Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh A Chi La

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH A CHI LA  

Tôi nghe như vậy!

Khi Đức Phật ở núi Kỳ Xà Quật, thành Vương Xá. Bấy giờ vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y, mang bát ra khỏi núi Kỳ Xà Quật, vào thành Vương Xá khất thực.

Bấy giờ, A Chi La Ca Diếp có chút việc đi ra khỏi thành Vương Xá, hướng về núi Kỳ Xà Quật, từ xa trông thấy Đức Phật, vội vàng đi đến, bạch Phật: Bạch Cù Đàm, tôi có điều muốn hỏi, Ngài có rảnh để giải đáp cho không?

Phật bảo Ca Diếp: Nay không phải là lúc để bàn luận. ta đang vào thành khất thực. Chờ khi trở về, ta sẽ nói cho ông nghe.

Đức Phật nói như vậy lần thứ hai.

Ca Diếp lại bạch lần thứ ba.

Bạch Cù Đàm, sao lại làm khó tôi!

Tại sao có sự khác biệt này?

Nay tôi có điều muốn hỏi, xin Ngài giải đáp cho.

Phật bảo A Chi La Ca Diếp: Vậy thì tùy ý ông hỏi.

A Chi La Ca Diếp bạch Phật: Bạch Cù Đàm, thế nào, khổ, lạc có phải do tự tác không?

Phật đáp: Nói khổ, lạc do tự tác, điều này ta không khẳng định.

Ca Diếp lại hỏi: Bạch Cù Đàm, thế nào khổ, lạc là do người khác làm ra chăng?

Phật bảo Ca Diếp: Nói khổ do ngưới khác làm ra, điều này ta cũng không khẳng định.

Ca Diếp lại hỏi: Khổ, lạc do tự mình và người khác làm ra chăng?

Phật bảo Ca Diếp: Nói khổ do tự mình và người khác làm ra, điều này ta cũng không khẳng định.

Ca Diếp lại hỏi: Bạch Cù Đàm, thế nào, khổ chẳng phải tự, chẳng phải tha, vô nhân tác chăng?

Phật bảo Ca Diếp: Khổ chẳng phải tự, chẳng phải tha, vô nhân tác, điều này ta cũng không khẳng định.

Ca Diếp hỏi: Bạch Cù Đàm, thế nào, tôi hỏi khổ tự tác chăng?

Ngài đáp không ký thuyết.

Tôi hỏi khổ tha tác, tự tha tác chăng?

Chẳng phải tự, tha, vô nhân tác chăng?

Ngài cũng đáp là không ký thuyết.

Vậy, nay không có cái khổ này chăng?

Phật bảo Ca Diếp: Chẳng phải không có cái khổ này, mà thật có cái khổ này.

Ca Diếp bạch Phật: Lành thay, bạch Cù Đàm! Ngài nói có cái khổ này. Vậy xin vì tôi Thuyết Pháp khiến cho tôi biết khổ, thấy khổ.

Phật bảo Ca Diếp: Nếu thọ tức là tự cảm thọ, thì ta mới có thể nói nói khổ do tự tạo. Nếu người khác thọ người khác tức là thọ giả, thì ta nói là tha tạo. Nhưng nếu nói thọ, vừa tự thọ vừa cái khác cảm thọ rồi mang lại khổ, như thế thì tự làm vừa do người khác làm, nhưng ta cũng chẳng nói như vậy.

Hoặc chẳng phải nhân tự, tha, mà là vô nhân sanh ra khổ, ta cũng chẳng nói như vậy. Như Lai thuyết pháp lìa hai bên này mà nói trung đạo.

Tức là: Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, nghĩa là duyên vô minh nên có hành,… cho đến thuần một khối khổ lớn. Nếu vô minh diệt thì hành diệt… cho đến thuần một khối khổ lớn bị diệt.

Phật nói Kinh này xong, A Chi La Ca Diếp liền lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.

Bấy giờ, A Chi La Ca Diếp thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thâm nhập pháp, vượt qua mọi hồ nghi, không do người khác mà biết, chẳng do người khác độ thoát, đối với chánh pháp luật, tâm được không sợ hãi.

Ca Diếp chắp tay bạch Phật: Thế Tôn, nay con đã được Phật hóa độ, từ hôm nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời làm Ưu Bà Tắc, xin Ngài chứng tri cho con.

A Chi La Ca Diếp nghe Phật dạy xong, vui mừng, hài lòng làm lễ mà đi. A Chi La Ca Diếp sau khi từ giã Phật đi không lâu, thì bị một con nghé đực húc chết. Lúc mạng chung, các căn thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng.

Bấy giờ, Thế Tôn vào thành khất thực. Lúc ấy cũng có nhiều Tỳ Kheo vào thành Vương Xá khất thực, nghe đồn A Chi La Ca Diếp được nghe pháp từ Thế Tôn.

Sau khi từ giã Phật chẳng bao lâu bị một con nghé đực húc chết, khi mạng chung các căn thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng.

Các Tỳ Kheo khất thực xong trở về, thu cất y bát, rửa chân, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, sáng sớm nay nhiều Tỳ Kheo vào thành khất thực, nghe chuyện A Chi La Ca Diếp, sau khi được nghe pháp luật, ra về chẳng bao lâu bị tai nạn một con nghé đực húc chết. Lúc từ trần các căn thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng.

Bạch Thế Tôn, A Chi La Ca Diếp sanh vào loài nào, thọ sanh nơi đâu và có sở đắc gì?

Phật bảo các Tỳ Kheo: Ông ấy đã thấy pháp, biết pháp và thứ pháp, không còn chấp thủ nơi pháp, đã đạt đến Bát Niết Bàn. Các ông nên đến cúng dường thân A Chi La Ca Diếp. Bấy giờ, Đức Thế Tôn thọ ký A Chi La Ca Diếp bậc nhất.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường