Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cử Tội

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH CỬ TỘI  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ Kheo cử tội muốn cử tội người khác, khiến cho tâm an trụ, thì cần có bao nhiêu pháp để được cử tội người khác?

Phật dạy Xá Lợi Phất: Nếu Tỳ Kheo nào khiến tâm an trụ, có đủ năm pháp được cử tội người khác.

Năm pháp đó là:

Thật, chứ không phải không thật.

Đúng thời, chứ không phải phi thời.

Ích lợi, chứ chẳng phải không ích lợi.

Nhu nhuyến, chứ không thô bạo.

Từ tâm, chứ không sân hận.

Này Xá Lợi Phất, Tỳ Kheo nào muốn cử tội thì phải đủ năm pháp này mới được cử tội người khác.

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn, Tỳ Kheo bị cử tội, phải dùng bao nhiêu pháp để tự an được tâm mình?

Phật dạy Xá Lợi Phất: Tỳ Kheo bị cử tội phải nhờ vào năm pháp khiến cho tâm mình được an.

Phải nghĩ rằng:

Người này do đâu mà biết được?

Hãy là sự thật chứ đừng là không thật.

Mong cho đúng thời, chứ đừng khiến phi thời.

Mong cho vì ích lợi chứ đừng khiến không vì ích lợi.

Mong nhu nhuyến, đừng khiến thô bạo.

Mong là từ tâm, đừng khiến sân hận.

Này Xá Lợi Phất, người bị cử tội phải đủ năm pháp này thì mới tự an được tâm mình.

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn, con thấy có sự cử tội người khác mà không thật, chứ chẳng phải thật. Phi thời, chứ chẳng phải đúng thời. Không vì ích lợi, chứ chẳng phải vì ích lợi. Thô bạo, chứ không nhu nhuyến. Sân nhuế, chứ không có từ tâm.

Bạch Thế Tôn, đối với Tỳ Kheo cử tội người khác mà không đúng sự thật đó, phải dùng bao nhiêu pháp vì lợi ích khiến cho hối cải?

Phật dạy Xá Lợi Phất: Tỳ Kheo cử tội mà không đúng sự thật, phải dùng năm pháp vì lợi ích khiến cho hối cải.

Nên nói với người ấy rằng: Trưởng Lão, hôm nay Trưởng Lão cử tội, không thật chứ chẳng phải thật. Trưởng Lão nên hối cải. Phi thời chứ chẳng phải đúng thời. Không vì ích lợi, chứ chẳng phải vì ích lợi. Thô bạo, chứ không nhu nhuyến. Sân nhuế, chứ không có từ tâm. Trưởng Lão nên hối cải.

Này Xá Lợi Phất, đối với Tỳ Kheo cử tội người khác mà không đúng sự thật, thì phải dùng năm pháp vì lợi ích này, khiến cho hối cải, cũng khiến cho Tỳ Kheo trong vị lai không vì người khác mà cử tội không đúng sự thật.

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn, Tỳ Kheo bị cử tội không đúng sự thật, phải dùng bao nhiêu pháp để khiến cho không bị hối hận?

Phật dạy Xá Lợi Phất: Tỳ Kheo bị cử tội không đúng, thì phải nhờ vào năm pháp để không tự mình phải hối hận.

Người này phải nghĩ như vậy: Tỳ Kheo kia cử tội không thật, chứ chẳng phải thật. Phi thời chứ chẳng phải thời. Không vì lợi ích chứ chẳng phải vì lợi ích, thô bạo chứ chẳng phải nhu nhuyến, sân hận chứ không phải từ tâm. Ta thật sự không phải hối hận.

Tỳ Kheo bị cử tội không thật đó phải nhờ vào năm pháp này để tự an tâm mình, không tự mình phải hối hận.

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn, có Tỳ Kheo cử tội đúng sự thật, chứ không phải không thật. Đúng thời chứ không phải không đúng thời. Vì ích lợi chứ không phải không vì ích lợi. Nhu nhuyến chứ không phải thô bạo. Từ tâm chứ không phải sân hận.

Tỳ Kheo cử tội đúng đó nên bằng bao nhiêu pháp vì lợi ích để không bị hối hận?

Phật bảo Xá Lợi Phất: Tỳ Kheo cử tội đúng sự thật, nên bằng năm pháp vì lợi ích để khiến cho không bị hối hận. Nên nói như vậy, Trưởng Lão, Ngài đã cử tội đúng sự thật chứ không phải không thật.

Đúng thời chứ không phải phi thời. Vì ích lợi chứ không phải không vì ích lợi. Nhu nhuyến chứ không phải thô bạo. Từ tâm chứ không phải sân hận.

Này Xá Lợi Phất, Tỳ Kheo nào cử tội đúng thì phải bằng năm pháp lợi ích này để khiến Tỳ Kheo đó không bị hối hận và cũng để cho Tỳ Kheo vị lai cử tội người khác đúng mà không bị hối hận.

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn, Tỳ Kheo bị cử tội đúng, thì phải bằng bao nhiêu pháp vì lợi ích để không bị hối hận?

Phật dạy Xá Lợi Phất: Tỳ Kheo bị cử tội đúng, thì phải bằng năm pháp lợi ích này để không bị hối hận.

Nên nói như vậy: Tỳ Kheo này cử tội đúng chứ không phải không đúng, ông chớ hối hận. Đúng thời chứ không phải phi thời. Nghĩa lợi chứ không phải không nghĩa lợi. Nhu nhuyến chứ không phải thô bạo. Có từ tâm chứ không phải sân hận, ông chớ hối hận.

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn, con thấy Tỳ Kheo bị cử tội đúng mà lại sân hận.

Bạch Thế Tôn, Tỳ Kheo bị cử tội đúng mà sân hận, thì phải dùng bao nhiêu pháp để tự giải tỏa đối với sân hận?

Phật dạy Xá Lợi Phất: Tỳ Kheo bị cử tội đúng mà khởi lên sân hận, thì phải dùng năm pháp để tự giải tỏa.

Nên nói với người ấy rằng: Trưởng Lão, Tỳ Kheo cử tội ông là đúng sự thật chứ không phải không thật, ông chớ sân hận… cho đến từ tâm chứ không phải sân hận.

Này Xá Lợi Phất, Tỳ Kheo bị cử tội đúng mà khởi lên sân hận, thì nên dùng năm pháp này để đối với sân hận được giải tỏa.

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn, có người cử tội đúng, có người không đúng. Đối với hai người này con tự an tâm. Nếu kia đúng sự thật thì con phải tự biết.

Nếu kia không đúng thì con phải tự hóa giải rằng: Điều đó không đúng, nay ta tự biết là không có lỗi này.

Bạch Thế Tôn, con phải như vậy, như những gì Thế Tôn đã dạy trong Kinh Thí dụ xẻ gỗ, dạy các Sa Môn: Nếu có giặc đến bắt ông, rồi dùng cưa, cưa xẻ thân ông. Các ông đối với giặc mà khởi lên niệm ác, nói lời ác, thì tự sanh ra chướng ngại.

Cho nên, Tỳ Kheo, nếu bị giặc dùng cưa, cưa xẻ thân các ông, các ông đối với giặc chớ khởi lòng ác và nói lời ác, chỉ tự làm chướng ngại mình mà thôi.

Đối với những người đó nên sanh lòng từ bi, không oán hận. Chứng nhập, thành tựu và trú với từ tâm cùng khắp bốn phương cảnh giới.

Cho nên, bạch Thế Tôn, con phải như vậy, như lời Thế Tôn đã dạy, đối với cái khổ thân bị cưa xẻ mà còn tự an nhẫn. Huống chi những cái khổ nhỏ nhặt, hay những lời phỉ báng nhỏ nhặt mà không an nhẫn được.

Vì mục đích của Sa Môn, vì ước muốn của Sa Môn, muốn đoạn trừ pháp bất thiện, muốn tu tập pháp thiện thì đối với pháp bất thiện này nên đoạn trừ.

Và đối với pháp thiện thì nên phương tiện tu tập tinh cần, khéo tự phòng ngừa, buộc niệm tư duy, không để buông lung. Hãy tu học như vậy.

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu con cử tội Tỳ Kheo khác, đúng sự thật chứ không phải không thật. Đúng thời chứ không phải không đúng thời.

Có nghĩa lợi chứ không phải không nghĩa lợi. Nhu nhuyến chứ không phải thô bạo. Có từ tâm chứ không phải sân hận, nhưng có Tỳ Kheo bị cử tội kia vẫn ôm lòng thù hận.

Phật hỏi Xá Lợi Phất: Tỳ Kheo loại nào khi nghe cử tội mà sanh tâm thù hận?

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ Kheo kia cong vạy, giả dối, lừa gạt, bất tín, không hổ thẹn, biếng nhác, mất niệm, không định, ác tuệ, ngã mạn, trái với hạnh viễn ly, không kính giới luật, không trọng Sa Môn, không siêng năng tu học, không tự tỉnh quán sát, vì kế sống mà xuất gia, không vì cầu Niết Bàn. Những người như vậy nghe con cử tội liền sanh sân nhuế.

Phật hỏi Xá Lợi Phất: Những hạng Tỳ Kheo nào nghe ông cử tội mà không sân hận?

Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ Kheo nào tâm không cong vạy, không giả dối, lừa gạt, có chánh tín, biết hổ thẹn, tinh cần chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, không bỏ hạnh viễn ly, kính sâu Giới luật, trọng hạnh Sa Môn, tôn sùng Niết Bàn, vì Pháp xuất gia, không vì kế sống.

Những Tỳ Kheo như vậy nghe con cử tội thì hoan hỷ nhận lãnh như uống Cam Lộ. Như người nữ dòng Sát lợi hay Bà La Môn tắm gội sạch sẽ, được hoa đẹp đẽ, yêu thích, đội lên đầu, cài lên đầu.

Cũng vậy, nếu Tỳ Kheo nào không cong vạy, không giả dối, lừa gạt, chánh tín, có hổ thẹn, tinh cần, chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, tâm giữ hạnh viễn ly, kính sâu giới luật.

Trọng hạnh Sa Môn, siêng tu tập, tự tỉnh giác, vì Pháp xuất gia, chí cầu Niết Bàn, thì Tỳ Kheo như vậy khi nghe con cử tội vui vẻ nhận lãnh như uống cam lộ.

Phật bảo Xá Lợi Phất: Nếu Tỳ Kheo nào cong vạy, giả dối, lừa gạt, bất tín, không hổ thẹn, biếng nhác, mất niệm, không định, ác tuệ, ngã mạn, trái với hạnh viễn ly, không kính giới luật, không trọng hạnh Sa Môn, không cầu Niết Bàn, vì kế sống xuất gia, thì đối với Tỳ Kheo như vậy không nên dạy dỗ và nói chuyện.

Vì sao?

Vì những Tỳ Kheo này phá phạm hạnh. Nếu Tỳ Kheo nào không cong vạy, không giả dối, không lừa gạt, có lòng tin, hổ thẹn, tinh cần, chánh niệm, chánh định, trí tuệ, không ngã mạn, tâm giữ hạnh viễn ly, kính sâu giới luật, trọng hạnh Sa Môn, chí sùng Niết Bàn, vì pháp xuất gia, thì những Tỳ Kheo như vậy phải nên dạy dỗ.

Vì sao?

Vì những Tỳ Kheo này thường tu phạm hạnh, có thể tự đứng vững.

Phật nói Kinh này xong, Tôn Giả Xá Lợi Phất nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường