Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh ưu đà Di

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH ƯU ĐÀ DI  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà, thành Vương Xá.

Bấy giờ Vua Bình Sa đi đến chỗ Tôn Giả Ưu Đà Di, cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Tôn Giả Ưu Đà Di: Đức Thế Tôn nói có bao nhiêu thọ?

Tôn Giả Ưu Đà Di đáp:

Tâu Đại Vương, Thế Tôn nói ba thọ: Thọ khổ, thọ lạc thọ không khổ không lạc.

Vua Bình sa bạch Tôn Giả Ưu Đà Di:

Chớ nói như vậy, rằng: Thế Tôn nói ba thọ là thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc. Nhưng đúng ra phải nói có hai thọ là thọ khổ và thọ lạc. Thọ không khổ không lạc là tịch diệt. Nói ba lần như vậy.

Tôn Giả Ưu Đà Di không thể xác lập ba thọ với vua và vua cũng không thể xác lập hai thọ. Cả hai cùng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.

Bấy giờ, Tôn Giả Ưu Đà Di bạch lại với Phật những sự việc trên một cách đầy đủ: Con cũng không thể xác lập được ba thọ và Vua cũng không thể xác lập được hai thọ.

Nên nay chúng con cùng đến hỏi Thế Tôn, xin quyết định nghĩa này, là có mấy thọ?

Phật bảo Tôn Giả Ưu Đà Di: Ta có khi nói một thọ, có khi nói hai thọ, hoặc có khi nói ba, bốn, năm, sáu, mười tám, ba mươi sáu, cho đến một trăm lẻ tám thọ, hoặc có khi nói Vô Lượng Thọ.

Ta nói một thọ như thế nào?

Như nói, những gì là thọ đều là khổ. Đó gọi là ta nói có một thọ.

Ta nói hai thọ như thế nào?

Nói, thân thọ và tâm thọ. Đó gọi là có hai thọ.

Thế nào là ba thọ?

Thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ không vui.

Thế nào là bốn thọ?

Thọ hệ thuộc Dục Giới, thọ hệ thuộc sắc giới, thọ hệ thuộc Vô Sắc Giới và thọ không hệ thuộc.

Thế nào là nói năm thọ?

Lạc căn, hỷ căn, khổ căn, ưu căn và xả căn. Đó gọi là năm thọ.

Thế nào là sáu thọ?

Thọ sanh từ nhãn xúc, thọ sanh từ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc. Đó gọi là sáu thọ.

Thế nào là mười tám thọ?

Thọ, theo sáu hỷ hành, sáu ưu hành và sáu xả hành. Đó gọi là mười tám thọ.

Thế nào là ba mươi sáu thọ?

Hỷ y sáu tham trước, hỷ y sáu ly tham. Ưu y sáu tham trước, ưu y sáu ly tham. Xả y sáu tham trước, xả sáu ly tham. Đó gọi là ba mươi sáu thọ.

Thế nào là một trăm lẻ tám thọ?

Ba mươi sáu thọ quá khứ, ba mươi sáu thọ vị lai và ba mươi sáu thọ hiện tại. Đó gọi là một trăm lẻ tám thọ.

Thế nào là Vô Lượng Thọ?

Như nói thọ này, thọ kia v.v… này Tỳ Kheo, như vậy gọi là Vô Lượng Thọ.

Này Ưu Đà Di, Ta bằng nhiều hình thức như vậy nói như thật nghĩa của thọ. Thế gian không hiểu, nên tranh luận và mâu thuẫn chống trái nhau, trọn không nắm được nghĩa chân thật trong pháp luật của ta, để tự dừng lại.

Này Ưu Đà Di, nếu đối với nghĩa của nhiều loại thọ mà ta đã nói đây, hiểu biết như thật, thì không khởi tranh luận và mâu thuẫn chống trái nhau. Với tranh luận đã khởi lên hay chưa khởi lên, có thể bằng pháp luật này mà ngăn ngừa, khiến cho nó đình chỉ.

Nhưng này Ưu Đà Di, có hai thọ: Thọ dục và thọ ly dục.

Thế nào là thọ dục?

Thọ do nhân duyên năm công đức của dục sanh ra, đó gọi là thọ dục.

Thế nào là thọ ly dục?

Tỳ Kheo ly dục và pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly, thành tựu và an trụ Sơ Thiền, đó gọi là thọ ly dục.

Nếu có người nói: Chúng sanh nương vào Sơ Thiền này, chỉ có đây là lạc, ngoài ra không còn gì khác. Điều này không đúng.

Vì sao?

Vì còn có cái lạc thù thắng hơn cái lạc này.

Đó là gì?

Tỳ Kheo lìa có giác, lìa có quán, nội tĩnh, có hỷ lạc do định sanh, thành tựu và an trụ Nhị Thiền. Đó gọi là lạc thù thắng. Như vậy, cho đến, Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, càng lên càng thù thắng hơn.

Nếu có người nói: Chỉ có những xứ này, cho đến, Phi tưởng phi phi tưởng là cực lạc, không còn chỗ nào khác. Như vậy cũng lại không đúng.

Vì sao?

Vì còn có cái lạc thù thắng hơn những nơi này nữa.

Đó là gì?

Tỳ Kheo vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, tưởng thọ diệt, tự thân tác chứng thành tựu. Đó là cái lạc thù thắng hơn cái lạc trên.

Nếu có kẻ xuất gia dị học nói: Sa Môn Thích Tử chỉ nói đến tưởng thọ diệt và cho là đã đến chỗ tận cùng của lạc, điều này không đúng.

Vì sao?

Vì đây không phải là danh nghĩa thọ lạc mà Thế Tôn đã nói.

Danh nghĩa thọ lạc mà Thế Tôn nói là, như nói: Này Ưu Đà Di, có bốn thứ lạc.

Những gì là bốn?

Đó là lạc ly dục, lạc viễn ly, lạc tịch diệt và lạc bồ đề.

Phật nói Kinh này xong, Ưu Đà Di và vua Bình Sa nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường