Phật Thuyết Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười - Phẩm Tỏ Bày Công đức

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần

PHẬT THUYẾT

KINH THẮNG THIÊN VƯƠNG

BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần  

PHẨM MƯỜI

PHẨM TỎ BÀY CÔNG ĐỨC  

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, từ nơi tòa đứng dậy, sửa áo bày vai phải, gối quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ bạch Phật: Bạch Thế Tôn!

Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật bao nhiêu kiếp, cúng dường bao nhiêu Đức Phật mà được đối trước Như Lai, để nghe nói về bát nhã Ba la mật sâu xa như Thắng Thiên Vương vậy?

Phật bảo Đại Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Này Thiện Nam! Việc này không thể nghĩ lường. Nếu Bồ Tát chẳng tải qua vô số trăm ngàn ức kiếp, tu tập các hạnh, gieo trồng căn lành thì không thể nghe được tên bát nhã Ba la mật này.

Này Thiện Nam! Hằng hà sa Thế Giới trong mười phương, còn có thể đếm biết. Chứ không thể đếm được số kiếp mà Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật và số vị Phật mà Bồ Tát cúng dường.

Này Văn Thù Sư Lợi! Về quá khứ vô lượng, vô biên A tăng kỳ kiếp không thể nghĩ bàn. Có Đức Phật Hiệu là Đa Văn Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Nước tên Nhựt Quang và kiếp tên Tăng Thượng.

Bấy giờ, Phật Đa Văn vì các Đại Bồ Tát mà nói pháp môn thanh tịnh. Các Thiện Nam, cần phải siêng năng tinh tấn tu hành, chẳng nên xem trọng thân mạng.

Lúc đó, trong pháp hội có một Đại Bồ Tát tên là Tấn Lực, từ nơi tòa đứng dậy, sửa áo bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ bạch: Bạch Thế Tôn! Vấn đề Thế Tôn khuyên chúng con phải siêng năng tinh tấn, tu hành, chớ xem trọng thân mạng.

Như con hiểu lời Phật dạy là: Đại Bồ Tát cần nên biếng lười mới mau thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Vì sao?

Vì nếu Đại Bồ Tát siêng năng, tinh tấn, tu hành thì không thể ở lâu trong sinh tử, thì không hoàn thành được phần tự độ. Còn mau chứng Niết Bàn thì không giáo hóa được chúng sinh.

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát ở trong sinh tử lấy đó làm vui, chứ không lấy Niết Bàn làm vui.

Vì sao?

Bạch Thế Tôn! Vì Đại Bồ Tát làm lợi ích chúng sinh, nên lấy việc đó làm vui. Tùy sự ưa thích của chúng sinh mà dùng tất cả phương tiện nói các loại pháp, làm cho họ được an vui. Nếu Bồ Tát đoạn trừ hết lậu hoặc thì không thể làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Bạch Thế Tôn! Cho nên Bồ Tát xem xét sinh tử mà khởi tâm đại bi, không bỏ chúng sinh mới thành tựu được bản nguyện.

Bạch Thế Tôn! Vì thế Đại Bồ Tát mới đủ sức phương tiện, ở lâu trong sinh tử, gặp được vô lượng, vô biên Chư Phật và nghe vô lượng, vô biên chánh pháp. Giáo hóa vô lượng, vô biên chúng sinh. Do đó, Đại Bồ Tát không nhàm chán sinh tử và không ưa Niết Bàn.

Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát xem xét sinh tử mà tâm hoảng sợ thì rơi vào phi đạo, không thể làm lợi ích cho tất cả chúng sinh và không biết rõ cảnh giới sâu xa của Như Lai.

Thế nào là phi đạo?

Nghĩa là: Còn tham ưa địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật. Đối với chúng sinh không có tâm đại bi.

Vì sao?

Vì đạo Thanh Văn và Bích Chi Phật chẳng phải là đạo của Đại Bồ Tát. Vì Thanh Văn và Bích Chi Phật lo sợ sinh tử, nên mong cầu ra khỏi. Do đó, công đức trí tuệ chưa được đầy đủ. Bởi nghĩa này, nên chẳng phải đạo của Bồ Tát.

Đa Văn Thế Tôn khen ngợi Đại Bồ Tát Tấn Lực: Hay thay, hay thay! Thiện Nam, như điều ông nói, Đại Bồ Tát nên tự hành chớ học phi đạo.

Bồ Tát Tấn Lực bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là đạo mà Đại Bồ Tát tự tu hành?

Đa Văn Thế Tôn bảo rằng: Thiện Nam! Đại Bồ Tát thành tựu tất cả các công đức, trí tuệ dùng sức đại bi. Không bỏ chúng sinh, xa lìa địa vị Thanh Văn và Bích Chi Phật nên được Vô sinh trí. Không rời Ba Cõi, tâm không mong cầu điều giả dối mà thiện căn tăng trưởng, phương tiện tu hành đủ các Ba la mật.

Nhờ năng lực trí tuệ và tâm không phân biệt, nên sinh các căn lành thành tựu tận trí, vô lượng công đức. Bồ Tát không còn một pháp nào để sinh nhưng dùng phương tiện thị hiện có sinh. Không có một chúng sinh nhưng vẫn dùng phương tiện giáo hóa.

Bồ Tát biết tất cả pháp đều lìa tự tánh, xem các Cõi Phật cũng như hư không, nên dùng phương tiện để trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật. Bồ Tát biết tất cả Pháp Thân Phật không có hình tướng, chỉ dùng phương tiện thị hiện tướng tốt đẹp trang nghiêm, tùy tâm chúng sinh ưa muốn, liền ứng hiện cho.

Thân tâm Bồ Tát thường tịch tĩnh, viễn ly. Nhưng vì chúng sinh nên phải luôn giảng thuyết các pháp, nhưng cũng dùng các phương tiện để xa lìa sự ồn ào, cũng tu các thiền định và biết tự tánh vốn không, thông đạt tất cả trí tuệ sâu xa. Đem phương tiện nói pháp cho người khác, nhưng không chứng quả Thanh Văn và Bích Chi Phật. Chỉ cầu quả vị Phật, nhưng không bỏ tất cả đạo hạnh của Bồ Tát.

Này Thiện Nam! Đó gọi là đạo của Đại Bồ Tát.

Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát Tấn Lực đã từng nghe Đa Văn Thế Tôn nói về cảnh giới chưa từng có mà Bồ Tát thực hành, nên Bồ Tát Tấn Lực bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu!

Theo con hiểu lời Phật dạy: Đạo mà Đại Bồ Tát thực hành có đầy đủ phương tiện, thâu nhiếp tất cả các pháp.

Bạch Thế Tôn! Ví như hư không, đều có thể dung chứa tất cả các sắc. Đạo mà Bồ Tát thực hành cũng vậy. Nó gồm đầy đủ phương tiện, thâu nhiếp tất cả các pháp. Lại như cây cỏ, thảo dược, hoa quả, hương thơm đều nhờ hư không mà tăng trưởng, nó không làm dơ hư không mà cũng không làm sạch hư không, không giận cũng không vui.

Đại Bồ Tát cũng vậy, có phương tiện bát nhã Ba la mật nên duyên vào tất cả pháp làm cho tất cả đều là đạo. Chẳng hạn như pháp của phàm phu, pháp hữu học, pháp Bích Chi Phật, pháp của Bồ Tát, hoặc pháp của Như Lai.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát đều thông đạt. Ví như lửa, nếu gặp cây, gỗ, cỏ, trúc tất sẽ cháy mạnh thêm. Các loại cỏ cây đó đều lợi ích cho lửa, làm tăng thêm ánh sáng. Các pháp cũng vậy, đều là đạo của Đại Bồ Tát.

Ví như tự thể của Kim Cang cứng chắc, đao không thể chặt đứt, lửa không thể đốt cháy, nước không thể xói mòn, chất độc không thể làm hư rã. Đại Bồ Tát cũng vậy, dùng trí tuệ làm phương tiện, đối với hàng Thanh Văn, Duyên Giác và các ngoại đạo, tất cả phiền não đều không thể phá hoại.

Bạch Thế Tôn! Như viên ngọc thanh thủy, nếu bỏ vào nước đục thì nước liền trong. Đại Bồ Tát có viên ngọc bát nhã Ba la mật làm cho tất cả phiền não của chúng sinh đều được thanh tịnh.

Bạch Thế Tôn! Ví như viên ngọc báu dịu dược và chất độc không thể ở chung với nhau mà nó hay tiêu trừ các độc. Đại Bồ Tát hành phương tiện bát nhã Ba la mật cũng không ở chung với tất cả phiền não mà hay tiêu diệt phiền não.

Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên này, mà tất cả các pháp đều là đạo của Đại Bồ Tát.

Văn Thù Sư Lợi! Khi nghe Bồ Tát Tấn Lực nói pháp môn này, trong chúng có tám ngàn Bồ Tát phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, hai trăm Bồ Tát đạt được vô sinh pháp nhẫn.

Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát Tấn Lực thời Đức Phật Đa Văn trong quá khứ, nay chính là Thắng Thiên Vương.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật như thế nào để có được sức bền vững mà ủng hộ chánh pháp?

Phật dạy: Này Thiện Nam! Đại Bồ Tát thà bỏ thân mạng chứ không bỏ chánh pháp. Thường khiêm nhường cung kính, không kiêu mạn đối với người thấp hèn. Chịu đựng những điều sỉ nhục của người không thế lực. Đối với chúng sinh đói khát thường vui vẻ ban thức ăn uống ngon nhất, giúp đỡ những người trong cơn nguy khốn khởi sự sợ hãi.

Đối với các bệnh tật đều trị đúng pháp. Làm cho chúng sinh nghèo khổ được tiền của giàu có. Tô sơn lại các tháp miếu thờ Phật. Xóa tan các việc ác và biểu dương các việc thiện, làm cho chúng sinh đau khổ được an vui.

Văn Thù Sư Lợi! Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, tu hành như vậy sẽ được sức bền vững để ủng hộ chánh pháp.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, phải làm thế nào để điều phục được tâm?

Phật dạy: Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật là không xâm phạm việc của người. Trước nghĩ, sau mới làm. Tâm tánh ngay thẳng, xa lìa sự dối trá. Không tự cao ý tứ thường hay nhún nhường.

Văn Thù Sư Lợi! Đại Bồ Tát thực hành như vậy mới có thể điều phục được tâm.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, và tu các hạnh như vậy sẽ sinh vào cõi nào?

Phật dạy: Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, như vậy sẽ sinh trong Cõi Trời, hoặc sinh trong cõi người. Nếu sinh trong Cõi Trời thì làm Đế Thích hoặc Đại Phạm Vương làm chủ cõi Ta Bà đều được gặp Phật ra đời. Nếu sinh trong cõi người thì làm Chuyển Luân Thánh Vương, Trưởng Giả, Cư Sĩ và cũng gặp Phật ra đời.

Văn Thù Sư Lợi! Đại Bồ Tát điều phục tâm hạnh, sẽ được sinh vào các cõi như vậy.

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Người tin chân chánh được pháp gì?

Phật đáp: Gặp được bạn lành.

Bạch Thế Tôn! bố thí được pháp gì?

Phật đáp: Được giàu sang.

Bạch Thế Tôn! Đa văn được pháp gì?

Phật đáp: Được trí tuệ Ba la mật.

Bạch Thế Tôn! Giữ giới được pháp gì?

Phật đáp: Được tất cả đạo lành.

Bạch Thế Tôn! nhẫn nhục được pháp gì?

Phật đáp: Được chúng sinh chứa, nhận.

Bạch Thế Tôn! tinh tấn được pháp gì?

Phật đáp: Thành tựu tất cả Phật Pháp.

Bạch Thế Tôn! Tư duy được pháp gì?

Phật đáp: Được vắng lặng.

Bạch Thế Tôn! Có trí tuệ được pháp gì?

Phật đáp: Được pháp đoạn trừ tất cả phiền não.

Bạch Thế Tôn! Nghe pháp được pháp gì?

Phật đáp: Được xa lìa lưới nghi ngờ.

Bạch Thế Tôn! Hỏi đúng như pháp được pháp gì?

Phật đáp: Được trí quyết định.

Bạch Thế Tôn! Ở nơi tịch tĩnh được pháp gì?

Phật đáp: Được thiền định và các thần thông.

Bạch Thế Tôn! Tu hành chân chánh được pháp gì?

Phật đáp: Được đạo nhàm chán xa lìa.

Bạch Thế Tôn! Biết vô thường được pháp gì?

Phật đáp: Không nắm giữ hộ trì gì cả.

Bạch Thế Tôn! Biết khổ đau được pháp gì?

Phật đáp: Được vô sinh.

Bạch Thế Tôn! Biết vô ngã được pháp gì?

Phật đáp: Diệt được ngã và ngã sở.

Bạch Thế Tôn! Biết không, được pháp gì?

Phật đáp: Được vắng lặng.

Bạch Thế Tôn! Chánh niệm được pháp gì?

Phật đáp: Được chánh kiến của Bậc Thánh.

Bạch Thế Tôn! Thân tâm xa lìa được pháp gì?

Phật đáp: Được tam muội và thần thông.

Bạch Thế Tôn! Tu Thánh đạo được pháp gì?

Phật đáp: Được quả Thánh.

Bạch Thế Tôn! Tin tưởng và ưa thích được pháp gì?

Phật đáp: Được thành tựu các giải thoát.

Bạch Thế Tôn! Phật ra đời được pháp gì?

Phật đáp: Được tất cả pháp trợ bồ đề.

Bấy giờ Thắng Thiên Vương bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Phật ra đời?

Phật đáp: Như phát tâm bồ đề.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là phát tâm bồ đề?

Phật đáp: Này Đại Vương! Như sinh đại bi.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là sinh đại bi?

Phật đáp: Không bỏ tất cả chúng sinh.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là không bỏ tất cả chúng sinh?

Phật đáp: Như không bỏ Tam Bảo.

Bạch Thế Tôn! Ai không bỏ Tam Bảo?

Phật đáp: Là người không phiền não.

Thắng Thiên Vương bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là ít có! Bạch Thiện Thệ! Thật là ít có! Chư Phật Thế Tôn với sự bí mật vi diệu sâu xa như vậy, thường nói tất cả pháp đều là không. Không sinh, không diệt, vắng lặng, không phá hoại sự tu hành đưa đến quả báo thiện ác và xa lìa hai pháp đoạn thường.

Bạch Thế Tôn! Ở trong Thế Giới, có chúng sinh nào nghe pháp như vậy mà chẳng khởi lên tâm chánh tín kính trọng lại còn hủy báng không?

Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh này, do nhờ thiện nghiệp trong quá khứ mà được thân người, nay lại gần gũi bạn ác nên không tin pháp sâu xa như vậy, tức là phụ bạc nghiệp thiện trong quá khứ và ân đức sâu nặng của Chư Phật, Thế Tôn. Giả sử tự cắt thân mình, lấy máu thịt cúng dường Như Lai, cũng không thể báu đáp ân Phật. Vì thế chúng con căn lành đang tăng trưởng, được an lạc trong đại pháp và tự tại.

Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, phải biết ân Phật và gần gũi bạn lành, nên học hạnh Phật để được quả vị Phật.

Khi pháp này được nói, trong chúng có hai vạn năm ngàn Bồ Tát đạt được vô sinh pháp nhẫn. Bốn vạn năm ngàn Trời, Người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Một vạn hai ngàn Thiên Tử được pháp nhãn thanh tịnh, xa lìa trần cấu.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần