Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh độc Nhất - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH ĐỘC NHẤT
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, tại nước Xá Vệ. Bấy giờ Tôn Giả A Na Luật đang ở tại Tinh Xá Tòng Lâm.
Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên ở nơi rừng Khủng Bố nơi có nhiều cầm thú, trong núi Thất Thâu Ma La, thôn Bạt Kỳ. Bấy giờ, Tôn Giả A Na Luật ở một mình chỗ vắng, thiền tịnh tư duy.
Tôn Giả nghĩ thầm: Có nhất thừa đạo khiến cho chúng sanh được thanh tịnh, lìa ưu bi, khổ, não, được pháp chân như. Đó là bốn niệm xứ.
Những gì là bốn?
Niệm xứ quán thân trên thân, niệm xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp. Nếu người nào xa lìa bốn niệm xứ là xa lìa Thánh pháp. Người nào xa lìa Thánh pháp là xa lìa Thánh đạo.
Người nào xa lìa Thánh đạo là xa lìa pháp giải thoát. Người nào xa lìa pháp giải thoát là không vượt qua khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Nếu người nào ưa thích bốn niệm xứ thì cũng tin ưa Thánh pháp. Người nào tin ưa Thánh pháp thì tin ưa Thánh đạo.
Người nào tin ưa Thánh đạo là tin ưa pháp Cam Lộ. Người nào tin ưa pháp Cam Lộ là thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.
Bấy giờ, Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên biết được ý nghĩ của Tôn Giả A Na Luật, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay dùng thần lực biến khỏi rừng Khủng bố chỗ nuôi cầm thú trong núi Thất Thâu Ma La, thôn Bạt Kỳ và hiện ra trước Tôn Giả A Na Luật, tại Tinh Xá Tòng Lâm nơi thành Xá Vệ, bảo A Na Luật rằng:
Phải chăng thầy ở một mình nơi chỗ vắng, thiền tịnh, tư duy nghĩ rằng: Có đạo Nhất Thừa khiến cho chúng sanh được thanh tịnh, lìa ưu bi, khổ, não, được chân như. Đó là bốn niệm xứ.
Những gì là bốn?
Niệm xứ quán thân trên thân, niệm xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp. Nếu người nào xa lìa bốn niệm xứ là xa lìa Thánh pháp. Người nào xa lìa Thánh pháp là xa lìa Thánh đạo. Người nào xa lìa Thánh đạo là xa lìa pháp giải thoát.
Người nào xa lìa pháp giải thoát là không vượt qua khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Nếu người nào ưa thích bốn niệm xứ thì cũng tin ưa Thánh pPháp.
Người nào tin ưa Thánh pháp thì tin ưa Thánh đạo. Người nào tin ưa Thánh đạo là tin ưa pháp Cam Lộ. Người nào tin ưa pháp Cam Lộ là thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.
Tôn Giả A Na Luật nói với Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên: Đúng vậy! Đúng vậy! Thưa Tôn Giả!
Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên nói Tôn Giả A Na Luật: Thế nào gọi là tin ưa bốn niệm xứ?
Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên, nếu có Tỳ Kheo nào đối với niệm xứ quán thân trên thân, tâm duyên thân, an trụ với chánh niệm, điều phục, tĩnh chỉ, an tĩnh, tịch tĩnh, nhất tâm tăng tiến.
Cũng vậy, đối với quán niệm xứ thọ, tâm, pháp, mà an trụ với chánh niệm, điều phục, tĩnh chỉ, an tĩnh, tịch tĩnh, nhất tâm tăng tiến.
Thưa Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên, đó gọi là Tỳ Kheo tin ưa bốn niệm xứ. Bấy giờ, Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên bằng Tam Muội chánh thọ như vậy, từ cửa Tinh Xá Tòng Lâm nước Xá Vệ, trở về rừng Khủng bố chỗ nuôi cầm thú trong núi Thất Thâu Ma La nơi thôn Bạt Kỳ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một