Phật Thuyết Kinh Thuần đà Chân đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội - Phần Mười Một
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH
THUẦN CHÂN ĐÀ LA SỞ VẤN
NHƯ LAI TAM MUỘI
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư
Chi Lâu Câu Sấm, Đời Hậu Hán
PHẦN MƯỜI MỘT
Thế nào là bốn?
1. Biết Chư Phật từ quá khứ, đương lai và hiện tại đều bình đẳng không có.
2. Bình đẳng với các pháp không khác.
3. Bình đẳng với các Cõi Phật.
4. Bình đẳng với chúng sinh.
Đó là bốn việc.
Lại có bốn việc.
Thế nào là bốn?
1. Thích không mà lại biết bốn bậc thiền.
2. Với lòng từ bi vô cực, thích ở nơi ba cõi.
3. Với phương tiện thiện xảo thích sáu Ba la mật.
4. Với trí tuệ thích năm Thiền chi.
Đó là bốn.
Lại có bốn việc.
Thế nào là bốn?
1. Đối với năm ấm mà cầu đạo Bồ Tát. Bồ Tát biết năm ấm nhưng tự nhiên.
2. Đối với bốn đại mà cầu Bồ Tát, tin bốn đại nhưng tự nhiên.
3. Đối với sáu trần mà cầu Bồ Tát, gần gũi sáu trần nhưng tự nhiên.
4. Đối với các pháp mà cầu Bồ Tát, đối với các pháp tự nhiên không nghi ngờ.
Đó là bốn.
Lại có bốn việc.
Thế nào là bốn?
1. Nhờ trụ vào bản tế mà biết các pháp.
2. Đã trụ nơi pháp của Như Lai thì đều thể nhập vào các pháp bình đẳng với ba đời.
3. Thể nhập vào pháp thân, biết rõ các pháp, tướng nó như hư không, không thể hư hoại.
4. Quán các pháp bình đẳng giống nhau.
Đó là nhờ bốn việc mà Bồ Tát được pháp nhẫn vô sinh.
Khi Đức Phật nói pháp ấy, có năm trăm Bồ Tát được pháp nhẫn vô sinh. Thiên Tử Cụ Hoặc được pháp nhan không chướng ngại.
Nói xong, Phật dạy Tôn Giả A Nan: Ông có thấu hiểu những gì Thuần Chân Đà La đã hỏi không?
Tôn Giả A Nan thưa: Con thấu đạt đầy đủ. Pháp ấy rất thích hợp, thích thú không gì bằng, thật vi diệu sâu xa. Đúng như đã nói trước đây, do đó mà hiểu rõ các pháp.
Tôn Giả A Nan bạch Phật: Pháp trước đây Phật đã giảng nói, hôm nay nghe lại thì có thể hiểu rõ ràng. Con là Thanh Văn, nghe còn hiểu rõ pháp ấy, huống chi là Bồ Tát có trí tuệ vô cực, tâm như biển lớn dung chứa tất cả.
Trí tuệ của các vị ấy sâu rộng, bao quát tất cả mọi nơi, thâu nhiếp các pháp, là vật báu trong các báu, làm người thay thế cho chúng sinh không ai thay thế. Nếu quán sâu vào tuệ của Bồ Tát ấy thì không có gì lường được.
Tôn Giả A Nan lại thưa Phật: Sau này ai nghe pháp ấy sẽ được hướng đến ánh sáng của pháp. Ánh sáng từ một lỗ chân lông của Như Lai còn che lấp ánh sáng của tam thiên đại thiên mặt trời, mặt trăng, vậy mà ánh sáng từ chân lông toàn thân của Như Lai không bằng ánh sáng của pháp này.
Chắc chắn không có gì vượt qua được.
Vì sao?
Vì ánh sáng ấy từ trí tuệ mà có. Ánh sáng pháp biết tất cả chúng sinh, cho nên pháp ấy là tối tôn không gì che lấp được. Đời sau ai nghe pháp này đều được có ánh sáng trí tuệ. Nghe rồi, thọ trì, đọc tụng, dạy bảo người nương vào trí pháp ấy thì không lìa Bồ Tát vì có tất cả. Lấy bi vô cực làm đại hoằng thệ nguyện. Lấy từ làm áo giáp để thu phục chúng ma, dần dần đến gần dưới cây Phật.
Tôn Giả A Nan thưa: Con nhờ oai thần của Phật mà giữ gìn pháp ấy.
Nếu đọc tụng thuộc lòng và giảng nói rộng rãi cho tất cả chúng sinh thì phước ấy như thế nào?
Phật dạy: Nếu có người đem bảy báu đặt đầy cả tam thiên đại thiên thế giới để cúng dường cho các bậc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, lên đến Đức Phật, chỗ tạo công đức ấy trải qua một ngàn năm.
Phật hỏi Tôn Giả A Nan: Phước ấy có nhiều không?
Tôn Giả A Nan thưa: Rất nhiều, rất nhiều! Kính bạch Thiên Trung Thiên.
Phật dạy: Mặc dù phước ấy rất nhiều nhưng không bằng người nam hay người nữ phụng hành hạnh Bồ Tát, đêm ngày ba lần tụng đọc, hoặc giảng nói những điều trong pháp kia. Công đức này vượt lên trên công đức trước, huống chi người nói pháp này.
Vì sao?
Vì Bồ Tát ấy lấy bốn việc trong Kinh giảng nói, giải thích ý nghĩa trong pháp ấy, cho nên gọi pháp thí là tối tôn trong các bố thí, đó là ân đức vô cùng cực. Pháp thí là sự hộ trì cùng cực.
Vì sao?
Vì ai nghe pháp ấy thì tâm không còn phiền não cấu bẩn và sẽ được giải thoát. Nếu đem tất cả của cải ra bố thí chẳng qua là để trưởng dưỡng sinh tử. Còn ai muốn vượt qua sinh tử thì nên đem pháp này để bố thí. Đó là theo lời dạy cách bố thí của Phật. Tất cả chúng sinh nhờ vào pháp thí mà được công đức.
Khi Bồ Tát bố thí được ba mươi hai điều.
Ba mươi hai điều ấy là gì?
1. Ý an ổn.
2. Việc làm an ổn.
3. Với hạnh được an ổn.
4. Ít ham muốn.
5. Bớt giận.
6. Bớt si.
7. Tự độ, lại độ người vượt qua sinh tử.
8. Được người yêu mến.
9. Được Chư Thiên khen ngợi.
10. Được Rồng, Dạ Xoa, Kiền Đà La ủng hộ.
11. Theo việc đã làm mà vượt từng phần.
12. Có được y, bát, thức ăn, giường chiếu, thuốc thang.
13. Tiếng tốt gần xa ai cũng biết, không bao giờ bị tà đạo làm hại.
14. Được Chư Phật khen ngợi, tu hành giữ gìn chánh pháp.
15. Nhờ đó mà đắc pháp thân, không sợ đường ác.
16. Đối với Chư Thiên và người không cho là khó.
17. Sinh nơi nào cũng không lìa các Phật Pháp.
18. Sinh nơi nào cũng biết được đời trước.
19. Sinh nơi nào cũng được yêu thương.
20. Thân đầy đủ các căn.
21. Được ba mươi hai tướng.
22. Đắc Đà La Ni, phá hoại ái dục.
23. Biết các nhân duyên, tự nuôi sống bằng thiền định.
24. Lấy đại tuệ tu sửa đường đạo.
25. Tối tăm mau sáng.
26. Tâm không nghĩ điều tà vạy.
27. Bố thí hơn trong thế tục.
28. Pháp tạng được theo ý muốn không cùng tận.
Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Con phụng hành, giữ gìn pháp này, sau khi Phật Bát Niết Bàn nếu có người ứng với pháp khí thì con sẽ ủng hộ để vị ấy được nghe pháp.
Vì sao?
Vì như công đức trong Kinh đã nói, nhờ công đức nên được vui vẻ.
Phật dạy: Lành thay, lành thay! Ở trước mặt ta, Thuần Chân Đà La đã nói mạnh mẽ như sư tử. Đời sau, ông nên bảo hộ pháp này. Nhờ công đức ấy, nếu A Tu Luân đem binh đến thì chúng không dám tấn công.
Vì sao?
Vì đây là pháp yếu không ai có thể đạt được. Nhưng ai muốn giữ gìn nó mà có chỗ lo sợ là vì chỗ hiểu biết chân chánh, nên đối với pháp không mong cầu, cho nên gọi là hộ trì họ.
Phạm Thiên bạch Phật: Nếu ở quận, huyện, thành ấp, xóm làng, có người nói pháp này, chúng con sẽ rời khỏi trụ xứ để đến ủng hộ.
Vì sao?
Vì Thanh Văn, Bích Chi Phật, Phạm, Thích đều nhờ pháp này mà được thành tựu.
Tứ Thiên Vương bạch Phật: Chúng con là đệ tử của Phật, sẽ phụng hành pháp này, sẽ ủng hộ để pháp này ton tại lâu dài.
Nếu bộ chúng của chúng con không tin Phật Pháp, hay trong loài Rồng, Dạ Xoa, Kiền Đà La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc có ai không tin thì con sẽ làm cho họ tin, rồi tùy theo tập tục bảo họ đều nói Chú:
Đa bệ án, bệ a lạp bệ loa, thiểu lạp bệ hưu, yến ma hưu yến y yến sách yến. A hòa đề duy việt đề ba lợi. Cái đa na ni, văn miết ba Ca Sa quân hòa, quân hòa đà.
Họ sẽ tin và quay về Phật Pháp. Ai có tâm tà, được tâm chân chánh.
Khi ấy, có Dạ Xoa không tự cao với sức của mình đều khen ngợi Phật và ủng hộ giáo pháp. Đây là điều Phật đã nói.
Tứ Thiên Vương nói: Nếu ai tìm lỗi người ấy thì không thể được.
Phật dạy Bồ Tát Di Lặc và Bồ Tát Đề Vô Ly: Ta đã tu hành đạo Bồ Tát từ A tăng kỳ kiếp, nay lấy pháp này mà giao phó cho các ông để được tồn tại lâu dài.
Bồ Tát Di Lặc nói với Bồ Tát Đề Vô Ly: Sau khi Phật Bát Niết Bàn, chúng ta sẽ hộ trì, giữ gìn pháp này, sẽ dạy bảo, nói rộng rãi cho mọi người. Đời sau, nếu Bồ Tát có công đức thì sẽ mau được quyển Kinh ấy. Chúng tôi sẽ giúp đỡ, ủng hộ hết lòng. Đời sau, ai được Kinh này ghi chép, tụng thuộc lòng đều được an lạc, nên biết rằng đó là do Bồ Tát Di Lặc và Đề Vô Ly đã ủng hộ.
Khi ấy trong hội, ma đến bạch Phật: Khi Phật nói pháp cho Thanh Văn, con không sợ sệt, không lo lắng. Nay Ngài nói dấu ấn của Bồ Tát trụ vào Như Lai, gần gũi đạo Bồ Tát, ủng hộ tất cả chúng sinh, nghe điều này con rất đau khổ, giống như già lại ốm yếu, như muốn ngã té. Cúi xin Như Lai hãy thương xót con.
Vì sao?
Vì nghe như vậy con rất đau buồn. Từ nay, xin Ngài đừng nói như vậy nữa.
Phật dạy: Này ma! Ngươi đừng khóc lóc, cũng đừng buồn đến như thế. Bạn ngươi còn rất nhiều, nếu ai không nghe pháp này, đó đều là bạn của ngươi. Còn những người tin thì ít lắm.
Phật lấy đất đặt trên móng tay: Nếu có người tin hướng về pháp này thì số người ấy ít như đất trên móng tay. Số người không tin nhiều như đất trên cả mặt đất. Số đất này nhiều vô số. Số người không tin ấy đều là bạn của ngươi. Do đó ngươi nên vui vẻ.
Khi Đức Phật giảng nói pháp này, vô số người phát tâm vô thượng bồ đề, chín vạn hai ngàn Bồ Tát được pháp nhẫn vô sinh, tám vạn bốn ngàn người được đạo Tu Đà Hoàn, tám ngàn Tỳ Kheo được A La Hán.
Bấy giờ, tam thiên đại thiên đều chấn động đủ sáu cách, ánh sáng chiếu khắp mọi nơi, mưa hoa trời, đàn ca kỹ nhạc không đánh mà tự kêu.
Vô số hoa trời ở giữa hư không đều nói: Lành thay! lành thay! Ở Cõi Diêm Phù chúng ta lại thấy pháp luân chuyển như Đức Như Lai đã chuyển pháp luân ở Ba la nại được nhiều an ổn, không bằng hôm nay được nghe nói Kinh này, phước tăng lên gấp bội. Nếu có người thọ trì, đọc thuộc lòng Kinh này và giảng nói tức là đã ủng hộ, thọ trì pháp.
Bồ Tát Di Lặc, Đề Vô Ly và Tôn Giả A Nan thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp này đặt tên là gì?
Nên phụng hành thế nào?
Phật dạy: Pháp này tên là Thuần Chân Đà La Sở Vấn Chư Ba La Mật, giải chư pháp bảo phẩm.
Khi nói Kinh này xong, Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Đề Vô Ly, Tỳ Kheo Tăng, Chư Thiên, Người, Kiền Đà La, Quỷ Thần, Rồng… đều hoan hỷ, đến trước lay Phật, rồi lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba