Phật Thuyết Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ đà La Ni - Phẩm Hai - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH

THỦ HỘ QUỐC GIỚI CHỦ ĐÀ LA NI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã, Đời Đường  

PHẨM HAI  

TẬP MỘT  

Bấy giờ Đức Thế Tôn thường trụ pháp tính bình đẳng của ba đời mà nhập vào tam muội tên là tùy thuận chúng sinh tâm hạnh. Dùng sức tam muội ở trong hội đó, tất cả đại chúng đáng được điều phục, mỗi mỗi đều thấy mọi loại chẳng đồng của Đức Phật.

Ấy là: Hoặc có chúng sinh thấy thân tướng tốt của Như Lai, hoặc có chúng sinh thấy thân Thanh Văn, hoặc có chúng sinh thấy thân Bồ Tát, hoặc có chúng sinh thấy thân Phạm Thiên, hoặc có chúng sinh thấy thân Đại Tự Tại Thiên, hoặc có chúng sinh thấy thân Na La Diên Thiên, cho đến tám Bộ Trời Rồng, người, Phi nhân… mọi loại sai biệt.

Người không có niềm tin đều không nhìn thấy, giống như sinh ra đã bị mù, chẳng thấy mặt trời, mặt trăng. Người được nhìn thấy, tùy theo chủng loại ấy mà thấy mọi loại uy nghi của thân ấy, tùy theo âm thanh của loài ấy mà nghe mọi loại tiếng, tùy theo chỗ ưa thích ấy mà nghe mọi loại pháp, tùy theo sức ấy mà hay sinh mọi loại hiểu biết. Tuy tùy theo chúng sinh, thấy biết như vậy nhưng thân Như Lai chỉ có một vị không có hai, ấy là một vị giải thoát.

Giống như hư không lìa tất cả thô tế, phân biệt với không phân biệt. Cũng như Địa Đại hay vì tất cả Thế Loka, hay Laukika Xuất thế gian Lokottara, tám Bộ Trời Rồng nương giữ mà trụ, sinh trưởng thành thục mà không có mệt mỏi chán nản.

Lại như Hỏa Đại hay thiêu đốt tất cả bụi dơ phiền não của chúng sinh cũng không có mệt mỏi chán nản. Lại như Thủy Đại đều hay sinh trưởng hết thảy căn lành của tất cả chúng sinh, diệt trừ sức nóng phiền não, được niềm vui trong mát cũng không có mệt mỏi chán nản.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn: Đột nhiên ở trên đỉnh đầu, trong Nhục Kế Uṣṇīṣa, da, xương, lỗ chân lông phóng ánh sáng lớn.

Ấy sáng ấy trắng tinh, lại dùng vô lượng trăm ngàn ánh sáng làm quyến thuộc Parivāra chiếu khắp thế gian, bên dưới đến địa ngục A tỳ Avīci, bên trên đến Cõi Trời A Ca Ni Tra Akaniṣṭha deva: Sắc Cứu Cánh Thiên, tất cả hết thảy đều đồng màu trắng. Chúng sinh trong ấy đều thấy tất cả núi, rừng, sông, biển, vật tình phi tình đều đồng màu trắng tinh giống như màu sữa, cũng như núi Tuyết.

Lại từ trong miệng phóng ánh sáng lớn như màu ngọc xanh Đế Thanh, cũng dùng vô lượng trăm ngàn ánh sáng làm quyến thuộc, chiếu soi phương Đông, từ phía Đông của tòa Kim Cương đến tận hằng hà sa Thế Giới. Trong ấy, hết thảy núi, sông, đá, tường vách, cỏ, cây, rừng rậm, cảnh tình phi tình đều đồng màu ngọc xanh. Chúng sinh trong ấy đều thấy tất cả như màu ngọc xanh.

Lại ở vai phải phóng ánh sáng lớn như màu vàng nấu đúc dong kim, cũng dùng vô lượng trăm ngàn ánh sáng làm quyến thuộc, chiếu soi phương Nam, từ phía Nam của tòa Kim Cương đến tận hằng hà sa Thế Giới ở phương Nam. Trong ấy, hết thảy đều đồng màu vàng nấu đúc. Các chúng sinh ấy cũng thấy tất cả đều như màu vàng nấu đúc.

Lại ở trên lưng phóng ánh sáng lớn như màu pha lê hồng, cũng dùng vô lượng trăm ngàn ánh sáng làm quyến thuộc, chiếu soi phương Tây, từ phía Nam của Tòa Kim Cương đến tận hằng hà sa Thế Giới ở phương Tây. Trong ấy, hết thảy đều đồng màu pha lê hồng. Chúng sinh trong ấy cũng thấy tất cả đều như màu pha lê hồng.

Lại ở vai trái phóng ánh sáng năm màu là màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng với màu xanh lục… cũng dùng vô lượng trăm ngàn ánh sáng làm quyến thuộc, chiếu soi phương này, từ phía Bắc của tòa Kim Cương đến tận hằng hà sa Thế Giới ở phương Bắc. Trong ấy, hết thảy đều đồng năm màu, chúng sinh ấy cũng thấy tất cả đều đủ năm màu.

Như vậy chiếu soi tất cả Thế Giới, mỗi mỗi bên dưới đến địa ngục A tỳ, bên trên đến Cõi Trời A Ca Ni Trá… chiếu các Thế Giới làm việc Phật xong, thu ánh sáng quay về cội nguồn.

Ánh sáng màu trắng ấy quay lại từ bên trên xuống dưới, đi đến chỗ của Đức Phật, nhiễu quanh Đức Như Lai theo bên phải ba vòng xong, nhập vào đỉnh đầu của Đức Phật.

Ánh sáng màu ngọc xanh quay lại từ phương Đông, đi đến chỗ của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng rồi nhập vào miệng của Đức Phật.

Ánh sáng màu vàng nấu đúc quay lại từ phương Nam, đi đến chỗ của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng rồi nhập vào vai phải của Đức Phật.

Ánh sáng màu pha lê hồng quay lại từ phương Tây, đi đến chỗ của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng rồi nhập vào vai phải của Đức Phật.

Ánh sáng năm màu quay lại từ phương Bắc, đi đến chỗ của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng rồi nhập vào vai trái của Đức Phật.

Tuy ánh sáng này triển chiếu, thu về nhưng thân thể của Đức Như Lai không có thêm bớt, ví như ánh sáng của mặt trăng chiếu khắp hư không, không có thêm bớt. Cũng như nước dầu hòa với bơ rồi ném vào trong đống cát, cũng không có thêm bớt.

Lại như núi Tuyết bốc ra mây nổi tràn đầy hư không, phút chốc cuốn nhiếp quay về núi Tuyết, cực kỳ nhỏ nhiệm, không có dấu vết thừa tiếp, thể của núi Tuyết không có thêm bớt.

Khi ấy, Đức Thế Tôn lại nhập vào tam muội Samādhi, mà tam muội này không có tên gọi, không có lời, không có nói, chẳng thể nghĩ bàn. Tức là cảnh giới của Chư Phật thuộc Nhất Thiết Trí Trí Sarvajña jñāna.

Khi vào tam muội xong, thời đại địa này chấn động theo sáu cách là: Phía Đông trồi lên thì phía Tây chìm xuống, phía Tây trồi lên thì phía Đông chìm xuống, phía Nam trồi lên thì phía Bắc chìm xuống, phía Bắc trồi lên thì phía Nam chìm xuống, chánh giữa trồi lên thì chung quanh chìm xuống, chung quanh trồi lên thì chánh giữa chìm xuống.

Bấy giờ trong Hội có một vị Bồ Tát Ma Ha Tát tên là Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Sarva dharmeśvara rāja nương theo thần lực của Đức Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh uy nghi của thân, trật áo hở vai phải, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, quỳ gối, chắp tay rồi bạch Phật rằng: Thế Tôn! Do nhân nào, duyên nào mà phóng ánh sáng khiến cho mặt đất chấn động theo sáu cách?

Khi ấy Đức Phật bảo Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát rằng: Lành thay! Lành thay Thiện nam tử! Nay ông hay khéo thưa hỏi điều này, ta sẽ vì ông phân biệt giải nói.

Này thiện nam tử Kula putra! Có bốn nhân duyên phóng ánh sáng này khiến cho đại địa chấn động.

Nhóm nào là bốn?

Một là: Chư Phật ba đời đều do nhập vào Thắng tam muội này, cho nên được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam bồ đề Anuttarā samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Ta cũng như vậy, ba vô số kiếp tu đủ các Độ Pāramitā: Ba La Mật Đa, sáu năm Khổ Hạnh Duṣkara caryā, hay Tapas chẳng chứng bồ đề Bodhi. Do nhập vào Định này, liền được Vô Thượng Chánh Đẳng bồ đề. Do nhân duyên đấy cho nên hiện ra điềm lành này.

Hai là: Do tam muội này đã không có ngôn thuyết, thể tính tịch diệt chẳng thể tuyên bày. Do muốn dùng sức khéo léo của phương tiện Upāya này, vì chúng sinh nói, cho nên hiện ra điềm lành này.

Ba là: Xưa kia, Ta ở dưới cây bồ đề Bodhi druma, Bodhi taru, Bodhi vṛkṣa này được tam muội đấy, thành Đẳng Chánh Giác Samyaksaṃbuddha. Vì muốn báo ân cho nên nay ở chỗ đó nói tam muội này, nên hiện ra điềm lành này.

Bốn là: Muốn vì hằng sa Thế Giới ở mười phương, vô số các Bồ Tát Ma Ha Tát đi đến với chủ của nước Ma Già Đà Maghada là Vua A Xà Thế Ajātaśatru, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Trời, Rồng, Dạ Xoa… các Chúng Hội này cùng với tất cả chúng sinh trong pháp giới, nói tam muội này. Do nhân duyên đó, cho nên hiện ra điềm lành này.

Lúc đó, đại chúng nghe nói xong thì hớn hở vui mừng, thân tâm trong mát, thương cảm ái mộ chẳng thể kềm chế được mình. Ví như có người bị trúng mũi tên độc tại trái tim, liền không có suy nghĩ gì khác ngoài việc nghĩ đến vị lương y nhổ trừ tên độc khiến cho ta an vui.

Các chúng Bồ Tát cũng lại như vậy, pháp chẳng thể nghĩ được thì chỉ mong Đức Như Lai nói tam muội này, nhổ bứt: Đêm dài sinh tử, vô minh đen tối, không có chỗ thấy biết của các hữu tình. Phá các phiền não, mở con mắt chánh pháp, được ánh sáng của trí.

Thời Chúng Hội này tuy sinh niệm này, vì uy đức của Phật cho nên chẳng dám thưa hỏi.

Bấy giờ Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát Ma Ha Tát nương theo thần lực của Đức Phật, cúi năm vóc sát đất, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, quỳ gối, chắp tay rồi bạch Phật rằng: Thế Tôn! tam muội Bất Khả Tư Nghị Nhất Thiết Trí Trí Chư Phật Cảnh Giới cảnh giới của Chư Phật thuộc nhất thiết trí trí chẳng thể nghĩ bàn ấy là dùng pháp nào để làm nhân Hetu?

Lại dùng pháp nào để làm gốc rễ Mūla?

Làm sao tu tập Bhāvanā?

Cứu cánh Uttara như thế nào?

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: Lành thay! Lành thay Thiện nam tử! Nay ông khéo hay thưa hỏi nghĩa này, ở đời vị lai nhiều chỗ lợi ích, nhiều chỗ an vui tất cả chúng sinh.

Hãy nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo nghĩ nhớ! Ta sẽ vì ông nói.

Này Thiện nam tử! tam muội sâu xa này, dùng tâm bồ đề Bodhi citta làm nhân, dùng đại từ bi Mahā maitra kāruṇa làm gốc rễ, phương tiện tu tập vô thượng bồ đề làm cứu cánh.

Này thiện nam tử! Trong đây, thế nào gọi là bồ đề Bodhi?

Thiện nam tử! Muốn biết bồ đề thì nên thấu tỏ tâm của mình, nếu thấu tỏ tâm của mình tức thấu tỏ bồ đề.

Tại sao thế?

Vì tâm và bồ đề có cùng tướng chân thật, rốt ráo suy tính tìm cầu đều chẳng thể được, đồng với hư không cho nên tướng của bồ đề tức là tướng của hư không. Thế nên bồ đề không có tướng sở chứng chỗ để chứng, không có tướng năng chứng người hay chứng, cũng không có tướng khế hợp của Năng chủ thể của động tác, sở khách thể của động tác.

Tại sao thế?

Vì bồ đề rốt ráo không có các tướng.

Thiện nam tử! Do tất cả pháp tức là tướng của hư không, thế nên bồ đề rốt ráo không có tướng.

Lúc đó, Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát lại bạch Phật rằng: Thế Tôn! Nếu tướng của bồ đề này đồng với hư không thì thể của nhất thiết trí sẽ sinh ở chỗ nào?

Đức Phật bảo Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương Bồ Tát rằng: Này thiện nam tử! thể của nhất thiết trí nên tìm cầu ở tâm. Nhất thiết trí trí cùng với bồ đề từ tâm mà sinh.

Tại sao thế?

Vì Thật tính của tâm vốn thanh tịnh.

Thiện nam tử! tính của tâm này, chẳng ở bên trong, chẳng ở bên ngoài, chẳng ở khoảng giữa.

Thiện nam tử! Tất cả Như Lai nói tướng của tâm này: Chẳng phải xanh, chẳng phải vàng, chẳng phải đỏ, chẳng phải trắng, chẳng phải hồng, chẳng phải tím, chẳng phải màu vàng ròng, chẳng phải dài, chẳng phải ngắn, chẳng phải tròn, chẳng phải vuông, chẳng phái sáng, chẳng phải tối, chẳng phải nam, chẳng phải nữ, chẳng phải là phi nam nữ, cũng lại chẳng phải là cũng nam cũng nữ.

Thiên nam tử! tâm này chẳng phải là tính của cõi Dục Kāma dhātu, chẳng phải là tính của cõi Sắc Rūpa dhātu, chẳng phải là tính của cõi Vô Sắc Arūpadhātu, chẳng phải Trời Deva, chẳng phải Rồng Nāga, chẳng phải Dạ Xoa Yakṣa, chẳng phải Càn Thát Bà Gandharva, chẳng phải A Tu La Asura, chẳng phải Ca Lâu La Garuḍa, chẳng phải Khẩn Na La Kiṃnara, chẳng phải Ma Hầu La Già Mahoraga, Người Manuṣa, Phi nhân Amanuṣa … tất cả đồng loại.

Thiện nam tử! tâm này chẳng trụ ở mắt Cakṣu. Cũng chẳng trụ ở tai Śrotra, mũi Ghrāṇa, lưỡi Jihva, thân Kāya, ý Mano. Ở trong ba đời cũng chẳng thề thấy.

Tại sao thế?

Vì tâm này đồng với tướng của hư không. Do nghĩa đó cho nên xa lìa tất cả phân biệt thô tế.

Tại sao thế?

Vì tính của hư không này tức là tính của tâm, như tính của tâm ấy tức là tính của bồ đề, như tính của bồ đề tức là tính của Đà La Ni Dhāraṇī: Tổng Trì.

Thiện nam tử! Chánh vì thế cho nên tính của tâm, hư không, bồ đề, Đà La Ni này không có hai, không có hai phần, không có riêng biệt, không có chặt đứt. Như vậy tất cả đều dùng đại từ, đại bi để làm gốc rể, phương tiện là chỗ nhiếp thọ của Ba la mật Pāramitā.

Thiện nam tử! Chánh vì thế nên biết. Nay ta ở trong đại chúng của các nhóm Bồ Tát này, nói pháp như vậy để tịnh tâm bồ đề rộng lớn, để khiến cho tất cả thấu tỏ tâm của mình.

Thế nên, Nhất Thiết Pháp Tự Tại Vương! Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện muốn biết tính chân thật của bồ đề thì nên thấu tỏ tâm của mình, như tính của tâm ấy tức là tính của bồ đề.

Làm thế nào để có thể hiểu rỏ tính của tâm?

Ấy là: tính của tâm này đối với tất cả tướng: Hoặc hình, hoặc hiển.

Hoặc lại Sắc Rūpa skandha: Hình thể vật chất.

Thọ Vedanā skandha: Cảm giác.

tưởng Saṃjñā skandha: Tri giác, Hành Saṃskāraskandha: Lưu chuyển tạo ứng.

Thức Vijñāna skandha: Nhận biết phân biệt.

Hoặc lại sắc Rūpa: Hình sắc.

Thanh Śabda: Âm thanh.

Hương Gandha: Mùi ngửi.

Vị Rasa: Vị nếm.

Xúc Spraṣṭavya: Tiếp chạm. Hoặc có chấp thọ, hoặc không có chấp thọ. Hoặc mười hai Nhập Dvādaśa āyatanani, hoặc mười tám giới Aṣṭādaśa dhātavaḥ. Pháp của nhóm như vậy, suy tính tìm cầu rốt ráo chẳng thể được

Này Thiện nam tử! Nếu các Bồ Tát biết rõ như vậy, liền được thành tựu Môn Đệ Nhất Thanh Tịnh pháp Quang Minh. Trụ Môn này xong, nhậm vận tùy thuận các pháp tự nhiên mà vận làm được Bất Khả Tư Nghị Nhất Thiết Trí Trí Chư Phật Cảnh Giới Thậm Thâm Tam Muội, Tam Muội sâu xa trong cảnh giới của Chư Phật thuộc nhất thiết trí trí chẳng thể nghĩ bàn này.

Bồ Tát đắc được tam muội này xong, cùng với tất cả Phật bình đẳng bình đẳng với được Nhất Thiết Chúng Sinh Ngữ Ngôn Đà La Ni tam muội, lại được Tùy Thuận Chư Chúng Sinh Tâm Đà La Ni Môn, thường hay không gián đoạn lợi ích chúng sinh, đối với Vô Vi Giới Asaṃskṛtadhātu đầy đủ viên mãn, xa lìa đoạn, thường tất cả tà kiến Mythyā dṛṣṭi của sáu mươi hai nhóm, chánh kiến Samyag dṛṣṭi tròn sáng.

Thiện nam tử! Nếu các Bồ Tát trụ tam muội đấy thì tất cả Phật Pháp chẳng cần dụng công, tự nhiên vận làm nhậm vận thành tựu.

Thiện nam tử! Nay ta lược nói. Nếu có người hay trụ tam muội này thì vô lượng vô số công đức thảy đều viên mãn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần