Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc - Kinh Vua Duy Lâu Lặc
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH NGHĨA TÚC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Chi Khiêm, Đời Ngô
KINH VUA DUY LÂU LẶC
Nghe như vậy!
Đức Phật ở tại nước Xá Vệ, vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc.
Bấy giờ các người dòng tộc Thích xứ Ca Duy La Vệ vừa xây mới đại điện chưa được bao lâu, người Thích cùng bàn với nhau: Từ nay về sau đừng để Sa Môn Phạm Chí dòng họ Thích vận y quan cùng trưởng giả được vào trước trong điện này. Trước tiên phải để cho Phật, thứ đến là các vị Tỳ Kheo Tăng đi vào, các người khác đi theo sau.
Bấy giờ con Vua nước Xá Vệ là Duy Lâu Lặc có việc phải đến nước Thích, chưa đi vào thành, bèn đến nghỉ trong cung điện mới làm thành. Sáng hôm sau vào thành, việc xong bèn trở về nước.
Các người trong dòng họ Thích nghe Thái Tử Duy Lâu Lặc nghỉ tại cung điện mới, họ rất không vui, đâm ra oán ghét và lên tiếng mắng chửi: Không biết sao nay lại để cho con của kẻ hèn mọn đi vào điện trước!, rồi họ cùng đào xuống giữa điện sâu đến bảy thước xưa bỏ đi lớp đất đó, rồi lấy đất sạch khác đắp vào, lại dùng sữa bò rửa khắp điện.
Thái Tử Duy Lâu Lặc nghe các người trong dòng họ Thích nói những lời bất tịnh, ô nhục mình, đào sâu xuống bảy thước ở giữa điện rồi lấy đất mới lấp lên, lại dùng sửa bò rửa khắp điện, còn mắng chửi mình là con của kẻ hèn mọn đã làm nhơ bẩn điện mới.
Nghe xong, lòng đầy bực tức, uất hận, tự nghĩ: Ta sau này nắm việc nước phải làm cách nào để trừng trị dòng họ Thích. Không bao lâu, Vua nước Xá Vệ mất. Đại thần nghị bàn mời Thái Tử làm Vua.
Vua Duy Lâu Lặc bèn hỏi các đại thần: Có kẻ nói lời bất tịnh, làm nhục Vua, tội ấy thế nào?
Các đại thần tâu: Tội như thế là phải chết.
Vua nói: Đúng vậy. Các người trong dòng họ Thích nói lời bất tịnh, làm nhục ta. Họ là thân quyến của Đức Phật. Phật còn có ân ái trong dòng Thích, cho nên trọn không thể trị kẻ có tội.
Các hạ thần bèn nói: Phật đã lìa bỏ thế tục, không có ân ái với thân thuộc. Muốn trị tội người dòng họ Thích chẳng có gì là khó.
Vua nghe nói như vậy, bèn tuyên lệnh huy động bốn loại binh: Tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh tiến ra khỏi thành, tấn công thành Ca Duy La Vệ.
Bấy giờ là lúc Phật thọ thực. Ngài mang bình bát vào thành Xá Vệ khất thực. Khất thực xong, Đức Phật ra khỏi thành, đến dưới gốc cây ít bóng mát ngồi lại. Ngài thấy Vua dẫn binh đi trên đường lớn.
Nhà Vua nhìn thấy Đức Phật đang ngồi dưới bóng cây thưa nắng bèn bước xuống xe đến chỗ Phật, sau khi đảnh lễ bèn đứng một bên bạch
Phật: Như nay có nhiều cội đại thọ, cành lá sum suê nhiều bóng mát như là cội đại thọ tên là Ca Chiên. Ca Duy La Vệ có nhiều cây Ưu Đàm Bát, Ni Câu Loại.
Đức Phật sao chẳng ngồi đấy nhiều bóng mát, sao lại ngồi dưới cội cây Thích lá thưa, ít bóng mát?
Đức Phật bảo: Vì Ta ưa cái tên, vui thích cái bóng mát này, nên ngồi đây.
Vua nghe xong liền tự nghĩ: Như vậy Đức Phật vẫn còn có ân ái với dòng họ Thích, vẫn còn có ý trợ giúp, liền từ chỗ Phật quay lại, rút binh về nước.
Đức Phật truyền giảng đạo cho nhân dân Xá Vệ, rồi có ý muốn đến nước Ca Duy La Vệ, bèn cùng các Tỳ Kheo đến vương thổ dòng họ Thích, ở tại vườn Ni Câu Loại giảng dạy.
Không lâu sau, Vua nước Xá Vệ lại hỏi các cận thần: Nếu như có kẻ nói lời bất tịnh, làm nhục Vua, tội ấy thế nào?
Các cận thần tâu: Tội như vậy phải xử chết.
Vua lại nói: Những người dòng họ Thích làm nhục ta, họ đều là than quyến của Phật. Đức Phật vẫn đang nhớ nghĩ đến những người trong dòng họ Thích. Ta rốt cục chẳng trị họ được.
Cận thần nói: Thần đã nghe các Sa Môn nói rằng Cù Đàm đã đoạn dứt dâm dục, làm gì có ân ái với thân quyến. Vua muốn trị tội họ cũng chẳng khó chi.
Vua nghe chúng thần nói vậy bèn truyền lệnh huy động bốn loại binh, ra hiệu xuất thành đến vương thổ dòng họ Thích. Đi đến tối thì cách thành trì dòng họ Thích bốn mươi dặm, liền dừng lại nghỉ.
Các người trong dòng họ Thích nghe Vua nước Xá Vệ cử bốn loại binh tiến đánh, đã cách thành bốn mươi dặm, sợ ngày mai sẽ đến, bèn sai người phi ngựa đến chỗ Phật báo lại và xin Phật chỉ dạy phương cách.
Đức Phật bảo các Thích đóng chặt cửa thành, Vua sẽ không thắng được. Nếu bên trong mở cửa, Vua Duy Lâu Lặc sẽ chắc chắn xông vào giết các người họ Thích. Người lính nghe Phật dạy bèn lễ Phật, cỡi ngựa trở về.
Bấy giờ Hiền Giả Đại Mục Kiền Liên đang ở phía sau Phật, bèn bạch Phật: Bậc Minh Tuệ đừng vì các người trong dòng họ Thích lo buồn. Con nay muốn đem cả vương quốc họ Thích dời đến một nơi khác, hoặc sẽ dùng cái lồng sắt bao phủ lấy, như vậy tất cả thiên hạ sẽ làm gì được.
Phật bảo Đại Mục Kiền Liên: Làm như vậy thì tội ấy thế nào?
Ngài Mục Kiền Liên nói: Tuy nói tội hữu hình là như vậy nhưng con không rõ tội vô hình thì như thế nào?
Bấy giờ Đức Phật nói kệ:
Làm thiện ác, chẳng hề mất
Theo phước lạc trong u khổ
Thiện, ác hiện theo vầng dương.
Rồi cũng đến thân nhận lấy.
Vua nước Xá Vệ dùng binh trang bị quân cụ cùng nhau công phá thành tộc Thích. Họ Thích cũng cử bốn loại tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh ra thành chiến đấu cùng Vua Duy Lâu Lặc.
Người tộc Thích cũng dùng binh trang bị ứng chiến cùng quân đội Xá Vệ.
Lúc chưa giáp nhau, người tộc Thích dùng cung tên, đao sắc bén, bắn tên ngăn xe lại. Tên bắn phá càng xe, thân xe, phá hủy trục xe, thành xe, và bắn chặn người lại. Châu báu chẳng hề xúc chạm.
Vua Xá Vệ rất sợ hãi, bèn hỏi cận thần: Các người hẳn biết bọn Thích đã ra khỏi thành tử chiến, chúng ta không thắng được, chi bằng hãy sớm quay về.
Cận thần bẩm báo: Nay thần nghe bọn người họ Thích đều giữ năm giới, thảy đều trọn đời không sai phạm, chí đến mạng sống cũng chẳng dám làm thương hại, nếu gây thương hại là phạm giới. Chỉ cần Ngài tự xông lên phía trước là sẽ thắng ngay.
Vua bèn dẫn binh đột phá thẳng vào thế trận họ Thích. Bên Thích tộc thấy Vua tiến đánh rất nhanh thì rút vào thành đóng cửa lại.
Vua Xá Vệ bấy giờ sai người nói: Này các người dòng họ Thích, các anh em cô cậu cùng ta nào có thù oán gì mà chẳng mở cửa thành?
Ta chỉ muốn mượn đường chốc lát, đi vào sẽ ra ngay, không ở lại lâu.
Trong số Thích tộc, có người tin theo lời Phật, đã tu học Kinh Pháp, không nghi ngờ đạo nên bảo không nên mở cửa.
Lại có người chưa tịnh tâm quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ Kheo Tăng nên đâm ra nghi ngờ, cho rằng có thể mở thành và cùng nhau nói chuyện: Ta người không được doạ nhau mà sinh ra đối địch. Chúng ta phải bàn bạc cùng các bậc kỳ lão.
Những người không chịu bàn bạc là không muốn cho Vua kia vào thành. Kẻ bàn bạc thì muốn cho Vua vào thành. Kết quả phải tùy theo số đông mà hành động, vì số người không đồng ý ít hơn.
Mọi người đồng bảo: Nên mở cửa cho Vua vào. Người họ Thích bèn mở cửa trong. Vua Duy Lâu Lặc tiến vào thành Ca duy la vệ, liền bắt sống người dòng tộc Thích đem ra ngoài thành sát hại.
Bấy giờ Thích ma nam tâu Vua nước Xá Vệ: Xin Vua cho tôi một nguyện nhỏ.
Vua hỏi: Tướng quân muốn gì?
Tôi nguyện nay được chết dưới lòng sông, cùng lúc ấy cho các người Thích được đi ra khỏi thành.
Các đại thần tâu: Đại Vương nên theo sở nguyện của Thích ma nam, cứ cho xuống sông xem được bao lâu.
Vua bèn đồng ý theo yêu cầu đó. Thích ma nam bèn nhảy xuống đầm nước, lấy tóc quấn vào rễ cây mà chết.
Vua thấy lâu không trồi lên thì làm lạ, nên bảo người xuống xem Thích ma nam ở dưới nước làm gì.
Người ấy thấy Thích ma nam chết dưới đầm bèn trồi lên tâu Vua: Thưa Đại Vương, Thích ma nam đã quấn tóc vào rễ cây chết rồi.
Vua bèn hỏi đến những người họ Thích còn lại trong thành bị bắt giữ đã giết hết chưa.
Bọn cận thần thưa: Đã cho voi dày đạp chết cả! Vua bèn rút quân về nước.
Vào lúc quá trưa, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo đi đến chỗ giảng đường Thệ Tâm Tu Gia Lợi. Các Tỳ Kheo vâng lời Phật dạy. Đức Phật cùng chúng Tỳ Kheo đến giảng đường Thệ Tâm, đi ngang qua chỗ các người Thích chết. Trong số người bị giết ấy có người còn nói được, nhìn thấy Phật bèn cất lời than oán.
Đức Phật nghe tiếng bi ai thống khổ bèn nói với các Tỳ Kheo: Kẻ ngu si Duy Lâu Lặc gây tội không nhỏ.
Đức Phật đến giữa vùng đất của họ Thích, hóa hiện vô số sang tọa. Đức Phật cùng các Tỳ Kheo đều ngồi xuống.
Phật lại vì các người trong dòng họ Thích diễn thuyết Kinh Pháp, xong nói cùng Tỳ Kheo: Ý các ông thế nào?
Kẻ đồ tể lấy việc giết hại làm nghề nghiệp, lấy việc giếc hại làm sự sống, vậy từ nhân duyên ấy có được an vui cỡi lên voi thánh, ngựa thần, xe bảy báu không?
Các Tỳ Kheo nói thưa: Trọn không thể được.
Phật nói: Lành thay! Đúng như vậy. Ta chẳng hề thấy, chẳng hề nghe kẻ đồ tể lấy việc giết hại làm nghề nghiệp sinh sống lại được phúc lạc.
Tại sao vậy?
Vì kẻ đồ tể không có từ tâm thương cảm đối với các loài thú.
Phật lại bảo các Tỳ Kheo: Ý các ông thế nào?
Kẻ săn bắt cá cùng kẻ giết bò, lấy đó làm nghề nghiệp, lấy đó để sinh sống.
Vậy có được cỡi lên voi thần, ngựa thánh, xe báu, có được phúc lạc không?
Các Tỳ Kheo đáp: Trọn không thể được.
Phật bảo: Lành thay! Ta cũng chẳng hề nghe, chẳng hề thấy kẻ nào săn bắt cá, giết bò làm nghề nghiệp sinh sống mà được phúc lạc.
Tại sao vậy?
Bọn họ đã không còn lòng thương xót, không có từ tâm đối với loài thú, cho nên làm sao được phúc lạc. Đấy là người ngu si, tất sẽ gặt lấy quả tổn hại. Nên biết kẻ kia lúc sống cũng bất thiện, trong bảy ngày tất sẽ bị nước cuốn trôi. Cho nên, các Tỳ Kheo phải có từ tâm, chớ học tâm tổn hại, tất bị thiêu cháy oan uổng, cũng chớ có sinh ý làm tổn hại.
Đức Phật bèn dùng ngay sự việc ấy nói rõ nhân duyên và ý nghĩa, bảo đệ tử hiểu rõ và ghi nhớ, kiểm lại lời dạy trong Kinh để hậu thế tỏ tường, khiến Kinh Điển đạo Phật trụ lâu dài ở thế gian.
Bấy giờ Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc:
Chẳng xót thương đến khủng bố
Người đời truyền nhau nghe biết
Nay muốn thuyết nghĩa xót thương
Ta dứt đi mọi sợ hãi.
Người đời quẩn quanh khổ não
Như nước cạn ngăn cá lội
Trong khổ não sinh ý hại
Kẻ si thích khủng bố người.
Toàn cõi đời đều bốc cháy.
Khắp mười phương loạn chẳng an
Tự ngạo mạn chẳng yêu thương
Vì chẳng thấy nên ngu tối.
Chớ tự buộc cầu khổ não
Ta quán suốt ý chẳng vui
Thấy gai kia đâm đau đớn
Do nhìn thấy khó thể nhẫn.
Gai nhọn đau còn ra đấy
Mang gai châm đi khắp đời
Phật nhìn thấy, nhổ dứt đau
Không khổ cũng không niệm khổ.
Đời dẫy đầy song chẳng nhận
Chẳng y cứ vào loạn tà
Chán mọi dục, vượt tất cả
Học thoát khổ, tự thành tựu
Lòng chí thành chẳng hề quên.
Giữ hạnh lành, không hai lời
Diệt lửa oán, dứt lòng tham
Dứt phiền não, đại tri kiến
Chẳng nằm ngồi, dứt mê mờ
Chẳng đầy đủ, lìa vô độ
Điều đáng ghét chẳng giữ lấy
Cả niệm không cũng tận diệt.
Chẳng cậy nhờ vào dối lừa
Thấy vật sắc chẳng mặc vào
Thân chẳng biết mặc lụa đẹp
Mặc vào thầm mong thoát bỏ.
Niệm xả lâu thành chẳng nghĩ
Cũng không mong được thân sau
Thấy đều mất chẳng buồn lo
Dù bốn biển cũng mau diệt.
Ta nói tham thật lớn mạnh
Khi vào dòng, phải ngăn si
Từ nhân duyên ràng ý niệm
Vương ý dục thật khó lìa.
Xả ly dục thật rất hiếm
Kể trong đời chẳng bao nhiêu
Xả, không dứt cũng chẳng thôi
Đoạn dứt dòng không trói buộc.
Thừa lực đế, tận ngăn ngừa
Khởi trí tuệ chẳng buồn lo
Là ngăn ngừa sự nguy hại
Tận sức giữ được an lành.
Đã tính xa lìa nỗi khổ
Chẳng bị đắm pháp quán không.
Theo chân kiến đạo rộng bằng
Tất chẳng vướng quan niệm đời.
Thân chẳng lo, tự xem thường
Kẻ như vậy còn liệu gì?
Đã không thể cũng chẳng còn
Ta chẳng có, còn lo gì?
Gốc ngu si, cành trống rỗng
Sau khi trồng lại không dưỡng
Đến giữa chừng chẳng giữ gìn
Chẳng cần bạn vất bỏ thù.
Bỏ tất cả mọi danh sắc
Chẳng niệm tưởng thu lấy được
Đã không có cũng không trụ
Tất cả đời không oán nhau.
Đoạn dứt tận vô tưởng sắc
Tất cả thiện cùng mọi loài
Đã theo học giáo lý này
Đến nơi hỏi chẳng sợ hãi.
Chẳng cùng nhất trí là tuệ
Sở cầu là không thể học
Xả yếm ly chẳng nhân duyên
Diệt tận mới thấy yên ổn.
Trên chẳng kiêu, dưới chẳng sợ
Chốn bình yên không nhìn thấy
Nơi thanh tịnh không oán tật
Tuy thấu rõ nhưng chẳng kiêu.
Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc này xong, các vị Tỳ Kheo đều hoan hỷ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Tập địa Tạng Thập Luân - Phẩm Ba - Phẩm Vô Y Hành - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Giới Tiêu Tai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chư Lưu
Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Chín - Chín Pháp - Phẩm Mười - Phẩm Tham
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Tám Mươi Mốt - Kinh Gấu Cắn, Bắn Tiên
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đại Hải - Phần Một
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Hai Mươi Mốt - Bát Quan Trai Giới