Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vô úy - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH VÔ ÚY 

 

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở trong núi Kỳ Xà Quật, thành Vương Xá. Bấy giờ có Vương Tử Vô Úy thường ngày đi bộ, thong thả dạo chơi, đi đến chỗ Đức Phật.

Sau khi diện kiến chào hỏi Thế Tôn xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng: 

Bạch Thế Tôn, có Sa Môn, Bà La Môn thấy như vậy, nói như vậy: Chúng sanh phiền não, không nhân, không duyên. Chúng sanh thanh tịnh, không nhân, không duyên.

Còn Thế Tôn thì thế nào?

Phật bảo Vô Úy: Vì các Sa Môn, Bà La Môn nói những điều mà họ không suy nghĩ, ngu si, không phân biệt, không khéo léo, chẳng biết suy nghĩ, chẳng biết suy lường nên nói: Chúng sanh phiền não, không nhân, không duyên. Chúng sanh thanh tịnh, không nhân, không duyên. Như vậy.

Vì sao?

Vì chúng sanh phiền não có nhân, có duyên và chúng sanh thanh tịnh, có nhân, có duyên.

Chúng sanh phiền não có nhân gì, duyên gì?

Chúng sanh thanh tịnh có nhân gì, duyên gì?

Vì tham dục chúng sanh tăng thượng nên đối với của cải, đồ vật của người khác khởi lên lòng tham nói rằng: Vật này là sở hữu của tôi thì tốt. Nó yêu thích không muốn xa lìa. Đối với chúng sanh khác khởi lên lòng sân hận, hung ác, toan tính, muốn đánh, muốn trói, chèn ép, gia tăng những việc trái đạo, tạo ra các nạn, không từ bỏ sân nhuế.

Thân ham ngủ nghỉ, tâm lại lười biếng, tâm luôn dao động. Bên trong không tịch tĩnh, tâm thường nghi hoặc, nghi quá khứ, nghi vị lai, nghi hiện tại.

Này Vô Úy, vì những nhân như vậy, những duyên như vậy, nên chúng sanh phiền não. Vì những nhân như vậy, những duyên như vậy nên chúng sanh thanh tịnh.

Vô Úy bạch Phật: Thưa Cù Đàm, một phần triền cái đã đủ là phiền não tâm, huống chi là tất cả!

Vô Úy lại bạch Phật: Bạch Cù Đàm, chúng sanh thanh tịnh có nhân gì, có duyên gì?

Phật bảo Vô Úy: Nếu Bà La Môn nào có một niệm thù thắng, quyết định thành tựu. Những việc đã làm từ lâu, những lời nói từ lâu, có thể tùy theo nhớ nghĩ, ngay lúc ấy tu tập niệm giác chi. 

Khi niệm giác chi đã tu tập rồi, thì niệm giác đầy đủ.

Khi niệm giác đã đầy đủ rồi, thì có sự lựa chọn, phân biệt, tư duy, lúc bấy giờ tu tập trạch pháp giác chi.

Khi đã tu tập trạch pháp giác chi rồi, thì trạch pháp giác đầy đủ.

Khi đã lựa chọn, phân biệt, suy lường pháp rồi, thì sẽ nỗ lực tinh tấn. Ở đây, tu tập tinh tấn giác chi.

Khi đã tu tập tinh tấn giác chi rồi, thì tinh tấn giác đầy đủ.

Khi đã nỗ lực tinh tấn rồi, thì hoan hỷ sẽ sanh, xa lìa các tưởng về thức ăn, tu hỷ giác chi.

Khi đã tu hỷ giác chi rồi, thì hỷ giác đầy đủ.

Khi hỷ giác chi đã đầy đủ rồi, thì thân và tâm khinh an. Lúc ấy tu khinh an giác chi.

Khi đã tu khinh an giác chi rồi, thì khinh an giác sẽ đầy đủ.

Khi thân đã khinh an rồi, thì sẽ được an lạc và khi đã an lạc rồi thì tâm sẽ định.

Khi ấy tu định giác chi.

Khi đã tu định giác chi rồi, thì định giác sẽ đầy đủ.

Khi định giác chi đã đầy đủ rồi, thì tham ái sẽ bị diệt và tâm xả sanh ra.

Khi ấy tu xả giác chi.

Khi đã tu xả giác chi rồi, thì xả giác sẽ đầy đủ. Như vậy, này vô úy, vì nhân này, duyên này mà chúng sanh thanh tịnh.

Vô Úy bạch Cù Đàm: Nếu một phần trong Bảy giác chi này đầy đủ, thì cũng khiến cho chúng sanh thanh tịnh, huống chi là tất cả.

Vô Úy bạch Phật: Bạch Cù Đàm, Kinh này tên gì và phải phụng trì như thế nào?

Phật bảo Vương Tử Vô Úy: Nên gọi đây là Kinh Giác Chi.

Vô Úy bạch Phật: Bạch Cù Đàm, đây là giác phần tối thắng.

Bạch Cù Đàm, con là Vương Tử, đã an lạc, mà vẫn thường cầu an lạc, nhưng ít khi ra vào. Nay lên trên núi, tứ chi tuy mỏi mệt, nhưng được nghe Cù Đàm nói Kinh Giác Chi nên quên tất cả sự mệt nhọc.

Sau khi Phật nói Kinh này xong, Vương Tử Vô Úy nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng lên, cúi đầu lễ dưới chân Phật rồi lui.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường