Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thất Xứ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH THẤT XỨ
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Có bảy xứ thiện, với ba phương pháp quán nghĩa, hoàn toàn ở trong pháp này mà chứng đắc lậu tận, đắc vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này mà tự tri, tự thân chứng ngộ cụ túc và an trụ.
Biết rằng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.
Tỳ Kheo, thế nào là bảy xứ thiện?
Tỳ Kheo biết như thật về sắc. Biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự tận diệt của sắc, về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Cũng vậy, biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức.
Biết như thật về sự tập khởi của thức, về sự tận diệt của thức, về con đường đưa đến sự diệt tận của thức, về vị ngọt của thức, về sự tai hại của thức, về sự xuất ly của thức.
Thế nào là biết như thật về sắc?
Những gì là sắc là tất cả bốn đại và sắc do bốn đại tạo ra. Đó gọi là sắc. Như vậy là biết như thật về sắc.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của sắc?
Ái hỷ là sự tập khởi của sắc. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của sắc.
Thế nào là biết như thật về sự đoạn tận của sắc?
Ái hỷ diệt. Đó gọi là sự diệt tận của sắc. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của sắc.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của sắc?
Là tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự tận diệt của sắc. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của sắc.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của sắc?
Hỷ lạc do duyên vào sắc mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của sắc. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của sắc.
Thế nào là biết như thật về sự tai hại của sắc?
Sắc là vô thường, khổ, là Pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của sắc. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của sắc.
Thế nào là biết như thật về sự xuất ly sắc?
Đối với sắc mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly sắc. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly sắc.
Thế nào là biết như thật về sự hiện hữu của thọ?
Có sáu loại thọ: Mắt tiếp xúc sanh ra thọ và tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi tiếp xúc sanh ra thọ, đó gọi là sự hiện hữu của thọ. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của thọ.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thọ?
Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của thọ. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của thọ.
Thế nào là biết như thật về sự đoạn tận của thọ?
Khi xúc diệt, thì đó là sự diệt tận của thọ. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của thọ.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của thọ?
Là Tám Thánh Đạo: Chánh kiến… cho đến chánh định, đó gọi là con đường đưa đến sự tận diệt của thọ. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của thọ.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của thọ?
Hỷ lạc do duyên thọ mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của thọ. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của thọ.
Thế nào là biết như thật về sự tai hại của thọ?
Thọ là vô thường, khổ, là biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của thọ. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của thọ.
Thế nào là biết như thật về sự xuất ly thọ?
Nếu ở nơi thọ mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự lìa thọ. Như vậy là biết như thật về sự lìa thọ.
Thế nào là biết như thật về tưởng?
Có sáu tưởng thân. Tưởng phát sanh từ xúc của mắt. Tưởng phát sanh từ xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là sự hiện hữu của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của tưởng.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của tưởng?
Tập khởi của xúc là tập khởi của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của tưởng.
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của tưởng?
Diệt tận xúc là diệt tận tưởng. Như vậy là biết như thật về sự đoạn diệt của tưởng.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của tưởng?
Là Tám Thánh Đạo: Chánh kiến… cho đến chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự đoạn diệt của tưởng. Như vậy là biết như thật về con đường đoạn diệt của tưởng.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của tưởng?
Hỷ lạc nhờ duyên vào tưởng mà sanh ra. Đó gọi là vị ngọt của tưởng. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của tưởng.
Thế nào là biết như thật về sự tai hại của tưởng?
Tưởng là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của tưởng.
Thế nào là biết như thật về sự xuất ly tưởng?
Nếu ở nơi tưởng mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly tưởng. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly tưởng.
Thế nào là biết như thật về hành?
Có sáu tư thân. Tư phát sanh từ xúc của mắt. Tư phát sanh từ xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là hành. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của hành.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của hành?
Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của hành. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của hành.
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của hành?
Sự diệt tận của xúc là sự diệt tận của hành. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của hành.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành?
Là tám Thánh Đạo: Chánh kiến cho đến chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của hành?
Hỷ lạc do duyên vào hành mà sanh ra, nên gọi là vị ngọt của hành. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của hành.
Thế nào là biết như thật về sự tai hại của hành?
Hành là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của hành. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của hành.
Thế nào là biết như thật về sự xuất ly hành?
Nếu ở nơi hành mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua được dục tham. Đó gọi là sự xuất ly hành. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly hành.
Thế nào là biết như thật về thức?
Có sáu thức thân. Thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là sự hiện hữu của thức. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của thức.
Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thức?
Sự tập khởi của danh sắc là sự tập khởi của thức. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của thức.
Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của thức?
Sự diệt tận của danh sắc là sự diệt tận của thức. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của thức.
Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức?
Là Tám Thánh Đạo: Chánh kiến cho đến chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thức. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức.
Thế nào là biết như thật về vị ngọt của thức?
Hỷ lạc do duyên thức mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của thức. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của thức.
Thế nào là biết như thật về sự tai hại của thức?
Thức là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của thức. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của thức.
Thế nào là biết như thật về sự xuất ly thức?
Nếu ở nơi thức mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly thức. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly thức. Tỳ Kheo, đó gọi là bảy xứ thiện.
Thế nào là ba phương pháp quán nghĩa?
Nếu, Tỳ Kheo ở nơi hoang vắng, dưới gốc cây, hay nơi đồng trống, quán sát ấm, giới, nhập bằng phương tiện chân chánh mà tư duy nghĩa của chúng. Đó gọi là ba phương pháp quán nghĩa của Tỳ Kheo.
Đó gọi là bảy xứ thiện và ba phương pháp quán nghĩa của Tỳ Kheo, hoàn toàn ở trong pháp này mà chứng đắc lậu tận, đắc vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này mà tự tri, tự thân chứng ngộ cụ túc và an trụ, biết rằng. Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Lòng Ham Muốn Dẫn đến đau Khổ
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tát Giá
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Bảy - Phẩm Trì Giới
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Hai - Kinh để Dành Sữa
Phật Thuyết Kinh đà La Ni Tập - Phần Mười - Kim Cang Tạng Hàng Ma Pháp
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Miêu Ly
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bốn Mươi Sáu - Kinh Trộm Trâu ăn Thịt