Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chỉ Tức
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH CHỈ TỨC
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật trú trong Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà, thành Vương Xá.
Bấy giờ, Tôn Giả A Nan ở một mình chỗ vắng, trong lúc thiền tịnh nghĩ rằng:
Thế Tôn nói ba thọ: Lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ. Lại nói những gì thuộc về thọ đều là khổ.
Vậy điều này có nghĩa gì?
Suy nghĩ vậy rồi, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
Bạch Thế Tôn, lúc con một mình ở chỗ vắng, thiền tịnh tư duy rằng:
Như lời Thế Tôn nói ba thọ: Lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ. Lại nói những gì thuộc về thọ đều là khổ.
Vậy điều này có nghĩa gì?
Phật bảo A Nan: Ta, vì tất cả hành là vô thường, tất cả hành là pháp biến đổi, nên nói những gì thuộc về thọ đều là khổ.
Lại nữa A Nan, Ta, vì các hành tuần tự tịch diệt, vì các hành tuần tự tĩnh chỉ, nên Ta nói tất cả thọ đều là khổ.
A Nan bạch Phật: Thế Tôn vì các hành tuần tự tịch diệt mà nói, là nghĩa thế nào?
Phật bảo A Nan:
Khi nhập Sơ Thiền, thì ngôn ngữ tich diệt.
Nhập Nhị Thiền thì giác quán tịch diệt.
Nhập Tam Thiền, tâm hỷ tịch diệt.
Nhập Tứ Thiền, hơi thở ra vào tịch diệt.
Nhập không nhập xứ, sắc tưởng tịch diệt.
Nhập thức nhập xứ, tưởng không nhập xứ vắng lặng.
Nhập vô sở hữu nhập xứ, tưởng thức nhập xứ tịch diệt.
Nhập Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, tưởng vô sở hữu nhập xứ tịch diệt.
Nhập tưởng thọ diệt, tưởng và thọ tịch diệt. Đó gọi là các hành dần dần vắng lặng.
A Nan bạch Phật: Thế Tôn vì các hành tuần tự tĩnh chỉ mà nói, là nghĩa thế nào?
Phật bảo A Nan:
Khi nhập Sơ Thiền, ngôn ngữ tĩnh chỉ.
Nhập Nhị Thiền thì giác quán tĩnh chỉ.
Nhập Tam Thiền, tâm hỷ tĩnh chỉ.
Nhập Tứ Thiền, hơi thở ra vào tĩnh chỉ.
Nhập không nhập xứ, sắc tưởng tĩnh chỉ.
Nhập thức nhập xứ, tưởng không nhập xứ tĩnh chỉ.
Nhập vô sở hữu nhập xứ, tưởng thức nhập xứ tĩnh chỉ.
Nhập Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, tưởng vô sở hữu nhập xứ tĩnh chỉ.
Nhập tưởng thọ diệt, tưởng và thọ tĩnh chỉ. Đó gọi là các hành tuần tự tĩnh chỉ.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, có phải đó gọi là các hành tuần tự tĩnh chỉ?
Phật bảo A Nan: Lại có sự tĩnh chỉ thù thắng, tĩnh chỉ kỳ đặc, tĩnh chỉ tối thượng, tĩnh chỉ vô thượng. Sự tĩnh chỉ như vậy, đối với những sự tĩnh chỉ khác, không có gì hơn được.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, những gì là tĩnh chỉ thù thắng, tĩnh chỉ kỳ đặc, tĩnh chỉ tối thượng, tĩnh chỉ vô thượng.
Sự tĩnh chỉ như vậy, đối với những sự tĩnh chỉ khác, không có gì hơn được?
Phật bảo A Nan: Đối với tham dục, mà tâm ly nhiễm, giải thoát. Với sân nhuế, mà tâm ly nhiễm, giải thoát. Đó gọi là tĩnh chỉ thù thắng, tĩnh chỉ kỳ đặc, tĩnh chỉ tối thượng, tĩnh chỉ vô thượng. Sự tĩnh chỉ như vậy, đối với những sự tĩnh chỉ khác, không có gì hơn được.
Phật nói Kinh này xong, Tôn Giả A Nan nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Vô Minh La Sát Tập - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm Khổ Lạc
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vô Tri - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Ba - Phẩm Phát Tâm Bồ đề
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười Năm - Như Lai Hiện Thọ