Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Quảng Thuyết Bát Thánh đạo
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH QUẢNG THUYẾT
BÁT THÁNH ĐẠO
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt.
Thế nào là chánh kiến?
Chánh kiến có hai: Có chánh kiến thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện. Có chánh kiến thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ.
Thế nào là chánh kiến hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện?
Nếu người nào thấy có bố thí, có chú thuyết cho đến biết thế gian có A La Hán, không tái sanh đời sau. Đó gọi là chánh kiến thế tục thuộc về thế gian, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
Thế nào là chánh kiến thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ?
Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ. Nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo, tương ưng với tư duy vô lậu, ở nơi pháp mà tuyển trạch, phân biệt, suy cầu, giác tri, hiệt tuệ, quán sát tỏ ngộ.
Đó gọi là chánh kiến thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
Thế nào là chánh chí?
Chánh chí có hai loại: Có chánh chí thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện. Có chánh chí thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
Thế nào là chánh chí thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện?
Chánh chí giác tri về xuất yếu, giác tri về vô nhuế, giác tri về bất hại. Đó gọi là chánh chí thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
Thế nào là chánh chí thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ?
Thánh đệ tử nơi Khổ tư duy khổ. Nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo, tâm pháp tương ưng với tư duy vô lậu, phân biệt, tự quyết, ý giải, suy tính, lập y. Đó gọi là chánh chí thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
Thế nào là chánh ngữ?
Chánh ngữ có hai loại: Có loại chánh ngữ thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện. Có loại chánh ngữ thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
Thế nào là chánh ngữ thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành?
Lời nói đúng, xa lìa lời nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, lời nói thêu dệt. Đó gọi là chánh ngữ thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành.
Thế nào là chánh ngữ thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ?
Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ. Nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo, trừ tà mạng, niệm tưởng xa lìa bốn ác hạnh của miệng và các ác hạnh khác của miệng, xa lìa các ác hành ấy. Vô lậu, viễn ly, không dính trước, giữ chặt, nhiếp trì không phạm.
Không vượt qua thời tiết, không vượt qua giới hạn. Đó gọi là chánh ngữ thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
Thế nào là chánh nghiệp?
Chánh nghiệp có hai loại: Có loại chánh nghiệp thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện. Có loại chánh nghiệp thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
Thế nào là chánh nghiệp thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện?
Xa lìa sát, đạo, dâm. Đó gọi là chánh nghiệp thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
Thế nào là chánh nghiệp thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ?
Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ. Nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo, trừ tà mạng, nhớ đến ba ác hạnh nơi thân và các thứ ác hạnh khác nơi thân.
Vô lậu, viễn ly, không dính trước, giữ chặt, nhiếp trì không phạm. Không vượt qua thời tiết, không vượt qua giới hạn.
Đó gọi là chánh nghiệp thuộc về xuất thế gian, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
Thế nào là chánh mạng?
Chánh mạng có hai loại: Có loại chánh mạng thuộc thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện. Có loại chánh mạng thuộc xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, bất thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ.
Thế nào là chánh mạng thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện?
Tìm cầu y, thực, ngọa cụ, thuốc thang theo bệnh đúng như pháp, chứ chẳng phải không như pháp. Đó gọi là chánh mạng thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
Thế nào là chánh mạng thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ?
Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ. Nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo. Đối với các tà mạng, vô lậu, không thích đắm trước cố thủ, giữ gìn không phạm, không vượt qua thời tiết, không vượt qua giới hạn.
Đó gọi là chánh mạng thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
Thế nào là chánh phương tiện?
Chánh phương tiện có hai loại: Có chánh phương tiện thuộc thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện. Có chánh phương tiện thuộc xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
Thế nào là chánh phương tiện thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện?
Dục, tinh tấn, phương tiện siêu xuất, xác lập vững chắc, có khả năng tạo tác, tinh tấn, nhiếp thọ tâm pháp, thường không dừng nghỉ. Đó gọi là chánh phương tiện thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện.
Thế nào là chánh phương tiện thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ?
Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ. Nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo. Tâm pháp tương ưng với ức niệm vô lậu, dục, tinh tấn, phương tiện siêu xuất, xác lập vững chắc, có khả năng tạo tác, tinh tấn, nhiếp thọ tâm pháp, thường không dừng nghỉ.
Đó gọi là chánh phương tiện thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
Thế nào là chánh niệm?
Chánh niệm có hai loại: Có chánh niệm thuộc thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện. Có chánh niệm thuộc xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
Thế nào là chánh niệm thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành?
Hoặc niệm, hoặc tùy niệm, hoặc trùng niệm, hoặc ức niệm, không quên lãng, không hư. Đó gọi là chánh niệm thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành.
Thế nào là chánh niệm thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ?
Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ. Nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo. Tâm pháp tương ưng với tư duy vô lậu, hoặc niệm, hoặc tùy niệm, hoặc trùng niệm, hoặc ức niệm, không quên lãng, không hư.
Đó gọi là chánh niệm thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
Thế nào là chánh định?
Chánh định có hai: Có chánh định thuộc thế tục, hữu lậu, hữu thủ, chuyển hướng cõi thiện. Có chánh định thuộc xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
Thế nào là chánh định thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành?
Tâm trụ không loạn, không động, nhiếp thọ, tĩnh chỉ, chánh định, nhất tâm. Đó gọi là chánh định thuộc về thế tục, hữu lậu, hữu thủ, hướng đến đường lành.
Thế nào là chánh định thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ?
Thánh đệ tử nơi khổ tư duy khổ. Nơi tập, diệt, đạo tư duy đạo. Tâm pháp tương ưng với tư duy vô lậu, an trụ không loạn không tán, nhiếp thọ, tĩnh chỉ, chánh định, nhất tâm.
Đó gọi là chánh định thuộc về xuất thế gian của Bậc Thánh, vô lậu, không thủ, chân chánh đoạn tận khổ, chuyển hướng đến thoát khổ.
Sau khi Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Thuận Quyền Phương Tiện - Phẩm Ba - Phẩm Khất Thực
Phật Thuyết Kinh Ba Pháp Quán Bảy Xứ - Kinh Số Mười Chín
Phật Thuyết Kinh Trì Thế - Phẩm Hai - Phẩm Năm ấm - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết - Phẩm Mười Một - Phẩm Hạnh Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Một - Phẩm Duyên Khởi
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Chín - Phẩm đẳng Pháp - Phần Một