Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh điểu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH ĐIỂU
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Thời quá khứ có một con chim tên là La Bà, bị chim Ưng bắt bay lên hư không.
Ở giữa Hư Không nó kêu la: Vì ta không tự cảnh giác nên bỗng gặp nạn này. Vì ta đã lìa bỏ chỗ ở của cha mẹ mà đi chơi chỗ khác nên mới gặp nạn này.
Hôm nay bị kẻ khác làm khốn khổ, không được tự do!
Chim Ưng bảo La Bà: Nơi nào là chỗ ở tự do của ngươi?
La Bà đáp: Tôi có cảnh giới của mình nơi rãnh cày trong đồng ruộng. Đủ để tránh các tai nạn. Đó là nhà tôi, cảnh giới của cha mẹ nhà tôi.
Chim Ưng tỏ vẻ kiêu mạn đối với La Bà, bảo: Cho ngươi trở về nơi rãnh cày trong đồng ruộng, thử có thoát được không?
La Bà này thoát khỏi móng vuốt chim Ưng trở về ở yên dưới một khối đất to nơi rãnh cày. Sau đó ở trên khối đất to, La Bà muốn khiêu chiến cùng chim Ưng.
Chim Ưng phẫn nộ mắng: Ngươi là loài chim nhỏ mà muốn giao chiến cùng ta sao?
Quá đỗi phẫn nộ chim Ưng bay lao thẳng tới bắt lấy, nhưng La Bà lại núp vào dưới khối đất to. Chim Ưng đang đà lao tới, ngực bị va vào khối đất cứng, nát thân chết liền.
Bấy giờ, chim La Bà đang phục sâu dưới khối đất, ngẩng lên nói kệ:
Chim Ưng dùng sức đến,
La Bà trong cõi mình.
Sức cường thịnh theo sân,
Nên gây họa nát thân.
Ta thông đạt tất cả,
Nên nương trong cõi mình.
Dẹp oán, tâm tùy hỷ,
Tự vui xét sức mình.
Ngươi dầu có hung ác,
Sức trăm ngàn rồng, voi.
Không bằng trí tuệ ta,
Trong một phần mười sáu.
Xem trí ta thù thắng,
Tiêu diệt được chim Ưng.
Như vậy, này Tỳ Kheo, như chim Ưng kia, ngu si bỏ cảnh giới của cha mẹ, dạo chơi nơi khác, đến nỗi phải bị tai hoạn. Tỳ Kheo các ông cũng nên như vậy, phải ở nơi chính cảnh giới sở hành của mình, nên khéo giữ gìn và tránh xa cảnh giới kẻ khác. Hãy nên học.
Này các Tỳ Kheo, chỗ của kẻ khác, cảnh giới của kẻ khác, là chỉ cho cảnh giới của năm dục: Sắc nhận thức bởi mắt, đẹp, đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ, được đắm nhiễm với dục tâm. Tai biết tiếng, mũi biết mùi, lưỡi biết vị, thân biết xúc, đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ, được đắm nhiễm vời dục tâm. Đó gọi là chỗ của kẻ khác, cảnh giới của kẻ khác đối với Tỳ Kheo.
Này các Tỳ Kheo, ở nơi cảnh giới của cha mẹ mình, là chỉ cho bốn niệm xứ.
Những gì là bốn?
Đó là niệm xứ quán thân trên thân. Niệm xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp. Cho nên, Tỳ Kheo hãy đi dạo nơi cảnh giới của cha mẹ mình, tránh xa chỗ khác, cảnh giới kẻ khác. Hãy học như vậy.
Phật dạy Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ thực hành theo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Mười - Phẩm địa Ngục - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Phần Mười Sáu
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Hai - Phẩm Thuận Không
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Ba Mươi Hai - Phẩm Vua Khoái Mục Bố Thí Mắt
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Sư Tử Hống - Phần Ba - Bốn Pháp Vô Sở úy
Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái - Phẩm Mười Một - Phẩm Biết Ba đời
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Bốn Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Sáu - Quán Bốn Oai Nghi - Tập Bốn