Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lộc Trú - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH LỘC TRÚ   

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ở trong Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà tại thành Vương Xá. Bấy giờ, sáng sớm, Tôn Giả A Nan đắp y, ôm bát, đi đến thành Xá Vệ, lần lượt khất thực, đến nhà Ưu Bà Di Lộc Trụ.

Ưu Bà Di Lộc Trụ từ xa trông thấy Tôn Giả A Nan vội vàng sửa soạn chỗ ngồi và mời Tôn Giả A Nan an tọa.

Sau đó, Ưu Bà Di Lộc Trụ cúi đầu lễ dưới chân Tôn Giả A Nan, rồi đứng lui qua một bên, bạch Tôn Giả A Nan: Thưa Tôn Giả, pháp của Thế Tôn cần được hiểu như thế nào?

Cha của con là Phú Lan Na trước kia tu phạm hạnh, lìa đục, thanh tịnh, không đeo hương hoa, xa lìa những thứ phàm tục thô bỉ.

Còn chú là Lê Sư Đạt Đa không tu phạm hạnh nhưng ông biết đủ. Cả hai người đều qua đời, mà Thế Tôn đều ký thuyết hai người sanh một nơi, cùng thọ sanh như nhau, đời sau đồng đắc Tư Đà Hàm, sanh về Cõi Trời Đâu Suất, một lần trở lại thế gian, cứu cánh biên tế của khổ.

Tại sao, thưa A Nan, người tu phạm hạnh và người không tu phạm hạnh lại cùng sanh một nơi, cùng thọ sanh như nhau và đời sau của họ cũng giống nhau?

A Nan đáp: Này cô, hãy thôi đi!

Cô không thể biết được căn tánh sai biệt của chúng sanh thế gian. Như Lai tất biết rõ căn tính ưu, liệt của chúng sanh thế gian. Nói như vậy xong, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

Tôn Giả A Nan trở về Tinh Xá, cất y bát, rửa chân, rồi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, đem những gì Ưu Bà Di Lộc Trụ nói bạch hết lên Thế Tôn.

Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan: Ưu Bà Di Lộc Trụ làm sao có thể biết được căn tính ưu, liệt của chúng sanh thế gian. A Nan, Như Lai tất biết rõ căn tánh ưu, liệt của chúng sanh thế gian. Này A Nan, hoặc có một người phạm giới. Người ấy không biết như thật đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Nhưng sự phạm giới mà người ấy khởi lên đã diệt không còn, đã chìm mất không còn, dục hết không còn. Lại có một người phạm giới, do biết như thật tâm giải thoát, tuệ giải thoát, sự phạm giới mà người ấy khởi lên đã diệt không còn, đã chìm mất không còn, dục hết không còn.

Đối với những người này, so sánh mà nói rằng: Người này cũng có pháp như vậy, người kia cũng có pháp như vậy, ở đây cả hai phải cùng sanh một chỗ, đồng thọ sanh như nhau và đời sau cũng như nhau. Người nào so sánh như vậy, sẽ khổ lâu dài, không nghĩa, không lợi ích.

Này A Nan, người phạm giới kia, đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát mà không biết như thật, nhưng sự phạm giới mà người ấy khởi lên đã diệt không còn, đã chìm mất không còn, dục hết không còn. Nên biết người này thoái đọa, không phải thăng tiến. Ta nói người này thuộc hạng thoái đọa.

A Nan, có kẻ phạm giới, do biết như thật tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nên sự phạm giới mà người ấy khởi lên đã diệt không còn, đã chìm mất không còn, dục hết không còn. Nên biết người này thăng tiến chứ không thoái đọa. Ta nói người này thuộc hạng thăng tiến.

Nếu chẳng phải Như Lai thì ai có thể biết rõ sự gián cách giữa hai hạng người này?

Cho nên, này A Nan, chớ nên so sánh người này với người kia mà thiên chấp người. Chớ so sánh người này với người kia gây bệnh người. Chớ so sánh người này với người kia thì tự chiêu lấy tai hại. Chỉ có Như Lai mới biết rõ người này với người kia mà thôi.

Như hai hạng người phạm giới, hai hạng người trì giới cũng vậy. Người kia không biết như thật tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nhưng sự trì giới mà người ấy khởi lên thì đã diệt, không còn.

Hoặc người trạo cử tháo động, không biết như thật đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nhưng sự trạo cử của người ấy đã diệt không còn.

Hoặc người kia sân hận, không biết như thật đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nhưng tâm sân hận của họ đã diệt không còn.

Hoặc người khổ tham, không biết như thật đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, nhưng sự khổ tham của họ đã diệt không còn. Ô uế và thanh tịnh, cũng được nói như trên cho đến Chỉ có Như Lai mới biết rõ người này với người kia mà thôi.

Này A Nan, Ưu Bà Di Lộc Trụ ngu si, trí kém, nên đối với việc Thuyết Pháp nhất hướng của Như Lai tâm sanh hồ nghi.

Thế nào, A Nan, những gì Như Lai dạy có phải là hai hướng không?

A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, không!

Phật bảo A Nan: Lành thay! Lành thay!

Như Lai nói pháp nếu là hai thì điều này không thể có.

Này A Nan, nếu Phú Lan Na trì giới, Lê Sư Đạt Đa cũng là người trì giới, mà chỗ thọ sanh, là điều Phú Lan Na không thể biết được, rằng Lê Sư Đạt Đa sanh nơi nào, thọ sanh thế nào, đời sau thế nào?

Nếu Lê Sư Đạt Đa thành tựu trí tuệ và Phú Lan Na cũng thành tựu trí tuệ này, thì Lê Sư Đạt Đa cũng không thể biết Phú Lan Na sẽ sanh nơi nào, thọ sanh thế nào, đời sau thế nào?

A Nan, Phú Lan Na trì giới hơn, còn Lê Sư Đạt Đa trí tuệ hơn, nếu cả hai mạng chung, thì Ta nói hai người cùng sanh một nơi, cùng thọ sanh như nhau, đời sau cùng đắc Tư Đà Hàm, sanh lên Cõi Trời Đâu Suất, chỉ một lần sanh trở lại nơi này cứu cánh biên tế của khổ.

Giữa hai người này nếu chẳng phải Như Lai, thì ai có thể biết được?

Cho nên A Nan, chớ nên so sánh người này với người kia. Nếu so sánh người này với người kia thì tự sanh tổn giảm. Chỉ có Như Lai mới có thể biết rõ người.

Phật nói Kinh này xong, Tôn Giả A Nan nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường