Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đại Không Pháp
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH ĐẠI KHÔNG PHÁP
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại xóm Điều Ngưu, Câu Lưu Sưu.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ta sẽ vì các ông nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng sau cùng đều thiện. Thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Đó gọi là Kinh Đại không pháp. Các Tỳ Kheo hãy lắng nghe, khéo tư duy. Ta sẽ vì các ông mà nói.
Thế nào là Kinh Đại Không Pháp?
Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi. Tức là duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức,… cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn. Vì duyên sanh nên có già chết.
Nếu có người hỏi: Ai già chết, già chết thuộc về ai?
Người ấy sẽ đáp: Ngã chính là già chết, nay già chết thuộc về ngã, già chết là ngã.
Điều được nói rằng: Mệnh tức là thân, hoặc nói mệnh khác, thân khác, thì đây chỉ có một nghĩa mà lại nói có nhiều loại.
Nếu thấy rằng: Mệnh tức là thân, với người tu phạm hạnh, điều này không có.
Hoặc lại thấy rằng: Mệnh khác, thân khác, với người tu phạm hạnh, điều này cũng không có. Đối với hai bên này, tâm chẳng theo bên nào, mà chân chánh hướng trung đạo.
Hiền Thánh xuất thế chánh kiến như thật, chẳng điên đảo, nghĩa là duyên sanh nên có già chết… cũng vậy sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, damh sắc, thức, hành. Do duyên vô minh nên có hành.
Nếu lại hỏi: Cái gì là hành, hành thuộc về ai?
Người này sẽ đáp: Hành là ngã, hành là của ngã.
Điều được nói rằng: Mệnh tức là thân, hoặc nói mệnh khác, thân khác, thì đây chỉ có một nghĩa mà lại nói có nhiều loại.
Nếu thấy rằng: Mệnh tức là thân, với người tu phạm hạnh, điều này không có.
Hoặc lại thấy rằng: Mệnh khác, thân khác, với người tu phạm hạnh, điều này cũng không có. Đối với hai bên này, tâm chẳng theo bên nào, mà chân chánh hướng Trung Đạo. Hiền Thánh xuất thế chánh kiến như thật, chẳng điên đảo, nghĩa là vô minh duyên hành.
Nếu các Tỳ Kheo, ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, thì còn ai già chết, già chết thuộc về ai?
Khi già chết đã dứt trừ, thì biết là đã dứt hẳn cội gốc của nó, như chặt ngọn cây Đa La, đời vị lai không thể tái sanh.
Nếu Tỳ Kheo nào ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, thì còn ai sanh, sự sanh thuộc về ai, cho đến ai hành, hành thuộc về ai?
Khi hành đã chắc chắn dứt trừ, thì biết là đã dứt cội gốc của nó, như chặt ngọn cây Đa La, đời sau không thể tái sanh. Nếu Tỳ Kheo nào ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, thời khi vô minh này diệt, hành cũng diệt, cho đến việc tụ tập thuần một khối khổ lớn cũng bị diệt. Đó gọi là Kinh Đại Không Pháp.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bốn Mươi Ba - Phẩm Vô Tác
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Năm Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bốn Mươi Sáu - Phẩm Phật Mẫu
Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Mười Năm - Phẩm Trời đế Thích
Phật Thuyết Kinh Vô Nhi Bình đẳng Tối Thượng Du Già đại Giáo Vương - Phần Hai Mươi Mốt
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Chín - Pháp Hội Hiền Hộ Trưởng Giả - Phần Hai