Phật Thuyết Kinh Thánh Thiện Trụ ý Thiên Tử Sở Vấn - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH THÁNH THIỆN TRỤ
Ý THIÊN TỬ SỞ VẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẦN BỐN
Thiên Tử nói: Như chỗ Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã nói thì Bồ Tát đối với pháp này là phân biệt hay không phân biệt, không phân biệt hay chẳng phân biệt là thoái chuyển?
Do nghĩa đó, nên gọi là thoái chuyển, nhưng những pháp đó có pháp gì gọi là thoái chuyển?
Nói có, không, chẳng phải có, chẳng phải không thì pháp gì là thoái chuyển?
Nơi nào là thoái chuyển?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Hoặc không chấp nơi thật tế, hoặc không chấp nơi chánh chân, hoặc không chấp về như, đó là không lấy không bỏ, chỉ là vô tướng phát sinh. Vì ý nghĩa ấy, nên gọi là thoái chuyển. Những pháp thoái chuyển đó không thể nói là có, không thể nói là không.
Vì sao?
Vì nếu có pháp thoái chuyển thì rơi vào bên thường, nếu không có pháp thoái chuyển thì rơi vào bên đoạn. Như Lai thuyết pháp chẳng phải là thường, chẳng phải là đoạn. Không đoạn, không thường là lời Đức Phật dạy.
Này Thiên Tử! Nếu ở trước pháp chân như mà không có tưởng thật, không biết như thật thì không đoạn, không thường. Như vậy Thiên Tử.
Khi nói pháp Bồ Tát thoái chuyển này, mười ngàn Thiên Tử, tất cả đều đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Khi ấy, Thiên Tử Thiện Trụ Ý nói với Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Nay tôi cùng nhân giả đi đến chỗ Đức Như Lai, diện kiến Thế Tôn, sau đấy lễ bái, ca ngợi, cúng dường, cung kính, như pháp tham vấn.
Văn Thù Sư Lợi nói: Thiên Tử, ông chớ phân biệt và chấp trước nơi các hành của Như Lai.
Thiên Tử hỏi: Thưa Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Như Lai ở đâu?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Như Lai ở ngay trước mặt.
Thiên Tử hỏi: Nếu có Như Lai tại sao tôi không thấy?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Thiên Tử! Nếu ông thấy được tất cả các pháp thì thấy được Như Lai.
Thiên Tử hỏi: Văn Thù Sư Lợi! nhân giả nói Như Lai ở ngay trước mặt, như vậy nghĩa là thế nào?
Văn Thù Sư Lợi hỏi lại: Thiên Tử! Ý Thiên Tử thế nào?
Trước mặt ông có vật gì?
Thiên Tử đáp: Cảnh giới hư không.
Văn Thù Sư Lợi nói: Đúng vậy! Đúng vậy! Như Lai tức là cảnh giới hư không.
Vì sao?
Vì cảnh giới hư không đối với tất cả pháp bình đẳng. Do đó hư không tức là Như Lai, Như Lai tức là hư không, hư không, Như Lai không hai, không khác. Như thế, Thiên Tử muốn thấy Như Lai thì nên quán như vậy, phải biết như thật tế, không có một vật nhỏ nào có thể phân biệt, chấp giữ.
Bấy giờ, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi tùy theo tâm niệm hóa ra ba mươi hai cung điện, bốn góc, bốn trụ, dài rộng bằng nhau, trang hoàng bằng nhiều thứ đẹp đẽ đáng ưa thích. Trong các cung điện ấy đều hóa hiện những giường nằm, tòa ngồi, có vật báu trời che lên trên. Mỗi mỗi giường nằm, tòa ngồi có hóa thân Bồ Tát, đầy đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân.
Khi ấy, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi dùng diệu lực từ oai thần khiến những hoa sen kia bay đi khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, rồi đến chỗ Đức Như Lai và chúng Tỳ Kheo Tăng nhiễu quanh đủ ba vòng, sau đó trụ giữa hư không, phát ra ánh sáng chiếu khắp nơi, lại nhiễu quanh chỗ Đức Thế Tôn cùng chúng hội bốn phương.
Lúc ấy, chư Bồ Tát trên đài hoa sen cùng chư Bồ Tát nơi cung điện được hóa ra, đồng thanh nói kệ tán thán Đức Như Lai:
Trải qua hằng sa kiếp
Chỗ Phật không nghĩ bàn
Cúng dường vô số Phật
Luôn dốc sức tinh tấn.
Tu hành lâu như vậy
Hạnh Bồ Tát bậc nhất
Phật lòng từ vô biên
Tối thượng nơi loài người.
Ánh hào quang vi diệu
Rực sáng cả ba cõi
Đấng Mâu Ni lìa tướng
Thuyết pháp mọi người nghe.
Nơi nào không có người
Không mạng, không trượng phu
Thế Tôn đều biết rõ
Phật là chủ loài người.
Hành bố thí, trì giới
Là đệ nhất luật sư
Nhẫn nhục dốc tinh tấn
Như thiền định tư duy.
Đầy đủ trí tuệ sâu
Không chấp vướng ba cõi
Thấu đạt đạo giải thoát
Vì thế con quy y.
Trong ý niệm biết có
Là Vua của thế gian
Thế Tôn là pháp chủ
Trời người đến cúng dường.
Pháp không thật thâm sâu
Rốt ráo không gì hơn
Nên biết bậc như vậy
Là tôn chủ thế gian.
Chư Như Lai quá khứ
Làm chủ những cõi khác
Thường thuyết pháp không kia
Vốn không vật, không tướng.
Nơi này không chúng sinh
Hoặc sinh, hoặc tử diệt
Không đến cũng không đi
Tất cả pháp, tướng không.
Hóa nhân ngủ trong không
Chẳng phải thấy chân thật
Pháp kia Thiện Thệ thuyết
Như hóa, cũng như mộng.
Của báu Hằng sa cõi
Bố thí cho mọi người
Phước ấy thuộc hữu vi
Pháp nhẫn không hơn hết.
Trải qua vô số kiếp
Cúng dường đấng Trung Tôn
Dâng hương hoa, ẩm thực
Vì muốn thành Phật đạo.
Được nghe pháp như vậy
Không nhân mạng, trượng phu
Đạt ánh sáng nhẫn kia
Dâng cúng dường Như Lai.
Nhiều kiếp hành bố thí
Thức ăn uống, ngựa, voi
Chẳng phải nhân giải thoát
Vì còn có tướng nhân.
Đấng tịch tĩnh trên hết
Khiến chúng sinh giải thoát
Không tánh, vốn trong sáng
Được giải thoát trang nghiêm.
Phật xuất thế khó gặp
Nghe pháp khó tin theo
Làm người thật là khó
Hay thay nhập Pháp Phật.
Đã xa lìa tám nạn
Được gặp điều khó gặp
Tin hiểu pháp Thiện Thệ
Tư duy điều được thấy.
Thường chuyên tâm nghe pháp
Nghe pháp không chấp trước
Thường hành A Lan Nhã
Đại hùng giữa loài người.
Gần pháp khí thiện hữu
Xa lìa tri thức ác
Bình đẳng với mọi người
Không khinh khi Bồ Tát.
Trì giới, ưa đa văn
Y phấn tảo, khất thực
Ở gốc cây, tinh tấn
Thọ thực món khất thực.
Hữu vi đều vô thường
Nhất tướng, như sóng nắng
Đời này thấy Chân Đế
Mau đắc đạo bồ đề.
Năm ấm như huyễn hóa
Trong ngoài đều là không
Phật thuyết pháp như vậy
Nơi ấy không tạo tác.
Tham, sân vốn không, không
Si, mạn phân biệt khởi
Chẳng phải xưa nay có
Biết như vậy thành Phật.
Khi chư Bồ Tát nói kệ này, trong chúng hội có hai vạn hai ngàn người đều phát tâm cầu đạt đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Năm trăm Tỳ Kheo không nhiễm các pháp, tâm dứt sạch lậu hoặc, đạt được giải thoát.
Ba trăm Tỳ Kheo Ni xa lìa trần cấu, chứng đắc pháp nhãn thanh tịnh. Bảy ngàn Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, hai vạn bảy ngàn Thiên Tử xa lìa các trần, đắc pháp nhẫn. Ba trăm Bồ Tát đắc pháp nhẫn vô sinh.
Tam thiên Đại Thiên Thế Giới chấn động đủ sáu cách: Động, động khắp, động đều, chấn, chấn khắp, chấn đều.
Lúc ấy, Trưởng Lão Xá Lợi Phất thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới này đã chấn động đủ sáu cách, trong điện Liên hoa Bồ Tát vang lên tiếng pháp thâm diệu như vậy, có ánh sáng lớn chiếu khắp chúng hội, lại có vô lượng ức Thiên Tử vân tập đến đông đủ, vô lượng ức Bồ Tát cũng vân tập đến.
Đó là do oai lực của ai?
Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Đó là nhờ diệu lực oai thần của Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi nên thấy được diệu sắc trang nghiêm như vậy.
Vì sao?
Này Xá Lợi Phất! Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi và Thiên Tử Thiện Trụ Ý hôm nay sẽ cùng nhau đến thưa hỏi Như Lai về pháp môn tam muội phá trừ ma quân, thưa hỏi đúng như pháp về Pháp Phật vô cùng thâm diệu không thể nghĩ bàn.
Không thể như vậy, thưa Thế Tôn! Con chưa từng thấy Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi đến chúng hội này.
Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Ông hãy khéo quan sát Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi hiện tại ở nơi đây cùng với tất cả ma, tất cả ma chúng, tất cả cung điện của ma đều hiện rõ sự suy biến lớn. Sự trang nghiêm vô cùng lớn lao sẽ hiện bày ngay ở chỗ Như Lai.
Bấy giờ, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi bèn nhập pháp môn tam muội phá trừ ma quân. Khi Văn Thù Sư Lợi nhập pháp môn tam muội này thì trong tam thiên đại thiên Thế Giới có vô số trăm ức cung điện ma suy biến sắp hư hoại, tối tăm, không còn ánh sáng uy lực gì. Tất cả thân ma đều hiện rõ sự suy biến, trở thành già yếu một cách nhanh chóng, chúng tự biết mình phải chống gậy mà đi. Quyến thuộc của ma cũng đều như vậy.
Thấy rõ sự việc như thế, chúng ma đều sợ hãi đến rợn người, hết sức lo lắng, suy nghĩ: Vì sao cung điện của ta đây suy biến, sắp bị hư hoại, sụp đổ tối tăm, không có ánh sáng như thế?
Nhưng chớ khiến thân chúng ta phải rời khỏi cảnh giới này!
Khi chúng ma kia suy nghĩ như thế chưa bao lâu thì Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi liền hóa ra trăm ức Thiên Tử đến trước chúng ma nói với Ma Ba Tuần: Ngươi chớ sợ hãi! Chẳng phải do ngươi có điều ác, chẳng phải ngươi có sự suy biến, chẳng phải ngươi sắp suy thoái mà nay có Đại Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi chứng đắc bất thoái chuyển, đang nhập pháp môn tam muội phá trừ ma quân. Những việc trên là do oai lực của Đại Bồ Tát ấy tạo ra.
Chúng ma nghe hóa thân Thiên Tử nói đến tên Văn Thù Sư Lợi thì họ càng thêm sợ hãi, tất cả cung điện của ma đều rung động.
Ma Ba tuần nói với hóa thân Thiên Tử: Xin hãy cứu giúp tôi! Xin hãy cứu giúp tôi!
Hóa thân Thiên Tử an ủi Ma Ba Tuần: Đừng sợ! Đừng sợ! Nay ngươi nên đi đến chỗ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Như Lai, Ngài luôn có tâm đại bi, thường ban sự không sợ hãi cho người sợ hãi.
Hóa thân Thiên Tử nói như vậy rồi, bỗng nhiên biến mất.
Lúc ấy, chỉ trong khoảnh khắc một niệm, trong khoảnh khắc một la bà, trong khoảnh khắc một ma hầu đa, trăm ức Ma Ba Tuần cùng với vô lượng quyến thuộc như già đi, thậm chí rất già yếu phải chống gậy tìm đến chỗ có Đức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri, tới nơi tất cả đồng thanh cầu cứu: Xin Đức Thế Tôn cứu giúp chúng con!
Xin bậc Thiện Thệ cứu giúp chúng con! Dáng mạo xinh đẹp trước kia của chúng con nay đã thay đổi đến xấu xí như thế này.
Bạch Thế Tôn! Thà cho chúng con nghe đến trăm ngàn ức danh hiệu Chư Phật, Như Lai, chứ đừng cho chúng con nghe dù chỉ một lần danh hiệu Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi.
Vì sao?
Vì chúng con nghe đến tên của Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi thì rất sợ hãi, kinh hoàng, khủng khiếp.
Chúng con sợ hãi đến mất vía như thế này!
Đức Thế Tôn nói với Ma Ba Tuần: Tại sao nay ngươi nói như vậy?
Trăm ngàn ức danh hiệu của Chư Phật, Như Lai không tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh, xưa không tạo, nay cũng không tạo, về sau cũng không tạo, nhưng Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi thì thường đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh, đã làm, đang làm và sẽ làm. Chúng sinh đã thuần thục thì khiến đạt được giải thoát.
Nay tuy ngươi nghe trăm ngàn ức danh hiệu của Chư Phật, Như Lai, không sinh khổ não, không sinh sợ hãi, tại sao không dám nghe một danh hiệu của Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi?
Ma Ba Tuần thưa: Bạch Thế Tôn! Con rất hổ thẹn với thân già suy như vậy, con rất sợ hãi.
Bạch Thế Tôn! Con nhớ thân tướng trước kia, con nhớ sắc diện trước kia, con nguyện được trở lại thân sắc trước kia dù chỉ một chút.
Đức Phật dạy: Thôi, thôi Ba Tuần! Ngươi hãy đợi trong chốc lát, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi sẽ đến đây, sắc diện của ngươi chẳng phải là sắc diện thật nên xả bỏ đi.
Bấy giờ, Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi ra khỏi tam muội, có vô lượng trăm ngàn Chư Thiên, cùng với vô lượng trăm ngàn chư Đại Bồ Tát, các chúng Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già đến chỗ Đức Phật.
Cúi đầu đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh chỗ Phật ba vòng rồi lui ra đứng qua một bên. Cùng lúc, trăm ngàn thư nhạc vang lên những âm thanh vi diệu, vô số hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đầu Ma, hoa Câu Vật Đầu, hoa Phân Đà Lợi rơi xuống như mưa, rất trang nghiêm, vui đẹp lạ thường.
Đức Thế Tôn hỏi Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi: Văn Thù Sư Lợi! Ông nhập môn tam muội phá trừ nhất thiết ma quân chăng?
Văn Thù Sư Lợi thưa Phật: Đúng vậy, bạch Thế Tôn!
Đức Thế Tôn hỏi: Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi! Ông chứng đắc tam muội này với Đức Phật nào, từ lâu ta đã nghe nói đến tam muội này.
Đồng Tử Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Khi chưa phát tâm bồ đề, con theo Đức Phật thuở ấy, nghe được pháp môn tam muội này và con đã thành tựu pháp tam muội đó.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh A La Hán Tỳ Kheo
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi Mốt - Pháp Hội Vô Tận ý Bồ Tát - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Diệu Tý Bồ Tát Sở Vấn - Phần Mười - Nói Về Các Sự Chướng Ngại Ngăn Che
Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Ba Mươi Mốt
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Bốn Mươi Hai - Phật Thuyết Kinh Vua Phổ Minh
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Bốn - đại Phẩm - Chuyện Cây Mía Ucchu
Phật Thuyết Kinh Niệm Phật Ba La Mật - Phẩm Một - Phẩm Duyên Khởi