Phật Thuyết Kinh Thuần đà Chân đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH

THUẦN CHÂN ĐÀ LA SỞ VẤN

NHƯ LAI TAM MUỘI

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán  

PHẦN BỐN  

Tám mươi pháp báu là gì?

1. Tâm không quên nhất thiết trí, đó là báu.

2. Tâm không lìa bỏ lòng tin, đó là báu.

3. Tâm huân tập các công đức, không giải đãi, đó là báu.

4. Tâm kiên cố không xả bỏ lời nguyện cầu của mình, đó là báu.

5. Đem bố thí tất cả, tâm không luyến tiếc, ngược lại còn làm tăng trưởng lợi ích, đó là báu.

6. Làm điều gì tâm chỉ nghĩ đến Bồ Tát, đó là báu.

7. Tâm trang nghiêm, thân không phạm ba điều thuộc thân, đó là báu.

8. Tâm thanh tịnh, không nói lời ác, đó là báu.

9. Tâm trang nghiêm, lòng không nghĩ điều ác, đó là báu.

10. Tâm đã giữ giới, đem giới trang nghiêm lại thân, không ham muốn, không nghĩ đến cái xấu của người, đó là báu.

11. Tâm không bị chướng ngại, bình đẳng với chúng sinh, đó là báu.

12. Tâm đã nhẫn nhục được trang nghiêm, nhẫn tất cả điều ác, đó là báu.

13. Tâm không thương tiếc thân mạng, sống theo hạnh Bồ Tát, đó là báu.

14. Tâm không thương ghét, không bị nó làm lay động, đó là báu.

15. Tâm kiên cố, tinh tấn, không biếng nhác, đó là báu.

16. Tâm nghĩ làm điều gì cũng được thành tựu, đó là báu.

17. Tâm nghĩ gì làm đúng, không quên muốn được đầy đủ hạnh Bồ Tát, đó là báu.

18. Tâm hành thiền tam muội Tam ma việt. Phát tâm rồi thì việc làm được tự tại, đó là báu.

19. Tâm cầu pháp muốn thể nhập vào các trí, đó là báu.

20. Được nghe pháp, tâm tu tập tụng đọc, liền được tinh tấn, đó là báu.

21. Nói pháp, tâm không mong cầu điều gì vì vượt qua các mong cầu, đó là báu.

22. Tâm không hư dối, đó là báu.

23. Tâm nghĩ đến chánh đạo và làm đúng theo, đó là báu.

24. Những gì nghe được, làm một cách cẩn thận, đó là báu.

25. Tâm đầy đủ trí tuệ rồi, không theo sự chỉ dạy của người khác, đó là báu.

26. Tâm có lòng từ vô cực để tự hộ mình, đó là báu.

27. Tâm thương yêu vô cực, bình đẳng với người, đó là báu.

28. Tâm có sự bảo hộ vô cực rồi, lấy chánh pháp để tự vui, đó là báu.

29. Tâm đã bình đẳng vô cực, quán thấy các pháp, đó là báu.

30. Trong sinh tử, tâm không lấy làm đau khổ vì đã thể nhập vào công đức, đó là báu.

31. Tâm muốn chỉ dạy mọi người, phần nhiều nghĩ nhớ đến người, không nghĩ đến bản thân mình, đó là báu.

32. Tâm không thấy thiếu pháp mà còn phân chia cho người để họ được học, đó là báu.

33. Với đại trí, tâm hiểu tất cả vấn đề, có thần túc làm cảm động đến tất cả, đó là báu.

34. Tâm gần gũi Ba la mật, điều gì không nghe thì học hỏi, đó là báu.

35. Tâm xa lìa người ác, luôn tu tập các công đức, đó là báu.

36. Tâm bình đẳng với tất cả chúng sinh, nhờ sự tu tập ấy nên không có hai tâm, đó là báu.

37. Tâm biết sinh tử là bệnh đau khổ nên thể nhập vào ý mọi người, đó là báu.

38. Tâm làm thuốc hay để trị các chứng bệnh cho chúng sinh, đó là báu.

39. Tâm không xem thường người thiếu trí, phải đem pháp tôn trọng họ, đó là báu.

40. Tâm không tự cao mà nhẫn với tất cả mọi người, đó là báu.

41. Tâm không dua nịnh, đó là báu.

42. Nghe pháp, tâm không quên vì an trụ vào pháp, đó là báu.

43. Tâm tận lực hộ trì chánh pháp, luôn nghĩ nhớ báo ân Phật, đó là báu.

44. Tâm luôn muốn báo ân với sự kiên cố sâu dày, đó là báu.

45. Nếu bị ai xâm hại, tâm không nghĩ báo thù, đó là báu.

46. Tâm vui thích ở núi rừng vì muốn giữ gìn pháp thanh tịnh, đó là báu.

47. Tâm luôn nghĩ đến từ giã gia đình, làm Sa Môn vì để đạt được Chánh Giác, đó là báu.

48. Tâm luôn hướng về đạo, tự kiềm chế mình, phòng hộ các điều ác, đó là báu.

49. Tâm biết đủ, làm người khác hoan hỷ, đó là báu.

50. Với việc đời, tâm biết đủ, đó là không nhàm chán pháp, đó là báu.

51. Tự hộ mình, tâm không theo đến nơi đông đảo ồn náo, đó là báu.

52. Tâm không nhàm chán các công đức, với các tướng đầy đủ những vẻ đẹp, đó là báu.

53. Tâm không nhàm chán trí tuệ, vì muốn quyết nghi cho mọi người, đó là báu.

54. Tâm luôn nghĩ đến Phật vì không lìa Phật, đó là báu.

55. Tâm luôn nghĩ đến pháp vì lời nói không lìa pháp, đó là báu.

56. Tâm luôn nghĩ đến Tăng đạt được A Duy Việt Trí tăng, đó là báu.

57. Tâm luôn nghĩ đến giới, không lìa hạnh Bồ Tát, đó là báu.

58. Tâm luôn nghĩ đến bố thí, không tham tiếc thân mạng, đó là báu.

59. Tâm luôn nghĩ đến Cõi Trời, liền nhập vào Nhất sinh bổ xứ, đó là báu.

60. Tâm biết rõ bản tế, tìm hiểu các sở hữu, đó là báu.

61. Tâm biết pháp vì không hoại pháp thân, đó là báu.

62. Làm việc gì, tâm đều biết đúng như việc ấy, biết rõ lời nói của chúng sinh, đó là báu.

63. Tâm biết tự tại làm no đủ cho mọi người, đó là báu.

64. Tâm được Đà La Ni, nghe pháp rồi không hề quên mất, đó là báu.

65. Tâm biết bổn pháp, hiểu rõ một cách tự nhiên, đó là báu.

66. Tâm hộ tuệ, biết thức như huyễn, đó là báu.

67. Tâm học rất kỹ, chắc chắn, do đó mà được giải thoát, việc làm không bị hoại, đó là báu.

68. Tâm hộ pháp, muốn biết cái tự nhiên của con người, đó là báu.

69. Tâm biết vô thường, khổ, sinh tử ở trong ba cõi mà không bị vướng mắc, đó là báu.

70. Tâm quán các pháp đều không có ngã, không có người, đó là báu.

71. Tâm nhập Nê Hoàn, nguồn gốc vốn tịch tĩnh, đó là báu.

72. Tâm biết không, vô tướng, vô nguyện. Đã giải thoát vượt qua gần đến cửa Nê Hoàn, đó là báu.

73. Tâm không sinh, không chỗ sinh, không bị hoại, không bị diệt. Ai vượt qua khỏi các điều này thì được nhẫn, đó là báu.

74. Tâm biết như huyễn, như mộng, như sóng nắng, như tiếng vang trong núi, như bong bóng trong nước, không kiên cố, không có sự mong cầu, đó là báu.

75. Tâm vui vẻ, biết mười hai nhân duyên trừ bỏ đoạn tận, đó là báu.

76. Tâm hiểu biết rất rõ, không tìm cầu, không rơi vào nhị biên, đó là báu.

77. Tâm không tham dự vào cả hai vấn đề, dùng một vấn đề mà biết tất cả các pháp, đó là báu.

78. Tâm đầy đủ các hạnh, không thoái lui, vượt qua các danh sắc, đó là báu.

79. Tâm nhẹ dần vì đầy đủ các pháp, đó là báu.

80. Tâm hòa hợp ba mươi bảy phẩm để vượt các pháp, đó là báu.

Đức Phật dạy Thuần Chân Đà La: Nếu tu tập đầy đủ tám mươi điều thì chứng đắc tam muội Bảo Như Lai. Ai đã chứng đắc tam muội này thì không vướng mắc vào đạo bảo và dục bảo.

Sao gọi là dục bảo?

Sao gọi là đạo bảo?

Dục bảo là sự tôn quý trong loài người, Chư Thiên, Thích, Phạm, Tứ Thiên Vương, Chuyển Luân Thánh Vương. Người tôn quý như các bậc vương hầu, người tôn quý thì ở Cõi Trời hay cõi người cũng tự được tôn quý. Ai đã được như vậy thì không gì mạnh mẽ bằng và vui muốn được làm Bồ Tát. Đó gọi là dục bảo.

Đạo bảo là lấy pháp để giáo hóa thế tục.

Lấy pháp gì để giáo hóa thế gian?

Đó là lấy giáo pháp.

Vì sao?

Vì muốn làm việc gì cũng nhờ nơi trí tuệ. Tuệ là đạo pháp. Giống như các dòng nước đều chảy về biển cả. Như núi Tu Di cao quý nhất trong các núi. Trong các vì sao, ánh sáng của trăng là sáng nhất. Như mặt trời chiếu sáng chỗ tối tăm. Trong các loài thú, sư tử là mạnh nhất. Trong loài người, Vua là trên hết. Ở Cõi Đao Lợi, Đế Thích là trên hết. Như trong Chúng Phạm, Phạm Thiên là hơn cả. Do đó, tuệ tôn quý hơn các pháp, cho nên nói là Vua trí tuệ.

Vì thế, ai muốn giải thoát thì nhờ trí tuệ mà được độ, vì đó là đạo an ổn. Giống như nơi tối tăm được sáng là nhờ có ngọn đuốc, là người mạnh mẽ thu phục quân ma, là y vương điều chế thuốc thang, là thầy hiểu rõ các việc. Như giương cung bắn, dù có xa mấy cũng trúng đích. Như lực sĩ dẫn binh đi đánh được chiến thắng, địch không ai toàn mạng. Còn như dùng trí tuệ phá trừ ngu tối thì chúng đều tận diệt.

Vì sao?

Vì khử trừ dứt mọi cấu uế.

Tâm bình đẳng không sai khác, không tranh cãi giành giật với người, không hại hay oán hận người, việc làm đều được hoàn toàn rốt ráo vì tuệ ấy trung thực, chất phác, làm việc gì đều chí thành, đó là nhất tâm.

Tất cả đều bình đẳng, đó là nhân duyên để đoạn trừ.

Đem thần túc hòa hợp với các công đức, đó là căn bản.

Những việc làm theo sau, đó là lực.

Đối với vô trí cho là trí, đó là giác.

Chỉ con đường tắt cho người, đó là đạo.

Đã tịch tĩnh mà lại tịch tĩnh, hướng quán mà quán, muốn làm ánh sáng chiếu nơi tăm tối. Bóng tối hết rồi thì sáng. Vì ánh sáng ấy tự nhiên, không cấu bẩn, thanh tịnh trừ bỏ các ham muốn. Trừ bỏ ham muốn thì không còn thấy các cõi đã độ thoát. Nếu không còn các cõi thì bên trong đã tịch tĩnh, thông suốt các không vì thể nhập vào không. Lìa các nẻo kiến chấp đó là vô tướng. Không cầu tịch tĩnh là vô nguyện.

Đã vượt qua ba cõi, vì tướng mà không có tướng đó là tướng. Tướng ấy bình đẳng với hư không.

Vì sao?

Vì vô cầu đó là bố thí.

Vượt qua ngã sở chẳng phải là ngã sở, không còn mong cầu, đó là giới.

Ngã không có chỗ trụ, đó là nhẫn.

Không nắm bắt, không xả bỏ, đó là tinh tấn.

Không tăng giảm, đó là thiền.

Không biết xứ sở, đó là tuệ.

Được thể nhập vào tất cả là đều do tuệ. Được rồi thì tương đắc với phương tiện thiện xảo, giống như mộng. Đã trang nghiêm bằng vô ngã thì mỗi hành động đều có công đức, lìa các nẻo trụ chấp.

Phật dạy Thuần Chân Đà La: Đó là tuệ bảo. Nếu Bồ Tát đầy đủ tuệ bảo thì đạt được tam muội Bảo Như Lai. Ví như biển cả dung chứa các dòng nước nên chữ Bảo do đây mà có. Bồ Tát nào đạt tam muội này thì dung nạp tất cả mọi người, là nơi tập hợp các pháp, là ánh sáng trong các báu, là nguồn gốc của các báu. Cho nên đối với Tam Bảo, không thể biết hết được.

Bồ Tát Đề Vô Ly thưa: Vua Thuần Chân Đà La có đạt được tam muội ấy không?

Phật dạy: Ông hãy đích thân đến hỏi Thuần Chân Đà La ấy.

Bồ Tát Đề Vô Ly hỏi Thuần Chân Đà La: Ông có chứng đắc tam muội ấy không?

Thuần Chân Đà La trả lời: Tam muội ấy không phải làm ra, đó là niệm trụ. Dù tôi chứng đắc, hay tôi không chứng đắc thì tam muội không có cái để chứng đắc.

Tam muội ấy không có sắc nên không thể biết. Thọ, tưởng, hành, thức đều không thể biết.

Tam muội ấy không thể dùng sắc để thấy, không thể nghe, không có tướng sinh, không có tướng tận, không có tướng có. Đối với tướng và tướng của tướng không thể quán, không thể thấy. Nếu nói tôi có thể thấy, tôi có thể quán thì không phải là tam muội.

Vì sao?

Vì còn có tưởng về nhân duyên.

Tam muội không có tưởng về nhân duyên, vì tam muội bình đẳng với pháp. Đã bình đẳng với pháp thì ngã cũng vậy. Tất cả mọi người bình đẳng với một người.

Vì sao?

Vì bình đẳng với tất cả không.

Tam muội là tướng không, mọi người không có tưởng, nếu không có tưởng tức là tướng tam muội. Mọi người không có nguyện, không có nguyện là tướng tam muội. Mọi người đều thanh tịnh, đều thanh tịnh là tướng tam muội.

Mọi người không có ngã, không có ngã là tướng tam muội. Không có thân, không có mềm mại, việc làm cũng không thể thủ đắc. Nếu nói tôi biết pháp, tôi thấy pháp thì đều không thể có. Vì vậy không thể theo sự hy vọng mà có được.

Bồ Tát Đề Vô Ly thưa Phật: Con thấy y phục của Thuần Chân Đà La mặc là của thể nữ và kỹ nhạc. Vậy là dâm dật, không biết thể nhập vào pháp sâu xa vi diệu, mà lại nói là tự tại như pháp.

Phật dạy: Bồ Tát đã nhập vào tuệ sâu xa, rõ phương tiện thiện xảo. Đạo ấy không có gì mà không làm được. Thuần chân đã cầm đàn đánh, ai cũng nghe tiếng đàn ấy, làm cho bảy mươi ức Chân Đà La, ba mươi ức Kiền Đà La, tám vạn bốn ngàn trời, người đi theo đều phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề.

Bồ Tát nhờ tuệ phương tiện thiện xảo ấy mà liền được tiếng thơm vang lừng. Người ở địa vị tôn quý nhiều vô số nên làm nền tảng cho họ. Như người đốt lửa, nếu không bỏ thêm củi vào thì biết rằng không lâu lửa sẽ tắt.

Bồ Tát trụ một mình thì không thể làm gốc cho người, phải hòa hợp với người thì mới có thể làm lợi ích cho họ. Muốn làm cho lửa cháy lớn thì phải chất thêm củi vào. Cho nên để có ánh sáng lớn, Bồ Tát phải lấy người làm củi thì mới có ánh sáng lớn được.

Phật dạy: Người được Bồ Tát thọ nhận đều đã được đắc bổn.

Bồ Tát Đề Vô Ly thưa Phật: Thuần Chân Đà La làm sao có thể đem những âm thanh kỹ nhạc để khiến người phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề?

Đức Phật dạy: Vì Thuần Chân Đà La, Kiền Đà La đều thích kỹ nhạc nên lấy kỹ nhạc để làm cho họ vui, tất cả đều hoan hỷ.

Biết họ được vui vẻ rồi làm cho họ nghe tiếng Phật, nghe tiếng Pháp và nghe tiếng Tăng, khen ngợi Bồ Tát có đức cao quý.

Đem nhất thiết trí huân tập vào tâm họ.

Chỉ cho họ nghe tiếng bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ, từ bi, ý chỉ, ý đoạn, thần túc, căn, lực, giác, đạo, hướng quán, duy vụ tam muội tam ma việt.

Nghe tiếng vô thường, khổ, vô ngã, tịch diệt. Nghe tiếng không, vô tướng, vô tác, vô sinh, vô sở sinh, không sinh tử.

Nghe tiếng Đà La Ni của Bồ Tát, tam muội Kim cương hạnh, tam muội Tịnh tạng chư Pháp Vương ấn hải ấn, tam muội Nhập nhất thiết chư pháp tự tứ chư pháp, tam muội Trang nghiêm, tam muội Bảo Như Lai, tam muội Bảo tự nhiên, tam muội Tri thiền.

Tam muội Hoan hỷ, tam muội Linh địa tất tác liên hoa, tam muội Liên hoa tôn, tam muội Vô sở bất biến nhập, tam muội Kỳ ý sai đặc, tam muội Đại diện minh, tam muội Sư tử minh, tam muội Vô ương số nhân, tam muội Dĩ nhập bổn, tam muội Kim cương thự.

Tam muội Kim cương tràng phan, tam muội Nhược kim cương, tam muội Kim cương tế, tam muội Như địa, tam muội Nhược Tu Di, tam muội Nhược kim cương trụ, tam muội Minh hoa, tam muội Kỳ tâm tự tứ, tam muội Tri nhất thiết nhập, tam muội Nhất thiết sở hành kỳ địa nhân thị.

Tam Muội Thậm thâm toan, tam muội Khai minh, tam muội Tri nhất thiết nhân tâm hành, tam muội Sở lạc, tam muội Sinh tuần, tam muội Hàng phục chúng ma, tam muội Hiện chư sắc, tam muội Các nhập kỳ âm, tam muội Pháp hành, tam muội Tuệ địa thủ, tam muội Địa thủ, tam muội Kiến đế sở hữu, tam muội Giải chư phược, tam muội Tắc nhập chư nhân duyên.

Đức Phật dạy: Thuần Chân Đà La có âm thanh kỹ nhạc như vậy, nhờ âm thanh ấy mà làm cho người phát tâm cầu đạo quả bồ đề. Công đức ấy rất là sâu dày.

Khi Đức Phật giảng nói về công đức của Thuần Chân Đà La, từ nơi vạt áo của đại chúng trong pháp hội đều hóa đầy hoa sen. Các vị đứng dậy, đem hoa ấy rải lên Thuần Chân Đà La, Thuần Chân Đà La dùng vai phải đón nhận hoa.

Hoa ấy không rơi xuống đất, ông ta đem hoa dâng cúng dường Phật. Từ phía trên Đức Phật, hoa ấy hóa thành một lọng hoa bằng châu báu che khắp ngàn Cõi Phật. Lọng hoa đó xen kẽ gần trăm ngàn viên ngọc quý. Ánh sáng nơi mỗi viên ngọc tỏa ra ức trăm vầng ánh sáng, mỗi vầng ánh sáng có một hoa sen nhiều màu sắc và rất thơm. Trên mỗi hoa sen có một Đức Phật ngồi giống như Đức Thích Ca Văn.

Chư Phật nói: Lành thay, lành thay! Này Thuần Chân Đà La! Người được ông giáo hóa rất nhiều và họ đều phát tâm vô thượng bồ đề. Việc làm của Bồ Tát đã vượt qua cảnh giới của mình, nhưng thị hiện vượt qua sinh tử mà vẫn thấy như cũ. Không trụ Nê Hoàn thì vì chúng sinh mà đi trong ba cõi.

Nghĩ đến Chư Phật đang ngồi, Thuần Chân Đà La đem lọng hoa báu che phía trên, và ngay lúc đó ông ta vào tam muội. Tam muội ấy gọi là Nghiêm cái, và tức thời trên chỗ Chư Phật ngồi đều có lọng hoa. Các Bồ Tát, Tỳ Kheo Tăng, người trong pháp hội đều có lọng hoa và tay cầm cán lọng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần