Phật Thuyết Kinh Thuần đà Chân đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội - Phần Chín
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH
THUẦN CHÂN ĐÀ LA SỞ VẤN
NHƯ LAI TAM MUỘI
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư
Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán
PHẦN CHÍN
Bồ Tát thì không mong cầu, không tưởng, hữu nhân vô nhân, không tưởng hữu ngã, vô ngã. Vì không có hai tâm nên không chấp trước. Vì pháp không có sở hữu nên không có chỗ nương tựa. Nếu đi thì không có chỗ đến, còn đến thì không từ đâu, trụ vào pháp thân không bị chướng ngại.
Chân như và Phật đồng đẳng, không có, cũng không không. Do nhân duyên hợp lại mà có, ví như sấm chớp hiện lên thì diệt ngay, tâm cũng như vậy, đi trong sinh tử mà tâm không thể nào thấy được.
Tâm như gió, không bị vướng mắc. Tâm vốn thanh tịnh, đã biết tâm vốn thanh tịnh thì ở trong sinh tử không bị ô nhiễm. Như tường vách nhờ có đất cỏ hợp lại mà thành, còn thân ấy vô tri. Ví như sự yên lặng của gỗ đá. Với thân không thể mong cầu vì nó như gió, không thể đắc, âm thanh cũng vậy.
Nếu trong núi có tiếng vang của kỹ nhạc thì biết tiếng ấy cũng tịnh lặng, không ham muốn tiếng vang ấy. Như hư không, không rớt xuống vì không có chỗ trụ, không có xứ sở, biết rõ các pháp như hư không, không có chỗ trụ, không có chỗ dừng. Ai biết như vậy là đã trụ bình đẳng.
Nếu có lửa dữ cũng không thể đốt cháy hư không. Vậy, biết các pháp thanh tịnh cũng như hư không. Nếu có lửa dữ ở các cõi khác đến đốt thì cũng không thể nào làm hại được. Vậy, biết các pháp ấy không bị núi Tu Di, núi Già Ca Hòa làm chướng ngại. Ai biết như vậy thì có thể đi khắp các cõi.
Vậy, bốn đại: Địa, thủy, hỏa, phong đều bình đẳng, vì như hư không. Ai biết như vậy thì có thể đi đến ức ức cõi.
Ở trong ba cõi nhưng vẫn có âm thanh thượng, trung, hạ.
Ở trong trăm ức kiếp cũng có âm thanh, nó không cùng tận, vì nó vốn tự nhiên.
Sắc tâm của Phật bình đẳng như nhau và rất vi diệu vì thanh tịnh. Chư Phật bình đẳng như nhau, Bồ Tát tu hành tích chứa vô số cong đức, do biết tâm thiện và các pháp đều bình đẳng, sau đó liền được thọ ký.
Bồ Tát là nơi cảnh giới của mình với pháp thân rất thanh tịnh. Ai biết như vậy, sau mới được thọ ký.
Không tưởng sắc, không tưởng với tưởng, cũng không tưởng thọ, tưởng, sinh tử, thức. Vì nhờ pháp mà được thọ ký, chứ chẳng phải thọ ký bằng năm ấm bốn đại. Cho nên hư không đều bình đẳng như nhau. Ai biết như vậy là đắc pháp nhẫn vô sinh, sau đó mới được thọ ký.
Tận là không thể tự biết, bất tận là không thể tự biết tận. Ai hướng đến tận là đắc các pháp nhẫn, sau đó mới được thọ ký.
Vô tưởng là đi thẳng đến đạo chân chánh, hữu tưởng là đi vào tà đạo, không chấp trước vào các pháp, đã vượt qua ba đời. Ai biết được như vậy thì được thọ ký.
Tự biết ngã là tự nhiên, các pháp đều tự nhiên, vô ngã cũng lại tự nhiên, hư không cũng tự nhiên. Hư không là tự nhiên vì không sở hữu. Biết ba cái tâm bình đẳng như hư không, cho nên gọi là hư không. Người biết thọ ký thì không nên cho là biết, vì có tâm mong cầu. Người không có tâm, không có ý về thọ ký, đó là được thọ ký.
Thuần Chân Đà La Nói: Nếu bình đẳng, các chúng hội đứng trên mặt đất, còn tôi thì ở trên hư không. Vậy biết rằng trên đất và hư không tâm đều bình đẳng, hành khắp ba đời mà không vướng mắc.
Khen ngợi như vậy xong, Thuần Chân Đà La từ hư không hạ xuống, đến trước Phật thưa: Đức Phật vì con nên hiện ra nơi đời. Ngài đã nói rõ cho con từ vô số A tăng kỳ kiếp, con nguyện hành đạo Bồ Tát, không làm mất các công đức. Hôm nay con muốn được nghe điều đó.
Khi ấy, các Bồ Tát trong hội đều nghĩ: Thuần Chân Đà La quá khứ đã phát tâm với Đức Phật nào?
Biết tâm niệm của các Bồ Tát, muốn giải nghi nên Đức Phật nói với Bồ Tát Đề Vô Ly: Trải qua vô số A tăng kỳ kiếp, không thể tính đếm, về đời quá khứ xa xưa có Đức Phật hiệu La Đà Na Kỳ Đầu. Cõi ấy tên Thủ Ha. Kiếp tên Ba La Lâm.
Như Lai ấy có mười hai ức Bồ Tát rất tinh tấn và đắc pháp nhẫn, đều là nhất thiết trí. Phật ấy thọ sáu mươi ức năm. Cõi ấy trang nghiêm, bằng phẳng, đất bằng lưu ly, không trồng lúa gạo. Nếu có đói hay khát thì tự nhiên có thức ăn uống hiện ra trước mặt.
Cõi ấy không có đạo nào khác, tất cả đều là hàng đại thừa. Thuở ấy có Chuyển Luân Vương tên Ni Di Đà La cai trị bốn thiên hạ. Vua Chuyển Luân ấy cúng dường Đức Phật và sáu mươi ức Bồ Tát cả mười ức vạn năm.
Vua đã tạo ra vô số công đức, có tám vạn bốn ngàn phu nhân, một ngàn người con và tám vạn bốn ngàn bề tôi của ma đều phát tâm cầu đạt đạo quả vô thượng bồ đề, và cũng phát tâm cúng dường Phật ức vạn năm.
Sau đó Vua nhường ngôi lại cho Thái Tử tên Hòa Đà Ba Lợi Lâm, rồi làm Sa Môn. Thái Tử ấy lên làm Vua cũng cúng dường Phật giống như đã nói ở trước. Sau đó, Thái Tử lập con mình lên làm Vua và cũng từ bỏ để làm Sa Môn. Như vậy, họ lần lượt truyền ngôi cho nhau như trước, cho đến Phật hết tuổi thọ. Sau khi Phật Bát Niết Bàn, vị Vua cuối cùng giữ gìn chánh pháp.
Phật dạy Bồ Tát Đề Vô Ly: Ông biết Vua Chuyển Luân Ni Di Đà La thuở ấy là ai không?
Chính là Thuần Chân Đà La đó.
Bồ Tát Đề Vô Ly thưa: Lành thay, lành thay! Từ lâu xa không thể nghĩ bàn, vậy mà trí tuệ của Phật vẫn còn nhớ rõ, nói ra như thế.
Phật dạy: Trí tuệ ấy chưa đủ để nói đâu.
Vì sao?
Vì còn biết về chốn hành hóa của tâm ở quá khứ, vị lai và hiện tại có nhân hay không có nhân, có công đức hay không có công đức, nên trí tuệ của Như Lai không có chướng ngại.
Khi Đức Phật nói đến không chướng ngại thì có tám vạn bốn ngàn người phát tâm vô thượng bồ đề.
Sau khi Thuần Chân Đà La cùng quyến thuộc cúng dường Phật bảy ngày xong, ông ta đem tất cả những thứ hiện có của đất nước dâng cúng làm sở hữu của Như Lai và luôn luôn mời thỉnh Thế Tôn đến đây sử dụng vì lòng từ bi yêu thương tất cả.
Thái Tử của Thuần Chân Đà La tên Di Ma La Niết lấy chuỗi hạt châu ma ni dâng cúng dường Phật và thưa: Thuần Chân Đà La con rất thích kỹ nhạc. Cúi xin Như Lai chỉ dạy cho con phương pháp dứt bỏ tâm ham muốn kỹ nhạc ấy.
Phật dạy: Từ nay trở đi, ta sẽ ủng hộ ông. Khi có âm thanh kỹ nhạc sẽ làm cho nghe về sáu mươi bốn tiếng pháp để hướng đến đạo.
Sáu mươi bốn pháp đó là gì?
Chỉ nghe tiếng vô thường, tiếng khổ, tiếng không, tiếng vô ngã, tiếng tịch tĩnh, tiếng thanh tịnh, tiếng không sinh tử, tiếng bản tịnh, tiếng không từ đâu sinh, tiếng đúng với bổn thể của nó, tiếng bản tế, tiếng bản vô, tiếng pháp thân, tiếng Như Lai, tiếng không có người, tiếng không có thọ.
Tiếng không có mạng, tiếng không đến, tiếng không có vị lai, tiếng không có quá khứ, tiếng không có hiện tại, tiếng không có xứ sở, tiếng vô sở đắc, tiếng không gì cao hơn, tiếng bố thí, tiếng giới thanh tịnh, tiếng nhẫn nhục, tiếng tinh tấn, tiếng nhất tâm, tiếng trí tuệ, tiếng từ, tiếng bi, tiếng hộ.
Tiếng bình đẳng, tiếng Phật, tiếng Pháp, tiếng Tăng, tiếng không quên Bồ Tát, tiếng ý chỉ, tiếng ý đoạn, tiếng thần túc, tiếng căn, tiếng lực, tiếng giác ý, tiếng vào đạo, tiếng vọng lại, tiếng quán, tiếng phương tiện thiện xảo, tiếng đem tứ sự bố thí, tiếng dạy chúng sinh, tiếng hộ trì chánh pháp.
Tiếng thu phục quân ma, tiếng huyễn, tiếng như thấy trong mộng, tiếng ánh sáng như mặt trời, tiếng vọng lại, tiếng như bong bóng trong nước, tiếng pháp thân không hoại, tiếng mười lực, tiếng bốn vô sở úy, tiếng mười tám pháp bất cộng, tiếng vô thượng bồ đề, tiếng nhất thiết trí, tiếng trang nghiêm Quốc Độ.
Đó là sáu mươi bốn thứ tiếng. Nếu là tiếng của kỹ nhạc thì Phật dùng oai thần làm cho nghe thành tiếng pháp. Ai đã thể nhập vào điều này thì đạt được ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
Khi ấy, trong chúng hội ai nấy rất vui mừng, lạy sát đất và thưa: Bồ Tát là bậc rất tôn quý, là người đã trụ vào pháp và được Phật ủng hộ.
Phật dạy: Đúng như các vị đã nói. Bồ Tát đã trụ vào pháp thì đều được Phật ủng hộ.
Vì sao?
Vì ủng hộ Bồ Tát là ủng hộ tất cả chúng sinh.
Vì sao?
Vì Bồ Tát phát tâm vì tất cả chúng sinh, nên gọi là lời thệ nguyện ủng hộ kẻ ngu si tăm tối, thoát khỏi sinh tử để đạt đến Nê Hoàn.
Phật dạy: Ai biết ủng hộ Bồ Tát là người đã ủng hộ tất cả chúng sinh, đem những vật sở hữu, y, bát… cúng dường Bồ Tát hay bố thí cho mọi người.
Vì sao?
Vì Bồ Tát nhờ hơi thở vô ra mà được sống. Như con người nhờ có hơi thở ra vào mà được sống an ổn đầy đủ, vì muốn làm lợi ích cho tất cả.
Khi ấy, tất cả chúng hội: Thiên Tử Cõi Dục, Thiên Tử Cõi Sắc, Tiên Tử cõi thanh tịnh, Chân Đà La, Kiền Đà La, Ma Hưu Lặc… đều khen ngợi, phấn chấn làm theo lời Phật dạy. Tất cả đem các loại hoa rải cúng dường Phật.
Thuần Chân Đà La suy nghĩ: Từ các Tỳ Kheo, Bồ Tát lên đến Phật đều sắp trở về.
Thuần Chân Đà La dùng thần túc trở lại làm xe hoa ngang dài ba trăm dặm bằng các ngọc báu, dùng vô số châu báu làm cây. Ông ta làm Tòa Sư Tử cao bốn trượng bảy thước cho Như Lai, lấy lụa trời vô số màu sắc, có viền rèm trải trên các tòa. Các Tỳ Kheo và Bồ Tát cùng đến ngồi. Còn các Đế Thích, bốn Đại Thiên Vương thì làm tòa như tòa ở Cõi Trời.
Làm đâu đó xong, Thuần Chân Đà La bạch Phật: Xin Ngài từ bi đến an tọa.
Đức Phật và các Tỳ Kheo cùng các Bồ Tát đều đến ngồi xe của Thuần Chân Đà La. Khi ấy, nhờ Thần túc của Thuần Chân Đà La, chiếc xe rời khỏi cách mặt đất một trăm bốn mươi trượng. Xe ấy bay trên hư không, có tám ngàn Thiên Tử, các Thuần Chân Đà La, Kiền Đà La đi theo. Thuần Chân Đà La lấy vàng làm dây rồi cùng quyến thuộc đi trước, kéo xe đến Đạo Tràng.
Đức Phật phóng ánh sáng chiếu thấu tam thiên đại thiên thế giới. Vua A Xà Thế cùng quần thần, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di thấy ánh sáng nên biết Đức Phật sắp đến. Tất cả đem lọng lụa, cờ, hoa, hương ra khỏi thành La Duyệt để nghênh đón. Tám vạn bốn ngàn kỹ nhạc của Thuần Chân Đà La vừa đi vừa ca hát, đánh đàn, nghe âm thanh ấy đi trước.
Con và quyến thuộc của Thuần Chân Đà La kéo xe đưa Phật đã đến núi Kỳ Xà Quật. Đức Phật xuống xe và đến chỗ ngồi, còn các Tỳ Kheo, Bồ Tát đều đứng phía trước.
Vua A Xà Thế, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, tất cả các vị tôn quý và các Vua nhỏ của Vua A Xà Thế đem lọng lụa, hương hoa đến cúng dường và lạy Phật rồi thưa:
Bạch Như Lai! Bồ Tát Đề Vô Ly hỏi Phật: Thuần Chân Đà La cùng quyến thuộc đem xe đón Phật đến đây.
Vậy họ được công đức gì?
Phật dạy: Thuần Chân Đà La cùng quyến thuộc đều phát tâm vô thượng bồ đề. Nhờ công đức này mà chứng đắc năm thiền chi, cho đến thành Phật vẫn không mất. Đi từ cõi này đến cõi khác cúng dường Chư Phật. Ai nghe pháp ấy cũng cúng dường, gần gũi các Tỳ Kheo Tăng và đều biết kiếp trước. Tất cả sẽ thành tựu với lòng đại bi vô cực, sẽ hộ trì chánh pháp, sẽ giáo hóa chúng sinh.
Vua A Xà Thế nói với Thuần Chân Đà La: Lành thay! Nhân giả được Phật khen ngợi.
Vua A Xà Thế nói tiếp: Công đức do Nhân giả tạo ra, xin hãy chia cho tôi một ít để tôi được công đức ấy.
Thuần Chân Đà La trả lời: Nếu Vua đồng ý nhận giữ công đức ấy thì tôi sẽ cùng chia cho tất cả.
Vì sao?
Vì công đức của Bồ Tát tạo ra đều vì chúng sinh nên không ham muốn. Hơn nữa, những công đức tạo ra đó không nghĩ do riêng mình làm. Tất cả chúng sinh cho rằng việc làm của Bồ Tát là vì tất cả nên được sự cứu giúp.
Vì sao?
Vì Bồ Tát là nhân duyên của tất cả chúng sinh, nhờ sự tu tập nên làm lợi ích cho mọi người.
Thuần Chân Đà La Nói với A Xà Thế: Lành thay! Nhân giả đã có hai vị thiện tri thức. Hai vị đó là Đức Phật và Văn Thù Sư Lợi. Nhờ ân đức này mà được giải trừ tất cả việc làm phi pháp và các điều nghi ngờ.
Vua A Xà Thế nói: Hành vi của Bồ Tát rất hoàn hảo, lấy tâm làm pháp khí. Ai nghe pháp này sẽ không còn hồ nghi, không nhớ, cũng không quên.
Bồ Tát Đề Vô Ly thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao nói rằng Bồ Tát có thể làm pháp khí?
Phật dạy: Lấy ba mươi hai việc làm pháp khí.
Ba mươi hai việc ấy là gì?
1. Bồ Tát trụ yên ổn được Phật hộ trì. Đó là pháp khí.
2. Không dua nịnh, lời nói chắc thật không hai, tin có công đức. Đó là pháp khí.
3. Tu tập hạnh Bồ Tát. Đó là pháp khí.
4. Nghe rồi suy nghĩ. Đó là pháp khí.
5. Thâm nhập vào tâm, từ từ đạt được đạo. Đó là pháp khí.
6. Biết rõ các căn bản. Đó là pháp khí.
7. Bố thí được giàu sang. Đó là pháp khí.
8. Giới thể thanh tịnh, thệ nguyện viên mãn. Đó là pháp khí.
9. Nhẫn nhục được ba mươi hai tướng tốt. Đó là pháp khí.
10. Tinh tấn đối với tất cả pháp của Chư Phật. Đó là pháp khí.
11. Nhất tam điều trị bệnh của mình. Đó là pháp khí.
12. Trí tuệ không chướng ngại. Đó là pháp khí.
13. Từ là bình đẳng với mọi người. Đó là pháp khí.
14. Bi là cứu giúp người nghèo khổ. Đó là pháp khí.
15. Hộ là thương xót chúng sinh. Đó là pháp khí.
16. Tâm bình đẳng là: Với tất cả chúng sinh không có tâm riêng biệt. Đó là pháp khí.
17. Làm thiện tri thức cho người. Đó là pháp khí của tất cả các công đức.
18. Nghe không nhàm chán. Đó là pháp khí của bát nhã Ba la mật.
19. Làm Sa Môn, dù xa cha mẹ quyến thuộc nhưng tâm không đau khổ. Đó là pháp khí.
20. Thích một mình ở trong núi, tâm chuyên nhất. Đó là pháp khí.
21. Thích ở nơi thanh vắng để đạt thiền định. Đó là pháp khí.
22. Đem những gì mình có cho người không có, rồi chỉ dạy họ vào đạo. Đó là pháp khí.
23. Giữ gìn, bảo hộ các pháp để cho kẻ tăm tối được sáng suốt. Đó là pháp khí.
24. Biết Đà La Ni, hiểu rõ nghĩa nó, rồi đem giảng dạy cho người. Đó là pháp khí.
25. Những gì mình ưa thích là vì mọi người, giải nghi cho họ. Đó là pháp khí.
26. Ai nghĩ nhớ đến Phật thì mau được thấy Phật. Đó là pháp khí.
27. Không sân giận, không hối hận, công đức ấy không biết hết được. Đó là pháp khí.
28. Vì biết các pháp là không, nên không luyến tiếc. Đó là pháp khí.
29. Hiểu rõ mười hai nhân duyên, vượt qua chấp đoạn chấp thường. Đó là pháp khí.
30. Được pháp nhẫn. Đó là pháp khí.
31. Không bao lâu được thọ ký. Đó là pháp khí.
32. Đối với bậc nhất sinh bổ xứ, nhờ năng lực ở trước nên không động chuyển. Đó là pháp khí.
Trên đây là ba mươi hai pháp khí của Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba