Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Bốn - Phẩm Ba - Phẩm Bốn Bài Kệ Số Ba - Chuyện Thầy Tu Mặc áo Da Tiền Thân Cammasảtaka

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG BỐN  

PHẨM BA

PHẨM BỐN BÀI KỆ SỐ BA  

CHUYỆN THẦY TU MẶC ÁO DA

TIỀN THÂN CAMMASẢTAKA  

Con vật hảo tâm tỏ ra vâng phục. Chuyện này do Bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỳ Kheo mặc áo bằng da.

Áo ngoài áo trong của ông đều bằng da cả. Một hôm, khi ra khỏi Tinh Xá để đi khất thực ở Xá Vệ, ông đến đấu trường của cừu đực. Một con cừu đực trông thấy ông, liền thối lui định húc ông.

Vị Tỳ Kheo tự nghĩ: Nó làm như thế là để tỏ kính phục ta đấy. Và ông không chịu lùi bước. Con cừu phóng tới húc vào đùi ông, làm ông ngã xuống đất. Trường hợp kính chào ảo tưởng kia được đồn đại trong chúng Tỳ Kheo.

Ðề mục được các Tỳ Kheo đem bàn tán trong Pháp Đường là vị Khất Sĩ mặc áo da kia tưởng được kính chào như thế nào và gặp cái chết ra sao. Bậc Ðạo Sư bước vào và hỏi họ đang bàn tán việc gì. Sau khi nghe kể lại.

Ngài dạy: Này các Tỳ Kheo, không phải chỉ bây giờ mà từ xưa kia cũng thế, tu sĩ ấy tưởng mình được kính chào và rồi phải mang lấy cái chết. Rồi Ngài kể cho họ một chuyện đời xưa.

Ngày xưa, Bồ Tát sinh ra trong một gia đình thương gia và hành nghề buôn bán. Bấy giờ có một Khất Sĩ nọ, mặc quần áo bằng da đang đi khất thực, đến đấu trường của cừu đực và cừu đực thối lui khi đối diện với ông, ông tưởng nó làm thế là tỏ dấu hiệu kính trọng nên ông không rút lui.

Ông nghĩ: Trên toàn cõi đời này, chỉ riêng con cừu này nhận biết các công hạnh của ta.

Ông đứng đó, chấp tay giơ lên kính chào và đọc bài kệ đầu:

Con vật hảo tâm tỏ ra khâm phục

Trước Bà La Môn đạo thức, đẳng cao.

Thú kia, ngươi thiện hảo biết là bao,

Mong ngươi được vang danh khắp loài vật.

Bây giờ một vị thương gia có trí tuệ đang ngồi trong cửa hàng mình, muốn can ngăn vị Khất Sĩ, liền đọc bài kệ thứ hai:

Bà La Môn, chớ khinh thường, tin nó,

Nó sẽ húc, người ngã xuống đất ngay.

Cừu đực kia đang lui lại như vậy,

Ðể phóng mạnh tới tấn công người đó.

Trong lúc vị thương gia có trí tuệ ấy còn đang nói, con cừu đực phóng tới thật nhanh và húc vào đùi Khất Sĩ, làm ông ngã xuống. Ông muốn cuồng lên vì đau đớn, và cứ nằm đó kêu than.

Sự việc ấy được bậc Ðạo Sư diễn tả bằng bài kệ thứ ba:

Bình bát lật úp và chân bị gãy,

Người tiếc than thân phận ấy đau buồn.

Ðừng dang tay khóc lóc thật hoài công,

Mau cứu chữa trước khi người bị giết!

Và vị Khất Sĩ đọc bài kệ thứ tư:

Kẻ nào tỏ kính cung nơi chẳng xứng,

Ðều xẻ chia số phận của tôi nay,

Bị cừu kia húc ngã xuống đất đây.

Tôi phải chết vì lòng tin vụng dại.

Ông ta than vãn như thế rồi sau đó chết đi.

Sau khi chấm dứt bài thuyết giảng, Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân: Người mặc áo da hôm nay và thời xưa ấy cũng là một. Còn ta là vị thương gia có trí tuệ kia.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần