Phật Thuyết Kinh Thuận Quyền Phương Tiện - Phẩm Bốn - Phẩm Tên Gọi Giả - Tập Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
THUẬN QUYỀN PHƯƠNG TIỆN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM BỐN
PHẨM TÊN GỌI GIẢ
TẬP HAI
Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi: Này thiện nam! Vì sao nhất thiết trí là không thể suy lường mà cũng là tên gọi giả?
Đồng nam ấy đáp: Thưa Tôn Giả! Ánh sáng của nhất thiết trí chiếu khắp Cõi Phật, vậy thế nào là nhất thiết trí bao gồm Cõi Phật?
Thế nào là nhất thiết trí bao gồm nhất thiết trí?
Thế nào là ánh sáng trí chiếu soi tiêu trừ các cấu uế?
Thế nào là biểu hiện ý nghĩa?
Thế nào là trên?
The nào là lớn?
Thế nào là mắt nhìn thấy?
Thế nào là thọ trì khó khăn?
Thế nào là xả bỏ?
Thế nào là Tu Bồ Đề cúng dường Cõi Phật?
Thế nào là Cõi Phật là tên gọi giả, khác với những tên tương tự?
Thưa Tôn Giả! Giả sử nhất thiết trí là không thể suy lường, cũng là tên gọi giả.
Cũng vậy, các sắc tướng đều có tên gọi nhiều vô lượng, tên gọi của các sắc rất khó biết số lượng, thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể suy lường, các ấm, giới, nhập, bốn như ý túc, bốn tinh tấn chân chánh, bốn niệm xứ, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám Thánh đạo… cũng đều không thể suy lường, đều là các tên gọi giả. Tất cả các pháp cũng đều như vậy. Tất cả các Cõi Phật đều không thể suy lường, thảy đều là tên gọi giả.
Vậy, tên gọi thật là gì?
Thưa Tôn Giả! Vì thế, nên quan sát biết rằng tất cả các tên gọi đều không có tên.
Thưa Tôn Giả! Vì chúng nhờ vào tư tưởng mà tư tưởng thì không thật. Nếu gọi được tên cũng nhờ vào tư tưởng mới có được ngôn từ, mà tất cả các ngôn từ đều vốn là không.
Khi ấy, Tôn Giả Tu Bồ Đề nói với đồng nam: Này thiện nam! Ngươi đã làm lợi ích cho tất cả các trưởng giả, Phạm chí và các Cư Sĩ tại thành Vương Xá đến nơi đây.
Vị đồng nam hỏi: Thưa Tôn Giả! Bậc Ứng Cúng là gì?
Tôn Giả Tu Bồ Đề nói: Theo sự hiểu biết của tôi, Ứng Cúng là người giữ gìn giới luật, tôn sùng theo chánh đạo, tâm định tĩnh không tán loạn… đó gọi là bậc Ứng Cúng ở đời.
Đồng nam nói: Thưa Tôn Giả! Nếu như lời Tôn Giả nói thì chưa phải là bậc Ứng Cúng chân chánh.
Vì sao?
Nếu khởi tâm đại từ bi đối với chúng sinh, không chấp giữ các chúng sinh, người và vật, như vậy mới là bậc Ứng Cúng ở đời. Không để gián đoạn ba ngôi quý báu Phật, Pháp, Thánh Chúng, đó gọi là bậc Ứng Cúng. Có thể diệt trừ tất cả những phiền não của chúng sinh, đó gọi là bậc Ứng Cúng.
Có trí tuệ vô lượng, không cùng không tận, đó là bậc Ứng Cúng. Có công đức vô cùng, biện tài vô tận, kho tàng chánh pháp vô biên, đó là bậc Ứng Cúng. Đối với các phàm phu hay Thánh Hiền đều không có tâm phân biệt, đó là bậc Ứng Cúng.
Rồi vị ấy lại nói: Người mà chúng sinh nhìn thấy liền đạt trí tuệ thanh tịnh và lập tức diệt trừ ba điều cấu uế tham, sân, si, đó là bậc Ứng Cúng.
Bấy giờ, Chư Thiên thường theo hộ vệ Tôn Giả Tu Bồ Đề vô cùng hoan hỷ được phụng sự Tôn Giả, nghe giảng nói về bậc Ứng Cúng, tất cả các vị dốc lòng phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng, phát tâm xong, tất cả đều cúi đầu đảnh lễ ngang chân Tôn Giả Tu Bồ Đề, tự trách mình và xin sám hối với Tôn Giả.
Vị đồng nam hỏi các Thiên Tử: Hôm nay, vì sao các vị lại sám hối Tôn Giả Tu Bồ Đề?
Chư Thiên đáp: Này thiện nam! Chúng tôi theo hộ vệ Tôn Giả Tu Bồ Đề đến nay đã được mười hai năm, nhưng chưa bao giờ được nghe giảng nói thế nào là bậc Ứng Cúng. Hôm nay, được nghe pháp này, chúng tôi phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng.
Vì vậy, chúng tôi nghĩ: Nếu ở nơi nào mà chúng tôi được nghe nhận Kinh Pháp như vậy, chúng tôi cũng sẽ nương vào Bậc Ứng Cúng ấy để nghe hạnh thanh tịnh thì khi ấy, chúng tôi sẽ hộ vệ các Bồ Tát để nương về đạo pháp.
Khi ấy, để khuyến khích sự phát tâm đạo của các Thiên Tử, Tôn Giả Tu Bồ Đề nói: Hôm nay, Chư Thiên các vị đã được lợi ích, tâm được thể nhập pháp vi diệu. Tôi cũng xin nói, tôi cũng không biết mình phải làm gì, tự mình làm nguy hại mình bị trái mất tâm đạo, đối với nhất thiết trí, tôi cũng chẳng được nghe nhận phần nào.
Pháp Phật đã được dạy như vậy, các vị hãy nên hiểu rõ. Nếu như hôm nay tôi chưa đạt được tâm giải thoát, chắc chắn tôi cũng nên phát tâm cầu đạo quả chánh chân vô thượng, bây giờ, tôi không biết phải làm gì. Cho nên, nếu Chư Thiên đã khen ngợi thì các vị hãy cung kính đảnh lễ, quy y và thân cận bậc chánh sĩ thiện tri thức như vậy, rồi nương theo vị ấy mà nghe pháp xưa nay chưa bao giờ được nghe.
Khi đó, vị đồng nam nói với Chư Thiên: Đạo chánh chân vô thượng rất khó đạt được, phải mặc được vô số áo giáp công đức mới đạt được pháp huyền diệu sâu xa.
Các Thiên Tử nói: Lại nữa, này thiện nam! Chư Phật Thế Tôn vốn ưa thích trí tuệ, chúng tôi phải có trí tuệ mới thực hành theo đạo chánh chân vô thượng ấy để đạt giải thoát.
Vị đồng nam hỏi: Các vị thực hành như thế nào?
Thực hành tâm bình đẳng đối với chúng sinh để cứu độ họ. Từ bỏ tất cả những gánh nặng triền cái, khiến họ được giải thoát và không bao giờ phải gặp những điều khổ vui.
Này thiện nam! Đó là sự thực hành.
Vị đồng nam lại hỏi Chư Thiên: Thực hành tâm bình đẳng đối với chúng sinh chẳng phải là nhân tưởng chấp có người khác đó chăng?
Chúng sinh vốn không có phiền não hay ngục tù nào trói buộc, cũng chẳng có giải thoát, không lệ thuộc năm ấm tức đã từ bỏ gánh nặng. Các chúng sinh vốn đầy đủ các công đức, không có vọng tưởng, muốn giáo hóa chúng sinh phải không có tâm chấp về ngã và người khác, tuy gặp khổ vui, tâm cũng không hề tăng giảm.
Chư Thiên và mọi người nghe vị đồng nam ấy giảng nói, tất cả liền đều đạt được pháp nhẫn vô sinh.
Khi ấy, Chư Thiên rải nhiều loại hoa để cúng dường vị đồng nam, hoa rải đầy khắp sân.
Tôn Giả Tu Bồ Đề nói với các vị trời, người: Các vị cũng nên theo chí nguyện giống như tôi, nếu không thể thực hành được như lời vị ấy giảng nói, khuyên các vị hãy thực hành pháp Thanh Văn.
Chư Thiên và mọi người nói: Thưa Tôn Giả! Theo lời của Thiện Nam ấy giảng nói thì có gì lầm lỗi, Tôn Giả nghĩ chúng tôi là hạng chúng sinh nào mà lại nói những lời thấp kém như vậy.
Vì sao?
Thưa Tôn Giả! Hôm nay đã được nghe pháp thù thắng rồi, chúng tôi không theo pháp Thanh Văn, Duyên Giác nữa. Giống như có người mong cầu chí nguyện vi diệu, khi đói khát chỉ ăn thức ăn ngon ngọt chứ không ăn các chất độc, cũng vậy, thưa Tôn Giả, chúng tôi đã được nghe pháp thù thắng vi diệu, pháp Bồ Tát sâu xa, huyền diệu như vậy thì pháp Thanh Văn, Duyên Giác không có lợi ích gì cho Phật đạo, cũng giống như các chất độc.
Lúc đó, vị đồng nam ấy trở lại làm thân người nữ xinh đẹp, đoan trang thù thắng bậc nhất, mọi người nhìn thấy đều được tâm thanh tịnh.
Cô gái thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề: Thưa Tôn Giả! Tôn Giả không cần phải đi khất thực nữa, tôi sẽ cúng dường Tôn Giả.
Nói xong, cô gái vào nhà bưng ra thức ăn ngon hảo hạng, thưa: Thưa Tôn Giả! Xin Tôn Giả nhận sự cúng dường của tôi, không nên ham muốn, cũng không xa lìa tâm ham muốn mới nên thọ thực. Không để tâm khởi sân, si, cũng không cùng chung với chúng, không nên từ bỏ phiền não, cũng không cùng chung với phiền não.
Thưa Tôn Giả! Nếu không đoạn trừ khổ, tập, không chứng diệt, không tu hành đạo, vẫn có thể nhận thức ăn này. Nếu không tu hành bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám Thánh đạo, Tôn Giả vẫn có thể nhận thức ăn này.
Nếu không diệt trừ vô minh, không chứng đắc các minh, nếu vẫn làm theo hành, thức, danh sắc, sáu nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hưu, sinh, già, bệnh, chết, khổ sở buồn rầu, các nhân duyên ấy hòa hợp hay không hòa hợp, Tôn Giả vẫn không chấp vào thức, vẫn diệt tận được các lậu, đạt tâm giải thoát, tất cả các danh và sắc đều không có hình tướng.
Vì đã vượt qua ba cõi, thoát khỏi sáu căn, hiểu rõ các hành là không, chí nguyện về pháp môn giải thoát, tập vốn không có chỗ nào sinh ra, không có vọng tưởng, không còn các thọ nhưng vẫn có đối tượng mong cầu, chưng đắc pháp môn giải thoát nhưng giảng nói tất cả đều không, không nhớ nghĩ.
Mong cầu đến ái dục, cũng không hề có sự sinh khởi, hiểu rõ sự sinh khởi, phân biệt rõ ràng về có, không. Già, chết… đều không, thấu đạt mười hai duyên khởi… cho nên, Tôn Giả nên thực hành khất thực như vậy.
Nếu Tôn Giả không tùy theo phàm phu cũng không cùng chung với hàng Thánh Hiền, các pháp đều bình đẳng không gián đoạn, Tôn Giả nên nhận sự cúng dường. Nếu không có sinh cũng không có diệt, thực hành về pháp không, bình đẳng đối với tham, sân, si cũng bình đẳng đối với pháp không, Tôn Giả nên nhận sự cúng dường.
Nếu không vượt khỏi phạm vi phàm phu cũng không ở trong cảnh giới Thánh Hiền, không sáng suốt cũng không tối tăm, không vượt qua sự sinh khởi, không sinh tử cũng không Niết Bàn, lời nói không thành thật cũng không hư dối, Tôn Giả nên nhận sự cúng dường.
Không diệt tận đối với các đối tượng diệt tận, không hợp, không tan, luôn thực hành thiền định tư duy, đối với chúng sinh, không bao giờ có tâm làm hại họ, thực hành tất cả các pháp mà không hề lệ thuộc, Tôn Giả nên nhận sự cúng dường vì Tôn Giả đã được xuất gia, đã đúng như pháp mà thành tựu pháp bố thí bình đẳng và hạnh nghiệp của bậc hữu học xuất gia, nhờ những pháp ấy mà được diệt độ, Tôn Giả nên nhận sự cúng dường.
Nếu thực hành các pháp không, không ý nghĩa, không tham dục đều thuận theo không, nhưng cũng không siêng năng thực hành pháp không như Đức Thế Tôn, Tôn Giả nên nhận sự cúng dường.
Nếu có ai khởi tưởng cho Tôn Giả là bậc Ứng Cúng, đó là người khinh dối, không thuận theo pháp của đức Đại Thánh, nếu cho rằng Tôn Giả chẳng phải là bậc Ứng Cúng cũng không hề hao tổn, tu hành theo ý nghĩa chánh pháp, không tiến không lùi, vì vậy, Tôn Giả nên nhận sự cúng dường.
Khi ấy, Tôn Giả Tu Bồ Đề duỗi cánh tay phải cúi đầu đảnh lễ cô gái rồi nói: Hôm nay, cô đã vì tôi nói lời chân thành, tôi sẽ thực hành theo. Như cô đã vì tôi nói những lời lẽ bình đẳng, theo những lời ấy, tôi sẽ nhận sự cúng dường theo pháp bình đẳng.
Cô gái liền đem thức ăn dâng cúng Tôn Giả rồi nói: Thưa Tôn Giả! Tôn Giả có thể theo pháp bình đẳng mà khất thực. Ở đời, có rất nhiều người tự cao tự đại, bỏ pháp bình đẳng, vì thế, họ sẽ bị đọa vào địa ngục, không thể thanh tịnh, dù họ có dốc lòng mà nhận sự cúng dường.
Khi ấy các vị trời hỏi cô gái: Làm thế nào để hiểu rõ các pháp mà thực hành theo?
Cô gái đáp: Ý các vị nghĩ sao?
Các vị có thể biết thân tôi là thân người nam hay không?
Vì sao tôi làm được như vậy?
Nhân duyên nguồn gốc là do đâu?
Chư Thiên đáp: Chúng tôi không thể biết.
Cô gái nói: Cũng vậy, này Chư Thiên! Người thường tu hành các pháp như huyễn thì họ giảng nói gì, ta không thể biết được, giống như nghe tiếng vọng.
Lại nữa, này Chư Thiên! Tất cả các pháp được diễn nói, hoặc giả hoặc thật, tùy theo chúng sinh, đều là nhưng pháp bình đẳng.
Vì sao?
Vì tất cả những lời lẽ, tên gọi đều là tự nhiên, đều vốn không thật có.
Khi giảng nói về pháp thực hành khất thực, có năm ngàn vị trời xa lìa trần cấu, đạt được pháp nhãn thanh tịnh.
Khi đó, cô gái thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề: Thưa Tôn Giả! Xin thỉnh Tôn Giả thọ thực xong rồi đến chỗ Đức Phật. Chúng tôi cũng đi đến đó để nghe pháp.
Tôn Giả Tu Bồ Đề nhận cúng dường xong, Tôn Giả ra khỏi thành Vương Xá, vì muốn được nghe pháp nên Tôn Giả rất hoan hỷ vui mừng, bước đi càng nhanh, Tôn Giả nghĩ: Ta đã nhận thực phẩm cúng dường này, giờ phải để ở đâu để cho người dốc lòng tin dâng cúng ấy không bị đọa vào tội lỗi và các tai nạn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Sa Di Thập Giới Nghi Tắc
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Nên Hành Trì, Không Nên Hành Trì - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp - Phẩm Một - Phẩm đại Chúng Vân Tập
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Vô Hành - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Nhất - Pháp Hội Tam Tụ Luật Nghi - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Hai - Phẩm Ubbarì - Chuyện Cuộn Chỉ Sutta