Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười - Phẩm Mười Bài Kệ - Chuyện Hồng Nga Tiền Thân Cakka Vàka

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI  

PHẨM MƯỜI BÀI KỆ  

CHUYỆN HỒNG NGA

TIỀN THÂN CAKKA VÀKA  

Màu lông tươi đẹp, dáng thanh tao. Chuyện này bậc Ðạo Sư kể trong lúc đang trú tại Kỳ Viên về một Tỳ Kheo tham lam.

Chuyện kể rằng người này bất mãn với bộ y Khất Sĩ cùng những thứ tương tự nên thường đi quanh quẩn hỏi: Nơi đâu có cơm cho Tăng Chúng?

Nơi đâu có người mời?

Và khi nghe nói có thịt, ông tỏ ra rất hoan hỷ. Lúc bấy giờ có một vị Tỳ Kheo tốt bụng vì lòng thương tưởng bạn, nên đem chuyện ấy kể với bậc Ðạo Sư.

Ngài triệu người ấy đến hỏi: Này Tỳ Kheo, có thật đúng như ta nghe rằng ông tham lam đó chăng?

Bạch Thế Tôn, đúng thế.

Này Tỳ Kheo, tại sao ông còn ham muốn, sau khi hành trì giáo pháp đưa đến giải thoát như đạo của ta?

Tham tâm này là ác pháp, ngày xưa, vì tham dục, ông bất mãn với các xác voi chết cùng nhiều vật thừa khác ở Ba La Nại nên đã đi vào rừng rậm.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ. Thuở xưa, khi Vua Brahmadatta trị vì tại Ba La Nại, một con quạ tham ăn không hài lòng với các xác voi chết ở Ba La Nại, cùng mọi thứ xác chết khác.

Nó suy nghĩ: Bây giờ đây ta không biết rừng rậm ra sao nhỉ?

Thế là nó vào rừng xanh, song nó cũng không hài lòng với trái cây rừng mà nó tìm được, nên đi đến Sông Hằng.

Khi nó tiến về phía Sông Hằng, chợt thấy một đôi Hồng Nga, nó suy nghĩ: Những con chim đàng xa kia tuyệt đẹp, ta chắc chúng tìm ra nhiều thịt để ăn trên bờ Sông Hằng này. Ta muốn hỏi chúng và nếu ta cũng ăn thịt chúng nữa, chắc chắn ta sẽ được màu lông tươi sáng như chúng vậy.

Thế là khi đậu không xa đôi chim ấy, quạ hỏi Hồng Nga bằng cách ngâm hai vần kệ đầu:

Màu lông tươi đẹp, dáng thanh tao,

Thân thể tròn xinh, ửng sắc đào,

Này ngỗng, đúng là bạn tuyệt mỹ,

Năm căn và mặt sáng ngời sao!

Trong khi đậu ở bến Sông Hằng,

Cá tráp, cá vền, Ngỗng vẫn ăn,

Cá chép, cùng nhiều loài cá khác,

Trên dòng sông nước lội tung tăng.

Hồng Nga liền cãi lại quạ bằng cách ngâm vần kệ thứ ba:

Ta chẳng ăn bầy cá giữa dòng,

Cũng không nằm nghỉ ở trong rừng,

Mọi loài rong cỏ, ta nuôi sống,

Này bạn, đó là món Ngỗng ăn.

Lúc ấy quạ ngâm hai vần kệ:

Ta chẳng tin theo ngỗng giải bày,

Xác minh thực phẩm nó ăn đầy,

Của ngon trong xóm ngâm dầu muối,

Là món ta ăn sống mỗi ngày.

Món cơm tinh sạch, đẹp làm sao

Có kẻ làm xong, lại đổ vào

Món thịt ấy, nhưng này bạn ngỗng,

Sắc ta không giống bạn đâu nào.

Ngay sau đó Hồng Nga ngâm cho quạ nghe các vần kệ còn lại, nêu rõ lý do tại sao quạ có màu lông xấu xí và thuyết giảng đức tính chân chánh:

Ngắm xem tội ác ở lòng người,

Làm hại, phá tan cả cuộc đời,

Lo sợ, kinh hoàng, ngươi ẩm thực,

Nên ngươi có được sắc này thôi.

Quạ ơi, lầm lạc khắp trên trần,

Tội ác trong đời trước hóa thân,

Bạn chẳng thích đồ ăn uống nữa,

Chính màu này quạ phải mang luôn.

Này bạn ta chẳng hại ai,

Cũng không lo lắng, dạ an hoài,

Cũng không có việc gì sầu muộn,

Sợ hãi gì do kẻ địch ngoài.

Vậy bạn này, nên sống dũng cường,

Giã từ đường lối sống vô lương,

Trên đời tiến bước không làm hại,

Tất cả cùng yêu mến tán dương.

Người nào thân ái với muôn loài,

Không hại và không bảo hại ai,

Không quấy nhiễu, không ai quấy nhiễu,

Không thấy gì sân hận vì người.

Vậy bạn muốn được mọi người thương mến, hãy từ bỏ các ái dục. Hồng Nga này thuyết giảng đạo đức chân chánh, đã nói như vậy.

Quạ đáp: Ðừng nói tầm phào với ta về cách sống của bạn.

Xong nó vừa kêu lên quạ! Quạ! Vừa bay mất qua không gian đến bãi phân ở thành Ba La Nại. Khi bậc Ðạo Sư chấm dứt pháp thoại này xong. Ngài thuyết giảng các sự thật. Bấy giờ lúc kết thúc các sự thật, vị Tỳ Kheo tham lam đã được an trú vào tam quả Bất Lai.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Thời ấy, Tỳ Kheo tham lam này là quạ, mẹ của La Hầu La là chim bạn của Hồng Nga và ta chính là Hồng Nga.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần