Phật Thuyết Kinh Thuần đà Chân đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội - Phần Mười

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH

THUẦN CHÂN ĐÀ LA SỞ VẤN

NHƯ LAI TAM MUỘI

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán  

PHẦN MƯỜI  

Khi Đức Phật nói pháp này có một vạn người phát tâm vô thượng bồ đề, tất cả cất tiếng thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng con muốn cho tất cả đều được là pháp khí. Nay chúng con được pháp khí mà Như Lai đã nói.

Đức Phật dạy Thuần Chân Đà La: Ông hãy trở về chỗ cũ, đừng cho mọi người phải mệt nhọc.

Thuần Chân Đà La thưa: Người nào có tâm nghĩ đến mệt nhọc thì chẳng phải là Bồ Tát. Còn ai không nghĩ đến mệt nhọc thì đó là Bồ Tát.

Thuần Chân Đà La thưa tiếp: Bạch Thế Tôn! Nguyên do gì Bồ Tát nghĩ đến mệt nhọc?

Nguyên do gì Bồ Tát không nghĩ đến mệt nhọc?

Đức Phật dạy: Với bốn việc Bồ Tát biết có mệt nhọc.

Bốn việc biết mệt nhọc đó là gì?

1. Nghe người nhiều vô số thì tâm Bồ Tát sợ hãi. Đây là mệt nhọc thứ nhất.

2. Nghe sinh tử không thể vượt qua, làm tâm sợ hãi. Đây là mệt nhọc thứ hai.

3. Nghe trí tuệ Phật không hạn lượng, làm tâm Bồ Tát sợ hãi. Đây là mệt nhọc thứ ba.

4. Nghe vố số công đức thành một tướng, làm tâm Bồ Tát sợ hãi. Đây là mệt nhọc thứ tư.

Với bốn việc, Bồ Tát biết không mệt nhọc.

Bốn việc đó là gì?

1. Muốn cứu độ tất cả chúng sinh đều đạt đến Nê Hoàn. Đây là việc thứ nhất không cho là mệt nhọc.

2. Muốn tự mình cứu giúp vô số sinh tử, vì muốn tạo công đức nên tâm không sợ, nên không cho là mệt nhọc.

3. Nghe vô số trí tuệ của Phật thì Bồ Tát muốn đầy đủ, tâm không sợ hãi, nên không cho là mệt nhọc.

4. Nghe vô số công đức thành một tướng, tâm Bồ Tát không sợ hãi, nên không cho là mệt nhọc.

Đó là bốn việc biết Bồ Tát không cho là mệt nhọc.

Lại có bốn việc biết cho là mệt nhọc.

Bốn việc đó là gì?

1. Ngay ở giai đoạn trung gian, ưa thích pháp Thanh Văn nên đến gần gũi.

2. Ngay ở giai đoạn trung gian, ưa thích pháp Bích Chi Phật, nên đến gần gũi.

3. + 4. Khi chánh pháp sắp tận, không dụng tâm, không hộ trì, không dạy người phát tâm Bồ Tát.

Đó là bốn việc biết Bồ Tát cho rằng mệt nhọc.

Lại có bốn việc không cho rằng có mệt nhọc.

Bốn việc đó là gì?

1. Không tự vui với pháp La Hán, Bích Chi Phật.

2. Chấp nhận chịu chết chứ không lìa pháp.

3. Nếu nghe người thiện có khả năng phát tâm Bồ Tát thì nên đến đó chỉ dạy, không lánh xa.

Đó là bốn việc biết Bồ Tát không cho là mệt nhọc.

Lại có bốn việc biết Bồ Tát cho là mệt nhọc.

Bốn việc đó là gì?

1. Nếu có Sa Môn, Bà La Môn, kẻ bần cùng, ăn xin đến cầu xin thì sân giận họ.

2. Chỉ lo lắng cho mình được ăn uống, ngồi nằm được an ổn mà không nghĩ đến người khác.

3. Không nghĩ đến sự học hỏi, cho rằng ta biết nhiều.

4. Có văn tuệ, thường thường vội bỏ đi, không muốn chỉ dạy cho người.

Đó là bốn việc Bồ Tát cho là có mệt nhọc.

Lại có bốn việc Bồ Tát không cho là met nhọc.

Bốn việc đó là gì?

1. Nếu có người ăn xin đến cầu xin thì đem bố thí cho họ, xem họ như thiện tri thức của mình.

2. Tâm hòa nhã, dịu dàng với tất cả chúng sinh.

3. Không nghĩ rằng mình được an vui, mà muốn mọi người cũng đều an vui.

4. Với sự học hỏi không nhàm chán, chỉ dạy cho người không có sự mong cầu.

Đó là bốn việc biết Bồ Tát không cho có mệt nhọc.

Lại có bốn việc biết Bồ Tát cho rằng có mệt nhọc.

Bốn việc đó là gì?

1. Không cầu đạo Ba La Mật.

2. Không lấy tứ sự để bố thí.

3. Với chúng sinh không tinh tấn chỉ dạy nghĩa lý.

4. Nghe nhớ điều gì cho là đã đủ, không nhớ nghĩ đến đạo Bồ Tát.

Đó là bốn việc biết Bồ Tát cho rằng có mệt nhọc.

Lại có bốn việc biết Bồ Tát không cho rằng có mệt nhọc.

Bốn việc đó là gì?

1. Nếu thân bị đốt cháy, không cho là đau đớn mà cầu các Ba la mật không biếng nhác.

2. Lấy tư sự để bố thí để họ đầy đủ, không làm trái ý với người cầu xin.

3. Tinh tấn chỉ dạy, muốn người hoan hỷ.

4. Muốn đầy đủ các công đức, biết không nhàm chán.

Đó là bốn việc biết Bồ Tát không cho rằng có mệt nhọc.

Đức Phật hỏi Vua A Xà Thế: Có nghe Bồ Tát không cho rằng mệt nhọc không?

Vua trả lời: Đã nghe rồi.

Phật dạy: Nghe rồi thì từ nay trở đi nếu có người hành Bồ Tát hạnh thì việc làm đừng nhàm chán cho là mệt nhọc.

Vua A Xà Thế bạch Phật: Sao gọi là Bồ Tát hạnh?

Giữa chúng hội gồm Thuần Chân Đà La, Kiền Đà La, Đức Phật giảng nói pháp, mọi người đều lãnh hội: Vua A Xà Thế nghe Phật giảng nói về hạnh của Bồ Tát như vậy: Làm theo pháp đã nghe là hành. Đối với Bồ Tát, hành không mệt nhọc, hành tâm bình đẳng với tất cả, hành kiên cố, hành chắc chắn, hành thanh tịnh, như ý sở tác, với pháp Bồ Tát hành không dua nịnh, hành bố thí, hành cho tất cả mà không tiếc.

Bồ Tát hạnh không hành theo chấp hữu, hành nương vào giới thanh tịnh, hành tịch tĩnh, hành thân, khẩu, ý thanh tịnh, tâm Bồ Tát luôn nghĩ đến hành hạnh nhẫn nhục, hành trừ bỏ các oán hận, hành làm Bồ Tát, hành tinh tấn không vọng tưởng, hành đạt đến mục đích, hành đối với sinh tử không cho là khổ nhọc, hành hạnh Bồ Tát không sợ hãi, hành thiền, hành tri, hành thân tâm an vui, hành hạnh Bồ Tát tâm không tán loạn.

Bồ Tát hành bằng trí tuệ nên hành đúng pháp, Bồ Tát hành không chấp có sở đắc, hành theo lòng từ, hành tâm hòa nhã, hành tu đại bi, hành theo hạnh Bồ Tát, hành không sân giận, hành không, hành theo ý, hành thanh tịnh không vọng tưởng.

Bồ Tát hành không mong cầu.

Bồ Tát hành đúng thì nên hành, hành đầy đủ trí tuệ, hành theo Bồ Tát, hành lòng tin không chướng ngại, hành ý an tam muội.

Bồ Tát hành không gián đoạn, hành thần túc, hành thiền, hành bằng năm thiền chi. Hành theo hạnh Bồ Tát thì không có tội, hành bình đẳng chân thật, hành nương vào pháp, hành muốn chỉ dạy chúng sinh, hành đúng như Bồ Tát, hành việc làm không dựa vào nhân duyên, hành đúng với việc làm, hành đoạn tuyệt các tối tăm.

Với việc làm của Bồ Tát hành không nhầm lẫn, hành thanh tịnh, hành rửa sach các cấu bẩn. Bồ Tát làm như vậy là hành, hành không hối hận, hành bảo hộ chúng sinh để họ không còn lo sợ.

Bồ Tát làm như vậy là hành, hành đầy đủ theo sự mong cầu của chúng sinh, hành như mặt trời, hành như mặt trăng, hành như hoa sen không nhiễm.

Bồ Tát làm như vậy được Chư Thiên cung kính, hành như Đế Thích, hành như Chư Thiên, hành đạo đầy đủ.

Bồ Tát hành như vậy chúng ma đều sợ sệt. Hành trì, hành tôn kính, hành diệt sạch dâm, nộ, si.

Bồ Tát hành hạnh như vậy được vô số Chư Thiên khen ngợi, hành lâu dài, hành mắt trí tuệ thanh tịnh, hành nghiêm túc, với sắc không hành chấp trước.

Bồ Tát hành như vậy không có tội. Bồ Tát đã hành hạnh như vậy được Chư Thiên khen ngợi. Hành lời nói nhu hòa, hành bình đẳng, hành xả bỏ tà đạo.

Bồ Tát hành lấy tuệ làm gốc, hành dõng mãnh, hành chấn động quân ma, hành chúng hội đang ngồi và cây của Phật không khác nhau. Hành đắc Đà La Ni, hành việc làm của Bồ Tát không nhàm chán, hành trong núi, hành năng nhẫn, hành ưa thích làm Sa Môn, hành hạnh Bồ Tát như ban đầu, hành muốn giải thoát và hành tâm.

Đối với tất cả, hành một cách tôn kính thì chỗ duyên hợp của Bồ Tát không mất, hành làm thành tựu, hành phương tiện thiện xảo.

Đối với thiền định, hành không mong cầu, Bồ Tát hành theo chỗ không có pháp, hành theo thế tục, hành phi thế tục, hành Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc. Bồ Tát hành như vậy thì không sợ sệt.

Hành tất cả, hành biết rõ mọi người. Nẻo hành trì của Bồ Tát giống như bầu trời bao trùm tất cả.

Khi Phật nói hạnh của Bồ Tát, có năm trăm Bồ Tát được pháp nhẫn vô sinh, tám ngàn người trong hội phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.

Tất cả đều thưa Phật: Chúng con sẽ phụng hành và hành đúng hạnh của Bồ Tát.

Đức Phật hiện điềm lành muốn làm cho Thuần Chân Đà La quay về chỗ cũ. Khi ấy, quyến thuộc trong cung thất của Thuần Chân Đà La đi nhiễu Phật ba vòng, quỳ trước Phật rồi xin lui. Từ nơi thân họ phóng ánh sáng và tấu kỹ nhạc, đánh đàn, làm đại địa chấn động sáu cách, mưa hoa trời rồi trở về cung thất của mình.

Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Thuần Chân Đà La cúng dường Phật, Pháp và Tỳ Kheo Tăng, chư Bồ Tát, công đức ấy đã vượt lên trên con.

Phật dạy Thích Đề Hoàn Nhân: Không chỉ vượt hơn ông mà công đức ấy vượt qua tam thiên đại thiên thế giới và cả các Thích, Phạm, Tứ Thiên Vương, Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Vì sao?

Vì Bồ Tát một khi phát tâm thì vượt qua các Thanh Văn, Bích Chi Phật. Tất cả chúng sinh nhờ pháp ấy mà được độ thoát. Hạnh Bồ Tát thù thắng hơn tất cả, không ai hơn Đức Phật. Cho nên biết rằng không ai sánh bằng Bồ Tát.

Vì sao?

Vì Phật nhờ tâm Bồ Tát mà thành tựu. Các Thanh Văn nhờ Phật Pháp mà thành tựu.

Thích Đề Hoàn Nhân bỗng khóc, nước mắt tuôn trào, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con đã làm tổn hại cội gốc nên không phát tâm Bồ Tát.

Khi đó, trong chúng hội có Thiên Tử tên Cụ Hoặc, nói với Thích Đề Hoàn Nhân: Giáo pháp của Đức Phật lưu bố khắp Cõi Trời, ai cũng phát tâm Bồ Tát.

Nay ông hối hận thì có lợi ích gì?

Vì sao?

Vì ông đã đốt cháy hạt giống Bồ Tát rồi, không phải là pháp khí của Bồ Tát.

Khi Cụ Hoặc nói như vậy, có năm trăm Thiên Tử Trời Đao Lợi phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.

Thiên Tử Cụ Hoặc thưa Phật: Con biết Phật từ nơi hạnh xưa, Bồ Tát được Đề Hòa Kiệt Phật thọ ký, pháp nhẫn vô sinh. Như Lai đã nói về pháp nhẫn vô sinh, con muốn được nghe. Cúi xin Ngài nói cho.

Phật dạy: Nếu Bồ Tát không có công đức thì không thể nghe pháp nhẫn vô sinh.

Phật dạy Cụ Hoặc: Bồ Tát nhờ bốn việc mà được pháp nhẫn vô sinh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần