Phật Thuyết Kinh Trì Thế - Phẩm Hai - Phẩm Năm ấm - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH TRÌ THẾ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM HAI

PHẨM NĂM ẤM  

TẬP BA  

Này Bồ Tát Trì Thế! Nếu không có Chư Phật thì chúng sinh chắc chắn không thể thấy, không biết, không thể chánh quán được năm thọ ấm.

Chư Phật xuất hiện ở thế gian phá trừ sự nương tựa của chúng sinh về sắc, phá trừ sự nương tựa của chúng sinh về thọ, tưởng, hành, thức, phá trừ sự hòa hợp nơi một tướng, nên Chư Phật Như Lai phân biệt nói như vậy: Chỗ các ông nương tựa, cho các ông quy hướng, gọi là sắc, sắc đó chỉ do bốn đại hòa hợp. Thọ, tưởng, hành, thức chỉ có danh tự vì tướng của danh sắc thành tựu nên gọi là năm thọ ấm.

Chúng sinh các ông chớ có tham chấp nương tựa vào năm thọ ấm không bền chắc này!

Này Bồ Tát Trì Thế! Vì sao Như Lai nói về thọ ấm?

Này Bồ Tát Trì Thế! Người phàm phu này từ điên đảo sinh ra, nhập vào lưới vô minh, giong ruổi qua lại không biết hướng đến chỗ nào.

Tham thọ tướng của năm thọ ấm nên nghĩ thế này: Ta nương tựa vào đây sẽ được an vui. Người này do tưởng lạc mà tham nương vào năm ấm, do tưởng khổ, tưởng chẳng khổ chẳng lạc mà tham nương vào năm ấm. Chỗ người phàm phu quay về nương tựa, đó là năm ấm.

Này Bồ Tát Trì Thế! Các phàm phu từ khi sinh ra đến nay do tối tăm nên không biết năm ấm chính là những gì, không biết năm ấm từ chỗ nào đến, vì không biết như thật về năm ấm, tham thọ năm ấm cho nen gọi là thọ ấm.

Ở trong đó ai là người thọ?

Trong đó, người thọ không thể thủ đắc nhưng vì điên đảo tham chấp, hư vọng phân biệt, mà tự trói buộc nơi vô minh si ám, chấp thủ ngã, ngã sở, chấp thủ bỉ, thử, nên gọi thọ ấm là năm ấm. Không có người thủ, cũng không có tướng quyết định, cho nên người trí biết phi ấm là năm thọ ấm, ấm điên đảo là năm thọ ấm, ấm vô minh là năm thọ ấm.

Phàm phu bị trói buộc ở nơi đó, tham nương vào năm thủ ấm. Do tham nương vào đó nên không biết những gì là thủ, những gì là thủ ấm. Chỉ vì tham chấp về năm ấm nên qua lại trong sinh tử. Vì tham chấp năm ấm này cho nên bị giong ruổi trong các cõi.

Tham về những gì?

Tham chấp về chỗ thấy, nghe, tham chấp về biết, thức, ái, vô minh. Các phàm phu này bị ái trói buộc, tham ái năm thọ ấm, bị các triền cái che lấp nên chìm vào vô minh tăm tối, không biết, không giác ngộ.

Nay chúng ta tham chấp chỗ nào?

Chỗ nào trói buộc?

Do không biết nên qua lại trong các đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Trời, người. Vì tham chấp sinh tử, không chịu buông bỏ nên bị sinh tử trói buộc, không đoạn trừ năm ấm, cũng không thể biet tướng như thật của năm ấm. Vì không biết như thật nên bị các khổ não làm hại, đọa mãi trong ngục hư không, không biết đường nào ra.

Vì người này không thấy đường ra, nên ở trong đường sinh tử từ vô thủy chịu các sinh tử, nên không thể thoát được sinh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não, cũng không vượt qua được vô lượng đường hiểm của sinh tử, cũng không thể thoát được vô số khổ lớn, rồi trở lại hướng tới khổ, tham chấp nơi khổ, bị khổ sai khiến.

Những gì là khổ?

Năm thọ ấm là khổ. Khi sinh thì khổ về sinh, khi diệt thì khổ về diệt.

Này Bồ Tát Trì Thế! Ta do nhân duyên này nên nói pháp cho các đệ tử: Này các Tỳ Kheo! Phải chánh quán về sắc ấm. Cũng phải biết như thật về tướng của sắc là vô thường. Các ông nếu đối với sắc mà có dục nhiễm thì phải mau chóng đoạn trừ.

Các ông nên chánh quán về thọ, tưởng, hành, thức. Cũng nên biết như thật về tướng thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Nếu đối với thọ, tưởng, hành, thức mà có dục nhiễm thì phải mau chóng đoạn từ. Đoạn trừ dục nhiễm nên tâm được giải thoát chân chánh.

Này Bồ Tát Trì Thế! Nếu người nào hiểu nghĩa pháp của ta đã thuyết giảng, có thể y theo lời thuyết giảng này mà tu hành thì sẽ thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử, ưu bi khổ não. Nếu người nào không thể theo như lời thuyết giảng mà tu hành thì sẽ bị sắc trói buộc, bị ái trói buộc, rơi vào vô minh tăm tối tham giữ năm ấm. Người này vì tham giữ nơi năm ấm nên không thể thoát khỏi con đường hiểm sinh tử.

Này Bồ Tát Trì Thế! Vì nghĩa này nên ta nói thế gian cùng tranh chấp với ta, chứ ta không tranh chấp với thế gian.

Những gì là thế gian?

Đó là tham chấp nơi năm thọ ấm, bị lệ thuộc thế gian. Người này tham về năm ấm, bị năm ấm trói buộc, không biết tánh của năm ấm, không biết tướng của năm ấm là không nên tranh chấp với ta. Người này làm trái nghịch với lời Phật dạy, tranh chấp với Phật nên rơi vào sự suy não lớn.

Nếu người nào ngay khi Phật còn tại thế hay sau khi Phật đã diệt độ, có thể quán năm thọ ấm là hư vọng, là không có thực, từ vô minh tăm tối điên đảo sinh khởi, vọng tưởng hư dối, chỉ lừa dối phàm phu, không phải năm ấm cho là năm ấm. Người như vậy không tranh luận với Phật. Người không trái lời Phật dạy sẽ được thoát khỏi mọi khổ não nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Này Bồ Tát Trì Thế! Chư Phật không tranh chấp với người đời, dứt trừ tất cả mọi sự tranh tụng, đó là Phật.

Chỉ diễn nói pháp thật cho chúng sinh, nêu dạy thế này: Những điều các ngươi giữ lấy trước kia đều là điên đảo. Tất cả chúng sinh do sức của điên đảo nên tham chấp về năm ấm, qua lại trong thế gian.

Người này tham chấp về năm ấm rồi, phát sinh vô số tà kiến, tham chấp vô số danh tự, tham chấp vô số ưu bi khổ não. Người này bị vô số tà kiến phiền não, vô số ưu bi khổ não tàn hại, không thể làm người cứu hộ, làm nhà cửa, làm chỗ nương tựa, làm chỗ quy hướng. Chỉ có Phật mới có thể làm người cứu ho.

Phàm phu tâm hẹp hòi, trí tuệ kém nên tham đắm nơi dục, nương tựa nơi năm ấm nhiều lỗi lầm. Phàm phu này tranh cãi với người cứu hộ, người khiến cho tất cả quay về, người làm chỗ nương tựa, người giải thoát tất cả kho não!

Này Bồ Tát Trì Thế! Nay ta đưa cánh tay lên, người ấy có thể tìm thấy được năm ấm, thấy tướng năm ấm, tham chấp năm ấm, ta chắc chắn không làm thầy người đó, người đó cũng chẳng phải là đệ tử của ta, không theo ta xuất gia, không theo ta tu hành, không quy y ta.

Người này vào đường tà, vào đường hư vọng, người chấp thủ điều chẳng thật, đó là người điên đảo không biết ý Phật, không biết Phật tùy nghi thuyết giảng năm ấm, không biết về Đệ nhất nghĩa của Phật. Người này không lãnh thọ lời Phật dạy, không xứng đáng nhận lãnh sự cúng dường mà lại nhận. Người này xuất gia ta còn không cho, huống là sẽ được nhận sự cúng dường của người.

Vì sao?

Vì người như vậy là bè nhóm của ngoại đạo, nghĩa là người sinh ra tướng của năm ấm, người tham chấp, quy hướng về năm ấm.

Này Bồ Tát Trì Thế! Năm trăm năm về sau trong đời vị lai, khi chánh pháp sắp diệt, những người xuat gia trong giáo pháp của ta, phần nhiều sinh tướng năm ấm này, quyết định nói về tướng của năm ấm, tham chấp sâu dày nơi năm ấm, đi vào đường tà hư dối, ở trong pháp của ta được xuất gia khoác Ca Sa, thường ưa tới lui nhà bạch y, nên biết người này cùng với ngoại đạo không khác, phần nhiều cũng nhờ nơi pháp của ta nên được nhiều người cung kính cúng dường.

Này Bồ Tát Trì Thế! Ta nói đó là người thấy chấp về năm ấm, chắc chắn nói tướng của năm ấm, tham vướng nơi năm ấm, không thọ nhận của người một chén nước.

Vì sao?

Vì những người ấy đối với pháp của ta cho đến chẳng có được một pháp nhẫn nhu thuận. Người ấy trái ngược với pháp của ta, trái bỏ hạnh Thánh.

Này Bồ Tát Trì Thế! Cho nên Đại Bồ Tát nơi đời xấu ác sau này, nên phát đại thệ nguyện như vậy: Đối với Kinh Điển thâm diệu như vậy của ta phải cùng nhau hộ trì, cũng đoạn trừ kiến chấp về năm ấm của chúng sinh để thuyết pháp cho họ.

Này Bồ Tát Trì Thế! Trong Kinh này ta nói về sự phá trừ tất cả tướng của ấm, lìa tham chấp nơi tướng của ấm.

Bấy giờ có nhiều người tại gia, xuất gia nghe những Kinh như vậy, phát sinh tranh cãi về thật tướng không sinh.

Đại Bồ Tát ở trong đó nên phát đại thệ nguyện: Chúng ta ở nơi đời ác sau này luôn tạo lợi ích cho các chúng sinh tà kiến, tham đắm nơi năm ấm. Nghĩa là độ thoát cho chúng sinh tham đắm vào năm ấm, tùy thuận nơi phương tiện dùng pháp làm lợi ích.

Thế nên, này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát nếu muốn hiểu rõ về thật tướng của các pháp, cũng khéo phân biệt rõ về chương cú của các pháp, muốn đạt được niệm lực, muốn được chuyển thân thành tựu niệm không gián đoạn.

Cho đến đạt được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nên thường quán tướng vô thường, tướng khổ, tướng vô ngã, tướng hư vọng, tướng không bền chắc, tướng rốt ráo không, tướng từ xưa đến nay không sinh của năm thứ ấm này. Khi thường chánh quán trong năm thọ ấm, thì tất cả dục nhiễm hiện có liền có thể đoạn trừ, cũng đạt được phương tiện trong những pháp sâu xa như vậy.

Này Bồ Tát Trì Thế! Trong quá khứ vô lượng A tăng kỳ kiếp về trước, có Phật Hiệu Đại Ý Sơn Vương gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Này Bồ Tát Trì Thế! Phật Đại Ý Sơn Vương này có tám mươi ức na do tha chúng Thanh Văn đều là A La Hán, đã dứt hết các lậu và tám mươi ức na do tha học địa A Na Hàm, bốn mươi ức na do tha các Đại Bồ Tát. Phật Đại Ý Sơn Vương này thọ tám mươi vạn tuổi.

Này Bồ Tát Trì Thế! Bấy giờ có Vua tên là Đức Ích. Vua Đức Ích này có hai vạn đại thành, dân chúng đông đúc, giàu có an vui. Thành đó có bảy lớp, ngang dọc mười hai do tuần, đều dùng bốn thứ báu để xây nên. Có bảy lớp hào, đều có lan can, có bảy lớp hàng cây bao bọc chung quanh và các màn lưới báu trùm khắp bên trên.

Các cây nơi hào thành và các màn lưới bao phủ ở trên đều dùng bốn thứ báu: Vàng ròng, lưu ly, xa cừ, mã não hợp lại để tạo thành. Mỗi một thành lớn có năm trăm vườn rừng, đều có vỏ cây bảy báu đầy khắp trong đó. Mỗi một vườn rừng đều có năm trăm ao báu, tràn đầy nước tám công đức.

Này Bồ Tát Trì Thế! Vua Đức Ích này có tám vạn thể nữ, đại phu nhân của Vua có hai người con: Người thứ nhất tên Vô Lượng Ý, người thứ hai tên Vô Lượng Lực.

Này Bồ Tát Trì Thế! Hai Vương Tử này đều mười sáu tuổi, trong giấc mơ thấy Phật đoan nghiêm như ngọn cờ vàng Diêm phù đàn không gì có thể sánh bằng, nên đều rất hoan hỷ. Sau khi thức giấc, cả hai Vương Tử đều nói kệ.

Người thứ nhất nói:

Con nay mộng thấy Nhị Túc Tôn

Tướng kim sắc trăm phước trang nghiêm

Thành tựu vô lượng các công đức

Thấy xong, trong tâm rất hoan hỷ.

Người thứ hai nói kệ:

Mộng thấy Phật sáng như mặt trời

Đẹp đẽ đoan nghiêm, rất tôn quý

Cũng như Tu Di Vua các núi

Cao vời rực rỡ thấy hoan hỷ.

Này Bồ Tát Trì Thế! Ngay khi ấy, hai Vương Tử Vô Lượng Ý và Vô Lượng Lực cùng đi đến chỗ cha mẹ thưa đầy đủ việc này: Kính thưa cha mẹ! Hôm nay hai anh em chúng con trong giấc mơ được thấy Phật.

Cúi xin cha mẹ cho phép chúng con cùng đi đến chỗ Phật, vì rất lâu xa Phật mới xuất hiện ở đời, chúng con do buông lung nên không thể biết rõ, chìm đắm trong bùn năm dục, bị sắc trói buộc, bị thọ, tưởng, hành, thức trói buộc. Chúng con tại gia do phóng dật nên không thể gặp Phật.

Này Bồ Tát Trì Thế! Hai Vương Tử này thưa với cha mẹ việc như vậy xong, liền đi đến chỗ Phật Đại Ý Sơn Vương.

Khi đến nơi, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, thỉnh Phật và chúng Tăng cúng dường bốn sự: Y phục, thức ăn uống, ngọa cụ, thuốc men trong ba tháng.

Phía bên đại thành trang nghiêm, nơi vườn rừng Vua Đức Ích thường dạo chơi được trang trí treo giăng cờ phướn, lọng báu, lụa màu, dùng các thứ hoa đẹp che phủ mặt đất, thỉnh Phật và chư Tăng đến ở nơi đó, trong ba tháng, hai Vương Tử dùng tất cả những vật dụng tạo an vui cúng dường Phật và chúng Tăng. Cúng dường xong hai Vương Tử cùng xin xuất gia trong pháp Phật.

Này Bồ Tát Trì Thế! Phật Đại Ý Sơn Vương biết sở nguyện nơi thâm tâm của hai Vương Tử ấy nên vì họ thuyết giảng Kinh năm ấm, mười hai nhập, mười tám tánh phương tiện Bồ Tát.

Trong bốn vạn năm hoàn toàn không ngủ nghỉ, thường không ăn nhiều, cũng không nằm nghiêng, chỉ hoặc ngồi, hoặc kinh hành. Lại trong bốn vạn năm không nghĩ đến việc khác, chỉ nghĩ về tướng của năm thọ ấm là không, là hư vọng.

Biết năm thọ ấm này từ điên đảo sinh khởi, thấu rõ tướng của năm thọ ấm này rồi thì trong suốt thời gian thọ mạng thường tu phạm hạnh, sau khi mạng chung, liền được sinh lên cõi Trời Đâu Suất. Phật diệt độ rồi, được sinh trở lại nơi nhà đại Cư Sĩ trong cõi Diêm Phù Đề, đến năm mười sáu tuổi lại mộng thấy Phật, được Phật thuyết giảng Kinh năm ấm, mười tám tánh phương tiện Bồ Tát này.

Nghe pháp ấy xong rất kinh sợ và liền giác ngộ. Lại ở trong pháp Phật, mãn một vạn năm thường tu phạm hạnh, cũng lại theo phương tiện quán sâu xa về Kinh năm thọ ấm, mười hai nhập, mười tám tánh phương tiện hành hóa của Bồ Tát này, mạng chung được sinh lên Cõi Trời Đao lợi, khi thọ mạng nơi Cõi Trời hết, sinh vào nhà thuộc tộc họ Bà La Môn lớn ở cõi Diêm Phù Đề.

Trong một ngàn năm sau thời mạt pháp của Phật Đại Ý Sơn Vương, hai người này do nhân duyên xưa nên lại được xuất gia, học vấn rộng khắp, trí tuệ như biển, cũng khéo quán sát phân biệt về tánh của năm ấm, vào pháp thông suốt như thật, ngay trong đời ấy, giáo hóa hai vạn người và hai mươi ức Chư Thiên đến với đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Bồ Tát Trì Thế! Hai vị Bồ Tát này từ đấy trở về sau, đời đời cùng một lòng, cùng được gặp mười ức na do tha Phật, sau đấy đạt được pháp nhẫn vô sinh. Được pháp nhẫn rồi, lại được gặp một ức na do tha Phật và sau cùng thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, cùng trong một kiếp, hai vị này lần lượt thành Phật, người thứ nhất hiệu là Vô Lượng Âm, người thứ hai hiệu là Vô Lượng Quang.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nên, Đại Bồ Tát nếu muốn mau chóng chứng được quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, phải ở trong pháp thanh tịnh không nhiễm này siêng năng tu tập về tánh ấm nhập ấy và thuyết giảng về thật tướng của tri kiến trong các pháp hữu vi khác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần