Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Trách Chư Tưởng

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH TRÁCH CHƯ TƯỞNG  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, trong chúng xảy ra một việc tranh cãi nhỏ. Thế Tôn vì sự cố ấy quở trách các Tỳ Kheo. Vào lúc sáng sớm, Đức Phật đắp y mang bát vào thành khất thực.

Sau khi ăn xong, Ngài xếp y bát, rửa chân, rồi đi vào rừng An Đà, ngồi dưới một bóng cây, một mình tĩnh tọa tư duy, suy nghĩ như vậy: Trong chúng vừa xảy ra một việc tranh cãi nhỏ, ta đã quở trách các Tỳ Kheo. Nhưng trong chúng này có nhiều Tỳ Kheo trẻ tuổi, xuất gia chưa bao lâu, nếu không thấy Đại Sư, có thể họ sẽ khởi tâm hối, buồn rầu không vui.

Ta luôn luôn có lòng thương xót đối với các Tỳ Kheo. Nay cũng vì lòng thương xót, ta nên trở về để nhiếp thủ đồ chúng này.

Bấy giờ, Vua Đại Phạm biết được ý nghĩ của Phật, như lực sĩ co duỗi cánh tay, trong khoảnh khắc đã biến mất khỏi Cõi Trời Phạm Thiên, đến trước Phật bạch: Thật vậy, Thế Tôn! Thật vậy, Thiện Thệ!

Thế Tôn đã quở trách các Tỳ Kheo vì một chút việc tranh cãi nhỏ. Ở trong chúng kia có nhiều Tỳ Kheo trẻ tuổi, xuất gia chưa bao lâu, nếu không trông thấy Đại Sư, có thể họ sẽ khởi tâm hối, buồn rầu không vui. Thế Tôn luôn luôn vì lòng thương xót, nhiếp thọ Chúng Tăng.

Lành thay, Thế Tôn! Hôm nay xin Ngài trở về để nhiếp thủ các Tỳ Kheo. Bấy giờ, Thế Tôn vì rủ lòng thương tưởng Phạm Thiên, Ngài im lặng nhận lời.

Khi ấy, Trời Đại Phạm biết Thế Tôn đã im lặng nhận lời rồi, đảnh lễ Phật và đi nhiễu bên phải ba vòng rồi biến mất. Vua Đại Phạm đi chưa bao lâu, Đức Thế Tôn trở về vườn Cấp Cô Độc, trải tọa cụ ngồi ngay thẳng, biểu hiện ra bên ngoài các tướng vi tế, khiến cho các Tỳ Kheo mới dám đến hầu gặp.

Các Tỳ Kheo đi đến chỗ Phật với vẻ mặt đầy hổ thẹn, sau khi đảnh lễ dưới chân Phật rồi, ngồi qua một bên.

Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Người xuất gia có cuộc sống thấp hèn, cạo tóc, ôm bát, khất thực từng nhà, giống như bị cấm chú. Sở dĩ như vậy, là vì muốn cầu mục đích cao thượng, muốn thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não, tận cùng biên tế của khổ.

Này các thiện nam, các ông không vì Vua, giặc sai sử, không vì mắc nợ người, không vì khủng bố, không vì mất mạng mà xuất gia, mà chính vì muốn giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

Các ông há không vì mục đích ấy mà xuất gia chăng?

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, thật vậy.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Tỳ Kheo các ông, vì mục đích cao thượng như vậy mà xuất gia, vậy tại sao ở đây lại còn có kẻ phàm phu ngu si khởi lòng tham dục, sanh ra nhiễm đắm quá mức, sân nhuế, hung bạo, biếng nhác yếu hèn, mất niệm, không định, các căn mê loạn?

Giống như người từ tối tăm vào tối tăm. Từ mờ mịt vào mờ mịt. Từ hầm phẩn ra rồi lại rơi vào hầm phẩn. Dùng máu rửa máu. Lìa bỏ các việc ác, rồi trở lại nắm lấy các việc ác.

Ta nói những thí dụ này, Tỳ Kheo phàm phu cũng như vậy. Lại giống như củi thiêu tử thi, bị ném bỏ trên gò mả, không bị tiều phu thu gom.

Ta nói thí dụ này, thì đối với Tỳ Kheo phàm phu ngu si khởi lòng tham dục, sanh ra đắm nhiễm quá mức, sân nhuế hung bạo, biếng nhác yếu hèn, mất niệm không định, các căn tán loạn cũng lại như vậy.

Này các Tỳ Kheo, có ba pháp bất thiện giác, đó là: Tham giác, nhuế giác, hại giác. Ba giác này do tưởng mà sanh khởi.

Thế nào là tưởng?

Tưởng có vô lượng thứ: Tham tưởng, nhuế tưởng, hại tưởng… các pháp bất thiện giác từ đây sanh khởi.

Này các Tỳ Kheo, tham tưởng, nhuế tưởng, hại tưởng.

Tham giác, nhuế giác, hại giác và vô lượng thứ bất thiện, làm sao để diệt sạch rốt ráo?

Hãy buộc tâm vào bốn niệm xứ, hãy an trụ nơi vô tưởng tam muội, tu tập, tu tập nhiều. Pháp ác bất thiện từ đây diệt hết, dứt sạch không còn sót, là chính nhờ ở pháp này.

Người thiện nam, người thiện nữ có lòng tin vui xuất gia, tu tập vô tướng tam muội. Tu tập, tu tập nhiều, sẽ trụ trong cửa Cam Lộ, cho đến cứu cánh Cam Lộ Niết Bàn. Ta không nói Cam Lộ Niết Bàn này y cứ vào ba kiến.

Những gì là ba?

Có một hạng chủ trương như vậy, nói như vậy: Mạng tức là thân.

Lại có hạng chủ trương như vậy: Mạng khác thân khác.

Lại nói như vậy: Sắc là ngã, không hai không khác, tồn tại mãi mãi, không biến đổi.

Đa văn Thánh đệ tử tư duy như vậy: Thế gian có pháp nào đáng để chấp thủ mà không có sai lầm tội lỗi?

Khi tư duy rồi, họ không thấy một pháp nào khả thủ mà không có sai lầm tội lỗi cả. Nếu ta chấp thủ sắc, tức là có sai lầm tội lỗi. Nếu chấp thủ thọ, tưởng, hành, thức thì có sai lầm tội lỗi.

Đã biết vậy rồi, thì đối với các pháp thế gian không có gì để chấp thủ, vì không có gì để chấp thủ nên tự mìmh giác ngộ Niết Bàn: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa. Bấy giờ, các Tỳ Kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Bài kệ tóm tắt:

Ưng thuyết, tiểu thổ đoàn,

Bào mạt, hai vô tri,

Hà lưu, kỳ lâm, thọ,

Đê xá, trách chư tưởng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường