạn mất hạnh lành, liền sanh chỗ không có pháp. Vua Ðại Thiên dạy xong, liền trao nước cho Thái Tử Trường Sanh, ban cho Kiếp Tỷ ruộng đất.

Phật bảo A Nan: Vua Ðại Thiên ở thành này, nước này, đất này, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục vào đạo, ở cõi này thực hành bốn phạm hạnh từ, bi, hỷ, xả, trải qua tám vạn bốn ngàn năm, ở đây mạng chung sanh về Tam Thiên Đại Thiên. Vua Ðại Thiên xuất gia, bảy ngày.

Sau ngọc nữ báu mệnh chung. Trường Sanh lên ngôi, đến ngày rằm Trăng tròn, tắm gội sạch sẽ, đem các thể nữ lên lầu phía Ðông, nhìn về phương Ðông, thấy ngọc nữ đoan chánh như trước, từ hư không đến. Vua Trường Sanh lại được bảy thứ báu.

Vua trị vì nước, cai quản thiên hạ, sau lại bảo Kiếp Tỷ: Từ nay về sau chăm sóc trên đầu, thấy tóc bạc thì đem báo cho ta. Nhà Vua lên ngôi trải qua tám vạn bốn ngàn năm.

Tóc Vua bạc, thợ hớt tóc Kiếp Tỷ tâu Vua: Ðã có tóc bạc.

Vua bảo: Nhổ đem đến để trên tay ta.

Thợ hớt tóc Kiếp Tỷ dùng nhíp vàng nhổ tóc bạc để lên tay Vua.

Vua cầm tóc bạc nói kệ:

Trên đầu của ta,

Sinh tóc bạc này,

Sứ thần đến gọi,

Ðến thời vào đạo.

Vua tự nghĩ: Ta đã hưởng ngũ dục tột đỉnh. Nay nên xuất gia, cạo râu tóc, mặc pháp phục.

Vua liền gọi Thái Tử Quán Cát bảo: Này con, đầu ta đã có tóc bạc. Ta đã chán ngũ dục thế gian, muốn cầu thú vui Cõi Trời. Nay ta muốn xuất gia hành đạo, cạo bỏ râu tóc mặc pháp phục. Con nên lãnh việc nước, lập con trưởng làm Thái Tử, chu cấp cho Kiếp Tỷ khiến coi việc tóc bạc. Khi tóc xuất hiện, con nên giao việc nước cho Thái Tử, xuất gia như ta, cạo bỏ râu tóc mặc pháp phục.

Vua bảo Thái Tử: Nay ta đem ngôi vị ân cần trao cho con. Nên làm cho ngôi Thánh Vương đời đời tiếp nối, chớ để đoạn dứt. Nếu đoạn dứt sẽ bị làm người ở biên địa. Nếu dứt hạnh lành phải sanh nơi không có pháp. Vua Trường Sanh cũng ở thành này, nước này, đất này, cạo bỏ râu tóc mặc pháp y nhập đạo.

Ở đây trải qua tám vạn bốn ngàn năm, Vua thực hành bốn phạm hạnh từ, bi, hỷ, xả. Ở đây mệnh chung, Vua sanh lên Tam Thiên Đại Thiên.

Phật bảo A Nan: Vua Trường Sanh xuất gia, bảy ngày sau, bảy báu tự nhiên biến mất.

Vua Quán Cát lo buồn không vui, các Đại Thần thấy Vua chẳng vui, bèn hỏi thăm: Ðại Vương vì sao không vui?

Vua đáp: Vì bảy báu biến mất.

Các Đại Thần tâu: Xin Ðại Vương chớ lo.

Vua hỏi: Vì sao không lo?

Vua hỏi: Vì sao không lo?

Các Đại Thần tâu: Tiên Vương đang tu phạm hạnh trong vườn gần đây, có thể đến đó thỉnh vấn, chắc Ngài sẽ dạy Ðại Vương pháp được bảy báu.

Nhà Vua ra lệnh trang hoàng xa giá, các Đại Thần chuẩn bị bị xong, liền tâu Vua. Vua cùng Quần Thần cưỡi xe thất bảo, mang năm vật: Cờ lọng, mũ Vua, kiếm, quạt, giày cùng các Đại Thần tả hửu tùy tùng đến vườn.

Ðến nơi, Vua xuống xe, bỏ năm vật nghiêm sức, đi bộ vào cửa vườn, đến trước Phụ Vương, cúi lạy lui ngồi một bên, chấp tay thưa: Phụ Vương có bảy báu, nay đều đã biến mất.

Vua cha trước đã ngồi yên, nghe thưa, ngẩng đầu đáp: Này con! Phàm pháp của Thánh Vương không ỷ lại vào vật của cha. Con tự thực hành cách để cầu được các món ấy.

Vua lại hỏi: Chuyển Luân Thánh Vương dùng pháp hóa gì?

Vua cha đáp: Pháp kính, pháp trọng, pháp nghĩ nhớ, pháp nuôi dưỡng, pháp làm tăng trưởng, pháp làm giàu mạnh, pháp làm lớn rộng. Làm theo bảy pháp này chính là cách trị dân của Thánh Vương, có thể được bảy báu.

Vua lại hỏi: Thế nào là pháp kính? Cho đến pháp lớn?

Phụ Vương đáp: Nên chu cấp cho người bần cùng, dạy dân chúng hiếu dưỡng song thân, bốn mùa tám tiết tùy thời tế lễ, dạy dân nhẫn nhục, trừ bỏ hạnh dâm dục, ngu si v.v… bảy pháp này chính là pháp của Thánh Vương.

Vua liền nghe lời dạy, lễ bái xin lui, nhiễu quanh bảy vòng rồi dẫn chúng trở về. Khi ấy Vua vâng lệnh Phụ Vương làm theo bảy pháp, khiến cho xa gần đều tôn trọng lời Vua dạy.

Vua mở kho cấp dưỡng người nghèo, nuôi kẻ cô độc, già nua. Dân chúng bốn phương đều vâng làm theo. Khi ấy, vào ngày rằm Trăng tròn, Vua tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên lầu phía Ðông, nhìn về hướng Ðông, thấy có xe báu ngàn căm vàng, xe cao bảy đa la, cách đất cũng bảy đa la, từ hư không bay đến dừng trên hư không.

Vua tự nghĩ: Nguyện được xe báu này chăng?

Xe báu liền hạ xuống bên tay trái Vua, lại chuyển sang tay mặt.

Vua bảo xe báu ấy: Các nơi không hàng phục, hãy vì ta hàng phục, nơi chẳng phải đất ta, hãy vì ta giữ lấy. Nên đúng pháp, không nên phi pháp. Vua liền dùng tay ném xe lên hư không trước cửa cung phía Ðông. Xe trụ trên hư không hướng về phía Ðông.

Sau xe báu, kế đến là voi trắng, tiếp theo có ngựa xanh, thần châu, ngọc nữ, chủ tạng báu, điển binh báu, bảy vật báu xuất hiện như thời Vua Ðại Thiên, thử thách cũng thế.

Trải qua tám vạn bốn ngàn năm, Vua cũng lập Thái Tử, tặng thưởng cho Kiếp Tỷ, giao nước cho Thái Tử, xuất gia học đạo đều như pháp của Vua trước.

Phật bảo A Nan: Vua Quán Sát ấy ở tại thành này, vườn này, cạo tóc, pháp phục, trải qua tám vạn bốn ngàn năm tu bốn phạm hạnh từ, bi, hỷ, xả. Ở đây mạng chung, Vua cũng sanh lên Tam Thiên Đại Thiên.

Phật bảo A Nan: Vua Ðại Thiên và con cháu nối tiếp nhau cho đến tám vạn bốn ngàn Triều Đại làm Chuyển Luân Thánh Vương, dòng dõi lành không dứt đoạn.

Vị Thánh Vương sau cùng tên Nhâm, dùng chánh pháp cai trị, là người thông minh, nhớ kỹ không quên, có ba mươi hai tướng tốt, sắc như hoa sen hồng, ưa thích bố thí, cúng dường Sa Môn, Bà La Môn, săn sóc nuôi dưỡng người già, cô độc, chu cấp người nghèo.

Ở bốn cửa thành và trung tâm thành, Vua đều dựng kho lẫm, chứa vàng bạc, châu báu, voi ngựa, xe cộ, y phục, giường chiếu, hương hoa, thức ăn uống, thuốc men, người cô độc thì cấp cho thê thiếp, bố thí các thứ tùy ý người muốn.

Trong những ngày lục trai, Vua ra lệnh nội cung, ngoại cung đều giữ giới bát quan trai. Vào ngày ấy, chư Tiên Cõi Trời Tịnh Cư đều cùng xuống thọ giới.

Trời Đế Thích, Ba mươi ba cũng khen ngợi nhân dân nước ấy: Vui thay!

Lợi lành mới gặp bậc Pháp Vương như thế, bố thí các thứ theo nhu cầu nhân dân, lại hay trai giới thanh khiết không thiếu sót.

Trời Đế Thích bảo Chư Thiên Tử: Muốn được gặp Vua Nhâm chăng?

Chư Thiên đều nói: Muốn gặp, có thể mời lên đây.

Thích Đề Hoàn Nhân liền sai Thiên Nữ Cùng Tỷ Ni:

Ngươi đến thành Mật Để La báo Nhâm Vương rằng: Ðại Vương được lợi ích lớn!

Chư Thiên ở đây đều khen ngợi công đức cao tột của Ðại Vương, bảo tôi đến thăm hỏi khuyên mời. Chư Thiên đều muốn được gặp, xin vui lòng đến đó.

Thiên Nữ Cùng Tỷ Ni vâng lời bay xuống, trong khoảng co duỗi tay, hốt nhiên hiện trên hư không trước Cung Vua. Lúc ấy Nhà Vua đang ngồi tư duy trong điện, có một thể nữ hầu.

Vua suy nghĩ: Thế gian đều muốn gọi an ổn, không có khổ hoạn.

Cùng Tỷ Ni ở trên hư không búng ngón tay để kêu, Vua ngẩng đầu lên, thấy trên cung điện có ánh sáng, nghe tiếng bảo rằng: Ta là thị giả của Thích Đề Hoàn Nhân. Thiên Đế sai ta đến chỗ Ðại Vương.

Vua đáp: Không biết Thiên Đế có điều gì dạy bảo?

Thiên Nữ nói: Ý của Thiên Đế ân cần, Chư Thiên khen ngợi công đức của Nhà Vua, muốn được gặp.

Ðại Vương có vui lòng?

Vua im lặng hứa nhận.

Thiên Nữ liền trở về thưa Thiên Đế: Ðã truyền lệnh xong, Vua hứa sẽ đến. Thiên Đế liền ra lệnh cho người đánh xe, trang nghiêm xe Thất Bảo, cưỡi xe ngựa bay xuống thành Mật Để La đón Vua Nhâm.

Người đánh xe vâng lệnh, liền cho xe ngựa hốt nhiên bay xuống thành. Vua đang ngồi họp cùng quần thần, xe dừng trước điện Vua, trụ trên hư không.

Người đánh xe kêu: Nay Thiên Đế đưa xe xuống đón, các Thiên Tử cũng đang đợi, Ðại Vương nên lên xe, chớ lưu luyến.

Các quan lớn nhỏ nghe Vua sắp đi, tỏ vẻ không vui, đều đứng dậy chấp tay thưa: Sau khi Ðại Vương đi, chúng hạ thần vâng lệnh ai?

Vua đáp: Các khanh chớ lo, sau khi ta đi nên bố thí, Trai giới, cấp dưỡng dân chúng, trị quốc như lúc ta đang thời. ta sẽ về không lâu. Vua ra lệnh xong, xe liền hạ xuống đất.

Vua lên xe, người đánh xe hỏi: Vua sẽ đi theo đường nào?

Vua hỏi: Lời này là thế nào?

Người đánh xe đáp: Có hai đường đi, một là đường ác, hai là đường lành. Người làm ác từ đường ác đến chỗ khổ, người làm lành dạo chơi đường lành đến chỗ vui.

Vua nói: Nay tôi muốn đi cả hai đường ác và lành.

Người đánh xe nghe hồi lâu mới hiểu nói: Rất lành! Ðại Vương! Người đánh xe bèn đưa Vua đi cà hai đường, thấy đủ thiện ác, đến Trời Ba Mươi Ba.

Thiên Đế và Chư Thiên Xa thấy Vua đến, Thích Đề Hoàn Nhân nói: Kính chào Ðại Vương! Mời cùng ngồi.

Phật bảo A Nan: Vua bèn ngồi trên tòa Thiên Đế. Vua cùng Thiên Đế dung mạo tương tợ, y phục tiếng nói như nhau.

Các Thiên Tử nghĩ thầm: Ai là Thiên Đế?

Ai là Vua?

Lại nghĩ: Người và pháp phải tuân theo mà đều chẳng tuân theo. Chư Thiên đều ngạc nhiên không phân biệt được.

Thiên Đế thấy Chư Thiên có tâm nghi, bèn nghĩ: Ta sẽ mời Nhà Vua ở lại, sau mới làm sáng tỏ.

Thiên Đế bảo Chư Thiên: Các ông có muốn ta lưu Nhà Vua ở lại đây chăng?

Chư Thiên thưa: Thật muốn mời ở lại.

Thiên Đế bảo Vua Nhâm: Ðại Vương! Có thể ở đây chăng?

Tôi sẽ cung cấp ngũ dục.

Nhân đó Chư Thiên mới biết.

Vua thưa Thiên Đế: Thưa, tôi không thể!

Thiên Đế bèn cấp tặng, xong Vua thưa: Nguyện cho Chư Thiên thọ mạng vô tận. Chủ khách thỉnh nhượng như thế ba lần.

Thiên Đế hỏi Vua: Sao không ở lại?

Vua thưa: Tôi phải xuất gia tu đạo, nay ở Cõi Trời không có duyên học đạo.

Thiên Đế hỏi: Tại sao lại học đạo?

Vua đáp: Phụ Vương tôi dặn dò, nếu có tóc bạc nên xuất gia. Ðế Thích nghe nói lời di mệnh nhập đạo, im lặng không đáp. Vua ở Cõi Trời, trong khoảng khắc ngũ dục tự vui, mà ở thế gian đã trải qua mười hai năm. Vua muốn cáo biệt, bèn cùng các Thiên Tử nói pháp chân thật.

Thiên Đế dạy người đánh xe: Ông đưa Vua Nhâm trở về nước.

Người đánh xe vâng lời liền trang hoàng xe, chuẩn bị xong, thưa Nhà Vua: Ðại Vương có thể lên xe. Nhà Vua bèn từ biệt Thiên Đế và Chư Thiên rồi lên xe, theo đường cũ mà về. Ðến thành Mật Để La, người đánh xe liền trở về Trời.

Vua trở về vài hôm, Vua bảo Kiếp Tỷ: Nếu thấy có tóc bạc, nên báo cho ta.

Trong vài ngày, trên đầu Vua có tóc bạc, Kiếp Tỷ dùng nhíp vàng nhổ tóc bạc, để trên tay Vua, Vua thấy rồi bèn nói kệ:

Trên đầu của ta,

Sinh tóc bạc này,

Sứ thần đến gọi,

Ðến thời vào đạo.

Vua nghĩ: ta đã hưởng ngũ dục tột đỉnh, nay nên xuất gia, cạo tóc, mặc pháp phục.

Vua bèn gọi Thái Tử Thiện Tận bảo: Ta đã có tóc bạc, ta đã chán ngũ dục thế gian, nên tìm vui Cõi Trời, nên cạo bỏ tâu tóc, mặc pháp phục, xuất gia học đạo. Nay ta đem việc nước giao cho con, chu cấp cho Kiếp Tỷ. Nếu khi có tóc bạc, con nên đem việc nước giao cho Thái Tử rồi xuất gia học đạo.

Này Con! Nay ta đem ngôi vị Thánh Vương trao cho con, chớ để đoạn dứt. Nếu đoạn dứt thì sẽ bị làm người ở biên địa.

Phật bảo A Nan: Vua Nhâm bèn đem việc nước trao cho thái tử, chu cấp ruộng đất cho Kiếp Tỷ, rồi ở nơi thành này xuống tóc, mặc pháp phục, xuất gia tu đạo.

Sau khi Vua tu đạo, trong bảy ngày xe báu, châu báu biến mất, voi, ngựa, ngọc nữ, điển binh, chủ tạng thảy đều không còn. Nhà Vua ở trong vườn tám vạn bốn ngàn năm, hành bốn phạm hạnh từ, bi, hỷ, xả, sau khi mệnh chung, sanh lên Tam Thiên Đại Thiên.

Sau đó Vua Thiện Tận không theo nghiệp cha, bỏ phế chánh pháp.

Do đó bảy món báu không ứng hiện lại, không tiếp tục hạnh lành nên có năm điều tổn giảm: Tuổi thọ dân chúng ngắn, sắc suy, lực kém, nhiều bệnh, không trí tuệ. Năm điều tổn giảm này đã có lại rồi chuyển thêm sang bần khốn.

Do cùng khổ nên trộm cướp lẫn nhau, người ta đến Vua thưa kiện: Người này trộm cắp! Vua liền ra lệnh hành hình người trong nước. Nghe tội trộm cắp, Vua liền đem giết, vì chứa điều ác nên có đao bén. Ðao gươm từ đó bắt đầu chế tạo, do đây sát sanh khởi lên, đó là hai điều ác trộm, sát xuất hiện.

Kế lại dâm phạm vợ người, tranh cải với chồng người ấy, tự nói: Tôi không có! Bèn thành ra bốn điều ác đạo, sát, dâm, vọng. Nói đôi chiều gây nên đấu tranh là năm điều ác. Do gây gổ nên có chửi bới là sáu điều ác. Lời nói không thật là bảy điều ác.

Ganh ghét sự hòa hợp của người là tám điều ác. Giận hờn đổi sắc là chín điều ác. Lòng nghi loạn là mười điều ác. Mười điều ác đã đủ thì sự tổn giảm càng tăng.

Phật bảo A Nan: Muốn biết Vua Ðại Thiên lúc đó ở vào hiền kiếp ban đầu là ai chăng?

Chính là ta vậy!

A Nan! Vua sau cùng của tám vạn bốn ngàn triều Vua tên là Nhâm, trị nước đoan chánh, chính là thầy vậy. Vua sau chót tên Thiện Tận bạo nghịch vô đạo, làm đoạn dứt dòng Thánh Vương ấy, chính là Ðiều Ðạt.

A Nan! Thầy ở thời quá khứ, kế thừa sự nghiệp lành của Chuyển Luân Thánh Vương Ðại Thiên, khiến ngôi vị lưu truyền không dứt, là công đức của thầy, đúng pháp chẳng phi pháp.

A Nan! Nay ta là Pháp Vương Vô Thượng, đem pháp lành vô thượng ân cần trao phó cho thầy. Thầy là con dòng Thích, chớ làm người biên địa, chớ làm hạnh đoạn chủng.

A Nan bạch Phật: Vì cớ gì làm hạnh đoạn chủng?

Phật bảo A Nan: Vua Ðại Thiên tuy làm pháp lành nhưng chưa được lậu tận xuất thế gian, chưa được độ, chưa được đoạn dục, chưa phá hai mươi mốt kiết sử, sáu mươi kiến chưa trừ, ba cấu chưa sạch, chưa được thần thông, chưa được chân đạo giải thoát, chưa được Niết Bàn. Vua Ðại Thiên làm pháp lành, bất quá chỉ sanh lên tam thiên đại thiên.

A Nan! Nay ta nói pháp vô vi là pháp ta được đến bờ chân thật trên Cõi Trời, người. Pháp ta vô lậu, vô dục, diệt độ, thần thông, giải thoát, Sa Môn chân thật đến Niết Bàn.

A Nan! Nay ta đem đạo pháp vô thượng ân cần trao phó cho thầy, chớ làm giảm pháp của ta, chớ làm người biên địa.

A Nan! Nếu có hiện hạnh Thanh Văn. Nếu có người đoạn dứt pháp này thì đó là người biên địa. Nếu người hay làm hưng thạnh pháp này là trưởng tử Phật, tức là thành tựu quyến thuộc, chớ làm hạnh diệt dòng tộc.

A Nan! Pháp của ta đã nói ra trước sau đều giao phó cho thầy.

Thầy nên học điều này! A Nan nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường