Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc - Kinh Tu đà Lợi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH NGHĨA TÚC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

KINH TU ĐÀ LỢI  

Nghe như vậy!

Đức Phật trụ ở khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, tại nước Xá Vệ được Quốc Vương, các vị đại thần và các nhà quyền quý cung kính, luôn hộ trì cúng dường phạn thực, y phục, sàng tọa, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh.

Bấy giờ các vị Phạm Chí ngồi tại giảng đường của mình, cùng nhau bàn luận: Xưa nay chúng ta được Quốc Vương, các vị đại thần, các nhà quyền quý và nhân dân, đón tiếp, hầu hạ. Nay họ bỏ, không cấp dưỡng cho chúng ta, mà quay lại thờ phụng Sa Môn Cù Đàm và các vị đệ tử của ông ta. Chúng ta phải cùng nhau lập mưu kế gì để đánh bại ông ta.

Họ cùng bàn với nhau: Nay cần phải tìm chọn trong hàng ngũ của chúng ta một cô gái có nhan sắc tuyệt đẹp rồi giết cô ta, chôn thi thể cô ta trong rừng cây Kỳ Đà. Như vậy mới có thể phá hoại, làm tổn thương Sa Môn Cù Đàm và các đệ tử của ông ta.

Khi tiếng xấu của họ lan truyền khắp nơi, những người ủng hộ sẽ phải lánh xa, không còn cung kính Cù Đàm, tất cả đệ tử theo học với ông ta sẽ không còn được cung cấp y thực nữa. Mọi người sẽ quay lại tôn thờ chúng ta. Chúng ta sẽ lại được người đời tôn kính. Phá hoại được Cù Đàm thì ở đời này sẽ không ai hơn chúng ta được.

Họ lập tức cùng nhau đến nhà, gọi nàng Hảo Thủ Sundari ra bảo: Chắc nàng cũng biết hiện nay chúng ta đang bị mọi người xa rời, không được ủng hộ, cấp dưỡng nữa. Trái lại dân chúng đang tôn kính Sa Môn Cù Đàm làm thầy.

Hẳn nàng có thể vì mối căm giận này mà làm một việc có lợi cho chúng ta phải không?

Nàng Hảo Thủ hỏi: Làm một việc có lợi là thế nào?

Các Phạm Chí bảo: Chỉ có một cách là nàng hy sinh mạng sống, chịu chết mà thôi!

Hảo Thủ trả lời: Tôi không thể làm được.

Đoàn Phạm Chí liền nói: Nếu cô không làm như vậy thì từ nay về sau cô sẽ không còn ở trong hàng ngũ của chúng ta nữa.

Cô gái nghe lời ấy, trong lòng rất đau buồn nên lập tức nói: Xin vâng, đó là nhiệm vụ của tôi.

Các Phạm Chí đều cất tiếng: Lành thay!

Họ cùng nhau dạy cho Hảo Thủ: Từ nay về sau, sáng chiều, cô đều tới chỗ Phật, thường qua lại trong rừng cây Kỳ Đà để mọi người đều thấy và biết cô. Sau đó, chúng ta sẽ giết cô, chôn xác giữa rừng cây Kỳ Đà, chắc chắn sẽ làm cho Cù Đàm bị hủy nhục.

Cô gái theo lời dạy, thường xuyên lui tới chỗ các vị Sa Môn.

Khi mọi người đều biết việc ấy, các Phạm Chí bèn bắt cô gái giết chết, rồi chôn xác trong rừng cây Kỳ Đà.

Sau đó, họ cùng tập họp đến trước cửa hoàng cung kêu gào, oán trách: Trong các học trò của chúng tôi, có một cô gái tánh tình nết na, nhan sắc diễm lệ tuyệt trần.

Hiện nay không biết cô ấy sống hay chết ở chỗ nào?

Đức Vua hỏi: Cô ta thường đến chỗ nào?

Bọn họ đều trả lời: Nàng ấy vẫn hay đến chỗ Sa Môn Cù Đàm.

Nhà Vua nói: Vậy thì hãy đến chỗ đó tìm xem.

Thừa dịp ấy, họ bèn tâu xin Vua cho quan, lính cùng đi. Nhà Vua chấp thuận. Đoàn người tìm kiếm khắp nơi, lần lần tiến vào khu vực rừng cây Kỳ Đà, thì đào thấy tử thi.

Các Phạm Chí đặt xác cô gái trên một chiếc giường, cùng nhau khiêng đi khắp nơi trong thành Xá Vệ, đến tất cả đường phố lớn nhỏ kêu gào, than oán: Mọi người hãy xem Sa Môn Cù Đàm, con nhà họ Thích thường được ca tụng là bậc có giới đức, tối thượng nhất trên đời sao nay lại tư thông với cô gái này, rồi giết chết, lén chôn giấu xác cô ta.

Như vậy thì còn gì là phép tắc?

Còn gì là đạo đức?

Còn gì là giới hạnh nữa?

Đúng giờ thọ thực, các vị Tỳ Kheo đều ôm bát vào thành khất thực.

Các nhà quyền quý và nhân dân từ xa trông thấy liền cất lời xúc xiểm: Bọn Sa Môn này tự xưng là có phép tắc, đạo đức, giới hạnh mà lại phạm một tội ác như thế.

Bọn chúng còn điều gì tốt lành đâu. Làm sao còn được cúng dường y thực như trước nữa!

Các vị Tỳ Kheo nghe thế, đều ôm bình bát không ra khỏi thành trở về. Sau khi rửa sạch tay chân, cất bình bát, các Tỳ Kheo đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ rồi đều đứng trình bày lại đầy đủ sự việc trên.

Bấy giờ Đức Phật nói bài kệ:

Không loạn ý theo vọng ngữ

Ra trận bị tên nhẫn chịu

Nghe đời buông lời thiện, ác

Tỳ Kheo nhẫn, không loạn ý.

Đức Phật dạy các vị Tỳ Kheo:

Ta bị sự hủy báng dối trá này không quá bảy ngày mà thôi. Có một Thanh tín nữ tên Duy Diêm ở trong thành nghe các vị Tỳ Kheo khất thực đều ôm bát không trở về nên rất thương xót. Nghĩ đến Đức Phật và các vị Tỳ Kheo Tăng, cô liền đi gấp đến khu lâm viên, đến chỗ Phật ngự cúi đầu mặt đảnh lễ Đức Phật, nhiễu quanh rồi ngồi xuống một bên. Đức Phật giảng rộng Kinh Pháp cho Duy Diêm.

Nghe giảng xong, cô đứng dậy chắp tay bạch Đức Phật:

Mong Đức Thế Tôn và chư vị Tỳ Kheo Tăng đến nhà con thọ thực trong bảy ngày.

Đức Phật im lặng nhận lời. Duy Diêm nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi trở về.

Đến ngày thứ bảy, Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan:

Ông và chúng Tỳ Kheo vào thành đến các ngã tư đường làng đều đọc bài kệ này:

Thường lừa đảo, u tà

Vu khống người vô tội

Vô minh thêm lừa dối

Oán thù hại tự thân.

Tu địa lợi phân tranh

Mãi hận nên tự bại

Lời ác, làm đứt đầu

Phải thường giữ nghiệp khẩu.

Đáng kính lại chê bai

Khen người không giới hạnh

Do miệng sinh sầu muộn

Đố kỵ tâm bất an

Che giấu tài lợi người

Cũng từ dối gạt sinh

Mọi sự đều nhẫn được

Thật vì quên vật báu.

Oán hận bậc Chân Chánh

Sáu người hết cả năm

Kẻ đó theo đường ác

Tâm, hạnh luôn bất chánh

Dối lừa mười vạn dân.

Tôn Giả A Nan liền vâng lời, cùng các vị Tỳ Kheo vào thành đến các ngã tư đường làng, đọc đúng như bài kệ Phật dạy.

Các vị hào tộc và nhân dân thành Xá Vệ đều phát sinh ý nghĩ: Các vị Thích tử thật không có điều ác. Các đệ tử của Đức Phật Thích Ca, hoàn toàn không có tà hạnh. Bấy giờ các Phạm Chí ngoại đạo ở giảng đường tự tranh cãi với nhau.

Trong nhóm có một người nói lộ việc làm của bọn họ với người ngoài: Chúng ta cùng nhau tự giết Hảo Thủ lại để oan cho Đức Phật và đệ tử của Ngài sao?

Một vị đại thần nghe được lời ấy liền vào trình tâu lên Vua.

Đức Vua lập tức triệu tập các Phạm Chí đến hỏi: Có phải chính các ngươi đã giết Hảo Thủ không?

Bọn họ trả lời: Tâu vâng, quả đúng như vậy.

Đức Vua nổi giận bảo: Ta phải xử tội bọn ngươi thật nặng.

Tại sao bọn ngươi ở trong cương thổ nước của ta, tự xưng là người tu đạo mà còn có tâm giết hại?

Vua lập tức truyền lệnh cho quan hầu cận: Hãy bắt hết bọn người này, giải chúng đi khắp nơi, đường phố lớn nhỏ trong thành Xá Vệ để mọi người rõ tội ác của chúng, rồi trục xuất chúng ra khỏi nước.

Đúng giờ thọ thực, Đức Phật cùng các vị Tỳ Kheo đều ôm bát vào thành.

Bấy giờ có một vị Thanh Tín Sĩ tên A Tu Lợi từ xa trông thấy Đức Phật liền đến đảnh lễ, cất tiếng bạch Phật: Con nghe việc ấy, không còn biết bốn phương ở đâu, trong lòng hết sức đau xót. Những Kinh Pháp con đã nghe không sao đọc tụng được nữa. Con nghe Đức Phật và chư Tỳ Kheo Tăng bị oán hờn, phải mang tiếng ác.

Đức Phật bảo A Tu Lợi: Sự việc không thích thú này là do nhân duyên báo ứng từ đời quá khứ.

Ngài bèn nói bài kệ:

Nói ít cũng bị chê

Nói nhiều cũng bị trách

Lời ngay thẳng cũng chê

Đời ác, chê tất cả.

Quá, hiện hay tương lai

Không bị chê, không có

Ai suốt đời bị chê

Trước nạn, tâm vẫn kính.

Đức Phật tuyên giảng rộng Kinh Pháp cho A Tu Lợi nghe. Sau đó, Ngài đến nhà của Tu Đạt, thẳng thân ngồi trên chánh tòa.

Tu Đạt đảnh lễ Đức Phật, chắp tay bạch: Gia quyến của con đều buồn rầu, bản thân con không còn biết phương hướng nào nữa. Kinh Pháp con được nghe không thể nào đọc tụng được. Con nghe Đức Phật và các vị Tỳ Kheo Tăng bị oán hận, bị mang tiếng xấu.

Đức Phật liền nói bài kệ:

Ta như voi ra trận

Bị thương không oán tưởng

Vì lòng ta nhu nhẫn

Người đời, khởi niệm ác.

Tay ta không tổn hại

Dùng tay chuyển ác hành

Độc hại chẳng thể xâm

Làm thiện, ác không thành.

Đức Phật vì Tu Đạt giảng Kinh rồi Ngài đến nhà của Duy Diêm, thân đoan nghiêm ngự trên tòa ngồi ở giữa.

Sau khi đảnh lễ xong, Duy Diêm chắp tay bạch: Quyến thuộc của con đều buồn rầu, bản thân con không còn biết phương hướng nào nữa. Những Kinh Pháp con được nghe, không thể nào đọc tụng được. Con nghe Đức Phật và các vị Tỳ Kheo Tăng bị hờn oán, phải mang tiếng xấu.

Đức Phật vì Duy Diêm nói bài kệ:

Không bị dục não loạn

Tâm tịnh, ngoài sao dơ

Kẻ ngu oán tự hại

Ngược gió tung bụi mù.

Duy Diêm vui mừng hiến cúng trai soạn. Sau khi Đức Phật và các vị Tỳ Kheo Tăng thọ trai xong, nàng dâng nước rửa tay, rồi ngồi phía dưới lắng nghe Đức Phật giảng Kinh. Đức Phật giảng về việc giữ giới và các hạnh thanh tịnh cho toàn gia của Duy Diêm, làm cho mọi người đều thấy đạo, rồi Ngài trở về Tinh Xá.

Quốc Vương Ba Tư Nặc cùng đông đảo quan quân, xa mã tùy tùng trang nghiêm theo đúng uy pháp của bậc quân vương rời thành đến rừng cây Kỳ Đà. Vì muốn đến diện kiến Đức Phật nên Vua xuống xe đi bộ vào.

Từ xa trông thấy Đức Phật, Vua liền cất lọng, mũ, để các người hầu ở bên ngoài, cởi hài vàng, rồi mới đến phía trước đảnh lễ Đức Phật, ngồi xuống, chắp tay bạch: Vương quyến của con rất đau lòng, bản thân con không còn biết phương hướng nào nữa. Những Kinh Pháp mà con được nghe, con không còn tụng nữa. Con nghe Đức Phật và Tỳ Kheo Tăng bị oán hờn, phải mang tiếng xấu.

Đức Phật liền vì Vua nói bài kệ:

Niệm tà, nói lỗi người

Ý chánh, nói lời thiện

Miệng chê xấu, khen tốt

Thiện, ác không sầu ưu.

Có làm phải có bỏ

Lìa thế, cầu giải thoát

Không loạn, giữ tâm đức

Chế dục còn ai nghi?

Toàn dân nước Xá Vệ đều khởi niệm nghi ngờ Đức Phật và các vị Tỳ Kheo Tăng do nhân duyên gì mà bị tiếng xấu nguy hiểm như vậy. Vì thấy uy thần Phạm tướng vĩ đại, cao tột của Đức Phật tợ như mặt trăng giữa các vì sao nên không ai dám thưa hỏi.

Đức Phật biết rõ ý nghĩ của họ, nên nói Kinh Nghĩa Túc:

Với bậc khéo giữ giới hạnh

Người hỏi không tiện bày tỏ

Niệm nghi tà đạo hay chánh

Muốn học, ý phải tự tinh.

Hãy thôi! Chớ chấp việc đời

Thường tự nhủ giữ giới vững

Trọn tin giáo pháp quang minh

Dạy đời không nên thêu dệt.

Pháp không tà không nói quấy

Hủy báng ta, ta không ngại

Tự thấy hạnh không tà lậu

Không chấp tưởng, đâu giận, vui.

Mọi sở hữu cần xả bỏ

Giáo pháp sáng, phải giữ gìn

Cầu giải thoát ắt được không

Niệm Không nên đắc pháp không.

Không chấp nên chẳng gì có

Hạnh chẳng nguyện, ba cõi sinh

Cần đoạn hẳn vòng si ám

Hành thế nào có sở y?

Sở hữu pháp phải vất bỏ

Với giáo thuyết cũng không chấp

Không đắm trước, cũng không lìa

Nhờ quán thế, ly tất cả.

Đức Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc xong, các vị Tỳ Kheo đều hoan hỷ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần