Phật Thuyết Kinh Thuận Quyền Phương Tiện - Phẩm Bốn - Phẩm Tên Gọi Giả - Tập Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
THUẬN QUYỀN PHƯƠNG TIỆN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM BỐN
PHẨM TÊN GỌI GIẢ
TẬP BA
Khi ấy, có một vị Bồ Tát tên là Thí Chúng Dữ Pháp biết rõ suy nghĩ của Tôn Giả Tu Bồ Đề, liền đi đến chỗ của Tôn Giả, cúi đầu đảnh lễ ngang chân rồi thưa: Thưa Tôn Giả! Hãy cúng dường những thức ăn ấy cho tôi, để khiến cho người được dốc lòng kính tin không còn tranh cãi.
Tôn Giả Tu Bồ Đề nói: Thưa Nhân Giả! Nhân Giả có giữ gìn giới luật không?
Bồ Tát Thí Chúng Dữ Pháp đáp: Thưa Tôn Giả! Tất cả các pháp đều không có sự thọ giới, cho nên không có sự giữ gìn, cũng không có sự phạm giới.
Lại nữa, thưa Tôn Giả! Tôi hay sát sinh, không thích bố thí, quen làm tà dâm, thường hay vọng ngữ, lại nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung dữ, nói lời thêu dệt, luôn luôn giận dữ, tham lam, ganh ghét và thường rơi vào tà kiến.
Vì sao?
Nếu có sự tạo tác thì đều là phạm giới, hoàn toàn không có sự thực hành đó mới là bình đẳng.
Khi ấy Tôn Giả Tu Bồ Đề suy nghĩ: Nghe những lời nói thì biết, chắc chắn vị này là Bồ Tát đạt tâm không thoái chuyển. Ta nên thưa hỏi vị này.
Nghĩ xong, Tôn Giả Tu Bồ Đề thưa: Thưa Nhân Giả! Tôi xin cúng dường Nhân Giả những thức ăn này.
Thưa Nhân Giả! Nếu không dốc lòng tin cúng dường thức ăn này, tôi có bị sinh vào đường ác hay không?
Lúc đó, cúng dường thức ăn xong, Tôn Giả Tu Bồ Đề ngồi ở phía sau, nghỉ ngơi yên tĩnh đến trưa xế mới đi đến chỗ Đức Phật.
Đến nơi, Tôn Giả đảnh lễ nơi chân Phật, đem những pháp đã nghe được từ cô gái để thưa lên Đức Phật.
Phật nói: Này Tu Bồ Đề! Ông đã hiểu rõ đầy đủ, ông nên đảnh lễ Bồ Tát ấy.
Tôn Giả Tu Bồ Đề thưa: Thưa Thế Tôn! Con von không biết rõ.
Đức Phật nói: Có Bồ Tát tên là Chuyển Nữ, dùng phương tiện thiện xảo ấy để giáo hóa chúng sinh. Giả sử trong nước Ma Kiệt Đà có các xe lớn, mỗi xe chở được trăm ngàn đấu hạt cải, số hạt cải được chở đầy trong tất cả các xe ấy còn có thể đếm biết được bao nhiêu.
Còn Bồ Tát này dùng phương tiện thiện xảo khuyên theo dục lạc, ở cõi Ta Bà giáo hóa chúng sinh chuyển thành thân nữ, khiến cho những người phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng nhiều không thể tính kể, khiến cho những người được sinh lên Cõi Trời, người cũng nhiều không thể biết số lượng.
Khi ấy, cô gái cùng với năm trăm cô gái ra khỏi thành Vương Xá, đến núi Kỳ Xà Quật, chỗ của Đức Phật.
Từ xa nhìn thấy các cô gái ấy đang đến, Đức Phật nói với Tôn Giả Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Ông có thấy năm trăm cô gái đang cùng nhau đến đây không?
Tôn Giả Tu Bồ Đề thưa: Bạch The Tôn! Con đã thấy.
Năm trăm cô gái vừa đến nơi, Tôn Giả Tu Bồ Đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy nghinh đón và chắp tay đảnh lễ. Các cô gái đảnh lễ ngang chân Phật, đi nhiễu quanh bên phải Ngài ba vòng rồi đứng qua một ben.
Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề: Thưa Tôn Giả! Tôn Giả đã đạt pháp gì của Thánh Hiền, sao lại làm việc chẳng có ý nghĩa Thánh Hiền, lại nghinh đón và đảnh lễ những người nữ ấy?
Cô gái liền thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất: Thưa Tôn Giả! Theo Tôn Giả thì thế nào là Bậc Thánh Hiền ở đời và ai chẳng phải là Thánh Hiền mà Tôn Giả lại nói ra những lời không có ý nghĩa như thế?
Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Cô có thể biết được ai là Thánh Hiền, ai chẳng phải là Thánh Hiền hay sao?
Cô gái đáp: Thánh Hiền hay chẳng phải Thánh Hiền, tôi đều biết rõ.
Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi: Nghĩa là thế nào?
Cô gái nói: Thưa Tôn Giả! Người không đoạn trừ lời dạy của Bậc Thánh Hiền, không trái với Phật, Pháp, Tăng, đó là Thánh Hiền. Khởi tâm Từ bi, khiến cho những người không phải Thánh Hiền đều được tu hành và giải thoát, đó là bậc Thanh hiền.
Lại nữa, thưa Tôn Giả! Nếu có người nữ trang sức nhiều vật báu nơi thân, mặc y phục thanh tịnh, đeo nhiều ngọc quý, thân xông ướp hương thơm, xoa nhiều loại hương…
Có thói quen an hưởng vui vẻ theo năm dục lạc nhưng không làm trái và từ bỏ tâm nhất thiết trí, người nữ ấy chính là Bậc Thánh Hiền, hơn hẳn các bậc Thanh Văn đạt tám thiền giải thoát, là tám pháp môn tịch tĩnh, lại vượt trội cả các La Hán thường an trú trong định tĩnh.
Cho nên, thưa Tôn Giả! Tôi sẽ vì Tôn Giả dẫn ra ví dụ để nói rõ ý nghĩa trên.
Nếu thủy tinh được đựng trong đồ dùng bằng lưu ly và ngọc lưu ly được đựng trong đồ dùng bằng gỗ, sành thì loại nào quý hơn?
Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Ngọc minh châu dù đựng trong đồ dùng bằng gỗ, sành vẫn quý hơn thủy tinh đựng trong đồ dùng bằng ngọc lưu ly.
Cô gái nói: Cũng vậy, thưa Tôn Giả! Nếu có người nữ hưởng vui trong năm dục lạc, dùng tất cả những vật quý báu để trang sức nơi thân, tâm ý vẫn đứng vững trong nhất thiết trí, người nữ ấy thật đúng là Bậc Thánh Hiền, hơn hẳn bậc A La Hán đạt tám giải thoát, an trú trong thiền định tịch tĩnh.
Tôn Giả Xá Lợi Phất lại hỏi: Cô đã lập chí nguyện đại thừa rồi chăng?
Cô gái đáp: Bậc đại thừa không lập chí nguyện cũng không thoái lui.
Tôn Giả lại hỏi: Nếu đại thừa không lập chí nguyện cũng không thoái lui thì học tu đại thừa như thế nào?
Cô gái đáp: Thưa Tôn Giả! Mong cầu đại thừa thì không thể chấm dứt vô minh, cho đến không thể cầu đạo.
Vì sao?
Vì đại thừa là bình đẳng, đại thừa không cùng tận, nên vô minh cho đến già, bệnh, chết cũng đều không diệt tận. Pháp không sinh khởi cũng chẳng diệt tận, những gì có sinh thì chắc sẽ trở về diệt, những pháp không có sinh thì chẳng hề co diệt.
Thưa Tôn Giả! Nên hiểu rõ mười hai duyên khởi không sinh không diệt như vậy.
Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi cô gái: Chư Thiên và mọi người đều nên cúi đầu đảnh lễ huống gì là Tu Bồ Đề phải không?
Rồi Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Từ nay về sau không thể biết đúng tướng người.
Vì sao?
Vì hôm nay, cô gái này trang sức nơi thân bằng chuỗi ngọc báu mà có thể đạt được tài biện luận của Bậc Thánh cao vời như vậy.
Cô gái nói: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Biện tài có được chẳng phải nhờ trang sức bằng chuỗi ngọc báu.
Tôn Giả hỏi: Vậy thì nhờ đâu?
Cô gái đáp: Bồ Tát có tám loại chuỗi ngọc báu đẹp đẽ, các vị dùng những chuỗi ngọc ấy để trang nghiêm nơi thân, tâm thanh tịnh như hư không, nhờ đó, Bồ Tát đạt được tài biện luận chân chánh không trở ngại.
Những gì là tám?
Đó là: Bồ Tát trang nghiêm tu tập không bỏ mất tâm bồ đề. Chí nguyện về đại thừa, không theo Tiểu Thừa nên thành tựu sự trang nghiêm. Sự trang nghiêm có tâm bình đẳng đối với chúng sinh. Không có tâm làm hại.
Sự trang nghiêm tinh tấn học rộng, không biết nhàm chán. Sự trang nghiêm thực hành theo những chánh pháp đã được nghe. Sự trang nghiêm thông hiểu sâu xa về pháp duyên khởi, hiểu rõ các căn của chúng sinh.
Sự trang nghiêm được Chư Phật kiến lập. Sự trang nghiêm giáo hóa các Bồ Tát. Đó là sự trang nghiêm để thực hành phương tiện thiện xảo.
Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất! Bồ Tát thực hành tám sự trang nghiêm này mới đạt được tài biện luận không gì trở ngại, giáo hóa tất cả những chúng sinh ngu tối trong năm đường.
Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Cô gái này qua đời ở Cõi Phật nào mà sinh vào cõi nước này?
Cô gái liền hóa ra một người con gái khác cũng rất xinh đẹp, đoan trang, rồi hỏi Tôn Giả Xá Lợi Phất: Thưa Tôn Giả! Xin hỏi Tôn Giả cô gái này qua đời từ nơi nào mà sinh đến nơi đây?
Tôn Giả Xá Lợi Phất đáp: Đây là cô gái được biến hóa ra, người được biến hóa ra thì tự nhiên hiện hóa, không diệt, không sinh.
Cô gái nói: Đúng thế, thưa Tôn Giả! Tất cả các pháp đều là tướng huyễn hóa tự nhiên, cũng nhờ vậy mà Đức Như Lai mới thành Bậc Tối Chánh Giác. Nếu hiểu rõ tất cả các pháp đều là tướng huyễn hóa tự nhiên thì không có sinh cũng chẳng có diệt, người có trí tuệ như hư không như vậy thì không nên hỏi tôi từ đâu sinh đến hay qua đời từ chỗ nào.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với Tôn Giả Xá Lợi Phất: Này Tôn Giả Xá Lợi Phất! Đây là Bồ Tát Chuyển Nữ, từ Thế Giới Diệu Lạc, chỗ của Đức Phật A Súc, qua đời rồi sinh vào nước này. Từ trước đến nay, Bồ Tát Chuyển Nữ này đã giáo hóa cho vô số chúng sinh nhiều không thể tính kể và đều khien cho họ phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Khi ấy, Bồ Tát Chuyển Nữ, bằng thân cô gái ấy, đến trước Đức Phật cúi đầu đảnh lễ nơi chân Phật, thưa: Thưa Thế Tôn! Con sẽ quỳ mãi dưới chân Thế Tôn và không đứng dậy nếu Thế Tôn không thọ ký đạo Chánh Chân Vô Thượng vào đời vị lai cho con, cho con được chuyển thân nữ thành thân nam.
Năm trăm cô gái cũng đồng đảnh lễ nơi chân Phật và thưa: Thưa Thế Tôn! Chúng con cũng sẽ quỳ mãi dưới chân Thế Tôn nếu Thế Tôn không thọ ký đạo chánh chân vô thượng cho chúng con và không cho chúng con được chuyển thân nữ thành thân nam.
Khi ấy, Đức Phật mỉm cười. Theo pháp thường, khi Chư Phật mỉm cười là tự nhiên ứng với điềm lành. Từ miệng Đức Phật, vô số ánh sáng đủ màu sắc như xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, hồng, tía… phóng ra chiếu khắp vô lượng các Cõi Phật ở mười phương rồi trở lại chiếu sáng quanh bên phải Phật ba vòng và nhập vào đỉnh đầu.
Bấy giờ, Tôn Giả A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai bên phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay thưa: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Thế Tôn mỉm cười, mỉm cười với ý nghĩa gì?
Đức Phật hỏi: Này Tôn Giả A Nan! Ông có thấy Bồ Tát Chuyển Nữ và năm trăm cô gái nhàm chán thân nữ đang đảnh lễ dưới chân ta hay không?
Tôn Giả A Nan thưa: Thưa Thế Tôn! Con đã thấy.
Đức Phật nói: Bồ Tát Chuyển Nữ này, trải qua vô số kiếp nữa, sẽ thành đạo Chánh Chân Vô Thượng, thành bậc Tối chánh giác, hiệu là Quang Minh Trùng Vương, sẽ thành Phật đạo.
Năm trăm cô gái này sẽ chuyển thành người nam, thường cùng nhau trong đại chúng năm trăm Bồ Tát, đạt được các pháp tổng trì, biện tài vô ngại, dùng nhiều chuỗi anh lạc biến hóa để trang nghiêm nơi thân, sẽ biến hóa ra thân trang sức đẹp đẽ để giáo hóa chúng sinh giống như Bồ Tát Chuyển Nữ, cũng sẽ theo học Đức Như Lai Quang Minh Trùng Vương. Đức Như Lai Quang Minh Trùng Vương sẽ thọ ký cho họ đạo Chánh Chân Vô Thượng.
Cõi nước của Phật Quang Minh Trùng Vương thịnh vượng thái bình, mùa màng bội thu, an vui, dân chúng, trời, người đông đảo, nhà cửa, cung điện, thực phẩm ăn uống tự nhiên đầy đủ, người được hóa sinh như ở Cõi Trời Đâu Suất.
Cõi Phật ấy không có tên gọi về người nữ huống nữa là có hình dáng người nữ. Các Bồ Tát đều hóa sinh, tự nhiên ngồi trên tòa sen bằng bảy báu thanh tịnh, tu hành phạm hạnh và dùng tám pháp để trang nghiêm nơi thân.
Khi ấy, Bồ Tát Chuyển Nữ và năm trăm cô gái nghe Đức Phật thọ ký thì vô cùng hoan hỷ, liền bay lên hư không cách mặt đất bảy nhận, tất cả tự nhiên chuyển thành thân đồng nam chừng mười hai tuổi, từ hư không xuống, đảnh lễ nơi chân Phật. Được Đức Phật lấy tay xoa đầu, tất ca họ đều đạt tam muội Phổ minh.
Bấy giờ, Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Hãy thọ trì, đọc tụng và vì người khác giảng nói Kinh này.
Tôn Giả A Nan nói: Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Chúng con xin thọ trì, giảng nói Kinh này.
Bach Thế Tôn! Kinh này tên là gì?
Chúng con làm thế nào để phụng trì danh hiệu ấy?
Đức Phật bảo: Này Tôn Giả A Nan! Kinh này tên là Thuận Quyền Phương Tiện Phẩm Chuyển Nữ Bồ Tát Sở Vấn Thọ Quyết, hãy nên theo đấy mà phụng trì.
Tôn Giả A Nan nói: Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
Đức Phật giảng nói Kinh này xong, Tôn Giả A Nan, Bồ Tát Chuyển Nữ và đại chúng năm trăm người, tất cả các vị Trời, Người, Càn Thát Bà, A Tu La… nghe Phật giảng nói, ai cũng đều vô cùng hoan hỷ, đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ma La Ca Cữu
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vô Lực
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Tám - Pháp Hội Hộ Quốc Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Như ý Bảo Châu
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Bảy