Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Bốn Mươi Chín - Phẩm đại Minh

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Vô La Xoa, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH PHÓNG QUANG BÁT NHÃ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Vô La Xoa, Đời Tây Tấn  

PHẨM BỐN MƯƠI CHÍN

PHẨM ĐẠI MINH  

Phật bảo Tu Bồ Đề: Ví như có người mẹ sinh ra các con, từ một cho đến ngàn người. Trong lúc người mẹ đau nặng, các người con kia đều lo lắng, cầu cứu, chữa trị, lạnh ấm, khô ướt đều chăm sóc chu đáo, mong mẹ được lành bệnh.

Vì sao?

Vì chúng nó trưởng thành đầy đủ, hiểu biết là nhờ mẹ cho nên suốt đời chúng không bất hiếu và luôn báo ân cho mẹ.

Cũng vậy, Tu Bồ Đề, các Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác thường dùng Phật nhãn quan tâm đến người hành trì bát nhã Ba la mật, vì bát nhã sâu xa là ánh sáng lớn của thế gian.

Mười phương các Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác cũng dùng Phật nhãn quan tâm đến người hành trì bát nhã Ba la mật. Vì bát nhã Ba la mật sâu xa sinh ra các Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác chứng đắc tuệ trí nhất thiết, cho nên các Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác thường quan tâm người hành trì bát nhã Ba la mật.

Đối với Chư Phật, Ba la mật cũng sinh từ đó. Nội ngoại không và hữu vô không, ba mươi bảy phẩm trợ đạo cũng sinh từ đó. Mười tám pháp Bất cộng, trí nhất thiết cũng sinh từ đó. Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật đạo, Chánh Đẳng Giác cũng từ bát nhã Ba la mật phát sinh, tự chứng đắc thành Vô Thượng, Chánh Đẳng Giác.

Tu Bồ Đề! Nếu có thiện nam, thiện nữ ghi chép, thọ trì, học tập bát nhã Ba la mật, Chư Phật thường dùng Phật nhãn quan tâm người hành trì bát nhã Ba la mật, Chư Phật thường ủng hộ để họ không thoái chuyển cho đến khi họ đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác mà không bị tổn giảm.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Như lời Thế Tôn dạy, vậy bát nhã Ba la mật là mẹ của các Bồ Tát, là ánh sáng lớn cho thế gian. Thưa Thế Tôn, vì sao bát nhã Ba la mật là mẹ của các Bồ Tát, là ánh sáng lớn cho thế gian?

Vì sao Chư Phật từ bát nhã Ba la mật sinh ra?

Vì sao lại thị hiện ánh sáng cho thế gian?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Bát nhã sinh ra mười lực của Phật, mười tám pháp Bất cộng, trí nhất thiết. Vì các pháp trên, Như Lai đã thị hiện đầy đủ, cho nên các Như Lai từ bát nhã Ba la mật sinh ra trong thế gian.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Như Lai dạy về năm ấm.

Bạch Thế Tôn, vì sao bát nhã Ba la mật sâu xa thị hiện năm ấm?

Phật nói: Bát nhã Ba la mật không sinh, thị hiện năm ấm không diệt, thị hiện năm ấm không thường, không đoạn, không tăng, không giảm, không lấy, không bỏ, cũng không quá khứ, hiện tại, vị lai.

Vì sao?

Vì không, vô tướng, vô nguyện không hiện thành bại, không hiện hữu vi, không hiện vô vi, không thị hiện không sự sinh, không sự có, không thị hiện các pháp chân thật. Như vậy không thị hiện thành bại. Tu Bồ Đề, đó là bát nhã Ba la mật thị hiện thế gian.

Tu Bồ Đề! bát nhã Ba la mật cũng biết tất cả ý nghiệp của chúng sinh. Bát nhã Ba la mật không biết chỗ chúng sinh, không biết chỗ của năm ấm, sáu tình cho đến chỗ của trí nhất thiết cũng không biết. Tu Bồ Đề, đó là bát nhã Ba la mật thị hiện thế gian.

Bát Nhã Ba la mật sâu xa không thị hiện năm ấm cho đến trí nhất thiết cũng không thị hiện.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật sâu xa không thấy bát nhã Ba la mật sâu xa huống chi thấy năm ấm cho đến trí nhất thiết.

Tu Bồ Đề! Sao gọi là chúng sinh?

Chúng sinh ở Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, khắp thế gian và mười phương, chúng sinh có ý loạn ý định Như Lai đều biết, lại biết tất cả các sự việc.

Tu Bồ Đề, vì sao Như Lai đều biết các sự việc khác của chúng sinh?

Do nhờ pháp cho nên Như Lai biết chúng sinh có ý loạn ý định.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Như Lai dùng những pháp gì để biết chúng sinh có ý loạn, ý định?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Các pháp còn không thể thấy được, huống chi biết chúng sinh có loạn, có định. Do dùng pháp này cho nên Như Lai biết.

Tu Bồ Đề! Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác biết tâm ý chúng sinh có loạn hay định.

Vì sao biết?

Vì nhờ dùng vô thường, dùng giải thoát, do sự tịch tĩnh, nhờ sự diệt tận cho nên biết. Do điều này cho nên Như Lai biết có loạn, có định.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Như Lai còn biêt tường tận chúng sinh có dâm, nộ, si.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm sao biết được?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Như Lai biết tâm ý chúng sinh có dâm, nộ, si.

Vì sao?

Vì ý niệm và sự có không thể thấy được thì làm sao có dâm, nộ, si để mà thủ đắc, do điều này cho nên Như Lai biết rõ.

Tu Bồ Đề! Như Lai lại biết tâm ý chúng sinh không có dâm, nộ, si Như Lai đều biết.

Vì sao?

Vì biết sự có thể biết là không dâm, nộ, si. Tâm ý cũng chẳng phải có tâm ý.

Vì sao?

Vì cả hai ý không hòa hợp. Do điều này nên Như Lai biết.

Tu Bồ Đề! Như Lai nhờ bát nhã Ba la mật mà biết tâm ý chúng sinh có quảng đại.

Vì sao biết?

Tu Bồ Đề, Như Lai biết tâm quảng đại của chúng sinh, tâm không hạn hẹp của chúng sinh, tâm không tăng của chúng sinh, tâm không giảm của chúng sinh, tâm không đến không đi của chúng sinh.

Vì sao?

Vì tâm ý không thể thủ đắc được tiến thoái. Do đây cho nên biết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Như Lai nhờ bát nhã Ba la mật biết chúng sinh có đại tâm. Vì Như Lai biết tâm chúng sinh không đến, không đi, không sinh, không diệt, không trụ, không biến đổi. Do điều này nên biết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Như Lai nhờ bát nhã Ba la mật biết tâm chúng sinh không có hạn lượng.

Vì sao biết?

Tu Bồ Đề, Như Lai không thấy tâm chúng sinh có tăng, có giảm, có chỗ trú.

Vì sao?

Vì tâm chúng sinh không có chỗ giữ chứa, cho nên không thể thấy. Do điều này nên biết.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Như Lai nhờ bát nhã Ba la mật mà biết tâm chúng sinh không thể thấy được.

Vì sao biết?

Vì các tâm ý không có hình tướng, không có sở hữu.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Như Lai nhờ bát nhã Ba la mật biết tâm chúng sinh không thể quan sát được.

Vì sao biết?

Vì Như Lai dùng năm loại mắt để thấy đối tượng tâm của chúng sinh.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Như Lai nhờ bát nhã Ba la mật mà biết sự cúi ngửa co duỗi của chúng sinh.

Vì sao biết?

Vì sự cúi ngước co giãn trong tâm chúng sinh đều từ năm ấm phát sinh ra nhưng không biết năm ấm, chỉ biết thở vô, thở ra có ngã và Thế Giới. Chỉ biết việc này ngoài ra không phân biệt được việc khác. Năm ấm cũng lại không biết thở ra thở vô chỉ biết có ngã và Thế Giới, ngoài ra không biết việc khác.

Thân là mạng sống, mạng sống là thân. Thân này chẳng phải mạng, mạng này chẳng phải thân. Vì vậy, Tu Bồ Đề, Như Lai nhờ bát nhã Ba la mật mà biết rõ sự cúi ngước co giãn của chúng sinh.

Tu Bồ Đề! Phật biết năm ấm.

Vì sao biết?

Biết như của năm ấm, biết như của như, biết như của không tạo tác, biết như của không tướng, biết như của không tiến tới, biết như của không hý luận, biết như của không có ngã, biết như của không ỷ lại.

Vì vậy, Tu Bồ Đề, Như Lai dựa vào như của chúng sinh mà biết được như cúi ngước co giãn của năm ấm, biết như của năm ấm là như của các pháp, như của các pháp là như của sáu pháp Ba la mật, như của sáu pháp Ba la mật là như của ba mươi bảy phẩm trợ đạo, như của ba mươi bảy phẩm trợ đạo là như của mười tám pháp không. Như của mười tám pháp không là như của tám bối xả, chín Thứ đệ thiền.

Như của tám bối xả, vô thiền, chín thứ đệ thiền là như của mười lực. Như của mười lực là như của bốn vô ngại trí, bốn đẳng tâm, bốn vô sở úy, đại từ, đại bi, mười tám pháp bất cộng của Phật.

Như của mười tám pháp bất cộng của Phật là như của trí nhất thiết tuệ. Như của trí nhất thiết tuệ là Như của tất cả các pháp ác, pháp thiện, pháp đạo, pháp tục, pháp hữu lậu, pháp vô lậu.

Như của pháp này là như của quá khứ, hiện tại, vị lai. Như của quá khứ, hiện tại, vị lai là như của hữu vi, vô vi. Như của pháp hữu vi, vô vi là như của Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Như của La Hán là Như của Bích Chi. Như của Bích Chi Phật là Như của Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Như của Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác là Như của đạo. Như của đạo là như của Như Lai. Như của Như Lai là nhất như không thể phá hoại, không thể phân biệt, không có đoạn tận, không hai, không khác.

Tu Bồ Đề! Đó là như của các pháp, nhờ bát nhã Ba la mật mà Như Lai biết như của tất cả các pháp. Tu Bồ Đề, bát nhã Ba la mật này là mẹ của chư Như Lai, là ánh sáng lớn của thế gian.

Thế nên, Tu Bồ Đề, Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác đều biết như của các pháp là như vậy hay không như vậy, đều không làm khác đi, đều biết như của các pháp là như vậy. Cho nên Chư Phật Thế Tôn gọi là Như Lai.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như của các pháp là như vậy hay không như vậy đều rất sâu xa. Thế Tôn, sự phân bố giáo hóa chân như đúng như lời Phật thuyết. Pháp sâu xa này ai có thể hiểu được, chỉ có bậc không thoái chuyển cho đến Đại Bồ Tát, La Hán lậu tận mới có thể hiểu được.

Phật bảo Tu Bồ Đề: Như của vô tận là như của vô tận gì?

Đó là như vô tận của các pháp. Tu Bồ Đề, Như Lai Vô Sở Trước Chánh Đẳng Giác khi thành Phật đều thuyết như này của các pháp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần