Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Ba - Kinh Phật Tự Thuyết - Chương Ba - Phẩm Nanda
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
TẬP BA
KINH PHẬT TỰ THUYẾT
CHƯƠNG BA
PHẨM NAN ĐÀ
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana trong khu vườn ông Anàthapindika.
Lúc bấy giờ, một Tỳ Kheo ngồi không xa Thế Tôn, ngồi kiết già, lưng thẳng, chịu đựng sự đau đớn, kết quả của nghiệp về trước, nhói đau, cực khổ, thống khổ, chánh niệm, tỉnh giác, không có sầu não.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Tỳ Kheo bỏ mọi nghiệp,
Tẩy sạch bụi làm trước,
An trú, không ngã sở,
Không cần nói với người.
Như vậy tôi nghe!
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàhapindika.
Lúc bấy giờ, Tôn Giả Nan Đà, em của Thế Tôn, con của người dì, nói như sau với nhiều Tỳ Kheo: Này các Hiền Giả, tôi sống phạm hạnh không có hoan hỷ, tôi không chịu nổi đời sống phạm hạnh.
Sau khi bỏ học tập, tôi sẽ hoàn tục!
Một Tỳ Kheo khác đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, vị Tỳ Kheo ấy bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, Tôn Giả Nan Đà, em của Thế Tôn, con của người dì, nói như sau: Tôi sẽ hoàn tục.
Rồi Thế Tôn bảo một Tỳ Kheo: Này Tỳ Kheo, hãy đi và nhân danh ta bảo Tỳ Kheo Nan Đà: Hiền Giả Nan Đà, bậc Ðạo Sư gọi Hiền Giả.
Thưa vâng, Bạch Thế Tôn.
Tỳ Kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn Giả Nan Đà, sau khi đến nói với Tôn Giả Nan Đà: Hiền Giả Nan Đà, bậc Ðạo Sư gọi Hiền Giả!
Thưa vâng, Hiền Giả.
Tôn Giả Nan Đà vâng đáp vị Tỳ Kheo ấy, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Thế Tôn nói với Tôn Giả Nan Đà đang ngồi một bên:
Có thật chăng này Nan Đà, thầy nói như sau với nhiều Tỳ Kheo: Này các Hiền Giả tôi sống phạm hạnh không có hoan hỷ tôi sẽ hoàn tục!
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Nhưng này, không hoan hỷ cái gì, thầy sống phạm hạnh, khiến thầy không chịu nổi sống phạm hạnh, từ bỏ học tập, thầy sẽ hoàn tục?
Bạch Thế Tôn, khi con từ bỏ gia đình, một Thích Ca nữ cô gái đẹp trong nước, với tóc chải mới nửa phần, ngó nhìn con và nói: Quý tử hãy về gấp!
Bạch Thế Tôn, vì con không thể quên nàng, nên con sống phạm hạnh không có hoan hỷ, con không có thể chịu nổi đời sống phạm hạnh, sau khi từ bỏ học tập, con sẽ hoàn tục.
Rồi Thế Tôn cầm tay Tôn Giả Nan Đà như người lực sĩ duỗi bàn tay dang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra, biến mất ở Jetavana, và hiện ra tại Cõi Trời Ba Mươi Ba.
Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Thiên Nữ đi đến để hầu hạ Thiên Chủ Sakka, và họ được gọi là có chân như chim bồ câu.
Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn Giả Nan Đà: Này Nan Đà, thầy có thấy năm trăm Thiên Nữ này, có chân như chim bồ câu không?
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Này Nan Đà, thầy nghĩ thế nào?
Ai đẹp đẽ hơn, hay ai đáng ưa nhìn hơn, hay ai khả ái hơn, Thích Ca nữ cô gái đẹp trong nước hay năm trăm Thiên Nữ có chân như chim bồ câu này?
Bạch Thế Tôn, ví như một con khỉ cái bị thương, tai mũi bị chặt đứt.
Cũng vậy là Thích Ca nữ cô gái đẹp trong nước, nếu đem so sánh với năm trăm Thiên Nữ có chân như chim bồ câu này, không thể ước lường so sánh, không bằng một phần nhỏ, không thể so sánh với chúng.
Năm trăm Thiên Nữ này đẹp hơn, dáng ưa nhìn hơn, khả ái hơn.
Hãy hoan hỷ, này Nan Đà!
Hãy hoan hỷ, này Nan Đà!
Ta đền cho thầy năm trăm Thiên Nữ có chân như chim bồ câu ấy!
Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đền cho con năm trăm Thiên Nữ có chân như chim bồ câu, thời bạch Thế Tôn, con sẽ sống hoan hỷ trong đời sống phạm hạnh.
Rồi Thế Tôn cầm cánh tay của Tôn Giả Nan Đà, như người lực sĩ đang duỗi ra, như vậy biến mất ở Chư Thiên Cõi Trời Ba Mươi Ba, hiện ra ở Jetavana.
Các Tỳ Kheo được nghe: Tôn Giả Nan Đà, em Thế Tôn, con của bà dì sống phạm hạnh vì mục đích Thiên Nữ. Họ nói Thế Tôn có hứa đền cho năm trăm Thiên Nữ với chân như chân chim bồ câu.
Rồi các Tỳ Kheo bạn của Tôn Giả Nan Đà, gọi Tôn Giả Nan Đà là người làm thuê, là người buôn bán: Tôn Giả Nan Đà là người làm thuê, Tôn Giả Nan Đà là người buôn bán.
Vì mục đích Thiên Nữ, Tôn Giả Nan Đà sống phạm hạnh.
Thế Tôn có hứa đền cho năm trăm Thiên Nữ có chân như chim bồ câu!
Rồi Tôn Giả Nan Đà, bị bực phiền, tủi nhục, chán ngấy, bởi bị gọi là người làm thuê, là người buôn bán, sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, tự tin, không bao lâu, do mục đích mà Thiện Nam Tử chân chánh xuất gia.
Từ bỏ gia đình, sống không gia đình vô thượng cứu cánh phạm hạnh ấy, ngay trong hiện tại vị ấy tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú.
Vị ấy rõ biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không trở lui trạng thái này nữa.
Tôn Giả Nan Đà đã trở thành một vị A La Hán.
Rồi một thiên nhân, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
Ðứng một bên, Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, Tôn Giả Nan Đà con trai của bà dì, do đoạn trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng tri chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát.
Trí khởi lên nơi Thế Tôn: Nan Đà, do đoạn trừ các lậu hoặc vô lậu tâm giải thoát.
Rồi Tôn Giả Nan Đà, sau khi đêm ấy đã mãn, đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên Tôn Giả Nan Đà bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có hứa đền cho con năm trăm Thiên Nữ với chân như chim bồ câu.
Bạch Thế Tôn, con xin giải tỏa cho Thế Tôn lời hứa đền ấy.
Này Nan Đà, với tâm của ta, ta rõ biết tâm của thầy: Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tuệ giải thoát.
Lại nữa một Thiên nhân có báo cho ta tin ấy: Bạch Thế Tôn, Tôn Giả Nan Đà tuệ giải thoát.
Vì rằng, này Nan Đà, tâm của thầy được giải thoát khỏi các lậu hoặc không còn chấp thủ, nên ta được giải thoát khỏi lời hứa này.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, chính trong lúc ấy, nó lên lời cảm hứng này:
Ai vượt khỏi bùn này,
Ðè bẹp gai của dục,
Ðạt được si đoạn diệt,
Vị Tỳ Kheo như vậy,
Không cảm thọ khổ lạc!
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anàthapindika.
Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Tỳ Kheo do Yasoja dẫn đầu, đã đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn.
Các Tỳ Kheo mới đến ấy, trong khi chào thăm các Tỳ Kheo sở tại, sắp đặt sàng tọa, sửa soạn y bát, gây tiếng ồn ào to lớn.
Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan Đà: Này A Nan Đà, tiếng ồn ào to lớn này là gì, như các người đánh cá cướp giật cá?
Bạch Thế Tôn, có năm trăm Tỳ Kheo này, dẫn đầu là Yasoja, đã đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Các Tỳ Kheo mới đến ấy gây nên tiếng ồn ào to lớn.
Này A Nan Đà, hãy nhân danh ta nói với các Tỳ Kheo ấy: Bậc Ðạo Sư gọi các Tôn Giả.
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn Giả A Nan Đà vâng đáp Thế Tôn, đi đến các Tỳ Kheo ấy, sau khi đến nói với các Tỳ Kheo ấy: Bậc Ðạo Sư gọi các Tôn Giả!
Thưa vâng, Hiền Giả.
Các Tỳ Kheo ấy vâng đáp Tôn Giả A Nan Đà, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo ấy đang ngồi một bên: Này các Tỳ Kheo, tiếng ồn ào to lớn này là gì, như các người đánh cá cướp giựt cá?
Tôn Giả Yasoja bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, có năm trăm Tỳ Kheo này đã đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn.
Các Tỳ Kheo mới đến này gây nên tiếng ồn ào to lớn.
Này các Tỳ Kheo, hãy đi đi!
Ta đuổi các thầy, các thầy không xứng đáng được sống gần ta!
Thưa vâng! Bạch Thế Tôn! Các Tỳ Kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân hữu hướng về Ngài, dọn dẹp, sàng tọa, cầm lấy y bát, đi đến dân chúng Vajjì, tiếp tục bộ hành giữa dân chúng Vajjì rồi đi đến con sông Vaggamudà. Sau khi đến, dựng lên chòi lá trên sông Vaggamudà, an cư mùa mưa tại chỗ ấy.
Rồi Tôn Giả Yasoja, sửa soạn an cư bảo các Tỳ Kheo: Thưa các Hiền Giả, Thế Tôn đuổi chúng ta, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng ta, vì khởi lên lòng từ mẫn đối với chúng ta.
Này Chư Hiền, chúng ta hãy sống cho thật đúng pháp, chúng ta sống như thế nào để Thế Tôn có thể hoan hỷ!
Thưa vâng, Hiền Giả.
Các Tỳ Kheo vâng đáp Tôn Giả Yasoja.
Rồi các Tỳ Kheo ấy sống viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, và trong thời gian an cư, tất cả đều giác ngộ ba minh.
Rồi Thế Tôn, sau khi ở tại Sàvatthi cho đến khi vừa ý, liền bộ hành đi đến Vesàli, tiếp tục bộ hành đến Vesàli. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Ðại Lâm, tại ngôi nhà có nóc nhọn.
Rồi Thế Tôn với tâm của mình tác ý đến tâm các Tỳ Kheo ở trên bờ sông Vaggumudà, gọi Tôn Giả A Nan Đà: Như có hào quang, này A Nan Đà, là phương này, như có ánh sáng, này A Nan Đà, là phương này. Tại phương ấy, các Tỳ Kheo đang sống trên bờ sông Vagumudà. Thật là không nhàm chán cho ta nếu được đi và tác ý đến phương ấy.
Này A Nan Đà, hãy gửi một sứ giả đến các Tỳ Kheo ở trên bờ sông Vaggumudà và nói:
Bậc Ðạo Sư cho gọi các Tôn Giả!
Bậc Ðạo Sư muốn gặp các Tôn Giả!
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn Giả A Nan Đà vâng đáp Thế Tôn, đi đến một Tỳ Kheo, sau khi đến, nói với Tỳ Kheo ấy: Hãy đi, này Hiền Giả, hãy đi đến các Tỳ Kheo ở trên bờ sông Vaggumudà.
Sau khi đến, nói với các Tỳ Kheo ấy như sau: Bậc Ðạo Sư cho gọi các Tôn Giả!
Thưa vâng, Hiền Giả.
Vị Tỳ Kheo ấy vâng đáp Tôn Giả A Nan Đà, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy vị ấy biến mất ở ngôi nhà có nóc nhọn tại Ðại Lâm, và hiện ra trước mắt các Tỳ Kheo ở trên bờ sông Vaggumudà.
Rồi Tỳ Kheo ấy nói với các Tỳ Kheo ở trên bờ sông Vaggumudà: Bậc Ðạo Sư gọi các Tôn Giả! Bậc Ðạo Sư muốn gặp các Tôn Giả.
Thưa vâng, Hiền Giả.
Các Tỳ Kheo ấy vâng đáp vị Tỳ Kheo ấy, sau khi dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát, ví như một nhà lực sĩ co lại bàn tay đang duỗi ra, cũng vậy các Tỳ Kheo ấy biến mất ở trên bờ sông Vaggumudà, và hiện ra ở Ðại Lâm, tại nhà có nóc nhọn, trước mặt Thế Tôn.
Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi trong thiền định bất động.
Các Tỳ Kheo ấy suy nghĩ: Nay Thế Tôn đang an trú trong loại an trú nào?
Rồi các Tỳ Kheo ấy suy nghĩ: Thế Tôn nay đang an trú trong loại an trú bất động.
Và tất cả các Tỳ Kheo ấy ngồi xuống trong định bất động.
Tôn Giả A Nan Đà khi đêm đã gần mãn, canh một đã gần qua, từ chỗ ngôi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn, và bạch Thế Tôn: Ðêm đã gần tàn, canh một đã gần qua.
Các Tỳ Kheo mới đến ngồi đã lâu.
Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy chào đón các Tỳ Kheo mới đến.
Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng.
Lần thứ hai, Tôn Giả A Nan Đà, sau khi đêm đã gần mãn, canh giữa đã gần qua, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và Bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn. Canh giữa đã gần qua. Các Tỳ Kheo mới đến ngồi đã lâu.
Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy chào đón các Tỳ Kheo mới đến.
Lần thứ hai, Thế Tôn giữ im lặng.
Lần thứ ba, Tôn Giả A Nan Đà, khi đêm đã gần mãn, canh cuối đã gần qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã có bộ mặt hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên, chắp tay hướng về Thế Tôn, và bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh cuối đã gần qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã có bộ mặt hoan hỷ, các Tỳ Kheo mới đến ngồi đã lâu Thế Tôn hãy chào đón các Tỳ Kheo mới đến!
Rồi Thế Tôn xuất khỏi định ấy bảo Tôn Giả A Nan Đà: Nếu thầy có hiểu biết, này A Nan Đà, thầy sẽ không nói như vậy.
Này A Nan Đà, ta và năm trăm Tỳ Kheo này tất cả đang nhập định bất động.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Ai đã thắng gai dục,
Nắng, gia hại, trói buộc,
Vị ấy đứng bất động,
Như núi vững an trú,
Vị Tỳ Kheo như vậy,
Lạc khổ không dao động.
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn Giả Sàriputta ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, đặt niệm trước mặt.
Thế Tôn thấy Tôn Giả Sàriputta ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, đặt niệm trước mặt, rồi sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
Như ngọn núi bằng đá,
Không động, khéo an trú,
Cũng vậy vị Tỳ Kheo,
Ðoạn diệt được ngu si,
Như ngọn núi bằng đá,
Không có bị dao động.
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika.
Lúc bấy giờ, Tôn Giả Maha Moggallàna ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, nội tâm khéo an trú thân hành niệm.
Thế Tôn thấy Tôn Giả Maha Moggallàna ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng nội tâm khéo an trú thân hành niệm.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Thân hành niệm an lập,
Sáu xúc xứ chế ngự,
Tỳ Kheo thường thiền định,
Tự chứng tri Niết Bàn.
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
Lúc bấy giờ, Tôn Giả Pilindavaccha, thường hay gọi Tỳ Kheo với danh từ bần tiện.
Rồi một số đông Tỳ Kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, các Tỳ Kheo ấy bạch Thế Tôn: Tôn Giả Pilindavaccha thường hay gọi các Tỳ Kheo với danh từ bần tiện.
Rồi Thế Tôn bảo một Tỳ Kheo: Hãy đi, này Tỳ Kheo, và nhân danh ta, bảo Tỳ Kheo Pilindavaccha: Này Hiền Giả, bậc Ðạo Sư gọi Hiền Giả!
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỳ Kheo ấy vâng đáp Thế Tôn đi đến Tôn Giả Pilindavaccha, sau khi đến nói với Pilindavaccha: Bậc Ðạo Sư gọi Hiền Giả!
Thưa vâng, Hiền Giả.
Tôn Giả Pilindavaccha vâng đáp Tỳ Kheo ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Thế Tôn nói với Tôn Giả Pilindavaccha đang ngồi một bên: Có thật chăng, này Vaccha.
Thầy thường gọi các Tỳ Kheo với danh từ bần tiện?
Thưa có, bạch Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn sau khi tác ý đến đời sống trước của Pilindavaccha, liền bảo các Tỳ Kheo: Này, các Tỳ Kheo, chớ có bực phiền với Tỳ Kheo Pilindavaccha.
Này các Tỳ Kheo, không phải vì trong lòng có sân hận mà Vaccha thường gọi các Tỳ Kheo với danh từ bần tiện.
Này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Vaccha trong năm trăm năm nối tiếp nhau đã sanh trong gia đình Bà La Môn.
danh từ bần tiện đã lâu ngay được chứa chấp trong vị ấy.
Do vậy, Vaccha thường gọi Tỳ Kheo với danh từ bần tiện.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
Trong ai không man trá,
Không mạn, tham đoạn tận,
Không ngã sở, không dục,
Phẫn nộ được trừ diệt,
Tự ngã thành mát lạnh
Vị ấy là Phạm chí,
Là Sa Môn Tỳ Kheo.
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
Lúc bấy giờ Tôn Giả Mahakassapa, trú ở hang Pipphali, ngồi một thế ngồi kiết già trong bảy ngày, sau khi nhập vào một loại thiền định.
Rồi Tôn Giả Mahakassapa, sau bảy ngày, xuất khỏi định ấy, Tôn Giả Mahakassapa, sau khi xuất khỏi định ấy, suy nghĩ như sau: Ta hãy đi vào Ràjagaha để khất thực!
Lúc bấy giờ năm trăm Chư Thiên đang cố gắng lo cho Tôn Giả Mahakassapa được đồ ăn khất thực.
Rồi Tôn Giả Mahakassapa sau khi khước từ năm trăm Thiên Nhân ấy, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Ràjagaha để khất thực.
Lúc bấy giờ, Thiên Chủ Sakka muốn cúng dường đồ ăn khất thực cho Tôn Giả Mahakassapa, hóa thân làm người thợ dệt đang dệt chỉ Sujàta, thiếu nữ Asura đang làm cho đầy cái thoi.
Rồi Tôn Giả Mahakassapa, sau khi đi từng nhà khất thực ở Ràjagaha, đi đến trú xứ của Thiên Chủ Sakka.
Thiên Chủ Sakka thấy Tôn Giả Mahakassapa từ xa đi đến, sau khi thấy, liền ra khỏi nhà, tiếp đón, lấy bát từ nơi tay cầm đem vào nhà, bới cơm từ nơi nồi, đựng đầy bát và đưa lại cho Tôn Giả Mahakassapa.
Ðồ ăn khất thực ấy gồm có nhiều loại canh, nhiều loại món ăn, nhiều loại gia vị, món ăn trộn lẫn với nhau.
Rồi Tôn Giả Mahakassapa suy nghĩ: Ai là chúng sanh này, lại có thần lực uy lực như vậy?
Rồi Tôn Giả Mahakassapa suy nghĩ: Chính là Thiên Chủ Sakka, sau khi biết vậy, nói với Thiên Chủ Sakka: Này Kosiya, chính Ông đã làm sự việc này.
Chớ làm như vậy nữa! Thưa Tôn Giả Kassapa, mục đích của chúng tôi là được phước.
Ðiều chúng tôi cần làm là được phước.
Rồi Thiên Chủ Sakka, sau khi đảnh lễ Tôn Giả Mahakassaspa, thân phía hữu hướng về Ngài, bay lên trên hư không, và ở giữa hư không nói lên ba lần cảm hứng:
Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kassapa!
Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kasapa!
Thế Tôn với Thiên Nhĩ thanh tịnh siêu nhân nghe giữa Hư Không Thiên Chủ Sakka nói lên ba lần lời cảm hứng:
Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kassapa!
Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kassapa!
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Vị Tỳ Kheo khất thực,
Tự sống không nhờ người,
Chư Thiên thương vị ấy,
Thường an tịnh chánh niệm.
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika.
Lúc bấy giờ, nhiều Tỳ Kheo sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, ngồi hội họp tại rạp tròn có cây kareri và câu chuyện sau đây được khởi lên: Tỳ Kheo đi khất thực, thưa các Hiền Giả, thỉnh thoảng mắt được thấy sắc khả ái, thỉnh thoảng tai được nghe tiếng khả ái, thỉnh thoảng mũi được ngửi hương khả ái, thỉnh thoảng lưỡi được nếm khả ái, thỉnh thoảng thân được cảm giác xúc khả ái.
Thưa các Hiền Giả, Tỳ Kheo khất thực được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính khi đi khất thực.
Vậy này Chư Hiền, chúng ta hãy là ngưòi đi khất thực, thỉnh thoảng, mắt chúng ta được thấy sắc khả ái, thỉnh thoảng tai chúng ta được nghe tiếng khả ái, thỉnh thoảng mũi chúng ta được ngửi hương khả ái, thỉnh thoảng lưỡi chúng ta được nếm vị khả ái, thỉnh thoảng thân chúng ta được cảm giác xúc khả ái.
Chúng ta cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính khi chúng ta sẽ đi khất thực.
Câu chuyện này giữa các Tỳ Kheo ấy chưa được nói xong, thì Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền định đứng dậy, đi đến rạp tròn có cây kareri, sau khi đến ngồi trên chỗ đã soạn sẵn.
Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo, này các Thày ngồi ở đây nói câu chuyện gì?
Và câu chuyện gì giữa các thầy chưa được nói xong?
Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sau bữa ăn, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi hội họp tại rạp tròn có cây kareri, và câu chuyện sau đây được khởi lên giữa chúng con: Tỳ Kheo đi khất thực, thưa các Hiền Giả, thỉnh thoảng mắt được thấy sắc khả ái chúng ta cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính, khi chúng ta sẽ đi khất thực.
Bạch Thế Tôn đây là câu chuyện giữa chúng con chưa được nói xong thì Thế Tôn đến.
Này các Tỳ Kheo, chuyện này thật không xứng đáng cho các thầy, là những Thiện Nam Tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, khi các thầy nói lên câu chuyện như vậy.
Khi các thầy ngồi hội họp với nhau, này các Tỳ Kheo, có hai công việc cần phải làm: Nói pháp hay giữ im lặng của Bậc Thánh!
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Vị Tỳ Kheo khất thực,
Tự sống không nhờ người,
Chư Thiên thương vị ấy,
Nhưng nếu Tỳ Kheo ấy,
Y tựa vào danh vọng,
Chư Thiên không có thương.
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika.
Lúc bấy giờ nhiều Tỳ Kheo như Kinh trên câu chuyện này khởi lên:
Này Chư Hiền, ai biết nghề gì?
Ai học tập nghề gì?
Nghề gì là tối thượng?
Ở đây, một số người nói như sau: Huấn luyện voi là nghề tối thượng.
Một số người nói như sau: Huấn luyện ngựa là nghề tối thượng.
Một số người nói như sau: Làm xe là nghề tối thượng.
Một số người nói như sau: Nghề bắn cung là nghề tối thượng.
Một số người nói như sau: Nghề đao kiếm là nghề tối thượng.
Một số người nói như sau: Nghề ấn hiệu là nghề tối thượng.
Một số người nói như sau: Nghề tính toán là nghề tối thượng.
Một số người nói như sau: Nghề ước lượng là nghề tối thượng.
Một số người nói như sau: Nghề viết bài là nghề tối thượng.
Một số người nói như sau: Nghề làm thơ là nghề tối thượng.
Một số người nói như sau: Nghề phỏng đoán các nguyên nhân tự nhiên là nghề tối thượng.
Một số người nói như sau: Nghề điều khiển bộ máy Quốc Gia là nghề tối thượng.
Ðây là câu chuyện xảy ra giữa chúng con chưa được nói xong.
Rồi Thế Tôn vào buổi chiều xem III, 8 chưa được nói xong.
Ở đây, bạch Thế Tôn khởi lên: Này Hiền Giả ai biết nghề gì nghề điều khiển bộ máy Quốc Gia là nghề tối thượng.
Bạch Thế Tôn đây là câu chuyện xảy ra giữa chúng con chưa được nói xong, thì Thế Tôn đã đến.
Này các Tỳ Kheo, chuyện này thật không xứng đáng cho các thầy khi các thầy ngồi hội họp với nhau, có hai công việc cần phải làm: Nói pháp hay giữ im lặng của Bậc Thánh.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Ai sống không nghề nghiệp,
Nhẹ nhàng, muốn lợi ích,
Các căn được chế ngự,
Toàn diện được giải thoát,
Không nhà, không ngã sở,
Không dục, giết ác ma,
Vị Tỳ Kheo như vậy,
Sống cô độc một mình.
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjara, dưới gốc cây Bồ Đề, khi mới thành Chánh Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày ngồi một thế ngồi kiết già, hưởng thọ giải thoát lạc.
Rồi Thế Tôn, sau bảy ngày ấy, từ định ấy xuất khởi, nhìn đời với Phật nhãn, thấy các chúng sanh bị thiêu đốt với nhiều loại thiêu đốt, bị nhiệt não bởi nhiều loại nhiệt não, bởi tham, bởi sân, bởi si.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Ðời này bị thiêu đốt,
Chi phần bởi cảm xúc,
Tự mình nói rõ lên,
Chứng bệnh của chính mình,
Bởi vì nó nghĩ đến,
Do đó bị đổi khác,
Bị đổi khác vi hữu,
Bị lệ thuộc vì hữu,
Ðời này hữu chi phối,
Lại hoan hỷ với hữu,
Khi nào có hoan hỷ,
Ở đấy có sợ hãi,
Với ai có sợ hãi,
Ðấy tức là đau khổ,
Chính do đoạn diệt hữu,
Phạm hạnh này được sống.
Những Sa Môn hay Bà La Môn nào đã tuyên bố rằng sự giải thoát khỏi hữu là do hữu. Ta nói rằng tất cả những vị ấy không giải thoát khỏi hữu.
Những Sa Môn hay những Bà La Môn nào đã tuyên bố rằng sự xuất ly khỏi hữu là do phi hữu, tất cả những vị ấy, ta tuyên bố rằng chúng không nương tựa nơi hữu.
Do duyên sanh y, khổ này được sanh khởi. Chính do đoạn diệt tất cả sanh y, khổ không có hiện hữu.
Hãy xem đời rộng này,
Bị vô minh chi phối,
Các sanh loại được sanh,
Ưa thích được sanh khởi,
Không thoát được sanh hữu.
Với ai đốt sanh hữu,
Tất cả mọi thời, xứ,
Tất cả sanh hữu này,
Vô thường khổ biến hoại,
Như vậy, thấy như thật,
Với chân chánh trí tuệ,
Hữu ái được đoạn tận,
Phi hữu ái hoan hỷ
Ðoạn diệt ái hoàn toàn,
Ly tham, diệt, hoàn toàn,
Như vậy là Niết Bàn,
Tỳ Kheo ấy mát lạnh,
Không chấp thủ tái sanh,
Nhiếp phục được Ma Vương,
Trận chiến đã chiến thắng,
Vị Tỳ Kheo như vậy,
Vượt qua mọi sanh hữu.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chuyển Luân - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Diệu Cát Tường Bình đẳng Tối Thượng Quán Môn đại Giáo Vương - Phần Mười
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Sakuludayi - Phần Sáu - Con đường Hành Trình Tứ Niệm Xứ
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Giới Gì
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Giận Dữ - Tập Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Tám Mươi Năm - Phẩm Tánh Không