Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vô Thực Lạc
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH VÔ THỰC LẠC
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo:
Có niệm có thực vị, có niệm không thực vị, có niệm vừa không thực vị vừa có thực vị.
Có lạc có thực vị, có lạc không thực vị, có lạc vừa không thực vị vừa có thực vị.
Có xả có thực vị, có niệm không thực vị, có xả vừa không thực vị vừa có thực vị.
Có giải thoát có thực vị, có giải thoát không thực vị, có giải thoát vừa không thực vị vừa có thực vị.
Thế nào là niệm có thực vị?
Niệm sanh ra do năm dục làm nhân duyên.
Thế nào là niệm không thực vị?
Tỳ Kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện. Có giác, có quán, có hỷ lạc do viễn ly sanh, thành tựu và an trụ Sơ Thiền. Đó gọi là niệm không thực vị.
Thế nào là niệm vừa không thực vị vừa có thực vị?
Tỳ Kheo có giác, có quán, nội tĩnh nhất tâm. Không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh, thành tựu và trụ Nhị Thiền. Đó gọi là niệm vừa không thực vị vừa có thực vị.
Thế nào là lạc có thực vị?
Lạc, hỷ, do năm dục làm nhân duyên sanh ra. Đó gọi là lạc có thực vị.
Thế nào là lạc không thực vị?
Dứt có giác có quán, nội tĩnh nhất tâm. Không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh. Đó gọi là vô thực lạc.
Thế nào là lạc vừa không thực vị vừa có thực vị?
Tỳ Kheo lìa hỷ, tham, an trụ xả tâm với chánh niệm, chánh tri, trụ an lạc, điều mà Thánh nói là xả. Đó gọi là lạc vừa không thực vị vừa có thực vị.
Thế nào là xả có thực vị?
Xả do ngũ dục làm nhân duyên sanh ra. Đó gọi là xả có thực vị.
Thế nào là xả không thực vị?
Tỳ Kheo lìa hỷ tham, an trụ xả tâm, với chánh niệm, chánh tri, an trụ lạc, điều Thánh nói là xả, thành tựu và an trú Tam Thiền. Đó gọi là xả không thực vị.
Thế nào là xả vừa không thực vị vừa có thực vị?
Tỳ Kheo xa lìa khổ, dứt lạc. Ưu và hỷ trước đã dứt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh, nhất tâm, thành tựu và an trụ Tứ Thiền. Đó gọi là vừa không thực vị vừa có thực vị.
Thế nào là giải thoát có thực vị?
Hành cùng đi với sắc.
Thế nào là vô thực giải thoát?
Hành cùng đi với vô sắc.
Thế nào là giải thoát vừa không thực vị vừa có thực vị?
Tỳ Kheo kia, giải thoát với tâm không nhiễm tham dục, không nhiễm sân nhuế, ngu si. Đó gọi là giải thoát vừa không thực vị vừa có thực vị.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một