Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Hai - Pháp Hội Bồ Tát Tạng - Phẩm Thứ Bảy - Phẩm Thi La Ba La Mật - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ MƯỜI HAI
PHÁP HỘI BỒ TÁT TẠNG
PHẨM THỨ BẢY
THI LA BA LA MẬT
PHẦN BA
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
Văn cú tương ưng chân pháp nghĩa
Thuận theo tu tập các đạo chi
Vì được chứng nhập tánh tịch diệt
Mà hay lưu thông đường Niết Bàn
Xưa ta rời xa pháp như vậy
Trở lại nhiễm quen các văn cú
Phi pháp phi nghĩa phi tịch tĩnh
Nhẫn đến Niết Bàn chẳng tương ưng
Không có tinh tấn không năng lực
Không quả trượng phu không oai thế
Bác bỏ công đức không dũng mãnh
Tất cả đều không vô sở đắc
Không có Chư Phật cũng không pháp
Không nhìn cha mẹ và quyến thuộc
Không có điều ác không điều lành
Hoặc quả hoặc báo đều bác bỏ
Từ thuở vô thỉ đến ngày nay
Luôn quen làm các ác kiến ấy
Do đó bị đọa trong địa ngục
Thọ khổ mãi mãi khó ra khỏi
Rồi sau chuyển đọa loài bàng sanh
Lại đọa loài quỷ các ác đạo
Có lúc được sanh trong loài người
Ngu mê vô trí thêm câm ngọng
Đần độn chơi bời và đui điếc
Do đó lại gây các nghiệp ác
Rồi đọa địa ngục và quỉ súc
Chịu nhiều khổ cực ngu tối thêm
Ta từ lâu xa vô lượng kiếp
Chưa từng được thân thanh tịnh này
Đã được các căn đều đầy đủ
Bấy giờ phải mau thêm tinh tấn
Các pháp tương ưng với thiệt nghĩa
Hay làm trợ bạn cho tịch tĩnh
Đường đến bồ đề cùng bồ đề
Ta phải kịp thời cầu pháp ấy
Tạng bí áo Chư Đại Bồ Tát
Tương ưng nghĩa chân thật rất sâu
Trải qua trăm ngàn câu chi kiếp
Nếu ai được nghe là hi hữu
Và những Phật Pháp khác như vậy
Vô lượng vô số bất tư nghị
Ta phải tinh tấn thọ rồi trì
Để được chứng bồ đề vô thượng
Lại phải chánh cần khởi cung kính
Kính thờ cúng dường thuyết Pháp Sư
Đó là Chư Phật Chư Bồ Tát
Nơi Pháp Sư nghe pháp vô thượng
Chư Đại Bồ Tát vô sở úy
Phát khởi tâm dũng mãnh như vậy
Trí huệ phương tiện khéo thành tựu
Nhẫn đến bố thí đồ đựng nước.
Này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát phát tâm thứ tám như vậy rồi, vì muốn cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng nên đối với thuyết Pháp Sư càng thêm kính thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.
Này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật đa, Đại Bồ Tát phát tâm như vậy: Tất cả chúng sanh bị lệ thuộc nơi việc làm vô nghĩa nên tiếc luyến thân mạng chấp lấy việc vô nghĩa, chẳng hay phấn khởi làm việc nghĩa lợi.
Này Xá Lợi Phất! Thế nào gọi là chấp lấy việc vô nghĩa?
Đó là với thân mạng thì luyến tiếc, với pháp phần bồ đề không để lòng, chấp ngã ngã sở làm tiền đạo, nơi thân mình luôn phòng vệ tắm rửa săn sóc trang sức trân quý, đây gọi là chấp lấy việc vô nghĩa. Lại còn có chấp lấy việc vô nghĩa.
Đó là luyến tiếc thân mạng, nơi pháp phần bồ đề chẳng để lòng, chấp ngã và ngã sở làm tiền đạo, bảo bọc chăm nom vợ con anh em bạn bè thân thuộc, nhẫn đến chấp trước tất cả đồ vật cần dùng và đồ trân ngoạn. Đây là chấp việc vô nghĩa. Lại còn có chấp lấy việc vô nghĩa.
Đó là với thân mạng thì luyến tiếc, với pháp phần bồ đề thì chẳng để lòng, chấp lấy ngã và ngã sở làm tiền đạo, đối với tôi trai tớ gái thì phòng vệ sai khiến đánh mắng giam nhốt, đây gọi là chấp lấy việc vô nghĩa.
Này Xá Lợi Phất! Thế nào gọi là chuyên tu nghĩa lợi?
Đó là đối với thân mạng không luyến tiếc, nơi pháp phần bồ đề có để lòng, dùng tâm bồ đề làm tiền đạo, chuyên tu điều lành thù thắng nơi thân nghiệp ngữ nghiệp và ý nghiệp. Đây gọi là tu nghĩa lợi.
Lại còn có chuyên tu nghĩa lợi. Đó là nơi thân mạng không luyến tiếc, với pháp phần bồ đề có để lòng. Dùng bồ đề Tâm làm tiền đạo chuyên tu các công hạnh dẫn phát đàn na Ba la mật đa nhẫn đến bát nhã Ba la mật đa. Đây gọi là chuyên tu nghĩa lợi.
Lại còn có chuyên tu nghĩa lợi. Đó là nơi thân mạng chẳng luyến tiếc, nơi pháp phần bồ đề có để lòng, dùng tâm bồ đề làm tiền đạo mà chuyên tu hành bố thí ái ngữ lợi hành và đồng sự để nhiếp hóa chúng sanh. Đây gọi là chuyên tu nghĩa lợi.
Lại còn có chuyên tu nghĩa lợi. Đó là chẳng luyến tiếc thân mạng, cầu bồ đề phần, dùng tâm bồ đề làm tiền đạo mà chuyên tu niệm xứ chánh cần thần túc căn lực giác chi chánh đạo. Đây gọi là chuyên tu nghĩa lợi.
Lại còn có chuyên tu nghĩa lợi. Đó là chẳng luyến tiếc thân mạng, cầu bồ đề phần, dùng tâm bồ đề làm tiền đạo đối với cha mẹ và các Sư Trưởng thì cúng dường kính vâng cúi đầu chắp tay lễ lạy hỏi thăm tiếp rước cung cấp hầu hạ thảo thuận. Đây gọi là chuyên tu nghĩa lợi.
Lại còn có chuyên tu nghĩa lợi. Đó là chẳng luyến tiếc thân mạng, cầu bồ đề phần, dùng tâm bồ đề làm tiền đạo, đối với Tam Bảo tùy thuận giáo hóa pháp kính thờ chuyên tu.
Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát nghĩ rằng chúng sanh chấp lấy vô nghĩa bị sự việc vô nghĩa chi phối, luyến tiếc thân mạng lười biếng phóng túng.
Nay ta chuyên tu tập nghĩa lợi được công hạnh nghĩa lợi thủ hộ. Ta phải thêm siêng tinh tấn đem thân này cúng dường thuyết Pháp Sư, đem thân chẳng bền đổi thân bền chắc, phải tu hai món tư lương phước và trí. Do tu phước lực và trí lực hai món tư lương ấy nên được gần bồ đề vô thượng vi diệu.
Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát y Thi La Ba la mật đa thật hành Bồ Tát hạnh để cầu Bồ Tát tạng như vậy kính thờ cúng dường thuyết Pháp Sư nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước. Đây gọi là Đại Bồ Tát phát tâm thứ chín.
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
Các phàm phu ngu si
Thường luyến tiếc thân mạng
Chẳng mong cầu bồ đề
Ba nghiệp sanh tạp nhiễm
Thường vì lợi cho mình
Và vợ con quyến thuộc
Quý tiếc đồ trân ngoạn
Đây gọi si phàm phu
Sai khiến tớ trai gái
Nuôi nhiều loài bốn chân
Chấp chặt việc vô nghĩa
Đây gọi kẻ vô trí
Chứa cất nhiều tiền gạo
Chẳng cho chẳng ăn dùng
Chấp chặt việc vô nghĩa
Gọi người ngu cất chứa
Các phàm phu ngu si
Chuyên quý việc vô nghĩa
Chư Bồ Tát trí huệ
Chuyên cầu các nghĩa lợi
Chẳng luyến tiếc thân mạng
Vui thích giúp Bồ Tát
Phát khởi nhiều việc thiện
Đây gọi chuyên nghĩa lợi
Phương tiện khéo tu tập
Thí giới nhẫn chánh cần
Tịnh lự và diệu huệ
Đây gọi chuyên nghĩa lợi
Cúng dường cha và mẹ
Cung cấp các Sư Trưởng
Kính thờ ngôi Tam Bảo
Đây gọi chuyên nghĩa lợi
Nơi diệu Bồ Tát tạng
Nhiếp tất cả diệu pháp
Trì tụng và giảng giải
Đây gọi chuyên nghĩa lợi
Chuyên nghĩa lợi như vậy
Được Chư Phật khen tặng
Tinh tấn hiệp pháp lành
Là con Đấng Vô Úy
Phát tâm như vậy rồi
Dùng lòng tin thanh tịnh
Kính thờ thuyết Pháp Sư
Cúng tất cả đồ dùng.
Này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát phát tâm thứ chín rồi, vì muốn cần cầu Đại Bồ Tát tạng nên đối với thuyết Pháp Sư càng thêm kính thờ cúng dường nhẫn đến bố thí đồ dùng đựng nước.
Lại này Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Thi La Ba la mật, Đại Bồ Tát phát tâm như vậy: Chúng sanh thế gian làm trái lời dạy của Sư Trưởng nên không có được.
Không được những gì?
Đó là tánh tài.
Gì là thánh tài?
Đó là tín, giới, văn, tàm, quí, xả và huệ. Các chúng sanh ấy vì chẳng được Thánh tài nên gọi là cực bần cùng. Nay ta phải tu pháp lành vi diệu, nơi lời dạy bảo của Sư Trưởng phải tùy thuận kính lãnh.
Tại sao?
Vì Đại Bồ Tát do diệu huệ tùy thuận kính lãnh lời dạy của Sư Trưởng nên có chứng được.
Chứng được gì?
Chứng được thánh tài.
Những gì gọi là Bồ Tát Thánh Tài?
Đó là các pháp môn Bồ Tát tạng. Biết rõ Bồ Tát diệu huệ tức là thuyết Pháp Sư diệu huệ ở nơi pháp môn Bồ Tát tạng vì chúng sanh mà rộng giảng dạy lưu truyền. Đại Bồ Tát an trụ Bồ Tát tạng như vậy rồi được thánh tài dứt hẳn bần cùng mau chứng được vô thượng bồ đề. Đây gọi là Đại Bồ Tát phát tâm thứ mười.
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
Các chúng sanh hạ liệt trong đời
Dua nịnh huyễn hoặc nhiều gian nguy
Điên đảo tà chấp chẳng đúng lý
Chuyên theo ác kiến trái lời thầy
Bồ Tát biết rồi thuận lời thầy
Bèn được trí huệ rộng giảng giải
Do đây chứng được bảy Thánh Tài
Tín, giới, văn, tàm, quý, xả, huệ
Tạng vô tận bảy Thánh Tài ấy
Chớ truyền dạy kẻ phi pháp khí
Trong đời có nhiều chúng sanh lành
Làm được pháp khí tốt của Phật
Lời tốt không dua đến thỉnh hỏi
Khéo lành tự tại mà nhàn nhã
Thường phát dũng mãnh thường tinh tấn
Cúng kính chánh pháp thích thường nghe
Chẳng kể thân mạng mình đương có
Cầu chứng Chư Phật diệu bồ đề
Biết đó đáng là chánh pháp khí
Hay thọ trì được diệu lý sâu
Đạo Sư phát khởi đại từ bi
Giảng nói tinh thuần chân pháp khí
Tạng pháp vi diệu Đại Bồ Tát
Nương đó gây dựng thắng bồ đề
Ở trong ấy lại rộng khai thị
Thánh tài kiên cố của Chư Phật
Tất cả các pháp là tướng không
Là tướng vô tướng, tướng vô ngã
Không có thọ mạng không đổi khác
Không những hí luận không thọ tàng
Tự tánh của tất cả các pháp
Chẳng từ duyên sanh cũng không tướng
Không có sơ khởi không chung diệt
Từ vô tướng chân như hiển phát
Người trí tự tại tánh nhu hòa
Nơi lời thầy dạy không đảo chấp
Đức Phật Thế Tôn vì đó dạy
Pháp môn giải thoát Phật đã được
Thánh tài: Tín, giới cùng tàm, quí
Chánh văn, xả thí và bát nhã
Phật vì Bồ Tát rộng giảng giải
Pháp tạng vô tận bảy Thánh Tài
Phật Tử nhu hoà diệu tự tại
Thuận theo lời hay của thiện hữu
Ta phải kính thờ thuyết Pháp Sư
Để chứng vô thượng bồ đề đạo
Bồ Tát vừa phát tâm ấy rồi
Với thuyết Pháp Sư thêm yêu kính
Nhẫn đến sắm sửa bình sành sạch
Đựng đầy nước trong đem cúng thí.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba